Sau chặng đường 30 năm thành lập (1/1/1993 - 1/1/2023), từ một huyện đảo nghèo, điều kiện cơ sở hạ tầng còn lạc hậu, đời sống kinh tế của nhân dân còn nhiều khó khăn, Đảng bộ, chính quyền, quân và dân huyện Lý Sơn đã đoàn kết, nỗ lực vượt qua khó khăn, đạt được nhiều kết quả quan trọng trên các lĩnh vực, góp phần giữ vững vai trò quan trọng là huyện đảo tiền tiêu của đất nước.


Lý Sơn có nhiều tiềm năng, lợi thế phát triển du lịch. Ảnh: Lê Ngọc Phước/TTXVN

Khát vọng vươn mình

Huyện Lý Sơn có diện tích hơn 10 km2 nằm về phía Đông Bắc tỉnh Quảng Ngãi, cách đất liền khoảng 15 hải lý, dân số trên 22 nghìn người. Đây là huyện đảo tiền tiêu có vai trò trọng yếu trong đảm bảo an ninh chủ quyền quốc gia trên biển; đồng thời có nhiều tiềm năng, lợi thế phát triển du lịch, bảo tồn lịch sử văn hóa…

Với nhiều chính sách ưu tiên phát triển vùng biên giới, biển đảo của Đảng, Nhà nước, Lý Sơn đã được đầu tư đồng bộ về hạ tầng. Năm 2014, địa phương được đầu tư Dự án cấp điện từ hệ thống điện quốc gia bằng cáp ngầm. Nhờ đó, đời sống, sản xuất của người dân huyện đảo bước sang trang mới.

Sau 30 năm thành lập, kinh tế của huyện có sự phát triển rõ nét. Tổng giá trị sản xuất các ngành kinh tế năm 2022 đạt 2.061 tỷ đồng, tăng gấp gần 24 lần so với năm 1993. Cơ cấu kinh tế chuyển biến theo hướng tích cực. Thu nhập bình quân đầu người đạt 37,5 triệu đồng/người/năm. Tổng giá trị nông, thủy sản đến năm 2022 của huyện đạt 945,5 tỷ đồng, tăng gấp 15,7 lần.

Thành quả lớn nhất đó là người dân Lý Sơn đã chế ngự lại sự khắc nghiệt của điều kiện tự nhiên, khí hậu để trồng, chăm sóc và tạo nên thương hiệu tỏi Lý Sơn. Năm 2020, tỏi Lý Sơn đã được Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) công nhận Giấy chứng nhận đăng ký chỉ dẫn địa lý và là cây trồng chủ lực trên địa bàn huyện.

Là ngành kinh tế mũi nhọn của huyện trong 30 năm qua, sản lượng đánh bắt, khai thác thủy sản năm 2022 đạt 28.640 tấn (tăng 13,73 lần so với năm 1993). Giá trị sản xuất ngành công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp có sự tăng trưởng khá, giá trị sản xuất năm 2022 đạt 186,6 tỷ đồng (tăng 283,1 lần so với năm 1993).

Những năm gần đây, ngành dịch vụ và du lịch ở Lý Sơn đã có bước phát triển mạnh mẽ. Nổi bật là hệ thống giao thông vận tải đường biển của huyện được đầu tư nâng cấp rút ngắn khoảng cách giữa huyện đảo và đất liền. Đến nay, tuyến giao thông đường biển đến Lý Sơn đang có 6 doanh nghiệp khai thác tàu cao tốc, 16 ca nô phục vụ tuyến đảo Lớn - đảo Bé, 4 cảng biển được đầu tư đi vào hoạt động. Nhơ đó, số lượng du khách đến với địa phương ngày càng tăng.

Năm 2010, số lượng du khách đến Lý Sơn là 8.800 lượt; đến năm 2019 là 265.000 lượt khách. Tốc độ tăng trưởng bình quân giai đoạn 2017 - 2020 đạt 23,31%, tỷ trọng ngành Du lịch đến năm 2022 chiếm gần 50% tổng giá trị sản xuất các ngành kinh tế của huyện. Du lịch đang được huyện phát triển trở thành ngành kinh tế mũi nhọn mang lại thu nhập cao cho người dân…

Bên cạnh đó, công tác chăm lo an sinh xã hội, chăm sóc sức khỏe cho nhân dân từng bước được cải thiện. Tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn đến nay còn 10,12%. Lý Sơn đặc biệt quan tâm gắn kết chặt chẽ giữa phát triển kinh tế với nhiệm vụ bảo vệ biên giới biển, đảo của Tổ quốc.

Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Lý Sơn Phạm Thị Hương cho biết, 30 năm qua, Đảng bộ và nhân dân Lý Sơn luôn chung sức, đồng lòng vượt qua khó khăn, thách thức xây dựng huyện đảo phát triển vững mạnh, đời sống người dân được cải thiện. Kết quả này khẳng định sự lãnh đạo đúng đắn, ý chí vươn lên của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân địa phương. Lý Sơn là huyện đảo có bề dày truyền thống cách mạng và nhiều danh lam thắng cảnh, lễ hội truyền thống, là nơi đã sản sinh ra đội hùng binh Hoàng Sa.

Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện nhấn mạnh, tiếp tục kế thừa những giá trị truyền thống tốt đẹp, nhân văn của dân tộc, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện đảo tiếp tục đẩy mạnh các phong trào thi đua yêu nước, phấn đấu thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ VII, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XX và Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng; xây dựng quê hương Lý Sơn ngày càng xanh, sạch, đẹp, văn minh.

Xây dựng Lý Sơn trở thành trung tâm du lịch biển đảo

Nghị quyết số 26-NQ/TW ngày 3/11/2022 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đề ra mục tiêu phát triển huyện đảo Lý Sơn trở thành trung tâm du lịch biển đảo.

Về định hướng phát triển du lịch Lý Sơn, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Nguyễn Tiến Dũng cho biết, Ủy ban nhân dân huyện đã xây dựng chương trình hành động thực hiện Nghị quyết 05-NQ/TU ngày 2/11/2021 của Tỉnh ủy về đẩy mạnh phát triển du lịch, từng bước trở thành ngành kinh tế mũi nhọn. Trong đó, huyện đảo tập trung tuyên truyền cộng đồng dân cư triển khai trồng cây xanh, bảo vệ môi trường; tăng cường bảo vệ các danh lam, thắng cảnh; đầu tư tôn tạo di tích, đảm bảo vận chuyển khách du lịch trên đảo bằng phương tiện công cộng thuận lợi, an toàn.

Quảng Ngãi đang tập trung kêu gọi các tập đoàn lớn khảo sát, đầu tư đồng bộ hạ tầng kỹ thuật cũng như xã hội để xây dựng, phát triển đảo Lý Sơn trở thành Trung tâm du lịch biển đảo của cả nước. Trước mắt, tỉnh đầu tư cảng mới (Bến Đình) để nâng cao chất lượng vận chuyển khách du lịch; xây dựng kế hoạch tổ chức các giải thể thao toàn quốc như: giải dù lượn, bóng chuyền nữ bãi biển, giải marathon toàn quốc để thu hút và phục vụ khách du lịch trên đảo.

Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh cho biết thêm, Sở đã khảo sát đường bơi vượt biển từ đảo Lớn sang đảo Bé với kỳ vọng tạo thương hiệu cho du lịch Lý Sơn trong thời gian tới. Bên cạnh đó, tỉnh đã có kế hoạch bảo tồn các lễ hội gắn với những nét đẹp văn hóa như: đua thuyền Tứ linh, Lễ khao lề thế lính nhằm giáo dục truyền thống, lòng yêu nước, ý thức bảo vệ chủ quyền biển đảo; khuyến khích người dân phát triển thương hiệu ẩm thực Lý Sơn, nhất là mô hình trồng tỏi sạch, xây dựng mô hình homestay để đáp ứng nhu cầu lưu trú khi lượng khách du lịch gia tăng.


                                 TheoBaotintuc

Các tin khác


Cả nước vì Trường Sa-Trường Sa vì Tổ quốc

Cách đây 35 năm, đúng ngày 14/3/1988, 64 cán bộ, chiến sĩ Hải quân đã anh dũng hy sinh khi làm nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền biển, đảo tại khu đảo đá Gạc Ma, Cô Lin, Len Đao (huyện đảo Trường Sa, tỉnh Khánh Hòa). Những người lính trẻ đầy nhiệt huyết mãi mãi nằm lại biển sâu, nhưng ý chí quật cường của các anh đã trở thành tượng đài bất tử về chủ nghĩa anh hùng cách mạng, tiếp nối truyền thống đấu tranh giữ nước bất khuất của dân tộc Việt Nam.

Dâng hương, thả hoa tưởng niệm các liệt sĩ hy sinh bảo vệ đảo Gạc Ma

Kỷ niệm 35 năm ngày 64 chiến sĩ Hải quân Việt Nam tại đảo Gạc Ma, thuộc Trường Sa của Việt Nam hy sinh để bảo vệ Tổ quốc (14/3/1988 - 14/3/2023), ngày 12/3, tại Đình làng Nại Nam, phường Hòa Cường Bắc, quận Hải Châu (Đà Nẵng), Ban Liên lạc truyền thống bộ đội Trường Sa tại Đà Nẵng đã tổ chức Lễ dâng hương, thả vòng hoa tưởng niệm, tri ân các liệt sĩ.

Kịp thời đưa về đất liền cấp cứu thuyền viên bị tai biến trên biển

Lúc 12 giờ 19 phút ngày 10/3, tàu SAR 412 của Trung tâm Phối hợp tìm kiếm, cứu nạn hàng hải Việt Nam (Trung tâm) đã đưa bệnh nhân bị tai biến về đến thành phố Đà Nẵng an toàn và bàn giao cho cơ quan chức năng theo quy định.

Đưa 11 thuyền viên tàu Xuyên Á 126 bị nạn trên vùng biển Bình Thuận vào bờ an toàn

Sáng 10/3, tại cảng Phan Thiết, đồn Biên phòng Thanh Hải (Bộ đội Biên phòng tỉnh Bình Thuận) phối hợp với Cảng vụ Hàng hải Bình Thuận đã tiếp nhận 11 thuyền viên của tàu Xuyên Á bị nạn khi đang di chuyển trên vùng biển của tỉnh.

Khẩn trương hỗ trợ, tìm kiếm các thuyền viên gặp nạn trên biển Phú Quý

Tối 8/3, Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Bình Thuận có công văn hỏa tốc gửi Văn phòng Ủy ban Quốc gia Ứng phó sự cố, thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn, Ủy ban nhân dân tỉnh thông tin về việc hai phương tiện bị sóng lớn đánh chìm trên vùng biển Phú Quý.

Trực thăng EC 225 đưa ngư dân từ đảo Song Tử Tây vào bờ chữa trị bệnh

Chiều 6/3, trực thăng EC 225 số hiệu VN 8622 cùng Đoàn công tác quân y đã đưa bệnh nhân Huỳnh Bình, nghi đột quỵ não, từ đảo Song Tử Tây, huyện Trường Sa, tỉnh Khánh Hòa, về Bệnh viện Quân y 175 (Thành phố Hồ Chí Minh) để tiếp tục chữa trị.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục