(HBĐT) - Với trên 90.000 nhân khẩu, hơn 57.000 người trong độ tuổi lao động, huyện Tân Lạc đặt mục tiêu mỗi năm giải quyết việc làm mới cho 1.200 người. Huyện cũng nỗ lực triển khai nhiều giải pháp đáp ứng nhu cầu tìm kiếm việc làm của người lao động.
Phiên giao dịch việc làm lưu động tại các xã: Phú Vinh, Phú Cường, Nhân Mỹ, Suối Hoa trong những tháng gần đây đã cung cấp đến người lao động nhiều thông tin hữu ích về thị trường lao động, các cơ hội đào tạo nghề, việc làm trong nước, ngoài nước... Bình quân mỗi phiên lưu động có hơn 10 doanh nghiệp tuyển dụng, thu hút 250 - 300 lao động tham gia. Bùi Quang Hanh (SN 2005), xóm Đon, xã Mỹ Hòa cho biết: Phiên giao dịch việc làm tổ chức tại xã giúp người lao động thuận tiện tiếp cận, tìm hiểu thông tin. Vì vừa tốt nghiệp THPT, gia đình làm nông nghiệp quanh năm trông vào vụ mía nên em mong qua gặp gỡ nhà tuyển dụng tìm kiếm công việc thời gian đào tạo ngắn hạn, có thể đi làm và cho thu nhập ngay.
Trong 9 tháng năm nay, ngoài tổ chức các phiên giao dịch việc làm lưu động, huyện phối hợp Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh mở hội nghị tư vấn học nghề, tuyên truyền chính sách, pháp luật lao động, việc làm và giới thiệu các đơn hàng trong nước, ngoài nước đến người lao động các xã, thị trấn; triển khai chương trình đưa học sinh Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên huyện và Trường THPT Đoàn Kết đi trải nghiệm thực tế tại công ty điện tử ở TP Hải Dương (Hải Dương). Qua đó hỗ trợ các em định hướng nghề nghiệp, lựa chọn ngành nghề trong tương lai.
Mặt khác, huyện triển khai hoạt động dạy nghề, hỗ trợ việc làm bền vững từ nguồn vốn các chương trình, dự án thuộc chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG). Trong đó, từ nguồn Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững đã mở 6 lớp với 177 học viên, gồm 2 lớp nghề ngắn hạn, 4 lớp sơ cấp nghề; nguồn Chương trình MTQG phát triển KT-XH vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi mở 12 lớp với 405 học viên; nguồn ngân sách huyện mở 6 lớp với 157 học viên. Một số đơn vị có chức năng mở lớp khác, như Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện đã mở 16 lớp nghề cho lao động nông thôn, chủ yếu là các lớp nghề chăn nuôi, trồng trọt.
Theo đồng chí Bùi Tuấn An, Phó trưởng Phòng LĐ-TB&XH, huyện chú trọng mở các lớp đào tạo nghề may công nghiệp, một số lớp đào tạo nghiệp vụ du lịch phục vụ đề án phát triển du lịch địa phương. Về nghề nông nghiệp thường mở tại các xã, chương trình khóa học phù hợp điều kiện phát triển kinh tế của vùng, như sửa chữa máy nông nghiệp, chăn nuôi gia súc, gia cầm, trồng cây ăn quả có múi... Việc đào tạo nghề được gắn với giải quyết việc làm cho người lao động. Trên địa bàn có 2 doanh nghiệp may lớn là Công ty may Hồ Gươm chi nhánh Tân Lạc và Công ty Sung IL Vina thu hút gần 800 lao động địa phương vào làm việc. Phần lớn lao động được đào tạo qua các lớp nghề do huyện tổ chức.
Đồng chí Lê Chí Huyên, Phó Chủ tịch UBND huyện cho biết: Việc làm có ý nghĩa quan trọng góp phần đảm bảo an toàn, ổn định và phát triển KT-XH. Hàng năm huyện xây dựng kế hoạch, chương trình giải quyết việc làm, giao chỉ tiêu việc làm mới đối với từng xã, thị trấn. Cùng với đó, kịp thời triển khai, thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, nhất là chương trình cho vay vốn từ Quỹ quốc gia về việc làm, chính sách ưu tiên vốn vay cho hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo và chương trình đào tạo nghề cho lao động nông thôn. 9 tháng năm nay, toàn huyện giải quyết việc làm cho gần 1.000 lao động, chủ yếu làm tại các công ty, doanh nghiệp. Tỷ lệ lao động trong độ tuổi có việc làm cả ở lĩnh vực phi nông nghiệp và nông nghiệp chiếm trên 90%.
Bùi Minh