Người dân tham gia bơi, tắm kín đặc cả sông Đà, khu vực cầu Hòa Bình.
(HBĐT) - Đến thời điểm này, nước lũ từ thượng nguồn sông Đà đổ về đục đỏ, không ít trường hợp ra sông bơi, tắm bị thương do giẫm phải dị vật, có trường hợp cấp cứu do sốc nhiệt, chuột rút, mới đây lại có nạn nhân đuối nước… nhưng người dân vẫn ùn ùn ra sông ngụp lặn suốt dọc tuyến đê Đà Giang (thành phố Hoà Bình) bất chấp những rủi ro, hiểm hoạ có thể xảy đến và mưa lũ khôn lường.
Hùa theo trào lưu, phớt lờ cảnh báo!
Trào lưu bơi, tắm tại vùng hạ lưu đập thuỷ điện diễn ra suốt hơn một tháng nay đã thu hút hàng nghìn người dân đổ ra đây. Đặc biệt vào các buổi chiều, cả tuyến sông kéo dài vài Km này được bao trùm bởi màu áo phao vàng rực. Điều đáng nói là trong lúc này, thời tiết đã không còn oi bức, ngột ngạt để người dân xem bơi, tắm sông là nhu cầu “giải nhiệt”. Mưa lũ tại các tỉnh thượng nguồn sông Đà làm nước sông trở nên hung dữ, ngầu đục, không còn vẻ sạch trong nhưng người dân ở địa bàn các xã, phường vẫn nô nức ra sông bơi, tắm, mặc loa truyền thanh xã, phường ra rả phát đi những thông điệp cảnh báo, phòng tránh những tai nạn đuối nước.
Các hàng quán đã mọc lên ngay tại mép sông.
Theo đồng chí Lê Văn Thành, Chánh Văn phòng HĐND - UBND thành phố Hoà Bình, người tham gia tắm sông đa dạng, từ trẻ em, người già, HSSV… cán bộ, công chức làm việc các sở, ngành cũng không ngoại lệ. Không có quy định nào cấm việc người dân bơi, tắm ở sông, suối nhưng với mức độ ảnh hưởng ngày càng rầm rộ của trào lưu tắm sông sẽ khó kiểm soát an toàn cũng như phòng, tránh được những nguy cơ đuối nước, bị lũ cuốn trôi mùa mưa bão, nhất là hiện còn một phận người dân chủ quan biết bơi, bơi giỏi nên không mặc áo phao, cố tình bơi ở đoạn nước sâu. Hệ lụy của trào lưu bơi, tắm sông đã có, cụ thể là bị đuối nước như trường hợp anh Đặng Trung Kiên ở thị trấn Kỳ Sơn (Kỳ Sơn) khi đến tắm tại khu vực hạ lưu sông Đà, điểm tắm bãi cát xóm Miều, xã Trung Minh (thành phố Hoà Bình). Không ít trường hợp như anh T. A là cán bộ, công chức của một sở nọ trong quá trình bơi, tắm sông bị chuột rút, ngạt nước phải cấp cứu, điều trị 1 tuần tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh…
Cùng với gia tăng tình trạng người dân tắm, bơi lội tại khu vực đập hạ lưu không đảm bảo an toàn, hiện tượng xả rác bừa bãi gây mất vệ sinh và mỹ quan đô thị cũng đã nảy sinh phức tạp. Trong khoảng 1 tuần nay, tại các điểm người dân thường hay xuống tắm đã xuất hiện các điểm trông giữ xe do người dân tự ý mở ngay trên đường giao thông dọc đê Đà Giang. Sát mép sông – nơi người dân để thường để đồ, lội xuống tắm, bơi đã “mọc” lên hàng chục hàng quán dịch vụ, chủ yếu bán nước giải khát và đồ ăn nhanh như xúc xích, bánh mì, bim bim, bánh, kẹo phục vụ người bơi, tắm.
Cảnh giác với lũ sông Đà
Thực tế hiện nay, chỉ cần nhìn bằng mắt thường cũng thấy rõ mực nước sông Đà dâng cao hơn trước rất nhiều. Dự báo những ngày tới, mưa bão sẽ diễn biến phức tạp, nước lũ sẽ đổ về nhiều hơn, con sông trở nên hung dữ hơn bất cứ lúc nào. Để thực hiện tốt phương án phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn trên địa bàn, Ban chỉ huy PCTT & TKCN thành phố đã và đang đẩy mạnh phổ biến, tuyên truyền phòng, chống đuối nước, thực hiện nghiệm việc quản lý các ao, hồ, sông, suối, khuyến cáo người dân không tắm tại những vùng nguy hiểm không đảm bảo an toàn về tính mạng.
Sau khảo sát nắm bắt tình hình, thành phố đang gấp rút triển khai cắm các biển cảnh báo tại các điểm có thể gặp nguy hiểm đối với người dân khi đến tắm, bơi với nội dung “Khu vực nước sâu, không nên bơi lội”. Riêng bãi cát cồn thuộc điểm phường Thịnh Lang sẽ cắm biển “cấm tắm” bởi đây là vùng lún cát rất nguy hiểm. Đồng thời, giao Thành Đoàn phối hợp với các xã, phường ra quân làm vệ sinh môi trường, tranh thủ nhặt bơm, kim tiêm tại tuyến đê vào các ngày thứ bảy xanh - sạch - đẹp.
Đồng chí Phan Đình Hoà, Phó Giám đốc Công ty Thuỷ điện Hoà Bình cảnh báo: Hiện đang là mùa lũ, nước về hồ Hoà Bình diễn biến bất thường theo thời tiết. Mặt khác, khi Nhà máy tăng, giảm công suất máy phát theo yêu cầu huy động nguồn điện cho lưới điện quốc gia, lượng nước xả xuống hạ lưu có sự biến động về dòng chảy dẫn đến rất nguy hiểm cho bà con đang bơi, tắm. Cụ thể, nếu máy phát tăng từ 1 tổ máy lên hết công suất 8 tổ máy, lưu lượng nước xả xuống hạ lưu tăng từ 300 m3/s lên 2.400 m3/s, biên độ mực nước hạ lưu tương ứng sẽ tăng lên trên 4 m, tốc độ dòng chảy rất lớn khoảng 2 – 3 m/s, rất nguy hiểm đối với những người đang bơi, tắm trên sông.
Bùi Minh
(HBĐT)-Có hiệu lực thi hành từ ngày 15/5/ 2015, Quyết định số 09/2015/QĐ-TTg Thủ tướng Chính phủ ban hành Quy chế thực hiện cơ chế “một cửa”, cơ chế “một cửa liên thông” tại cơ quan hành chính Nhà nước ở địa phương quy định cụ thể về cơ chế “một cửa”, cơ chế “một cửa liên thông” và quy trình thực hiện; bộ phận tiếp nhận và trả kết quả; các nguyên tắc thực hiện cơ chế “một cửa”, cơ chế “một cửa liên thông”; cơ quan áp dụng cơ chế “một cửa”, cơ chế “một cửa liên thông”.
(HBĐT) - Sáng 3/7, Thành đoàn Hòa Bình, Điện lực thành phố phối hợp lắp đặt và bàn giao công trình “thắp sáng đường quê” tại xóm Thia, xã Yên Mông.
(HBĐT) - Theo thông tin từ Công an thị trấn Kỳ Sơn (Kỳ Sơn), khoảng 18 giờ ngày 3/7, anh Đặng Trung Kiên, sinh năm 1996, thường trú khu II, thị trấn Kỳ Sơn (Kỳ Sơn) trong quá trình tắm sông tại khu vực bến Cát, xã Trung Minh (thành phố Hoà Bình) đã bị đuối nước.
Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy Văn T.Ư, từ chiều tối và đêm nay, 4-7, Bắc Bộ có mưa rào và dông, có nơi mưa vừa, mưa to, trong cơn dông có khả năng xảy ra tố lốc, mưa đá và gió giật mạnh.
(HBĐT) - Sở NN & PTNT vừa có văn bản số 719/SNN – BTVT, ngày 3/7/2015 đề nghị UBND các huyện, thành phố khẩn trương thực hiện các giải pháp khắc phục hạn hán gây bất lợi cho sản xuất vụ mùa – hè thu.
(HBĐT) - Đợt nắng, nóng kỷ lục kéo dài ròng rã suốt cả tuần qua đã khiến đời sống sinh hoạt, sản xuất của người dân hứng chịu nhiều ảnh hưởng. Theo cơ quan Khí tượng Thuỷ văn, khu vực tỉnh ta là một trong những tỉnh, thành có nền nhiệt độ cao nhất, liên tục ở ngưỡng 39,5 – 40 độ C. So với đợt nắng, nóng hồi tháng 5, đợt nắng, nóng này khó chịu hơn bởi kèm theo đó là kiểu thời tiết hanh hao cực điểm.