(HBĐT) - LTS: Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng là sự kiện có ý nghĩa chính trị – xã hội sâu sắc, là ngày hội lớn của toàn Đảng, toàn quân và toàn dân tộc Việt Nam. Trước thềm Đại hội XIII của Đảng, phóng viên Báo Hòa Bình đã phỏng vấn đồng chí Ngô Văn Tuấn, Bí thư Tỉnh ủy đánh giá về kết quả đạt được và định hướng, giải pháp trọng tâm đưa kinh tế của tỉnh phát triển nhanh, bền vững để người dân được hưởng thụ thành quả đổi mới.



Các đồng chí trong Ban Thường vụ Tỉnh uỷ nhiệm kỳ 2020 - 2025.

P.V: Xin đồng chí đánh giá những kết quả nổi bật thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh?

Đồng chí Ngô Văn Tuấn: Năm 2020, trong bối cảnh khó khăn vừa phải phòng, chống dịch bệnh, giảm nhẹ tác hại của thiên tai vừa thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, chúng ta đã đạt những kết quả đáng ghi nhận. Có 17/21 chỉ tiêu đạt và vượt Nghị quyết của Tỉnh ủy năm 2020. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng. GRDP bình quân đầu người đạt 64,5 triệu đồng. Tổng thu ngân sách Nhà nước ước đạt 4.512 tỷ đồng. Tổng mức đầu tư toàn xã hội đạt 18.900 tỷ đồng. Sản xuất nông nghiệp duy trì mức phát triển khá, giá trị nông, lâm nghiệp, thủy sản ước đạt 11.390 tỷ đồng, tăng 4,35%. Có thêm 4 xã về đích, nâng tổng số xã về đích nông thôn mới là 58 xã. Toàn tỉnh có 30 sản phẩm được chứng nhận sản phẩm OCOP. Độ che phủ rừng duy trì ổn định đạt 51,5%. Giá trị xuất khẩu tỉnh vượt mức 1 tỷ USD, tăng 31,72% so với cùng kỳ. Tỷ lệ đô thị hóa đạt 28,69%, vượt chỉ tiêu Nghị quyết Tỉnh ủy. Các tiềm năng, lợi thế từng bước được khai thác hiệu quả, diện mạo đô thị, nông thôn biến đổi sâu sắc, người dân được thụ hưởng thành quả đổi mới. Nhiều công trình, dự án được triển khai và đưa vào khai thác mở ra cơ hội phát triển sản xuất, cải thiện mạnh mẽ đời sống dân sinh. Các xã vùng cao Tân Lạc có điều kiện khai thác tiềm năng, lợi thể phát triển cây su su, các loại rau ôn đới, khai thác tiềm năng du lịch. Một số xóm, bản vùng hồ đời sống người dân được cải thiện khi phát triển nghề nuôi cá lồng bè, bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống, phát triển du lịch cộng đồng. Các lĩnh vực văn hóa - xã hội đạt kết quả quan trọng. Cơ sở vật chất, trường lớp học tiếp tục được tăng cường, chất lượng dạy và học từng bước được nâng lên. Các chính sách bảo đảm an sinh xã hội được triển khai đồng bộ, dân chủ, công khai và đem lại hiệu quả cao. Các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của Nhân dân các dân tộc trong tỉnh được bảo tồn, phát triển. Hoạt động đối ngoại được mở rộng. Tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được đảm bảo. Kết quả trên tạo đà rất tốt cho sự phát triển của tỉnh trong thời gian tới.

Tuy nhiên, vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức cần giải quyết để phát triển nhanh, bền vững. Chúng ta thấy, dù tiếp giáp với Thủ đô và nằm trong quy hoạch vùng Thủ đô, có nhiều tiềm năng, lợi thế để phát triển, nhưng Hòa Bình vẫn là tỉnh nghèo, hiện hộ nghèo của tỉnh còn 8,56%, ở mức cao so với toàn quốc. Tăng trưởng kinh tế thiếu bền vững. Sản xuất nông nghiệp còn nhỏ lẻ, chưa hình hành vùng sản xuất hàng hóa lớn, chế biến sâu còn rất ít. Sản xuất công nghiệp còn nhiều khó khăn, diện tích đất dành cho phát triển công nghiệp mới chỉ đạt khoảng 0,34%, hạ tầng công nghiệp được quy hoạch chưa tốt, chưa được đầu tư đồng bộ, rất khó để thu hút các dự án lớn, có giá trị gia tăng cao, tạo động lực chuyển dịch cơ cấu kinh tế mạnh mẽ. Du lịch cũng vậy, tỉnh chưa thu hút được nhiều nhà đầu tư lớn thực hiện các dự án, sản phẩm tốt chất lượng cao, thu hút được du khách ở lại dài ngày. Bên cạnh giải phóng mặt bằng ở một số dự án còn vướng mắc, chậm được tháo gỡ. Hạ tầng kinh tế - xã hội, nhất là giao thông nói chung còn yếu và thiếu, ảnh hưởng lớn đến thu hút đầu tư phát triển kinh tế, cải thiện dân sinh…

P.V: Đảng bộ tỉnh đã có những định hướng, giải pháp cụ thể gì khắc phục hạn chế, yếu kém để  tạo sự bứt phá trong thời gian tới, thưa đồng chí?

Đồng chí Ngô Văn Tuấn: Định hướng, giải pháp phát triển của tỉnh đã được xác định rất rõ trong Nghị quyết, kế hoạch, chương trình hành động Đại hội Đảng bộ lần thứ XVII. Đảng bộ tỉnh đặt mục tiêu phấn đấu đến năm 2025, kinh tế của tỉnh đạt mức trung bình của cả nước. Tỉnh xác định phát triển nông nghiệp là nền tảng, công nghiệp là đột phá và du lịch là mũi nhọn. Phương châm hướng tới phát triển xanh, bền vững, người dân được hưởng thụ thành quả của đổi mới, chăm lo cải thiện tốt hơn đời sống vật chất, tinh thần của người dân.

Đối với nông nghiệp, quy hoạch phát triển nông nghiệp sạch, xanh; nông nghiệp hữu cơ gắn với thị trường tiêu thụ, hướng tới thị trường Thủ đô. Chúng ta đã có một số sản phẩm nông nghiệp rất tốt như cá lòng hồ, rau hữu cơ, sản phẩm nông nghiệp bản địa có hiệu quả khá cao, vấn đề tổ chức liên kết sản xuất theo chuỗi gắn với thị trường tiêu thụ, bài bản, chuyên nghiệp. Về phát triển công nghiệp tập trung vào những địa phương như: Yên Thủy, Lạc Thủy, Lương Sơn…, gắn phát triển công nghiệp với đô thị, chú trọng thu hút các dự án thân thiện với môi trường, có giá trị gia tăng cao, thu nguồn thu lớn cho ngân sách.

Về du lịch, tỉnh đang hướng tới thu hút các nhà đầu lớn, có năng lực đầu tư các sản phẩm du lịch chất lượng cao, tập trung vào các khu vực có lợi thế về cảnh quan thiên nhiên, môi trường như hồ Hòa Bình; các huyện: Mai Châu, Lạc Thủy, Kim Bôi, Lạc Sơn… Bên cạnh đó, chú trọng phát triển du lịch cộng đồng gắn với bảo vệ môi trường sinh thái, bản sắc văn hóa cải thiện đời sống người dân.

Để thực hiện hướng phát triển xanh, bền vững, tỉnh đề ra 4 khâu đột phá gồm:

Đầu tiên đó là đột phá về quy hoạch, xây dựng quy hoạch tỉnh chất lượng, tầm nhìn dài hạn cùng với đó là phải quản lý thật tốt quy hoạch. Trên cơ sở đó mới khắc phục những tồn tại, bất cập quy hoạch nhỏ lẻ, manh mún, chạy theo yêu cầu nhà đầu tư. Từ đó huy động tốt các nguồn lực thực hiện có hiệu quả định hướng phát triển xanh, bền vững của tỉnh. Tỉnh đang xây dựng quy hoạch khu du lịch hồ Hòa Bình bài bản, chất lượng, có tầm nhìn lâu dài; nghiên cứu cơ chế huy động nguồn lực đầu phát triển du lịch khu vực hồ và một số khu du lịch trọng điểm. Đã có nhiều nhà đầu tư đề xuất, nghiên cứu triển khai các dự án có quy mô lớn vào lĩnh vực du lịch, đô thị sinh thái.

Thứ hai, tập trung cải thiện môi trường đầu tư, cải cách hành chính để thu hút đầu tư, trong đó trọng tâm là cải cách thủ tục hành chính, xây dựng chính quyền đồng hành, phục vụ doanh nghiệp và người dân. Thực hiện mục tiêu mỗi năm thăng hạng chỉ số PCI tối thiểu 3 bậc. Tỉnh đã chỉ đạo xây dựng và đưa vào áp dụng bộ chỉ số đánh giá năng lực quản lý, điều hành của các sở, ban, ngành và cấp huyện (DDIC) nhằm tạo chuyển biến thực chất cải thiện môi trường kinh doanh. Bên cạnh đó, tập trung chỉ đạo xây dựng tiêu chí lựa chọn nhà đầu tư dựa trên năng lực tài chính thực hiện các dự án đầu tư bài bản, chuyên nghiệp; xây dựng cơ chế phối hợp trong giải phóng mặt bằng, xác định rõ người, rõ việc các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp và người dân để tháo gỡ những bất cập, đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng nhằm huy động các nguồn lực đầu tư vào địa bàn.

Thứ ba là đột phá về hạ tầng, nhất là hạ tầng giao thông, quyết tâm đầu tư 3 tuyến đường quan trọng đó là mở rộng đường cao tốc Hòa Lạc - thành phố Hòa Bình; xây dựng tuyến đường đấu nối từ đường Hòa Lạc sang huyện Kim Bôi để tạo điều kiện khai thác tiềm năng, lợi thế tạo động lực tăng trưởng cho khu vực; phối hợp tỉnh Sơn La xây dựng tuyến đường Hòa Bình - Mộc Châu. Bên cạnh đó sẽ tính toán huy động nguồn lực đầu tư kết cấu hạ tầng du lịch, nông nghiệp, hạ tầng công nghiệp để thu hút đầu tư, tạo sự phát triển.

Thứ tư là tập trung phát triển nguồn nhân lực; trước mắt nâng cao chất lượng giáo dục phổ thông, từ đó nâng cao chất lượng giáo dục hướng nghiệp, đào tạo nghề, trong đó lựa chọn những ngành nghề tỉnh có thế mạnh phục vụ cho nhu cầu phát triển của tỉnh. Tỉnh chỉ đạo xây dựng cơ chế, chính sách thu hút nguồn nhân lực có chất lượng cao vào làm việc trong hệ thống chính trị và các ngành, lĩnh vực quan trọng của tỉnh; xây dựng đội ngũ cán bộ vừa hồng, vừa chuyên, đủ năng lực đáp ứng yêu cầu phát triển trong giai đoạn tới.

P.V: Xin đồng chí cho biết kết quả đại hội Đảng bộ các cấp hướng tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng?

Đồng chí Ngô Văn Tuấn: Cùng với việc lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện có hiệu quả các chủ trương, nghị quyết của Đảng, năm 2020, tỉnh đã tổ chức thành công đại hội Đảng bộ các cấp và Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2020 -2025 đáp ứng yêu cầu Chỉ thị số 35-CT/TW của Bộ Chính trị trong bối cảnh khẩn trương thực hiện sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã, thôn bản theo Nghị quyết số 37-NQ/TW của Bộ Chính trị, Nghị quyết số 830/NQ-UBTVQH14 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.


Toàn cảnh Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2020 - 2025. 

Đại hội Đảng bộ các cấp và Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII thực sự là đại hội của đổi mới, phát huy dân chủ, tăng cường đoàn kết, giữ vững kỷ luật, kỷ cương; coi trọng chất lượng, hiệu quả. Công tác xây dựng văn kiện đại hội được chuẩn bị đầy đủ, công phu, sát với tình hình thực tế địa phương, bám sát đề cương, hệ thống chỉ tiêu chủ yếu. Đảng bộ các cấp đều xây dựng những mục tiêu cách mạng, đột phá, gắn với những giải pháp cụ thể khả thi để tập trung chỉ đạo, thực hiện. Công tác nhân sự được chuẩn bị kỹ lưỡng, chắc chắn, thận trọng, chặt chẽ, đúng quy trình, bảo đảm dân chủ, khách quan, công khai, minh bạch. Kết quả bầu cấp ủy bảo đảm tiêu chuẩn, bầu một lần đủ số lượng; đảm bảo tỷ lệ nữ, tuổi trẻ theo quy định, cơ cấu độ tuổi, người dân tộc thiểu số phù hợp. Nhân sự trúng cử đa số đều có số phiếu bầu đạt từ 80% trở lên, một số đạt 100% phiếu bầu. Tỷ lệ cán bộ nữ của tỉnh trong Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh đạt tới 18%, cán bộ trẻ đạt 12%, cán bộ người dân tộc đạt 67%, trình độ cán bộ cũng có tiến bộ rõ rệt. Đại hội Đảng bộ tỉnh đã bầu 52 đồng chí vào Ban Chấp hành, là những đồng chí tiêu biểu đại diện cho ý chí, niềm tin của hơn 6,7 vạn đảng viên trong toàn tỉnh. Đại hội đã bầu đoàn đại biểu dự Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng gồm 20 đồng chí, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy làm trưởng đoàn. Đoàn đại biểu tỉnh Hòa Bình nhận thức sâu sắc đây vừa là vinh dự rất lớn nhưng cũng đòi hỏi tinh thần trách nhiệm rất cao của mỗi đại biểu trước cán bộ, đảng viên trong toàn tỉnh; thực hiện nghiêm túc nội quy, quy chế đại hội; tập trung nghiên cứu nội dung các văn kiện để đóng góp, tham gia các ý kiến tâm huyết, trí tuệ; phát huy dân chủ, nâng cao trách nhiệm, sáng suốt lựa chọn được những đảng viên ưu tú, những người đủ đức, đủ tài vào Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư để tiếp tục lãnh đạo đất nước bước vào giai đoạn phát triển mới.

P.V: Trân trọng cảm ơn đồng chí!

Lê Chung (TH)

Các tin khác


Hướng dẫn thực hiện Quy định về những điều đảng viên không được làm

(HBĐT) - Điều 15. Tặng, nhận quà dưới mọi hình thức để tác động đến tổ chức, người có trách nhiệm dẫn đến việc quyết định sai, có lợi riêng cho bản thân hoặc cá nhân, tổ chức, cơ quan, doanh nghiệp. Đảng viên không được: Tặng, nhận quà dưới mọi hình thức để tác động đến tổ chức, người có trách nhiệm quyết định sai, có lợi riêng cho bản thân hoặc cá nhân, tổ chức, cơ quan, doanh nghiệp trong những việc sau:

Chỉ thị của Bộ Chính trị về việc nghiên cứu, học tập, quán triệt, tuyên truyền và triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng

Ngày 9-3, thay mặt Bộ Chính trị, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã ký ban hành Chỉ thị của Bộ Chính trị tới các cấp ủy, tổ chức đảng, các cấp, các ngành về việc nghiên cứu, học tập, quán triệt, tuyên truyền và triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng. Xin trân trọng giới thiệu toàn văn Chỉ thị.

Toàn văn Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng

Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII Đảng Cộng sản Việt Nam họp từ ngày 25/01/2021 đến ngày 01/02/2021, tại Thủ đô Hà Nội, sau khi thảo luận các văn kiện do Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá XII trình,

Thực hiện quy trình bầu các Phó Chủ nhiệm; phân công nhiệm vụ Thành viên Ủy ban Kiểm tra Trung ương

Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã thực hiện quy trình bầu các đồng chí Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương; phân công nhiệm vụ đối với các đồng chí Thành viên Ủy ban Kiểm tra Trung ương.

Vận dụng sáng tạo Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng đưa Hòa Bình phát triển nhanh, bền vững

(HBĐT) - Sau hơn 7 ngày làm việc khẩn trương, nghiêm túc, phát huy dân chủ, trí tuệ và trách nhiệm cao, Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng đã thành công tốt đẹp, hoàn thành các chương trình, kế hoạch đề ra.Đáp ứng nguyện vọng của cán bộ, đảng viên và Nhân dân tỉnh ta, phóng viên Báo Hòa Bình đã phỏng vấn đồng chí Ngô Văn Tuấn, Ủy viên BCH T.Ư Đảng, Bí thư Tỉnh ủy về những đóng góp của đoàn đại biểu tỉnh với đại hội, cũng như giải pháp nhằm đưa Nghị quyết Đại hội (NQĐH) lần thứ XIII của Đảng vào thực tiễn tỉnh nhà. Sau đây là nội dung cuộc phỏng vấn:

Diễn văn bế mạc của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng tại phiên bế mạc Đại hội Đảng

Sau hơn 7 ngày làm việc nghiêm túc, khẩn trương, dân chủ, với ý thức trách nhiệm cao trước Đảng và nhân dân, sáng 1/2/2021, tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia (Hà Nội), Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng đã bế mạc và thành công tốt đẹp. Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đọc diễn văn quan trọng bế mạc Đại hội. Xin trân trọng giới thiệu toàn văn bài phát biểu:

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục