(HBĐT) - UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 124, ngày 12/9/2018 về triển khai, thực hiện nhập, đặt tên thôn, xóm, tổ dân phố trên phạm vi toàn tỉnh Hòa Bình.
Việc nhập thôn, xóm, tổ dân phố theo hướng tinh gọn, đảm bảo hoạt động ổn định nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả chỉ đạo của Đảng, lãnh đạo của chính quyền và các tổ chức đoàn thể cấp xã; giảm số người làm việc, giảm chi phí hành chính; nâng cao chất lượng đội ngũ những người hoạt động không chuyên trách và hoạt động của các tổ chức đoàn thể ở thôn, xóm, tổ dân phố... Tạo điều kiện huy động tập trung nguồn lực, đóng góp xây dựng xã hội, cộng đồng dân cư, xây dựng nông thôn mới; nâng cao trình độ, trách nhiệm và tăng mức thu nhập cho đội ngũ cán bộ không chuyên trách và các tổ chức đoàn thể ở thôn, xóm, tổ dân phố...
UBND tỉnh đề ra phương án nhập, kiện toàn các thôn, xóm có vị trí địa lý giáp ranh liền kề, địa hình không bị chia cắt phức tạp ảnh hưởng đến giao thông đi lại; thuận tiện cho phát triển KT - XH và đời sống nhân dân; tương đồng về văn hóa, phong tục tập quán, tôn giáo... thì nhập lại thành xóm mới với quy mô số hộ gia đình như sau: Thành lập thôn, xóm mới (hình thành trên cơ sở sau khi nhập một số thôn, xóm) có tổng số từ 100 hộ trở lên. Thành lập thôn, xóm mới ở những nơi có điều kiện thuận lợi (hình thành trên cơ sở sau khi nhập một số thôn, xóm) có tổng số từ 200 hộ trở lên.
Đối với tổ dân phố, các tổ dân phố, khu phố có vị trí địa lý giáp ranh liền kề, địa hình không bị chia cắt phức tạp ảnh hưởng đến giao thông đi lại; thuận tiện về sinh hoạt văn hóa - xã hội, kinh doanh, sản xuất... thì nhập lại thành một tổ dân phố, khu phố mới với quy mô số hộ gia đình như sau:
Thành lập tổ dân phố, khu phố mới (hình thành trên cơ sở sau khi nhập một số tổ dân phố) có tổng số từ 150 hộ trở lên. Thành lập tổ dân phố, khu phố mới ở những nơi có điều kiện thuận lợi (hình thành trên cơ sở sau khi nhập một số tổ dân phố) có tổng số từ 300 hộ trở lên.
Trường hợp đặc biệt thì tùy theo điều kiện cụ thể ở địa phương, có thể điều chỉnh phạm vi của thôn, xóm, tổ dân phố (gồm một số hộ gia đình) nhập với thôn, xóm, tổ dân phố giáp ranh liền kề để hình thành các thôn, xóm có từ 100 hộ gia đình trở lên; tổ dân phố có từ 150 hộ gia đình trở lên để giảm số lượng thôn, xóm, tổ dân phố hiện có. Đảm bảo sau khi thực hiện hoàn thành việc nhập, kiện toàn, không còn thôn, xóm dưới 100 hộ, tổ dân phố dưới 150 hộ.
Trong trường hợp đặc biệt, quá khó khăn do điều kiện khách quan có thôn, xóm, tổ dân phố không thể nhập được với một thôn, xóm, tổ dân phố khác hoặc sau khi nhập một số thôn, xóm, tổ dân phố mà số hộ gia đình của thôn, xóm mới được thành lập dưới 100 hộ; tổ dân phố mới thành lập dưới 150 hộ thì trước khi tổ chức lấy ý kiến cử tri trong khu vực, Ban chỉ đạo, UBND cấp xã phải báo cáo Ban chỉ đạo, UBND cấp huyện xem xét cụ thể; đồng thời báo cáo kịp thời với Ban chỉ đạo, UBND tỉnh để xem xét, chỉ đạo chung.
Đối với thôn, xóm, tổ dân phố đã thực hiện sáp nhập, kiện toàn tại giai đoạn làm điểm thì giữ nguyên để đảm bảo ổn định tổ chức của hệ thống chính trị, ổn định sinh hoạt, kinh doanh, sản xuất của các tổ chức và nhân dân địa phương.
UBND tỉnh yêu cầu: Việc đổi tên thôn, xóm, tổ dân phố hiện có cần nghiên cứu, tiến hành thận trọng và hạn chế; nếu thật sự cần thiết mới thực hiện đổi tên và phải đảm bảo trình tự, thủ tục theo quy định hiện hành.
P.V
Thẩm quyền quyết định xử lý tài sản công trong trường hợp bị mất, bị hủy hoại