Dù cuộc sống còn nhiều khó khăn nhưng nụ cười đong đầy tình yêu thương của chị Thắm luôn dành cho Quý.
Món quà vô giá...
Lọt thỏm giữa dòng người đi lễ đền Chúa Thác Bờ là sạp hàng bán những sản vật địa phương của 2 mẹ con chị Lý Thị Thắm, nhà ở mãi tận xóm Thín, xã Vầy Nưa (Đà Bắc), cách đền Chúa Thác cả chục km. Dù đã 27 tuổi nhưng Quý, đứa con chị Thắm nhặt về nuôi từng ấy năm vẫn quặt quẹo như một cái cây héo nước. 27 tuổi, Lý Văn Quý cũng chẳng khác gì đứa trẻ vừa mới thôi nôi. Không tự ăn, không tự đi đứng, suốt ngày phải bế ẵm trên tay... Dẫu vậy, trong câu chuyện chúng tôi vẫn thấy Quý đến với gia đình chị Thắm như một món quà vô giá.
Ít ai biết được 27 năm trước, ở bìa rừng cách không xa khu dân cư xóm Thín, trong cái sọt lủng lẳng treo trên cành cây có một sinh linh khóc ngằn ngặt như cố sức giằng co với sự sống. Trong cái nắng đầu hạ oi nồng, lũ kiến bu chặt lấy thân thể chưa đầy 1 ngày tuổi kịp ăn mất một phần môi em... Bị chối bỏ ngay khi mới chào đời, nhưng tấm lòng nhân ái vô bờ của đôi vợ chồng trẻ Lý Thị Thắm và Lý Văn Suôn đã trả lại cho em cái "quyền được làm người”.
Ngày 18/4/1997 - ngày Quý được sinh ra và cũng là ngày em bị rũ bỏ, chị Lý Thị Thắm - mẹ nuôi của em rơm rớm nước mắt kể lại cái ngày định mệnh đó: Vừa đi làm nương về, nghe dân làng kháo nhau đâu đấy trong rừng có tiếng con trẻ khóc, tôi đứng ngồi không yên bèn bàn với chồng đi xem thực hư thế nào để đem về làm con nuôi. Được anh đồng tình, tôi cùng 3 người hàng xóm tức tốc vào rừng. Lúc đó khoảng hơn 12h. Mãi đến 17h chúng tôi mới tìm thấy cháu đang khóc ngằn ngặt trong một cái sọt cũ treo trên cành cây. Người cháu tím tái, dây rốn lòng thòng chưa cắt..., ruồi và kiến bu đầy sọt. Thoạt nhìn tôi thấy rùng mình, ngay sau đó thì thắt cả ruột gan vì thương xót. Bế cháu ra khỏi sọt tôi lấy con dao đi rừng giắt bên hông - con dao duy nhất chúng tôi có tự tay cắt dây rốn cho cháu, chúng tôi chôn con dao ngay tại rừng và mang cháu về nhà... Cũng may hồi đó con gái đầu lòng của chị Thắm mới 10 tháng tuổi nên đứa trẻ được nhặt về có sẵn sữa để bú. Điều làm chị ái ngại là không biết em có bú nổi không với phần môi bên phải đã bị kiến ăn sứt một góc khá to. Hơn nữa, trông em như không còn sức sau mười mấy tiếng đồng hồ bị phơi trong rừng với ruồi và kiến. Nhưng em bú ngon lành như một đứa trẻ khoẻ mạnh. Thân thể cũng dần lấy lại sắc tươi hồng non nớt của một đứa trẻ.
"Sợi dây” sinh tồn tưởng rằng quá mong manh nhưng vẫn đủ mạnh để kéo em về với sự sống...
Nỗi xót xa khôn cùng
Đứa trẻ được vợ chồng anh Suôn, chị Thắm nhặt về coi như đứa con mình dứt ruột đẻ ra. Anh chị đặt tên em là Lý Văn Quý và gửi gắm biết bao kỳ vọng. Chị Thắm nhỏ người, ít sữa, nên đứa con gái đầu lòng tên là Lý Thị Thu vừa mới 10 tháng tuổi đã phải cai sữa để nhường sữa cho em.
Chị Thắm tâm sự: Nhà hoàn cảnh nên khi nhận nuôi cháu Quý, vợ chồng tôi quyết định không đẻ nữa. Con nuôi hay con đẻ thì cũng là con mình, nhà có một gái, một trai là vừa đẹp. Lại thấy cháu Quý hồi phục nhanh, bú tốt, những tháng đầu phát triển bình thường, vợ chồng tôi mừng lắm và coi đó là phúc đức của 2 vợ chồng. Nghĩ cũng thương đứa chị, phải cai sữa sớm nên sau này bị còi xương, chậm lớn.
Nhưng thương cháu Thu một thì lại xót Quý trăm nghìn lần. Bởi dù cố công chăm sóc nhưng Quý vẫn chững lại, xuất hiện những dấu hiệu bất thường như báo hiệu một cuộc đời bất hạnh. Chị Thắm nhớ lại: Sau khi mang cháu về để chăm sóc, 2 tháng đầu Quý phát triển tốt, lên được 6kg. Nhưng sang những tháng tiếp theo thì chững hẳn. Hơn nữa lại xuất hiện triệu chứng bất thường như cổ ngoặn nghẹo, miệng hay chảy dãi, chân tay mềm oặt, thỉnh thoảng co quắp... Thấy lo, đến tháng thứ 9 chúng tôi đưa cháu vào viện khám, bác sỹ bảo "chỉ bị suy dinh dưỡng”, nếu bổ sung đủ dinh dưỡng sẽ cứng xương, cứng gân, tăng cân, khoẻ mạnh trở lại.
Xót con, cả nhà chị Thắm với 3 người kể cả cháu Thu mới hơn 1 tuổi cũng phải "ăn dông, ăn dài” để dồn tiền mua sữa và tẩm bổ cho Quý. Thậm chí vì thương con nên đến gần 3 tuổi chị Thắm mới cho Quý cai sữa. Ấy thế mà tháng này qua tháng khác, năm này qua năm khác, cho đến giờ đã 27 tuổi mà Quý vẫn oặt oẹo, miệng luôn chảy dãi, chân tay mềm oặt, không đi được một bước, không cầm nắm được cái thìa, da dẻ thì xanh xao, khóc cười đều vô thức...
Chị Thắm thở dài: Cháu bị bại não. Từ trước đến giờ chưa lần nào lên được đến 10kg. Càng ngày người càng bé quắt lại. Nhà neo người, lại không dám để Quý ở nhà một mình nên 2 mẹ con làm cái sạp bán hàng cho du khách đi lễ đền Chúa Thác Bờ. Sạp hàng của 2 mẹ con chị Thắm là các sản vật địa phương mà mỗi chiều chị cõng Quý lên khu rừng gần nhà để nhặt nhạnh. Đã 27 tuổi nhưng Quý vẫn như một đứa trẻ vô thức, không biết làm gì, chỉ nằm một chỗ chờ bế nên đi đâu chị Thắm cũng bế theo...
Tình thương yêu của chị Thắm dành cho con đã lấy trọn của chị những giọt nước mắt. Nhà nghèo, hai vợ chồng chị cắm mặt vào 2.000m2 ruộng lúa và một ít đất trồng ngô nhưng thu nhập 1 năm giỏi lắm cũng chỉ được dăm bảy triệu đồng. Quý lại bị mất khả năng tự chủ hành vi, không biết nói, ăn cơm còn phải mớm khiến anh chị càng thêm bận bịu và chật vật. Ngần ấy năm nuôi con cũng là ngần ấy năm anh chị nuốt nước mắt vào trong, bươn chải kiếm sống. Khi tuổi đời của đứa trẻ bất hạnh ngày càng tăng cũng tỷ lệ thuận với những gánh nặng trút lên đôi vai và vượt quá khả năng xoay xở hạn hẹp của vợ chồng người nông dân nghèo. Những lo toan đó hằn sâu vào đôi mắt sớm xuất hiện nếp nhăn trên gương mặt chị Thắm. Nhìn vào đứa con ngờ nghệch đã dành trọn cả tình thương yêu, chị Thắm cũng chỉ biết thở dài: Chỉ mong con gọi một tiếng mẹ ơi cũng thấy mãn nguyện lắm rồi...
Ước nguyện nhỏ nhoi, giản đơn đó cũng thật xa vời. Dẫu vậy, trong đôi mắt sâu thẳm của chị nhìn về Quý vẫn tràn đầy trìu mến, yêu thương, tôi bỗng thấy mình quá nhỏ bé trước người phụ nữ ấy. Nơi chốn linh thiêng chỉ kịp niệm cầu có thêm những cánh tay che chở, những tấm lòng yêu thương được gửi trao đến họ...
Mạnh Hùng