Cách đây 35 năm, đúng ngày 14/3/1988, 64 cán bộ, chiến sĩ Hải quân đã anh dũng hy sinh khi làm nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền biển, đảo tại khu đảo đá Gạc Ma, Cô Lin, Len Đao (huyện đảo Trường Sa, tỉnh Khánh Hòa). Những người lính trẻ đầy nhiệt huyết mãi mãi nằm lại biển sâu, nhưng ý chí quật cường của các anh đã trở thành tượng đài bất tử về chủ nghĩa anh hùng cách mạng, tiếp nối truyền thống đấu tranh giữ nước bất khuất của dân tộc Việt Nam.
Học sinh Trường tiểu học thị trấn Trường Sa giao lưu cùng đoàn đại biểu ra thăm đảo. (Ảnh TTXVN)
Tượng đài bất tử
Khu tưởng niệm Chiến sĩ Gạc Ma, tại xã Cam Hải Đông, huyện Cam Lâm, tỉnh Khánh Hòa những ngày tháng 3 này có rất nhiều đoàn đại biểu đến dâng hương, tưởng niệm, tham quan.
Tượng đài Chiến sĩ Gạc Ma với chủ đề "Những người nằm lại phía chân trời”, lấy cảm hứng từ hình ảnh 64 cán bộ, chiến sĩ nắm tay nhau quyết tâm bảo vệ lá cờ Tổ quốc khẳng định chủ quyền Việt Nam tại đảo Gạc Ma. Những ý tưởng được thể hiện bằng hình thức nghệ thuật, điêu khắc sinh động và ấn tượng như: Vòng cung mặt trời nhô lên khỏi mặt biển tận nơi chân trời xa xôi, nơi được đánh dấu phần lãnh hải của Tổ quốc Việt Nam bằng những hòn đảo lớn nhỏ, có những đảo chìm và đảo nổi.
Cụm nhân vật (chín nhân vật) là đại diện cho 64 cán bộ, chiến sĩ ở tư thế giương cao lá cờ Tổ quốc trước lúc hy sinh. Các anh ở tư thế trong tay không một vũ khí mà chỉ có cuốc, xẻng, búa làm nhiệm vụ vận chuyển cát, đá, sỏi để tu bổ mặt đảo. Khi bị đối phương bao vây, các anh quây tròn lại nắm tay nhau để bảo vệ lá cờ tạo thành biểu tượng "Vòng tròn bất tử”, một hình ảnh sinh động đọng lại trong lòng người đến tham quan. Toàn bộ khối tượng nằm trên bệ, chung quanh là nước, là biểu tượng của biển, đảo Trường Sa, thể hiện tinh thần bất khuất của những người lính biển.
Chúng tôi càng khâm phục hơn về ý chí quyết tâm sắt đá bảo vệ từng tấc đất, sải biển của ông cha ta để lại khi được trò chuyện với những cán bộ, chiến sĩ từng làm nhiệm vụ ở Gạc Ma lúc đó.
Thượng úy cựu chiến binh Nguyễn Văn Chương, nguyên Trung đội trưởng Trung đội 9, Đại đội 9, Tiểu đoàn 887, Trung đoàn 83 Công binh Hải quân (nay là Lữ đoàn 83 Công binh Hải quân), ngày 14/3/1988, ông trực tiếp tham gia xây dựng tại đảo Gạc Ma. Cựu chiến binh Nguyễn Văn Chương cho biết: Cán bộ, chiến sĩ Trung đoàn 83 Công binh; Tàu 604, 605, 505 thuộc Lữ đoàn 125 và Lữ đoàn 146, đơn vị quản lý đảo đã nêu một tấm gương sáng về lòng trung thành, ý chí chiến đấu kiên cường, dũng cảm với tinh thần "còn người, còn tàu, còn đảo”, quyết tâm bảo vệ bằng được chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc.
Còn Thượng tá cựu chiến binh Võ Tá Du, nguyên Thuyền phó Chính trị viên, Bí thư Chi bộ Tàu HQ-505 chia sẻ: Thời điểm đó, hai tàu chiến của đối phương nã đạn pháo vào Tàu HQ-505 làm cho bình khí vào ly hợp máy bị cháy, buồng thông tin trúng đạn, đồng chí ngành trưởng bị thương.
Không chậm trễ, Thuyền trưởng Vũ Huy Lễ lệnh cho chiến sĩ lái tàu hướng mũi vào bãi đá Cô Lin và mở hết tốc độ lao lên bãi đá. Tàu HQ-505 trở thành một cột mốc vững chắc khẳng định chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc trên bãi đá Cô Lin. Cấp ủy, chỉ huy tàu cấp tốc hội ý mở rộng, xác định quyết tâm bám trụ tại tàu đến cùng dù cả tàu có thể hy sinh và phân công Thuyền trưởng ở lại đài chỉ huy, Thuyền phó Chính trị đến các vị trí động viên bộ đội.
Tinh thần bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc đã được chính người lính biển Võ Tá Du khái quát: Những tấm thân như trường thành phên dậu/Ngực căng lên làm lá chắn cho quê hương.
Trường Sa không xa
Trường Sa hôm nay được đổi thay từng ngày nhờ sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, quân đội, nhân dân và kiều bào ta… Trên các đảo thuộc huyện đảo Trường Sa có điện năng lượng mặt trời, các công trình dân sinh, trường học, bệnh xá, chùa, âu tàu, làng chài… giúp bà con nhân dân làm ăn dài ngày trên biển.
Những ngày đầu tháng 3 vừa qua, do ảnh hưởng của gió mùa đông bắc, biển động mạnh làm cho hàng trăm tàu cá của ngư dân các tỉnh Bình Thuận, Ninh Thuận không vào bờ được ngay. Những tàu cá này đi biển dài ngày đã cạn lương thực, nước ngọt, cần sự hỗ trợ khẩn cấp.
Các chiến sĩ chăm sóc vườn rau xanh trên đảo An Bang, huyện Trường Sa. (Ảnh QUÂN TRANG)
Nhận lệnh của cấp trên, cán bộ, chiến sĩ đảo Đá Lát, Đá Tây và Tàu 404 đã hỗ trợ 203 tàu cá với 3.045kg gạo; 12.180 lít nước ngọt (mỗi tàu 15 kg gạo, 60 lít nước ngọt). Bộ đội trên các đảo đã kịp thời động viên tinh thần ngư dân, hướng dẫn 100% tàu cá của ngư dân vào tránh trú an toàn và được hỗ trợ kịp thời.
Ông Nguyễn Hoài Nam, Thuyền trưởng tàu cá BTh 96583TS, quê ở xã Long Hải, huyện đảo Phú Quý, tỉnh Bình Thuận cho biết: Chúng tôi khi khai thác hải sản trên biển luôn nhận được sự giúp đỡ kịp thời của bộ đội hải quân về mọi mặt. Đây là điều kiện tốt để chúng tôi yên tâm bám biển dài ngày. Mong muốn của chúng tôi là Trường Sa có nhiều âu tàu, làng chài hơn nữa để bà con ngư dân yên tâm khai thác hải sản bền vững trên biển.
Hướng về biển, đảo Tổ quốc, thời gian qua trên toàn quốc đã có nhiều phong trào, hoạt động ý nghĩa, thiết thực như: Quỹ biển, đảo Việt Nam; "Vì biển đảo quê hương-Vì tuyến đầu Tổ quốc” của Thành phố Hồ Chí Minh; hành trình vì biển, đảo quê hương để góp một phần công sức làm cho biển, đảo ngày càng vững chắc hơn. Thành phố Hồ Chí Minh là một trong những địa phương tiêu biểu của cả nước hướng về biển, đảo và bộ đội hải quân.
Bà Trần Kim Yến, Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, lãnh đạo thành phố đặc biệt quan tâm và thường xuyên chỉ đạo tổ chức các hoạt động thiết thực hướng về biển, đảo Tổ quốc, trong đó giao Ủy ban Mặt trận Tổ quốc thành phố là cơ quan tham mưu trực tiếp, thường xuyên phối hợp chặt chẽ với cơ quan chức năng Quân chủng Hải quân để tổ chức các đoàn đại biểu thăm, tặng quà và hỗ trợ các công trình phục vụ đời sống của cán bộ, chiến sĩ và nhân dân tại huyện đảo Trường Sa và các đảo thuộc vùng biển tây nam của Tổ quốc.
Năm 2023, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Thành phố Hồ Chí Minh tiếp tục phối hợp các cơ quan của Quân chủng Hải quân triển khai Chương trình "Xanh hóa Trường Sa”, thông qua việc hỗ trợ cây giống, hạt giống, vật tư, phân bón... để trồng, chăm sóc cây xanh trên các đảo và xây dựng các vườn tăng gia tập trung, nhằm hướng đến phủ xanh toàn bộ diện tích đất trên các đảo, tạo nguồn rau xanh, thực phẩm tươi giúp cải thiện, nâng cao đời sống cho quân và dân đang sinh sống, công tác trên đảo.
Có dịp đến Trường Sa nói chung, vùng biển Cô Lin, Len Đao nói riêng, mỗi người có một cảm nhận riêng song có một điểm chung chính là khâm phục nghị lực, tinh thần, ý chí quyết tâm bảo vệ Tổ quốc từ hướng biển của những người lính đảo.
Binh nhất Lê Minh Tuấn, chiến sĩ đảo Cô Lin bày tỏ: Ra công tác ở đảo không chỉ là niềm vinh dự của bản thân mà của cả gia đình tôi. Mỗi ngày trên đảo là một kỷ niệm khó quên, vì được cống hiến một phần công sức nhỏ bé của mình vào sự nghiệp bảo vệ chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc.
Theo báo Nhân Dân
Chiều 6/3, trực thăng EC 225 số hiệu VN 8622 cùng Đoàn công tác quân y đã đưa bệnh nhân Huỳnh Bình, nghi đột quỵ não, từ đảo Song Tử Tây, huyện Trường Sa, tỉnh Khánh Hòa, về Bệnh viện Quân y 175 (Thành phố Hồ Chí Minh) để tiếp tục chữa trị.
Ngày 6/3, thông tin từ Vùng 2 Hải quân, lực lượng trên các tàu của đơn vị đang làm nhiệm vụ trên biển đã kịp thời cấp cứu, hỗ trợ ngư dân bị tai nạn khi đang đánh bắt hải sản trên vùng biển phía Nam.
Tỉnh Quảng Bình là một trong những địa phương ở khu vực miền Trung có số lượng lớn tàu thuyền, với các đội tàu cá đánh bắt xa bờ hùng hậu. Thời gian qua, cùng với các cấp chính quyền, đơn vị, địa phương trong tỉnh, Bộ đội Biên phòng Quảng Bình đã quyết liệt triển khai các giải pháp nhằm ngăn chặn, chấm dứt tình trạng khai thác hải sản bất hợp pháp, không khai báo và không theo quy định (IUU), nỗ lực cùng cả nước tiến tới gỡ "thẻ vàng” của Ủy ban châu Âu (EC).
Thông tin từ UBND huyện đảo Phú Quý (tỉnh Bình Thuận), các tàu cá đang neo đậu tại Trường Sa vì thời tiết xấu sắp cạn kiệt lương thực đã nhận được hỗ trợ bước đầu.
Liên quan đến vụ chìm tàu cá ở Thừa Thiên Huế, Trung tá Lê Văn Huy, Đồn trưởng Đồn biên phòng cửa khẩu cảng Thuận An cho biết: Đến thời điểm hiện tại, chỉ trục vớt được phương tiện, còn người mất tích vẫn chưa được tìm thấy.
Hội thi mô hình học cụ, phần mềm mô phỏng, phim huấn luyện năm 2023 của Vùng 4 Hải quân là bước kiểm tra quan trọng nhằm đánh giá kết quả công tác chuẩn bị cho ra quân huấn luyện. Đồng thời tạo không khí thi đua sôi nổi, khích lệ, động viên cán bộ, chiến sỹ trong toàn Vùng tiếp tục nỗ lực đam mê nghiên cứu khoa học trong thời đại công nghệ số.