Họp Ban Chỉ đạo Phòng chống lụt bão T.Ư để bàn các biện pháp ứng phó với bão số 4 trên biển Đông.
Chiều 28-11, tại Hà Nội, Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn – Trưởng Ban Chỉ đạo Phòng chống lụt bão T.Ư Cao Đức Phát chủ trì cuộc họp Ban Chỉ đạo Phòng chống lụt bão T.Ư bàn các biện pháp ứng phó với bão số 4 trên biển Đông có tên gọi quốc tế là Sinlaku.
Tại cuộc họp, các thành viên Ban Chỉ đạo cho rằng: Đây là cơn bão mạnh và có tốc độ di chuyển nhanh. Vì vậy, công tác trọng tâm được đưa ra tại cuộc họp là tiếp tục thông báo, kêu gọi và hướng dẫn các phương tiện, tàu thuyền trong khu vực nguy hiểm trên biển di chuyển tránh trú bão, nhất là 960 tàu, thuyền, với hơn chín nghìn lao động đang hoạt động giữa biển Đông bao gồm quần đảo Trường Sa.
Theo Trung tâm dự báo Khí tượng thủy văn T.Ư: Khu vực nguy hiểm trên biển được xác định từ vĩ độ 10 đến 15, kinh độ 115. Khu vực bão đổ bộ là các tỉnh từ Bình Định đến Khánh Hòa.
Khả năng bão sẽ đổ bộ vào đất liền khoảng trưa mai (ngày 29-11), nếu muộn hơn là vào đêm mai. Cường độ bão khi đổ bộ cấp 8, cấp 9 kèm theo gió lớn, mưa vừa đến mưa to.
Trưởng Ban Chỉ đạo Phòng chống lụt bão T.Ư, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Cao Đức Phát yêu cầu: các địa phương trong khu vực nguy hiểm phải hoàn thành công tác ứng phó bão trên biển trước 17 giờ chiều ngày mai 29-11. Các tỉnh Phú Yên, Bình Định, Khánh Hòa khẩn trương thực hiện lệnh cấm biển, bảo đảm an toàn tính mạng ngư dân và tàu thuyền vào neo đậu tránh trú bão.
Liên quan đến tàu đánh bắt cá ngừ đại dương của ngư dân tỉnh Phú Yên mang số hiệu PY 96182, với bảy lao động gặp nạn cách bờ biển Tuy Hòa của Phú Yên khoảng 116 hải lý về phía Đông, hiện tàu cứu hộ của Cảnh sát biển đã xuất phát, dự kiến 23 giờ đêm nay sẽ tiếp cận tàu gặp nạn để lai dắt vào bờ.
Tính đến chiều nay, bộ đội biên phòng tuyến biển các tỉnh, thành phố từ Đà Nẵng đến Cà Mau phối hợp chính quyền địa phương, gia đình chủ tàu thông báo, kiểm đếm hướng dẫn hơn 45 nghìn phương tiện với hơn 238 nghìn người biết diễn biến của bão để chủ động phòng tránh.
* Công điện số 31 về phòng chống bão số 4
Cũng ngay trong tối 28-11, Ban Chỉ đạo Phòng chống lụt bão T.Ư - Ủy ban Quốc gia Tìm kiếm Cứu nạn đã có Công điện số 31 gửi Ban Chỉ huy Phòng chống lụt bão và Tìm kiếm Cứu nạn các tỉnh, thành phố ven biển từ Quảng Nam đến Cà Mau và Kiên Giang và các tỉnh Tây Nguyên; các Bộ: Quốc phòng, Giao thông Vận tải, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Ngoại giao, Công thương yêu cầu triển khai các biện pháp đối phó với bão số 4.
Nội dung công điện nêu rõ: Bão số 4 là cơn bão có tốc độ di chuyển nhanh, diễn biến phức tạp, ảnh hưởng trực tiếp đến đất liền nước ta và có khả năng gây mưa to đến rất to. Để chủ động đối với bão, Ban Chỉ đạo Phòng chống lụt bão T.Ư - Ủy ban Quốc gia Tìm kiếm Cứu nạn yêu cầu Ban Chỉ huy Phòng chống lụt bão và Tìm kiếm Cứu nạn các tỉnh, thành phố và các Bộ, ngành:
1. Thực hiện nghiêm Công điện số 30 ngày 28-11 của Ban Chỉ đạo Phòng chống lụt bão Trung ương - Ủy ban Quốc gia Tìm kiếm Cứu nạn.
2. Kiên quyết tìm mọi biện pháp thông báo, hướng dẫn cho các chủ phương tiện đang hoạt động trên biển biết vị trí, hướng di chuyển và diễn biến của bão để vào bờ gần nhất hoặc thoát ra khỏi vùng nguy hiểm. Vùng nguy hiểm do ảnh hưởng của bão trong 24 giờ tới được xác định là vùng biển từ vĩ tuyến 10 đến vĩ tuyến 15 (vùng nguy hiểm trên sẽ được thay đổi tùy theo diễn biến của bão).
3. Các tỉnh ven biển từ Quảng Ngãi đến Bình Thuận: Kiểm soát chặt chẽ tàu thuyền hoạt động ở ven biển, vùng cửa sông; Căn cứ tình hình thực tế và diễn biến của bão để cấm tàu, thuyền hoạt động trên biển bao gồm: tàu khai thác thủy sản, du lịch, vận chuyển đặc biệt là các tàu nhỏ hoạt động ven bờ kể từ ngày mai (29-11); Tổ chức hướng dẫn, sắp xếp neo đậu tàu thuyền; Di chuyển và có biện pháp bảo đảm an toàn cho các lồng bè, khu nuôi trồng thủy sản.
4. Các tỉnh ven biển Trung Bộ và Tây Nguyên: rà soát, kiểm tra dân cư sống tại vùng ben biển, vùng cửa sông, vùng trũng, thấp, khu vực có nguy cơ ngập, lũ, lũ quét, sạt lở đất để chủ động sơ tán, di dời dân bảo đảm an toàn. Bố trí lực lượng kiểm soát giao thông tại các khu vực đường bị ngập, bến đò, đường ngầm để hướng dẫn người, phương tiện qua lại nhằm bảo đảm an toàn.
5. Các tỉnh cần kiên quyết chỉ đạo các biện pháp để đối phó với các tình huống của bão, mưa lũ sau bão có thể xảy ra, tránh tư tưởng chủ quan. Công tác đối phó bão phải hoàn thành trước 17 giờ chiều 29-11.
6. Kiểm soát việc vận hành các hồ chứa theo quy trình. Có phương án bảo đảm an toàn các hồ chứa, công trình đang thi công và hạ du các hồ chứa.
7. Bộ Ngoại giao tiếp tục thông báo và liên hệ với các nước liên quan hỗ trợ ngư dân tránh, trú bão khi có yêu cầu.
8. Ủy ban Quốc gia Tìm kiếm Cứu nạn chỉ đạo và bố trí sẵn sàng lực lượng, phương tiện cứu hộ khi có yêu cầu, đặc biệt là các tình huống lũ, lụt.
9. Tổ chức trực ban nghiêm túc, thường xuyên báo cáo về Ban Chỉ đạo Phòng chống lụt bão T.Ư và Ủy ban Quốc gia Tìm kiếm Cứu nạn.
Theo Báo ND
(HBĐT) - Cụm công nghiệp (CCN) Khoang U được huyện Lạc Sơn xác định là một trong những điểm nhấn phát triển công nghiệp, thu hút đầu tư vào huyện. Tuy nhiên, sau gần 5 năm thực hiện đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật, mới đây, UBND tỉnh đã có quyết định về việc chấm dứt hoạt động của dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh hạ tầng kỹ thuật CCN này do Công ty TNHH đầu tư và xây dựng thương mại Mỹ Phong làm chủ đầu tư.
(HBĐT) - Sau gần 8 năm thực hiện, đến nay, toàn tỉnh đã có 43/46 đơn vị xây dựng và áp dụng hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn TCVN ISO 9001-2008 vào hoạt động của cơ quan hành chính Nhà nước, góp phần tích cực nâng cao chất lượng của cải cách hành chính, cũng như hiệu quả hoạt động của cơ quan, đơn vị, cán bộ, công chức trong việc giải quyết công việc, thực hiện nhiệm vụ được giao.
(HBĐT) - Có dịp cùng cán bộ Hội LHPN tỉnh đi thăm các mô hình "5 không, 3 sạch" của các chi hội phụ nữ trong tỉnh, được chứng kiến sự đổi thay trên từng thửa ruộng, con đường, ngôi nhà, ngõ xóm và nét mặt rạng ngời của người dân... Sự đổi thay ấy là kết quả thiết thực từ CVĐ “Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch" của Hội LHPN tỉnh triển khai thực hiện từ năm 2009. Với sự triển khai quyết liệt, cách làm sáng tạo, phù hợp với thực tế, CVĐ đi vào đời sống có chất lượng, hiệu quả, trở thành dấu ấn của Hội cùng các địa phương xây dựng NTM.
(HBĐT) - Hòa Bình, cái nôi của nền văn hóa Mường nổi tiếng. Ngoài ra, các dân tộc khác như Tày, Thái… cũng lưu giữ những nét văn hóa độc đáo. Trong đó, nhà sàn được coi là không gian thiêng. Ở nhiều vùng trong tỉnh như Mai Châu, Đà Bắc, Tân Lạc, Lạc Sơn… còn lưu giữ được những nếp nhà sàn.
(HBĐT) - Ngày 20/11, tại huyện Lạc Thuỷ, Trung tâm thực nghiệm và bảo tồn vật nuôi (Viện Chăn nuôi) phối hợp với UBND huyện Lạc Thuỷ tổ chức hội thảo khoa học “Giới thiệu gà Lạc Thuỷ và nhu cầu phát triển”.
(HBĐT) - Từ 11h sáng ngày 7/11 xăng dầu trên toàn quốc tiếp tục được điều chỉnh giảm giá. Kể từ cuối tháng 7 đến nay, đây là lần liên tiếp thứ 9 loại mặt hàng này được giảm giá. Với mức giảm 950 đồng, giá bán lẻ xăng hiện chỉ còn 21.390 đồng/lít; dầu diezen giảm 520 đồng/lít, còn 19.240 đồng/lít; dầu hoả giảm 360 đồng/lít, chỉ còn 19.700 đồng/lít. Như vậy, đến nay, mặt hàng xăng đã giảm là 4.250 đồng/lít; dầu diezen giảm 3.580 đồng/lít, dầu hoả giảm 3.250 đồng/lít. Theo đó, mặt bằng giá xăng dầu trong nước đã giảm sâu nhất trong vòng 2 năm trở lại đây.