Máy cấy mini của “kỹ sư” Nguyễn Thái Học đang thu hút sự quan tâm của nông dân
(HBĐT) - Họ là những “kỹ sư” nông dân không có điều kiện học lên cao nhưng từ thực tiễn sản xuất của chính mình đã tìm tòi, nghiên cứu, cải tiến khoa học kỹ thuật. Những sáng tạo của họ đã và đang được ứng dụng rộng rãi trong đời sống sản xuất, làm lợi cho gia đình, cộng đồng, góp phần không nhỏ cho công cuộc thực hiện cơ giới hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn.
Gặp ông Phạm Văn Cường ở khu 3, thị trấn Cao Phong, người vừa đoạt giải Nhì hội thi sáng tạo kỹ thuật cấp tỉnh lần thứ V (năm 2014 – 2015) với cải tiến xây bể chứa hình trụ phun thuốc BVTV cho cây ăn quả, chúng tôi được nghe ông kể lại ý tưởng bằng sự thích thú, hăng say. Trước đây, việc chăm sóc đối với trang trại cây ăn quả từ một đến vài ha rất vất vả, ông thường phải thuê hàng chục nhân công mới làm xuể việc. Khi phun thuốc BVTV để xử lý sâu bệnh hại cây trồng, ông vừa tự làm, vừa thuê người phun bằng bình, hiệu suất thấp, tiềm ẩn những nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe. Qua mày mò, thử nghiệm, ông đã nghĩ đến việc xây bể hình trụ thay vì xây bể hình vuông, sử dụng máy bơm động cơ cùng một số chi tiết cải tiến khác giúp bể pha thuốc đều, đúng liều lượng, không rò rỉ ra ngoài, giảm thiểu ô nhiễm môi trường. Đặc biệt là với việc phun áp lực cao, sử dụng các tuy ô dẫn, cải tiến của ông chỉ cần một người phun thuốc có thể đạt được hiệu suất gấp 10 lần phun bằng tay. Theo tính toán, cải tiến làm lợi cho bà con nông dân tiền tỷ chi phí mỗi vụ. Một số trang trại trồng cây ăn quả hiện đã ứng dụng cải tiến trên vào thực tiễn.
Xuất thân từ nông dân song hơn người khác là có dịp được đi thăm quan tìm hiểu thành tựu khoa học công nghệ ở tỉnh bạn, năm 2014, ông Nguyễn Thái Học ở phố Bưởi, xã Hạ Bì (Kim Bôi) sau một thời gian đã nghiên cứu cải tiến máy cấy xuất xứ nước ngoài vốn cồng kềnh thành máy cấy mini không những chất lượng tốt mà còn có thể cấy trên mọi địa hình đồng đất địa phương, giá thành lại giảm gấp nhiều lần, phù hợp với điều kiện kinh tế của bà con nông dân. Cải tiến quan trọng nhất mà ông Học đã thực hiện là tăng hàng sông (hàng cấy) từ 3 lên 4 hàng cấy cùng lúc. Thêm vào đó, các khớp, trục của máy được thay bằng vòng bi giúp tăng tuổi thọ động cơ và độ chính xác. Ngoài ra, bộ phận dịch chuyển của khay mạ cũng được thay thế bằng hệ thống bi treo giúp vận hành nhẹ nhàng hơn. Về cơ bản, máy cấy mini đảm bảo gọn nhẹ, một người vẫn có thể vận hành, năng suất cấy khoảng 1 sào/giờ, tương đương sức của 7 – 8 người cấy tay. Cuối năm 2015, sau một thời gian đưa vào khảo nghiệm, máy cấy mini đã được ông Học sản xuất hàng loạt, bình quân với 6 người làm, cơ sở của ông sản xuất 60 – 70 máy cấy/tháng. Các lô sản xuất của cơ sở ông đã cung ứng phục vụ bà con nông dân tỉnh bạn Hải Phòng, Thanh Hóa và các huyện Kim Bôi, Yên Thủy…
Một sáng tạo khác cũng thuộc về nông dân đó là sử dụng thảo dược phòng trị bệnh đường ruột và chế biến thức ăn lên men nhằm nâng cao hiệu quả nuôi chim cút. Y tưởng trên do nông dân Hà Văn Thành ở xã Tây Phong (Cao Phong) nghĩ ra và thử nghiệm thành công. Với nguyên, dược liệu sẵn có, dễ tìm, ông Thành dùng các loại cây diệp hạ châu, gừng, thầu dầu tía, cỏ sữa, tỏi và mật ong giã nát hòa nước với liều lượng thích hợp và trộn lẫn vào thức ăn chăn nuôi. Thức ăn của chim cút được ông sử dụng 100% phụ phẩm nông nghiệp như ngô, cám, đậu tương ủ lên men. Sau thực hiện, hiệu quả mang lại rõ rệt là đàn vật nuôi sinh trưởng phát triển nhanh, sản phẩm đưa ra thị trường là trứng và thịt chim cút sạch được người tiêu dùng lựa chọn.
Trong khoảng thời gian gần đây, đã có nhiều sản phẩm sáng tạo khoa học kỹ thuật khác của nông dân trong tỉnh được ứng dụng rộng rãi trong dân, có những cái là mới hoàn toàn, có những cái dựa trên cái cũ để cho ra đời thứ tốt hơn, khắc phục những nhược điểm. Có thể kể đến sáng tạo của nhóm nông dân trồng bưởi xóm Đại Đồng, xã Ngọc Lương (Yên Thủy) trong quá trình mua cây giống về, họ không đem trồng thẳng mà đưa cây vào bầu, làm các lống bầu để tiện chăm sóc bưởi ở năm thứ nhất. Nhờ cách này mà bà con có thể tranh thủ làm thêm vụ lạc, đậu tương trên đồng đất ở năm đầu, lại tiện cho việc bảo quản, chăm sóc cây bưởi trước khi trồng ngoài, giúp tăng hiệu quả sử dụng đất, sử dụng lao động. Tại xã Cao Sơn (Đà Bắc) cách đây khoảng 6 – 7 năm, nhóm nông dân xóm Nà Chiếu đã tự nghĩ ra giải pháp sử dụng ống nhựa gia công để đưa ngô từ trên núi về bản. Nhóm nông dân ở xã Mai Hạ (Mai Châu) mày mò gia công tấm tôn lắp vào gầm của máy làm đất nhỏ để khi tôn trượt trên bùn đất thì máy không bị chìm. Một sáng kiến khác cũng đáng chú ý của nhóm hộ trồng cây có múi thị trấn Cao Phong (Cao Phong). Cụ thể, bà con đã dựng cột bê tông, buộc dây dải lụa để đỡ cành, đỡ quả, nhờ đó mà việc thu hoạch quả dễ dàng thay vì trước đây phải cắm tay tre chi chít, vướng víu, lại không ảnh hưởng đến việc đi lại, thăm quan trong vườn…
Đồng chí Nguyễn Trường Phong, Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh cho rằng: bắt nguồn từ những trăn trở, tìm tòi nâng cao năng suất, giảm nặng nhọc mà nông dân đã nảy sinh ý tưởng và sáng tạo. Mong rằng những giải pháp, cải tiến của những “kỹ sư” nông dân này sẽ được phát hiện, biết đến nhiều hơn, đồng thời khích lệ họ đem những giải pháp, cải tiến của mình tham dự các cuộc thi, hội thi sáng tạo nhà nông nhằm khẳng định thêm lợi ích, tính ứng dụng, phổ biến và hiệu quả lan rộng.
Bùi Minh
(HBĐT) - Được nghe giới thiệu nhiều lần về cây sanh 800 năm tuổi ở xã Hợp Hòa (Lương Sơn), chúng tôi quyết định về Hợp Hòa để “mục sở thị” cây cổ thụ đã đi vào truyền thuyết, được công nhận là cây Di sản Việt Nam.
HBĐT) - Trong những năm qua, việc đầu tư, nâng cấp, cải tạo hệ thống lưới điện trên địa bàn tỉnh ta nhận được sự quan tâm chỉ đạo của UBND tỉnh và nỗ lực của ngành điện. Đồng thời làm giảm tổn thất điện năng, đáp ứng nhu cầu sử dụng điện phục vụ sản xuất, kinh doanh và sinh hoạt của nhân dân, từng bước nâng cao tỷ lệ hộ sử dụng điện an toàn và thúc đẩy phát triển KT- XH địa phương.
(HBĐT) - Hồi 20h 30’ ngày 30/1 đã xảy ra cháy tại nhà ông Bùi Văn Bền ở số 126, đường Phạm Hồng Thái, tổ 23, phường Hữu Nghị (thành phố Hòa Bình).
(HBĐT) - Lập thành tích chào mừng thành công Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ 12 và chào đón xuân mới Bính Thân 2016, ngày 31/1, Liên đoàn lao động tỉnh phối hợp với huyện Lạc Sơn nghiệm thu, bàn giao công trình cứng hóa đường GTNT xóm Lâm, xã Tuân Đạo.
(HBĐT) - Những năm qua, thực hiện tiêu chí số 8 về bưu điện, Sở Thông tin và Truyền thông thường xuyên phối hợp với các doanh nghiệp bưu chính, viễn thông tiến hành khảo sát đánh giá thực trạng điểm phục vụ bưu chính viễn thông và số xã có internet trên địa bàn tỉnh theo bộ tiêu chí quốc gia xây dựng NTM.
(HBĐT) - Ngày 28/1, Sở Tài nguyên và Môi trường tổ chức hội nghị triển khai nhiệm vụ công tác TN&MT năm 2016. Dự hội nghị có đồng chí Bùi Văn Khánh, UVTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh cùng lãnh đạo một số sở, ngành liên quan. Trong năm 2015, ngành TN&MT tỉnh đã thực hiện tốt nhiệm vụ được giao. Theo đó, việc quản lý sử dụng đất trên địa bàn toàn tỉnh đã dần đi vào nề nếp, ổn định. Công tác đo đạc bản đồ góp phần đẩy nhanh tiến độ cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Công tác thu hồi đất, giao đất đã được thực hiện dân chủ, công khai, đảm bảo tiến độ đề ra.