(HBĐ) - Những ngày cuối năm 2022, chúng tôi cùng đoàn công tác Vùng 4 Hải quân mang quà từ đất liền ra thăm, chúc Tết cán bộ, chiến sỹ (CB,CS) và Nhân dân đang công tác, sinh sống trên các đảo tiền tiêu thuộc huyện đảo Trường Sa, tỉnh Khánh Hòa. Chuyến công tác ra đảo lần này, chúng tôi được bố trí theo tàu KN-490 đến các đảo: Song Tử Tây, Đá Nam, Len Đao, Cô Lin, Sinh Tồn Đông và Sinh Tồn. Vượt hơn 1.000 hải lý trên biển, đặt chân lên đảo, gặp gỡ, chứng kiến sự kiên cường và hòa mình vào cuộc sống thường nhật cùng CB,CS, người dân, được đón Tết độc đáo, ấn tượng, đậm hơi ấm của đất liền gửi tới quân và dân Trường Sa, mang tới cho chúng tôi nhiều cảm xúc trước thềm năm mới.


Trước cột mốc chủ quyền và cờ Tổ quốc, lễ chào cờ của cán bộ, chiến sỹ và người dân trên đảo Sinh Tồn diễn ra trong không khí trang nghiêm. 

Tết sớm trên các đảo tiền tiêu của Tổ quốc

Sau 2 ngày vượt sóng gió biển Đông với hơn 300 hải lý, chúng tôi đến đảo đầu tiên của chuyến công tác: xã đảo Song Tử Tây. Đón khách, Thượng tá Nguyễn Xuân Trường, Chỉ huy trưởng, Chủ tịch UBND xã đảo Song Tử Tây phấn khởi: "Mấy ngày nay biển Đông chịu ảnh hưởng của gió mùa Đông Bắc nên biển động, gió lớn, sóng to. Chúng tôi lo lắng cho đoàn công tác không kịp đón chào năm mới với quân và dân trên đảo. Mọi thứ đã được chuẩn bị đầy đủ, chỉ chờ quà Tết của đất liền nữa là chúng tôi có một cái Tết cổ truyền trọn vẹn”.

Buổi tối, hội trường xã đảo Song Tử Tây vốn rộng rãi là vậy mà đã đông kín người không còn chỗ trống. Quân và dân không ai muốn bỏ lỡ thời khắc thiêng liêng mà chỉ có duy nhất trong ngày cuối cùng của năm. Màu quân phục hải quân, màu tươi thắm của những bộ áo dài truyền thống, màu trắng tinh khôi của đồng phục học sinh hòa quyện với nhau trong đêm giao lưu "Chào năm mới 2023”. Tiếng hát, tiếng đọc thơ, tiếng cười, tiếng vỗ tay râm ran cả hội trường như xua tan đi bóng đêm sâu thẳm, tiếng gầm gào của sóng biển Đông. Và rồi tất cả nắm chặt tay nhau cùng đếm ngược, hô vang "Chúc mừng năm mới!". Xa xa vọng về tiếng chuông ngân vang từ phía ngôi chùa trên đảo, xen lẫn là trầm bổng tiếng chiêng của người Mường tỉnh Hòa Bình tặng nhà chùa trong đợt đoàn công tác của tỉnh ra thăm đảo.

Sáng hôm sau, chúng tôi tiếp tục hải trình và "xông đất” chúc Tết xã đảo Sinh Tồn. Tại đây, chúng tôi được tham gia cuộc thi gói bánh chưng, trang trí mâm ngũ quả; đi lễ chùa, trồng cây đầu năm; thăm hỏi, chúc Tết các hộ dân sinh sống trên đảo, ngư dân bám biển đang neo đậu tại âu tàu; cùng các chiến sỹ chơi đá bóng, đánh bóng chuyền, cờ vua, cờ tướng, múa võ… 

Lời chúc Tết từ nơi đầu sóng biên cương

Trong hải trình đến thăm, chúc Tết các đảo, điểm đảo thuộc Quần đảo Trường Sa, chúng tôi gặp những người lính hải quân đến từ mọi miền Tổ quốc. Trong số đó, tôi may mắn được gặp một chiến sỹ hải quân người dân tộc Mường Hòa Bình, đó là Thiếu tá Bùi Thanh Hải, quê ở xã Mỹ Thành, huyện Lạc Sơn hiện công tác tại đảo Sinh Tồn. Thiếu tá Hải tâm sự: "Được khoác lên mình màu áo hải quân là niềm tự hào của bất cứ người lính nào, đặc biệt đối với người con đất Mường tỉnh Hòa Bình như mình. Trong hơn 10 năm quân ngũ thì có tới 9 năm vinh dự làm lính hải quân và công tác tại 5 đảo, điểm đảo thuộc Quần đảo Trường Sa. Tôi nguyện tiếp tục cống hiến hết mình, tích cực rèn luyện, cùng đồng đội bảo vệ đảo, bảo vệ vững chắc chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc. Trước thềm năm mới, chúng tôi thấy được niềm vinh dự, tự hào và trọng trách cao cả đối với Tổ quốc, thấy được sự hy sinh của mình càng có ý nghĩa hơn đã góp phần bảo vệ đất nước, quê hương, gia đình, người thân tiếp tục có được một cái Tết thật đầm ấm, trọn vẹn và an toàn”.



Những món quà Tết từ đất liền gửi tới quân và dân quần đảo Trường Sa.

Đến đảo nào chúng tôi cũng nhận được lời nhắn gửi, nhờ chuyển lời chúc Tết từ đảo xa về đất liền, về với gia đình, người thân. Thiếu tá Nguyễn Minh Phòng, Phó Chỉ huy trưởng đảo Sinh Tồn Đông bộc bạch: "Dù trên đảo điều kiện vật chất không được đầy đủ như đất liền, nhưng đơn vị đã tạo nhiều hoạt động vui xuân, đón Tết vui tươi, an toàn cho CB,CS. Những phần quà Tết như bánh chưng, thịt lợn, cây cảnh đất liền gửi ra là sự động viên rất lớn đến CB,CS đang công tác nơi đây. Chúng tôi xin hứa, dù vui xuân, đón Tết vẫn không quên nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền biển, đảo, đảm bảo nhiệm vụ trực sẵn sàng chiến đấu. Bước sang mùa xuân mới, tôi gửi lời chúc tới đất liền năm mới an khang, thịnh vượng”.

Chiến sỹ trẻ Nguyễn Tấn Khang làm nhiệm vụ trên đảo Cô Lin hào hứng: "Lần đầu tiên được đón Tết ở nơi đầu sóng ngọn gió của Tổ quốc, em rất vinh dự, tự hào vì được góp một phần công sức nhỏ vào công cuộc bảo vệ chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc. Mặc dù phải đón Tết xa nhà, xa bạn bè nhưng em sẽ lấy những khó khăn làm động lực để cố gắng học tập, rèn luyện, phấn đấu hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao. Nhân dịp bước sang năm mới, em nhắn gửi tới gia đình, cha mẹ hãy yên tâm, vui vẻ đón xuân, con ở ngoài này nhận được nhiều sự quan tâm của cấp trên và quà của đồng bào khắp Tổ quốc”. 

Thiêng liêng lời thề giữ biển, đảo quê hương

Trong chuyến công tác, chúng tôi xúc động, tự hào khi được dự lễ thượng cờ, chào cờ Tổ quốc trang trọng đầu năm tại đảo Sinh Tồn. Không xúc động sao được khi ở giữa trời biển mênh mông, nhìn cờ đỏ sao vàng tung bay trong nắng gió Trường Sa; hát bài Quốc ca hùng tráng cùng những người lính đảo, át cả tiếng sóng biển; nghe 10 lời thề danh dự của quân nhân được cán bộ, chiến sỹ hô vang dõng dạc, trang nghiêm, những lời thề đanh thép khẳng định ý chí, sức mạnh của Quân đội nhân dân Việt Nam đầy tự hào, hãnh diện, vang vọng cả một vùng biển khơi.

Lễ chào cờ Tổ quốc của CB, CS và Nhân dân trên đảo thường diễn ra vào sáng thứ Hai hằng tuần, dịp đầu năm mới và những ngày lễ lớn của đất nước. Trước cột chủ quyền và lá Quốc kỳ mang bóng hình Tổ quốc, đứng nghiêm trang mắt hướng nhìn cờ, nhạc quốc ca cất lên vang vọng, trong lòng mỗi người dân cùng CB,CS đang làm nhiệm vụ trên đảo đều thấy tự hào mình là một người con nước Việt, tạo nên mạch nguồn to lớn, cổ vũ, động viên, thôi thúc thế hệ trẻ hôm nay tiếp tục trân trọng, bảo vệ chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc. 

Trước sự nghiêm trang của lễ chào cờ đầu năm, Thượng tá Trần Danh Hoàng, Chỉ huy trưởng, Chủ tịch UBND xã đảo Sinh Tồn một lần nữa khẳng định lời thề giữ biển của những người lính hải quân: "Quần đảo Trường Sa là mảnh đất thiêng liêng, là hương hỏa tổ tiên ông cha ta từ hàng trăm năm nay để lại. Chúng ta có đầy đủ bằng chứng lịch sử, cơ sở pháp lý khẳng định chủ quyền thiêng liêng, bất khả xâm phạm đối với 2 quần đảo Trường Sa, Hoàng Sa thân yêu. Nhiều thế hệ CB,CS, những người con ưu tú của Tổ quốc đã anh dũng hy sinh để giành và giữ lấy chủ quyền từng tấc đảo, sải biển, để xây dựng, bảo vệ cho Trường Sa có được như ngày hôm nay. Chúng ta được cống hiến sức lực, tâm huyết cho Trường Sa, được đại diện cho hơn 90 triệu đồng bào dân tộc Việt Nam gánh vác sứ mệnh xây dựng, gìn giữ chủ quyền Quần đảo Trường Sa, là niềm vinh dự, tự hào vô cùng lớn lao, một giá trị sống vô cùng cao cả”.

 Đỗ Quyên


Các tin khác


Hải quân Việt Nam và Thái Lan kết thúc tuần tra chung lần thứ 49

Sáng 10/4, Biên đội tàu 261, 264 Vùng 5 Hải quân nhân dân Việt Nam đã cập quân cảng Vùng 5, kết thúc chuyến tuần tra chung thường niên lần thứ 49 với Biên đội tàu 456, 526 của Hải quân Hoàng gia Thái Lan.

166.782 lượt người tham gia Kỳ 2 Cuộc thi trực tuyến tìm hiểu về biển, đảo Việt Nam

Kỳ 2 Cuộc thi trực tuyến tìm hiểu về biển, đảo Việt Nam do Ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ Hoà Bình chủ trì tổ chức bắt đầu từ 0h ngày 18/3/2024 đến 24h ngày 31/3/2024. Ban Tổ chức cuộc thi đã tổng hợp và thông báo kết quả cụ thể.

Cần sớm xây dựng khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá Tam Quan

Hiện nay, nhiều ngư dân ở thị xã Hoài Nhơn và các huyện phía Bắc Bình Định đang bức xúc và khó khăn khi di chuyển từ cửa biển Tam Quan đến cảng cá Tam Quan do luồng lạch và cửa biển bị bồi lắng. Với số lượng tàu lớn nên việc di chuyển ra vào cảng cá rất chật hẹp, nhất là mỗi khi ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới và ảnh hưởng của mưa bão trên biển, gây mất an toàn cho người dân.

Hội Chữ thập đỏ thành phố Hòa Bình tặng quà ngư dân nghèo tỉnh Kiên Giang

Hội Chữ thập đỏ (CTĐ) thành phố Hòa Bình cùng các đơn vị, nhà hảo tâm vừa tổ chức chương trình "An toàn cho ngư dân nghèo, khó khăn”, tặng quà cho ngư dân tại huyện An Biên và Kiên Hải, tỉnh Kiên Giang.

Vùng 2 Hải quân hỗ trợ ngư dân khắc phục sự cố tàu cá hỏng máy trên biển

Vào lúc 9 giờ, ngày 31/3, trong quá trình thực hiện nhiệm vụ tại vùng biển phía Nam, tàu 953, Lữ đoàn 167, Vùng 2 Hải quân nhận được tín hiệu giúp đỡ từ tàu cá mang số hiệu BTh 96313TS.

Biển Côn Đảo... nét trầm lắng thơ mộng

Côn đảo là một quần đảo rộng khoảng 76 km2, gồm 16 hòn đảo, lớn nhất là đảo Côn Sơn. Côn Đảo cách Vũng Tàu 185 km, cách TP. HCM 230 km và cách TP. Cần Thơ khoảng 83 km. Về mặt hành chính, Côn Đảo là huyện thuộc tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu. Với bờ biển dài 200 km, Côn Đảo có tiềm năng, thế mạnh để phát triển du lịch; khai thác, chế biến hải sản; phát triển cảng biển, dịch vụ dầu khí và hàng hải. Nơi đây có nhiều bãi tắm đẹp như các bãi Đất Dốc, Bãi Cạnh, Đầm Trầu, Hòn Cau, Hòn Tre...

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục