Ngày 26/9, tại Hà Nội, Bộ Tài nguyên và Môi trường tổ chức Hội nghị đánh giá công tác quản lý nhà nước tài nguyên, bảo vệ môi trường biển và hải đảo.

Hội nghị có sự tham dự của đại diện lãnh đạo, cán bộ làm công tác biển và hải đảo của Sở Tài nguyên và Môi trường 28 tỉnh, thành phố có biển.

Đây là lần đầu tiên Bộ Tài nguyên và Môi trường tổ chức hội nghị về công tác quản lý nhà nước tài nguyên, bảo vệ môi trường biển và hải đảo nhằm trao đổi, thảo luận về kết quả thực hiện công tác này. Đồng thời, thảo luận về cơ chế phối hợp giữa Cục Biển và Hải đảo Việt Nam (Bộ Tài nguyên và Môi trường) với các Sở Tài nguyên và Môi trường 28 địa phương có biển.


Vùng biển đảo phía Nam đảo Phú Quốc. Ảnh minh họa: Dương Giang/TTXVN

Quản lý thống nhất để bảo vệ, khai thác, sử dụng bền vững

Phát biểu khai mạc hội nghị, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Lê Minh Ngân nhấn mạnh, tiềm năng, lợi thế về tài nguyên, vị trí địa lý của biển, đảo; thực trạng, nhu cầu khai thác, sử dụng tài nguyên, không gian biển và các vấn đề về quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường biển và hải đảo, cần thiết phải có sự chung tay quản lý thống nhất từ Trung ương đến địa phương; qua đó, phát huy hiệu lực, hiệu quả về quản lý khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên, bảo vệ môi trường biển và hải đảo. 

Thứ trưởng Lê Minh Ngân khẳng định, sự phối hợp và tham gia tích cực của các cơ quan Trung ương và địa phương có vai trò quan trọng trong quá trình xây dựng và triển khai hiệu quả công tác quản lý nhà nước tài nguyên, bảo vệ môi trường biển, hải đảo để phát triển kinh tế biển bền vững, bảo vệ sinh kế của người dân.

Đại biểu dự hội nghị đã tập trung thảo luận giải pháp triển khai hiệu quả các quan điểm, chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước về quản lý tài nguyên biển đảo như Luật Tài nguyên, môi trường biển và hải đảo; Quy hoạch không gian biển quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050; Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; giảm thiểu ô nhiễm rác thải nhựa đại dương tại Việt Nam; chuyển đổi số trong quản lý khai thác, sử dụng tài nguyên biển. 

Các đại biểu cho rằng, địa phương cần giải quyết các chồng lấn để bố trí, sắp xếp khoanh vùng định hướng phát triển các vùng dựa trên lợi thế với điều kiện tự nhiên, hài hòa giữa bảo tồn và phát triển; tận dụng tối đa lợi thế để phát triển các ngành du lịch và dịch vụ biển để địa phương trở thành điểm đến hấp dẫn của cả nước; quan tâm, thúc đẩy đầu tư khai thác năng lượng tái tạo và các dạng năng lượng khác. Các địa phương nghiên cứu để thực hiện, đưa nội dung Quy hoạch không gian biển quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 vào Kế hoạch thực hiện Quy hoạch tỉnh để phát huy tiềm năng, lợi thế của tỉnh có biển, phát triển kinh tế biển; trong đó, cần xác định các nhiệm vụ ưu tiên, đột phá, phù hợp với tiềm năng, nguồn lực; chú trọng xây dựng hạ tầng kết nối đất liền ra biển, kết nối vùng. 

Công tác bảo vệ môi trường biển và hải đảo cần được chính quyền các địa phương tăng cường, nhất là kiểm soát thu gom, vận chuyển, xử lý rác thải, rác thải nhựa ven biển và trên các đảo; kiểm soát chặt chẽ các nguồn thải trực tiếp gây ô nhiễm, suy thoái môi trường trên biển, vùng biển ven bờ; đặc biệt là hoạt động nhận chìm, xả nước thải vào môi trường biển…; giám sát chặt các khu đô thị, khu du lịch, khu công nghiệp, khu chế xuất, cơ sở nuôi trồng, chế biến thủy sản, hoạt động thương mại, dịch vụ dọc theo bờ biển, trên các đảo. Cùng với đó, đầu tư, xây dựng hệ thống quan trắc, đánh giá phạm vi, mức độ tác động của các nguồn gây ô nhiễm biển từ đất liền, nhất là từ các lưu vực sông; tăng cường kiểm tra, xử lý đối với các đối tượng vi phạm về khai thác tài nguyên, môi trường biển.

Các đại biểu cũng nhất trí cho rằng, công tác tuyên truyền, giáo dục và nâng cao nhận thức về ý thức khai thác bền vững tài nguyên và bảo vệ môi trường biển, hải đảo cần được chú trọng đẩy mạnh để biến nhận thức thành ý thức tự giác và hành động cụ thể, thiết thực ở mỗi cấp, mỗi địa phương, mỗi doanh nghiệp và từng cá nhân.


Đột phá trong tư duy quản lý

Tại hội nghị, đại diện Sở Tài nguyên và Môi trường các tỉnh, thành phố Bà Rịa - Vũng Tàu, Cà Mau, Trà Vinh, Thanh Hóa… chia sẻ kinh nghiệm về phát triển kinh tế biển gắn bảo vệ môi trường; khó khăn trong quá trình thiết lập hành lang bảo vệ bờ biển; khai thác hiệu quả tài nguyên khu vực biển để tăng thu cho ngân sách nhà nước…

Cục trưởng Cục Biển và Hải đảo Việt Nam Nguyễn Đức Toàn đánh giá nhiều địa phương đã tích cực, chủ động giải quyết các vấn đề về quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường biển và hải đảo. Tuy nhiên, bên cạnh những những kết quả đạt được còn nhiều vấn đề phải quan tâm giải quyết. Đó là suy thoái cảnh quan, hệ sinh thái biển và ven biển; ô nhiễm môi trường, sự cố môi trường biển vùng biển ven bờ có dấu hiệu gia tăng; ngày càng nhiều các tác động tiêu cực do thiên tai, biến đổi khí hậu và nước biển dâng, các hiện tượng khí hậu cực đoan. Ngoài ra, nguồn nhân lực và tài chính đầu tư cho lĩnh vực biển, hải đảo từ Trung ương đến địa phương còn hạn chế; bất cập trong khai thác, sử dụng tài nguyên, không gian biển giữa các ngành, các bên có liên quan…

Theo ông Nguyễn Đức Toàn, công tác quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường biển, hải đảo cần được thực hiện với tư duy quản lý mang tính đột phá, phương thức quản lý chuyển từ bị động sang chủ động, từ tiền kiểm sang hậu kiểm. Cục Biển và Hải đảo Việt Nam sẽ tiếp tục tập trung hoàn thiện thể chế, chính sách, hướng dẫn kỹ thuật về quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường biển và hải đảo làm cơ sở cho các tỉnh, thành phố thực hiện.

Cục tăng cường phối hợp, trao đổi thông tin với Sở Tài nguyên và Môi trường các tỉnh, thành phố có biển trong việc xây dựng và hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật; phối hợp khảo sát, nắm bắt tình hình các hoạt động trên biển và ven bờ, đánh giá hiện trạng môi trường; phòng ngừa, ứng phó, khắc phục sự cố môi trường biển; thanh tra, kiểm tra việc chấp hành pháp luật về tài nguyên, môi trường biển và hải đảo…



Theo Baotintuc.vn

Các tin khác


Thăm, tặng quà chiến sĩ và nhân dân huyện Côn Đảo

Ngày 14/9, Đoàn đại biểu Quỹ học bổng Vừ A Dính, Câu lạc bộ "Vì Hoàng Sa - Trường Sa thân yêu”, Quân chủng Hải quân, UBND tỉnh Đồng Nai, Hội Liên hiệp phụ nữ tỉnh Hải Dương đã đến thăm, động viên cán bộ, chiến sĩ và nhân dân huyện Côn Đảo (tình Bà Rịa - Vũng Tàu).

Trên 200 cán bộ, chiến sĩ Hải quân tham gia khắc phục hậu quả bão số 3 tại Hải Phòng

Sáng 12/9, tại lễ ra quân tăng cường lực lượng khắc phục hậu quả bão số 3 tại Hải Phòng, Bộ Tư lệnh Hải quân đã điều động trên 200 cán bộ, chiến sĩ thuộc các đơn vị: Vùng 1, Lữ đoàn 126, Lữ đoàn 131, Tiểu đoàn 45, Cục Hậu cần Hải quân, cùng các dụng cụ, phương tiện cầm tay và 20 xe tải, xe chở quân.

Bão số 3 gây thiệt hại nặng nề cho người nuôi biển

​Bão số 3 quét qua gây thiệt hại nặng nề cho tỉnh Quảng Ninh; trong đó, phải kể đến những người nuôi biển.​

Vùng 1 Hải quân cứu nạn và bàn giao 17 ngư dân cho tỉnh Quảng Ninh

Ngày 8/9, Bộ Tư lệnh Vùng 1 Hải quân đã bàn giao 17 ngư dân cho UBND tỉnh Quảng Ninh.

Thêm 1,5 triệu cây xanh để ''Xanh hóa Trường Sa''

Chiều 5/9, tại thành phố Cam Ranh, tỉnh Khánh Hòa, trong khuôn khổ chuyến thăm và làm việc của Đoàn đại biểu Ủy ban MTTQ Việt Nam Thành phố Hồ Chí Minh tại Vùng 4 Hải quân, Bộ tư lệnh Vùng 4 Hải quân và Hội Bảo vệ thiên nhiên và môi trường Thành phố ký kết thỏa thuận hợp tác tài trợ chương trình "Một triệu cây vì biển đảo Tổ quốc, Vì quê hương Việt Nam xanh” giai đoạn 2024 - 2030.

Những "cánh bồ câu" nối tình quân dân nơi đầu sóng

10 năm qua, Hành trình "Sinh viên với biển, đảo Tổ quốc" đã đưa hàng nghìn bạn trẻ đến với huyện Trường Sa (tỉnh Khánh Hòa) và nhiều đảo lớn nhỏ nơi biên cương Tổ quốc. Mỗi hành trình là một nhịp cầu đong đầy cảm xúc, góp phần tăng cường tình quân dân, bồi đắp tinh thần dân tộc, ý thức bảo vệ chủ quyền đất nước của thanh niên, sinh viên Việt Nam.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục