(HBĐT) - Những năm gần đây, công tác giải quyết việc làm và phát triển thị trường lao động tại huyện Yên Thủy đạt được kết quả quan trọng. Bên cạnh việc làm trong các ngành nghề truyền thống như trồng trọt, chăn nuôi ở địa phương, một bộ phận lao động nông thôn, chủ yếu là lao động trẻ tích cực tham gia thị trường việc làm trong nước, ngoài nước.


Công ty CP may Slife, xã Yên Trị thu hút gần 300 lao động vào làm việc, góp phần giải quyết việc làm tại chỗ cho huyện Yên Thủy.

Đồng chí Vũ Ngọc Nam, Trưởng phòng LĐ-TB&XH huyện Yên Thủy cho biết: Huyện đã và đang triển khai các giải pháp thúc đẩy nhằm tạo nhiều việc làm, giúp người lao động (NLĐ) địa phương ngày càng được nâng cao chất lượng cuộc sống và phát triển kinh tế bền vững. Cùng với công tác tuyên truyền, phổ biến các chính sách, chủ trương của Đảng, Nhà nước về giải quyết việc làm, huyện thường xuyên phối hợp với các đơn vị, doanh nghiệp tuyển dụng lao động thông báo các thông tin, tư vấn về việc làm để NLĐ các xã, thị trấn nắm bắt, nghiên cứu, lựa chọn.

Từ đầu năm đến nay, một số doanh nghiệp, đơn vị như Công ty CP đầu tư Quốc Huy, Công ty CP cung ứng và xuất nhập khẩu lao động hàng không Việt Nam HCM(Hà Nội)... đã đẩy mạnh hoạt động tuyển dụng lao động với nhiều vị trí việc làm trong nước, ngoài nước. Trong đó, việc làm trong nước chủ yếu tuyển dụng đi làm tại khu công nghiệp các tỉnh: Bắc Ninh, Bắc Giang, Hà Nam; việc làm ngoài nước tại thị trường Đài Loan, Nhật Bản với đa dạng ngành nghề, thu nhập hấp dẫn, như nông nghiệp công nghệ cao, chế biến thực phẩm, gia công cơ khí, hàng không, sản xuất linh kiện ô tô...

Ngoài lao động đi làm việc tại các địa phương ngoài tỉnh, trên địa bàn đang thu hút một số doanh nghiệp, tạo việc làm cho hàng nghìn lao động. Điển hình là Công ty CP xi măng X18, Công ty CP cơ khí đúc Hồng Hà - xã Ngọc Lương, Công ty TNHH MDF Vinafor Tân An Hòa Bình - xã Lạc Thịnh, Công ty CP may Slife - xã Yên Trị... Ngoài ra, các cơ sở, HTX, tổ hợp tác, làng nghề các xã cũng tạo được nhiều việc làm thu hút lao động. Tiêu biểu là cơ sở may gia công của gia đình chị Bùi Thị Duyên ở xóm Hợp Thành, xã Bảo Hiệu duy trì việc làm ổn định cho 15 lao động, đảm bảo mức thu nhập từ 3 - 5 triệu đồng/người/tháng từ nghề. Một số cơ sở tư nhân hoạt động lĩnh vực may mặc cũng phát triển và có hiệu quả giải quyết việc làm rõ rệt tại các xã Ngọc Lương, Lạc Thịnh.

Trong năm 2023, huyện tổ chức 4 phiên giao dịch việc làm, dự kiến tập trung trong quý IV tại các xã: Lạc Thịnh, Bảo Hiệu, Hữu Lợi, Yên Trị, bình quân mỗi phiên thu hút 300 lao động. Công tác đào tạo nghề nhằm nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, chuyển đổi nghề cho lao động nông thôn, nhất là đối tượng thuộc hộ nghèo, cận nghèo được đẩy mạnh. Hàng năm, nguồn vốn ngân sách huyện hỗ trợ mở từ 6 - 8 lớp nghề. Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững cũng dành kinh phí cho đào tạo. Theo kế hoạch, các cơ sở đào tạo nghề của huyện sẽ mở 24 lớp nghề trình độ sơ cấp, mỗi lớp khoảng 30 học viên với nghề chủ yếu là phi nông nghiệp (sửa chữa, vận hành máy nông nghiệp, hàn, may công nghiệp), một số lớp nghề dành cho các xã Lạc Lương, Lạc Sỹ, Bảo Hiệu, Đoàn Kết có thế mạnh về chăn nuôi dê, gà thả vườn, trồng bí xanh, cây có múi...

Việc tổ chức các lớp nghề phi nông nghiệp có liên kết với các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất tuyển dụng lao động trong việc thực hành, kết nối cung - cầu lao động sau đào tạo. Theo thống kê đến nay, toàn huyện có 44.250 lao động làm việc trong nền kinh tế, tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 65,1%. Trong đó, lao động hoạt động trong nông nghiệp gần 27.900 người, tỷ lệ 62%. 9 tháng qua, huyện tạo việc làm và việc làm mới cho 900 lao động, đạt 100% kế hoạch năm.


Bùi Minh


Các tin khác


Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục