Theo Bộ Tài nguyên và Môi trường, Ngày Đại dương thế giới năm 2022 (ngày 8/6) có chủ đề là "Hồi sinh: cùng hành động vì đại dương”, thể hiện tầm quan trọng của các hoạt động phối hợp giữa các quốc gia và tổ chức giúp hồi sinh đại dương, phục hồi các hệ sinh thái biển bị suy thoái, bảo tồn tài nguyên và môi trường biển với mục tiêu phát triển bền vững.


Du lịch biển Quy Nhơn. Ảnh: Thành Đạt/TTXVN

Chung tay bảo vệ đại dương

Theo ông Lưu Anh Đức, Phó Vụ trưởng Vụ Khoa học và Hợp tác quốc tế, Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam (Bộ Tài nguyên và Môi trường), xu hướng phát triển kinh tế biển xanh trên thế giới giúp thúc đẩy sự phát triển chung của các nước, trong đó có Việt Nam. Thế giới xem thế kỷ 21 là thế kỷ của đại dương với cách tiếp cận mới, trong đó nhấn mạnh yếu tố phát triển kinh tế bền vững và bảo vệ môi trường nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, đồng thời thích ứng tốt hơn với tình trạng biến đổi khí hậu trên quy mô toàn cầu. Các quốc gia đi tiên phong trên thế giới đã đưa ra những chương trình phát triển kinh tế xanh nói chung và kinh tế biển xanh nói riêng, trong đó nhấn mạnh đến các nội dung: Sản xuất xanh, công nghiệp xanh - sử dụng các công nghệ kỹ thuật sản xuất xanh, sử dụng năng lượng tái tạo, giảm bớt ô nhiễm môi trường; tiêu dùng xanh - xây dựng lối sống xanh, bảo vệ và sống hài hòa với môi trường thiên nhiên.

Bên cạnh đó, lĩnh vực khoa học - công nghệ trong phát triển kinh tế biển xanh trên thế giới đang phát triển mạnh mẽ, tạo nền tảng để thực hiện phát triển kinh tế biển xanh và bảo vệ môi trường biển hiệu quả. Các quốc gia trên thế giới đang tiến rất nhanh trong việc sáng tạo công nghệ phát triển kinh tế biển xanh. Sự phát triển mạnh mẽ về khoa học - công nghệ để phát triển kinh tế biển xanh trên thế giới cũng đem lại cơ hội tốt cho tất cả quốc gia có biển, trong đó có Việt Nam.

Phó Giáo sư, Tiến sỹ Vũ Thanh Ca, Khoa Môi trường, Trường Đại học Tài nguyên và Môi trường Hà Nội nhận định, biển và đại dương là một nguồn tài nguyên quý giá để phục vụ con người nhưng hiện nay đang chịu những áp lực rất lớn từ các hoạt động của con người. Hiện tượng suy thoái tài nguyên, ô nhiễm môi trường, tác động của biến đổi khí hậu, nước biển dâng, a-xít hóa đại dương đang tác động rất mạnh mẽ tới khả năng của biển đại dương cung cấp cho con người các dịch vụ hệ sinh thái để đảm bảo phát triển bền vững kinh tế - xã hội, nâng cao mức sống và chất lượng sống của con người. Phương thức quản lý tổng hợp biển và vùng bờ biển hiện tại đang là phương thức quản lý được áp dụng rộng rãi trên thế giới để phục vụ quản lý biển và đại dương. 

Do đó, khoa học-công nghệ biển trong giai đoạn 2021-2025 trên thế giới sẽ tập trung vào việc khai thác, sử dụng hợp lý, bền vững biển và đại dương phục vụ phát triển kinh tế - xã hội; hợp tác quốc tế trên quy mô thế giới và khu vực nhằm giải quyết các vấn đề ô nhiễm môi trường xuyên biên giới. Việt Nam cần chú trọng đẩy mạnh hợp tác quốc tế về khoa học-công nghệ biển, tận dụng nguồn lực các nước cùng sự phát triển nhanh chóng của khoa học nói chung trong phát triển bền vững kinh tế biển.

Quyết tâm cao trong hành động

Việt Nam là một trong 12 trung tâm đa dạng sinh học, một trong 16 quốc gia sở hữu sự đa dạng sinh học cao nhất trên toàn cầu với các nguồn gen quý, hiếm. Tuy nhiên, Việt Nam đang phải đối mặt với tình trạng suy thoái về đa dạng sinh học cùng với những thách thức to lớn khác như đại dịch COVID-19, ô nhiễm môi trường và nguồn nước, suy thoái đất đai, rác thải nhựa đại dương và những ảnh hưởng cực đoan của biến đổi khí hậu. Thực trạng đó buộc mỗi cá nhân phải nhận thức rõ hơn tầm quan trọng của việc bảo vệ môi trường, bảo đảm hài hòa mối quan hệ giữa con người và thiên nhiên.

Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà cho biết, với quyết tâm cao trong hành động, Việt Nam đang đẩy mạnh tái cấu trúc nền kinh tế gắn với phát triển kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn nhằm sử dụng hiệu quả và bảo tồn các nguồn tài nguyên, bền vững về môi trường, khí hậu, bảo vệ môi trường sống và sức khoẻ nhân dân.

Tháng 5/2020, Chính phủ đã có Quyết định số 647/QĐ-TTg phê duyệt Đề án hợp tác quốc tế về phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030. Theo đó, Đề án đặt ra quan điểm: hợp tác quốc tế về phát triển bền vững kinh tế biển phải bảo đảm thực hiện nhất quán đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển, đa dạng hóa, đa phương hóa; bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của quốc gia, dân tộc Việt Nam.

Đề án cũng nêu quan điểm trong hợp tác quốc tế về phát triển bền vững kinh tế biển là: chủ động và tích cực thúc đẩy hợp tác quốc tế để huy động, sử dụng hiệu quả các nguồn lực, tri thức, kinh nghiệm và tranh thủ tối đa sự ủng hộ của các nước, các tổ chức quốc tế và các đối tác phục vụ sự nghiệp phát triển bền vững kinh tế biển theo yêu cầu đề ra tại Nghị quyết số 36-NQ/TW ngày 22/10/2018 về Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 và Nghị quyết số 26/NQ-CP ngày 5/3/2020 của Chính phủ ban hành Kế hoạch tổng thể và kế hoạch 5 năm của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 36-NQ/TW. Đồng thời, trong hợp tác quốc tế về biển, quan điểm xuyên suốt là kiên quyết, kiên trì đấu tranh bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán quốc gia của nước ta trong Biển Đông trên cơ sở Luật Biển Việt Nam và luật pháp quốc tế, đặc biệt là Công ước của Liên hợp quốc về Luật biển năm 1982.

Đề án hướng đến mục tiêu thúc đẩy đồng bộ, trọng tâm, trọng điểm các hoạt động hợp tác quốc tế về phát triển bền vững kinh tế biển nhằm huy động, sử dụng hiệu quả các nguồn lực, tri thức, kinh nghiệm và tranh thủ tối đa sự ủng hộ của các nước, các tổ chức quốc tế và các đối tác, góp phần thực hiện thành công các quan điểm, mục tiêu, chủ trương lớn, khâu đột phá và giải pháp chủ yếu được đề ra tại Nghị quyết số 36-NQ/TW; đóng góp tích cực và có trách nhiệm với cộng đồng quốc tế về vấn đề biển và đại dương; nâng cao vai trò và vị thế của Việt Nam trong khu vực và trên trường quốc tế.

Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Lê Minh Ngân cho biết, định hướng đến năm 2030, nội dung về khoa học công nghệ trong lĩnh vực biển đảo sẽ tiếp tục nghiên cứu, cung cấp luận cứ khoa học để hoàn thiện và triển khai có hiệu quả thể chế, chính sách, pháp luật về quản lý tổng hợp biển và hải đảo; nghiên cứu, ứng dụng các công nghệ, mô hình dự báo, giám sát, cảnh báo sớm diễn biến chất lượng môi trường biển phục vụ công tác quản lý, khai thác các tiềm năng của biển và bảo vệ môi trường biển, góp phần duy trì tính đa dạng của các hệ sinh thái biển, thúc đẩy phát triển kinh tế biển một cách bền vững; nghiên cứu, đề xuất các công cụ, mô hình quản lý mới nhằm khai thác hiệu quả, tiết kiệm, bền vững các nguồn tài nguyên biển kết hợp với bảo vệ chủ quyền biển đảo quốc gia.


                                       TheoBaotintuc

Các tin khác


Hướng tới du lịch biển xanh

Các chuyên gia cho rằng, kinh tế biển trong đó có du lịch biển sẽ góp phần phát triển kinh tế xã hội sau đại dịch. Tuy nhiên, phục hồi du lịch sau đại dịch Covid-19, một lần nữa, việc ngăn chặn rác thải nhựa gây ô nhiễm biển tiếp tục được các địa phương rốt ráo thực hiện.

Khắc phục "thẻ vàng" IUU: Cộng đồng nghề cá cam kết chống khai thác bất hợp pháp

Nghề cá Việt Nam đã trải qua hơn 4 năm thực hiện các tiêu chí của Ủy ban châu Âu chống khai thác, đánh bắt bất hợp pháp, không khai báo và không theo quy định (IUU). Để con đường gỡ bỏ thẻ vàng được thuận lợi hơn, hầu hết ngư dân đều thực hiện lắp đặt thiết bị giám sát hành trình, không vi phạm vùng biển nước ngoài. Điều này được ngư dân cộng đồng nghề cá thể hiện qua những cam kết, thực thi và theo quy định, dưới sự giám sát chặt chẽ của các lực lượng chức năng.

Huyện Đà Bắc: Tuyên truyền về chủ quyền biển đảo năm 2022

(HBĐT) - Ngày 17/5, Ban Tuyên giáo Huyện uỷ Đà Bắc phối hợp Huyện Đoàn Đà Bắc, Trường PT DTNT THCS&THPT Đà Bắc tổ chức tuyên truyền về chủ quyền biển đảo năm 2022 cho 319 học sinh.

Nơi lan tỏa tình yêu quê hương của kiều bào với bảo vệ chủ quyền biển đảo

Trong thời gian qua, công tác tuyên truyền về chủ quyền biển đảo Tổ quốc được triển khai đồng bộ và hiệu quả trên nhiều phương diện.

Tuổi trẻ Hòa Bình thiết thực hoạt động hướng về biên giới, biển đảo

(HBĐT) - Những năm qua, tuổi trẻ trong tỉnh đã tổ chức nhiều hoạt động sôi nổi, ý nghĩa hướng về biển, đảo quê hương; góp phần khơi dậy niềm tự hào và trách nhiệm trong mỗi đoàn viên, thanh niên (ĐVTN) về chủ quyền thiêng liêng của quốc gia, dân tộc.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục