Cách đây 8 năm, anh Quách Văn Thông (SN 1994) ở xóm Cơi, xã Vũ Bình (Lạc Sơn) mạnh dạn đăng ký đi làm việc tại thị trường Đài Loan theo con đường chính ngạch. Tại đây, anh tiếp xúc và gắn bó với công việc lắp ráp linh kiện điện tử. Ngoài tiền lương, thưởng, anh được hưởng đầy đủ các chế độ phúc lợi đối với công nhân từ doanh nghiệp.
Ngôi nhà khang trang được anh Quách Văn Thông, xóm Cơi, xã Vũ Bình (Lạc Sơn) xây từ nguồn thu nhập trong thời gian đi xuất khẩu lao động.
Năm 2019, thấy công việc ở nước ngoài có thu nhập hấp dẫn, quyền lợi đảm bảo, anh Thông tiếp tục xin gia hạn hợp đồng và đăng ký cho vợ là Bùi Thị Anh (SN 2000) cùng xuất cảnh sang Đài Loan làm việc. Vợ chồng anh Thông dự định vài năm nữa về hẳn mới tính đến việc sinh con và dùng khoản tiền tích lũy được mở rộng công việc làm ăn ở quê. Hiện tại, cũng như hầu hết con em trong xóm đi xuất khẩu lao động (XKLĐ), hai vợ chồng đã gửi tiền về cho bố mẹ làm nhà khang trang, tiện nghi với mong muốn báo hiếu bậc sinh thành.
Một trường hợp điển hình khác là anh Bùi Văn Nghị (SN 1987) có 7 năm đi Đài Loan làm việc theo đơn hàng điện tử. Từ đi làm việc ngoài nước, anh gửi tiền về cho gia đình xây nhà và để dành vốn làm ăn. Anh Nghị chia sẻ: Mấy năm trước, công việc ở công ty đều, tính thêm tăng ca và các tiền khoản thưởng, thu nhập của tôi khoảng 25-30 triệu đồng/ tháng. Hiện nay, đơn hàng của doanh nghiệp có phần ít đi, công nhân hạn chế việc làm thêm so với trước. Thu nhập hàng tháng vì vậy giảm nhưng vẫn cao gấp đôi so với đi làm trong nước. Tôi dự định cuối năm 2024 sẽ về hẳn, lúc đó vừa có khoản tiền tích lũy, vừa có kỹ năng, kinh nghiệm để có thể xin vào làm tại các công ty, doanh nghiệp gần nhà.
Cũng như bao làng quê khác, đời sống của người dân xóm Cơi những năm trước chủ yếu dựa vào sản xuất nông nghiệp. Mặc dù bà con chăm chỉ làm ăn, tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng từ cấy lúa 2 vụ sang 1 vụ lúa, 1 vụ trồng rau, màu nhưng việc trồng trọt, chăn nuôi phụ thuộc lớn vào thời tiết và yếu tố thị trường nên thu nhập bấp bênh, kinh tế không có sự bứt phá. Trước năm 2020, thị trường XKLĐ nảy sinh một số vấn đề "góc khuất” nên chững lại. Nhiều người có tâm lý dè dặt khi cho con em đi làm việc xa xứ vì lo ngại gặp rủi ro. Thời điểm đó, trong xóm có 1 - 2 con em làm việc ở thị trường Đài Loan nhưng đều may mắn có việc làm, thu nhập ổn định tại các công ty nhờ xuất cảnh theo con đường hợp pháp. Điều này cũng góp phần tạo niềm tin, động lực thúc đẩy chương trình đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài theo hợp đồng thời gian tiếp theo.
Giai đoạn 2021-2023, thị trường việc làm ngoài nước rộng mở, người lao động có nhiều cơ hội tiếp cận với doanh nghiệp tuyển dụng được cấp phép, được hỗ trợ vốn vay XKLĐ. Từ những điển hình người thật, việc thật và các chính sách thúc đẩy, người dân xóm Cơi tích cực tham gia chương trình.
Hiện nay, con trai và con dâu của bà Bùi Thị Hà, trưởng xóm Cơi cũng đang làm việc ở Đài Loan. Bà Hà phấn khởi cho biết: Người dân trước khi đi XKLĐ đều tham khảo, tìm hiểu kỹ về doanh nghiệp cung ứng, quyền lợi của lao động khi đi làm việc ở nước ngoài để tránh gặp những hệ lụy. Đến nay, cả xóm có 12 lao động xuất cảnh làm việc tại thị trường Đài Loan, Nhật Bản, Nga. Một số lao động trẻ đang tìm hiểu và dự định tham gia thị trường XKLĐ.
Theo thông tin từ các gia đình có con em đi XKLĐ của xóm, đối với lao động làm việc tại Đài Loan hiện có thu nhập 18 - 20 triệu đồng, chưa tính làm thêm giờ. Lao động làm tại các công ty của Nhật Bản thu nhập cao hơn, dao động từ 30-35 triệu đồng/tháng. Từ hiệu quả việc làm ngoài nước, cuộc sống của các hộ có con em đi XKLĐ cải thiện rõ rệt. Nhiều hộ từ diện nghèo đã có kinh tế khá giả, có vốn đầu tư mở rộng sản xuất, chăn nuôi. Xóm có 104 hộ, 602 nhân khẩu, ước thu nhập bình quân năm 2023 đạt 50 triệu đồng/người. Đến nay, xóm còn 2 hộ nghèo, giảm 15 hộ so với năm 2021.
Bùi Minh
(HBĐT) - Những năm gần đây, công tác giải quyết việc làm và phát triển thị trường lao động tại huyện Yên Thủy đạt được kết quả quan trọng. Bên cạnh việc làm trong các ngành nghề truyền thống như trồng trọt, chăn nuôi ở địa phương, một bộ phận lao động nông thôn, chủ yếu là lao động trẻ tích cực tham gia thị trường việc làm trong nước, ngoài nước.
(HBDDT) - Cách đây ít năm, chị Bùi Thị Phưởng, hội viên nghèo chi hội xóm Chiềng Vang 1, xã Tân Lập (Lạc Sơn) được vay 30 triệu đồng từ nguồn vốn phụ nữ khởi nghiệp. Gia đình chị đầu tư vào con giống, xây chuồng trại, thức ăn chăn nuôi ban đầu để từng bước phát triển quy mô đàn gia cầm.
(HBĐT) - Nhà máy may Hồ Gươm của Tập đoàn Hồ Gươm được xây dựng và đi vào hoạt động trên địa bàn xã Phong Phú, huyện Tân Lạc đã giải quyết việc làm cho người lao động địa phương. Hiện nay, nhà máy có quy mô 10 dây chuyền sản xuất với khoảng 500 lao động tham gia.
(HBĐT) - Với trên 90.000 nhân khẩu, hơn 57.000 người trong độ tuổi lao động, huyện Tân Lạc đặt mục tiêu mỗi năm giải quyết việc làm mới cho 1.200 người. Huyện cũng nỗ lực triển khai nhiều giải pháp đáp ứng nhu cầu tìm kiếm việc làm của người lao động.