Từ khi triển khai Đề án số 01-ĐA/TU của Tỉnh ủy về "Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với Hội Nông dân các cấp trong xây dựng tổ chức hội vững mạnh, tham gia hỗ trợ nông dân phát triển sản xuất, tiêu thụ sản phẩm, góp phần xây dựng nông thôn mới (NTM) giai đoạn 2021 – 2025” trên địa bàn huyện Tân Lạc đã góp phần tích cực trong định hướng sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm, hình thành các hợp tác xã, tổ hợp tác và chi, tổ hội nghề nghiệp, tạo ra các sản phẩm OCOP. Từ đó, góp phần nâng cao thu nhập, xây dựng NTM.
Cửa hàng nông sản, thực phẩm an toàn huyện Tân Lạc bày bán nhiều nông sản chất lượng.
Chúng tôi có dịp dự khai trương Cửa hàng nông sản, thực phẩm an toàn đầu tiên tại huyện Tân Lạc. Cửa hàng được bố trí tại hộ kinh doanh Nguyễn Văn Hiếu, xóm Vó, xã Phú Cường nằm trên quốc lộ 6 đông người dân và du khách qua lại, hứa hẹn tiêu thụ được nhiều sản phẩm. Tại cửa hàng bày bán nhiều sản phẩm sạch, an toàn, sản phẩm OCOP trên địa bàn huyện và các địa phương trong, ngoài tỉnh. Trong đó có thể kể đến các sản phẩm su su, củ cải của Hợp tác xã rau an toàn Quyết Chiến; mật ong rừng xóm Bục, xã Tử Nê; chè shan tuyết xã Ngổ Luông; dệt thổ cẩm của Hợp tác xã Đông Lai... Anh Nguyễn Văn Hiếu, Chủ cửa hàng chia sẻ: Được Hội Nông dân tỉnh và huyện hỗ trợ một phần kinh phí xây dựng cửa hàng như biển bảng, tem truy xuất thông tin, túi sinh học tự hủy, tủ làm mát, kệ trưng bày, rổ đựng sản phẩm… và kết nối các hợp tác xã, tổ hợp tác trong huyện đưa sản phẩm giới thiệu, tôi rất phấn khởi. Chúng tôi mong có nhiều sản phẩm chất lượng được bày bán, góp phần tiêu thụ nông sản, nâng cao thu nhập cho nông dân.
Đồng chí Bùi Văn Tân, Chủ tịch Hội Nông dân huyện Tân Lạc cho biết: Những năm gần đây, Hội Nông dân huyện triển khai nhiều giải pháp cụ thể thực hiện các nghị quyết của Huyện ủy, UBND huyện về tái cơ cấu lnông nghiệp gắn với xây dựng NTM, đô thị văn minh trên cơ sở khai thác tiềm năng, lợi thế đặc thù, nguồn lao động dồi dào, tạo chuyển biến thực chất trong lĩnh vực nông, lâm nghiệp. Trong đó, chú trọng làm tốt công tác quy hoạch, tổ chức sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, an toàn, phát triển các vùng sản xuất nông nghiệp hàng hóa tập trung, quy mô lớn theo quy hoạch. Tăng cường ứng dụng khoa học - công nghệ trong sản xuất, bảo quản, chế biến nông sản; phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, công nghệ sinh học; giám sát, dự báo, phòng trừ hiệu quả sâu bệnh trên cây trồng. Phát triển các sản phẩm chăn nuôi chủ lực, có lợi thế của huyện theo hướng tập trung gắn với chuỗi giá trị. Quảng bá, giới thiệu và bán các sản phẩm OCOP, nông sản an toàn có nguồn gốc rõ ràng được chứng nhận nhãn hiệu, VietGAP, hữu cơ.
Hiện nay, toàn huyện có 14 sản phẩm OCOP đạt 3 sao trở lên. Để kết nối thị trường tiêu thụ, Hội Nông dân huyện đã phối hợp với Trung tâm Hỗ trợ nông dân tỉnh hỗ trợ các chủ thể đưa các sản phẩm OCOP (mật ong, rau su su, củ cải, rau cải thảo, trà giảo cổ lam) lên sàn giao dịch điện tử. Thời gian tới, Hội Nông dân huyện tiếp tục chỉ đạo, triển khai thực hiện phong trào của hội gắn với phong trào cả nước chung sức xây dựng NTM. Trong đó, tiếp tục xây dựng các mô hình, điển hình phát triển kinh tế để nhân rộng. Phối hợp thúc đẩy tiêu thụ nông sản; hỗ trợ xây dựng các mô hình phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị, an toàn theo chuẩn VietGAP gắn với đào tạo nghề; xây dựng mô hình ứng dụng khoa học - công nghệ cao trong sản xuất. Từ đó, góp phần thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM trên địa bàn.
Hương Lan
Theo báo cáo của UBND huyện Lạc Sơn, đến nay, huyện có 11 xã đạt 19 tiêu chí nông thôn mới (NTM), gồm: Nhân Nghĩa, Xuất Hóa, Tân Mỹ, Ân Nghĩa, Hương Nhượng, Yên Nghiệp, Thượng Cốc, Yên Phú, Tân Lập, Vũ Bình, Văn Nghĩa. Có 12 xã đạt từ 10 - 13 tiêu chí, gồm: Ngọc Sơn, Định Cư, Chí Đạo, Tuân Đạo, Mỹ Thành, Miền Đồi, Ngọc Lâu, Quý Hòa, Tự Do, Bình Hẻm. Bình quân tiêu chí NTM của huyện đạt từ 15,22 tiêu chí/xã. Năm 2024, huyện không phấn đấu xã đạt chuẩn NTM. Năm 2025, huyện dự kiến phấn đấu 2 xã đạt chuẩn NTM, gồm Định Cư và Văn Sơn.
Theo Sở NN&PTNT, tổng nguồn vốn dự kiến huy động thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG) xây dựng nông thôn mới (NTM) của tỉnh giai đoạn 2021- 2025 là 25 nghìn tỷ đồng.
Trong những năm qua, phong trào thi đua "Phụ nữ chung sức xây dựng nông thôn mới” (NTM) thu hút được cán bộ, hội viên phụ nữ (HVPN) trong tỉnh tham gia với nhiều cách làm hay và tổ chức các hoạt động thiết thực. Phong trào đã góp phần làm thay đổi diện mạo nông thôn, đóng góp tích cực vào phát triển KT-XH tại địa phương.
Đồng Tâm là xã nông thôn mới (NTM) đầu tiên của huyện Lạc Thủy. Sau khi đạt chuẩn NTM, phát huy những kết quả đạt được, với sự đồng lòng, quyết tâm của cả hệ thống chính trị và nhân dân, xã tập trung mọi nguồn lực nâng chất các tiêu chí, phấn đấu hoàn thành mục tiêu đạt chuẩn NTM nâng cao vào năm 2025.
Theo báo cáo của UBND tỉnh, từ năm 2021 đến nay, tỉnh Hòa Bình đã huy động được trên 16.485 tỷ đồng từ ngân sách và huy động từ các nguồn hợp pháp thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới.
Những năm qua, các cấp Hội Nông dân huyện Tân Lạc đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả phong trào vận động nông dân phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh và giảm nghèo bền vững.