- Phạm vi thực hiện trên địa bàn 31 tỉnh: Hòa Bình, Lai Châu, Điện Biên, Sơn La, Lào Cai, Hà Giang, Yên Bái, Phú Thọ, Cao Bằng, Lạng Sơn, Bắc Kạn, Thái Nguyên, Tuyên Quang, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, Ninh Thuận, Kon Tum, Gia Lai, Đắk Lắk, Đắk Nông, Bình Phước và An Giang.
- Mục này hướng dẫn nội dung đầu tư xây dựng, nâng cấp, sửa chữa cơ sở hạ tầng cho các thôn, bản có dân tộc khó khăn đặc thù theo một số quy định của Quyết định số 1227/QĐ-TTg, Nghị định số 27/2022/NĐ-CP và Thông tư số 15/2022/TT-BTC của Bộ Tài chính. Trong đó quy định kinh phí sửa chữa công trình hạ tầng chỉ áp dụng cho sửa chữa nhỏ, tu bổ, bảo trì thường xuyên nhằm duy trì hoạt động bình thường của công trình trên địa bàn thôn, bản thuộc danh mục đầu tư.
Giao xã làm chủ đầu tư; đối với công trình phạm vi liên thôn, có kỹ thuật phức tạp giao UBND cấp tỉnh chỉ đạo thực hiện theo phân cấp quản lý; cộng đồng dân cư có trách nhiệm giám sát, đánh giá các công trình triển khai trên địa bàn.
- Nội dung hỗ trợ phát triển sản xuất và sinh kế: Đối với các hộ DTTS có khó khăn đặc thù, đối tượng là hộ thuộc danh sách dân tộc có khó khăn đặc thù theo Quyết định số 1227/QĐ-TTg. Nội dung hỗ trợ thực hiện theo quy định tại khoản 2, Điều 42, Thông tư số 15/2022/TT-BTC.
Đối với các hộ DTTS còn gặp nhiều khó khăn, đối tượng là hộ nghèo thuộc danh sách dân tộc còn gặp nhiều khó khăn theo Quyết định số 1227/QĐ-TTg. Nội dung hỗ trợ thực hiện theo quy định tại điểm a, khoản 9, Mục III Chương trình ban hành kèm theo Quyết định số 1719/QĐ-TTg.
- Ngoài ra, mục này cũng hướng dẫn thực hiện việc hỗ trợ bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa, thông tin - truyền thông nâng cao đời sống tinh thần của đồng bào DTTS; hỗ trợ bảo vệ và phát triển các DTTS có khó khăn đặc thù với đối tượng là bà mẹ mang thai, hộ gia đình có trẻ em dưới 5 tuổi; cơ sở giáo dục mầm non công lập trên địa bàn thôn, bản; hỗ trợ xây dựng mô hình nâng cao chất lượng dân số tại thôn, bản có đông đồng bào DTTS có khó khăn đặc thù sinh sống tập trung.
Để triển khai thực hiện hiệu quả, UBND cấp tỉnh chỉ đạo, hướng dẫn rà soát đối tượng thụ hưởng; lập, thẩm định và phê duyệt đề án thành phần đối với nhóm dân tộc có khó khăn đặc thù; xác định đối tượng ưu tiên lựa chọn địa bàn có đồng bào dân tộc có khó khăn đặc thù thực hiện dự án; xác định định mức cho vay phù hợp với tình hình thực tế tại địa phương; tổng hợp nhu cầu vốn, xây dựng và điều chỉnh kế hoạch vốn thực hiện dự án hằng năm và theo giai đoạn. Phê duyệt danh sách hộ gia đình thuộc nhóm dân tộc còn gặp nhiều khó khăn được vay vốn thông qua ủy thác tại Ngân hàng CSXH.
(Còn nữa)
P.V (TH)