(HBĐT) - Là hồ nhân tạo lớn nhất Đông Nam Á, có chiều dài 70 km, trải rộng trên địa bàn nhiều xã thuộc 5 huyện, thành phố; khu vực lòng hồ có 47 đảo lớn nhỏ, trong đó có 11 đảo đá vôi với diện tích 116 ha và 36 đảo núi đất diện tích gần 160 ha. Sở hữu phong cảnh sơn thuỷ hữu tình, thơ mộng, không gian thiên nhiên hoang sơ, cùng với đó là nền văn hóa các dân tộc giàu bản sắc là tài nguyên, tiềm năng để phát triển các loại hình du lịch. Hồ Hòa Bình được tỉnh xác định là trọng điểm phát triển du lịch của tỉnh.
Đền Chúa Thác Bờ trên tuyến du lịch lòng hồ Hoà Bình thu hút đông đảo du khách trong và ngoài tỉnh đến thăm quan, trải nghiệm.
Tỉnh đã tập trung huy động các nguồn lực đầu tư kết cấu hạ tầng điện, giao thông, cảng, bến, hỗ trợ các doanh nghiệp đầu tư vào du lịch hồ Hòa Bình, từng bước hoàn thiện các tiêu chí phấn đấu xây dựng hồ Hòa Bình sớm trở thành Khu du lịch (KDL) Quốc gia. Mấy năm gần đây, đã có hàng nghìn tỷ đồng đầu tư nâng cấp hạ tầng khu vực hồ Hòa Bình. Một trong những điểm nhấn quan trọng là tập trung đầu tư, nâng cấp tuyến đường 435 từ TP Hòa Bình đi xã Suối Hoa (Tân Lạc). Với 2 dự án, trong đó từ ngã ba dốc Cun, TP Hòa Bình đến xã Bình Thanh, huyện Cao Phong (dài khoảng 10,2 km); từ Bình Thanh - Thung Nai - Suối Hoa (dài hơn 20 km) được xây dựng theo tiêu chuẩn giao thông cấp III miền núi, ô tô hai chiều rộng rãi di chuyển êm thuận là những dự án mang lại hiệu quả rõ rệt. Hiện nay, thời gian di chuyển từ TP Hòa Bình tới khu vực xóm Liếm, cảng Ngòi chỉ còn 30 phút thay vì cả tiếng đồng hồ như trước đây với liên tiếp khúc cua tay áo, gập gềnh, trắc trở. Tuyến đường 435 đang góp phần thay đổi diện mạo cả khu vực, tạo sức hút của hồ Hòa Bình. Cảng Thung Nai cũng đã trở thành trung tâm vận chuyển khách du lịch thăm quan hồ thủy điện Hòa Bình. Khu vực trung tâm xã giờ như thị tứ, như phố tấp nập, đông vui, người xe qua lại. Các xóm Nẻ, Liếm, Ngòi, xã Suối Hoa nằm trong vùng lõi quy hoạch xây dựng KDL Quốc gia hồ Hòa Bình thay đổi nhanh chóng với hàng loạt dự án đầu tư đang đăng ký và triển khai. Bên cạnh đó, tỉnh đang triển khai nhiều dự đầu tư hạ tầng như: Nâng cấp tuyến đường lên Cảng ba cấp chiều dài 2,5km; xây dựng đường giao thông trục chính của đảo Sung, xã Tiền Phong, huyện Đà Bắc chiều dài 2,25 km; đầu tư hỗ trợ thực hiện cải tạo sân phục vụ sinh hoạt cộng đồng tại xóm Ké, xã Hiền Lương, huyện Đà Bắc; cải tạo tuyến đường lên điểm du lịch cộng đồng xóm Ngòi và đường vào thăm quan di tích Quốc gia động Hoa Tiên tại xã Suối Hoa, huyện Tân Lạc… mở ra cơ hội thu hút đầu tư phát triển các sản phẩm du lịch, dịch vụ trên khu vực hồ Hòa Bình.
Cùng với đó, tỉnh đã chỉ đạo nhiều giải pháp nâng cao năng lực quản lý Nhà nước về du lịch, kết nối xây dựng tuor tuyến, quảng bá tiềm năng, lợi thế, thu hút đầu tư, hỗ trợ tổ chức, cá nhân tham gia đầu tư vào lĩnh vực du lịch. Hiện, khu vực hồ Hòa Bình đã có 107 cơ sở lưu trú, bao gồm 14 khách sạn từ 1 - 3 sao, 32 nhà nghỉ, 61 nhà nghỉ cộng đồng với 1.383 buồng phòng. Trong đó có những điểm du lịch có chất lượng dịch vụ khá cao như: Mai Châu Hideaway, Ba Khan Village Resort; nhiều xóm, bản như xóm Ké (xã Hiền Lương), xóm Đức Phong (xã Tiền Phong) đã trở điểm du lịch cộng đồng có sức hút đối với du khách trong nước và quốc tế đến thăm quan, trải nghiệm, khám phá. Hệ thống nhà hàng, điểm vui chơi, điểm du lịch, các tuor tuyến được xây dựng và kết nối với các địa phương trong tỉnh, trong nước, tạo nên một hệ sinh thái du lịch khá đa dạng, thu hút nhiều du khách.
Đồng chí Lưu Huy Linh, Phó Giám đốc Sở VH-TT&DL cho biết: Sau 5 năm triển khai thực hiện Nghị quyết số 14-NQ/TU, ngày 22/6/2017 của BTV Tỉnh ủy về phát triển KDL hồ Hòa Bình thành Khu du lịch Quốc gia, hoạt động du lịch trên KDL hồ Hòa Bình có nhiều khởi sắc. Chất lượng sản phẩm, dịch vụ du lịch tiếp tục được nâng cao; công tác đào tạo, tuyên truyền, quảng bá, xúc tiến du lịch được đẩy mạnh; công tác đảm bảo QP-AN và an toàn cho du khách được đảm bảo đã thu hút được nhiều khách du lịch đến thăm quan, nghỉ dưỡng. Đối chiếu với 5 điều kiện đủ để công nhận KDL Quốc gia theo Nghị định của Chính phủ, KDL hồ Hòa Bình đạt 3/5 điều kiện. Trong đó mới đạt 3 điều kiện gồm: Có ít nhất 2 tài nguyên du lịch, trong đó có tài nguyên du lịch cấp Quốc gia; có ranh giới xác định trên bản đồ địa hình do cơ quan có thẩm quyền xác nhận. Tỷ lệ bản đồ phụ thuộc vào yêu cầu quản lý và địa hình khu vực. Có trong danh mục các khu vực tiềm năng phát triển KDL Quốc gia được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Có kết nối với hệ thống hạ tầng giao thông, viễn thông Quốc gia. 2 điều kiện chưa đạt gồm: Có kết cấu hạ tầng, cơ sở vật chất kỹ thuật, dịch vụ chất lượng cao, đồng bộ, đáp ứng nhu cầu lưu trú, ăn uống và các nhu cầu khác của khách du lịch. Chưa có hệ thống thu gom và xử lý rác thải, nước thải tập trung theo quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường; số lượng nhà vệ sinh công cộng đạt tiêu chuẩn tương ứng với số lượng khách du lịch vào thời kỳ cao điểm là chưa đủ theo quy định.
Tỉnh đang chỉ đạo các ngành, địa phương tăng cường công tác quản lý Nhà nước về quy hoạch, thu hút đầu tư, phát triển du lịch. Huy động nguồn lực từ các cấp, ngành đầu tư xây dựng, quản lý khu du lịch theo đúng quy hoạch đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt; đảm bảo công tác QP-AN, an ninh trật tự, phòng chống cháy nổ, bảo vệ môi trường, an toàn cho KDL; tiếp tục hoàn thiện các tiêu chí còn thiếu để KDL hồ Hòa Bình đạt các tiêu chí KDL Quốc gia vào năm 2025. Phát triển du lịch gắn với mục tiêu giữ gìn và bảo vệ môi trường sinh thái với phương châm phát triển: Xanh – xanh hơn – xanh hơn nữa. Thu hút nhà đầu tư có tiềm lực đầu tư vào cơ sở vật chất kỹ thuật du lịch, tạo ra sản phẩm du lịch chất lượng cao. Đặc biệt, thực hiện các giải pháp hỗ trợ các doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn, thu hút các dự án có sản phẩm du lịch chất lượng cao, đạt chuẩn từ 3 sao trở lên với các dịch vụ vui chơi giải trí nghỉ dưỡng chất lượng cao, đảm bảo đến 2025 có đủ số lượng cơ sở lưu trú đạt tiêu chuẩn 4 sao theo quy định để đủ điều kiện quy định về KDL Quốc gia. Bên cạnh đó, xử lý nghiêm các dự án triển khai chậm hoặc không triển khai theo quy định. Tăng cường công tác tuyên truyền, vận động người dân và cộng đồng trong việc gìn giữ phong tục tập quán truyền thống, bảo vệ tài nguyên môi trường và hỗ trợ người dân tham gia vào hoạt động kinh doanh du lịch cộng đồng để góp phần thúc đẩy du lịch phát triển và bảo tồn bản sắc văn hóa dân tộc. Hướng tới mục tiêu xây dựng KDL hồ Hòa Bình đạt tiêu chí Quốc gia, khai thác hiệu quả tiềm, năng lợi thế vùng hồ.
Lê Chung
(HBĐT) - Trải dài hơn 200 km từ Hoà Bình đến Sơn La, với diện tích mặt nước khoảng 9.000 ha, dung tích 9,45 tỷ m3, khu du lịch (KDL) hồ Hoà Bình có cảnh quan thiên nhiên hùng vĩ, vẻ đẹp sơn thuỷ hữu tình được tạo nên bởi thế núi, thế sông, hàng trăm đảo lớn nhỏ cùng hệ thống hang động với vô vàn khối nhũ màu sắc. Đây chính là điều kiện để phát triển nhiều loại hình du lịch. Hành trình trải nghiệm các điểm đến trên KDL sẽ mang đến những cảm xúc khó quên.
(HBĐT) - Đó là tour du lịch khám phá được Công ty CP du lịch Hòa Bình triển khai, áp dụng từ ngày 1/10 - 31/12/2021, nhằm hưởng ứng hoạt động kích cầu du lịch trong tình hình mới. Theo đó, doanh nghiệp cam kết giảm giá (20 - 50%) cho tất cả các sản phẩm, dịch vụ, từ phòng nghỉ, ăn uống, tàu du lịch cao cấp, hội trường, tổ chức sự kiện ngoài trời, văn nghệ, lửa trại, hướng dẫn viên bản địa, ngủ homestay tại điểm du lịch cộng đồng bản Ngòi, tour trải nghiệm không gian văn hóa Mường và khám phá hồ Hòa Bình, tour khám phá bản Mường cổ Ngòi Hoa và lòng hồ Hòa Bình.
(HBĐT) - Trong 47 đảo lớn, nhỏ trên mênh mông lòng hồ Hòa Bình, đảo Sung, thuộc địa phận xã Tiền Phong (Đà Bắc) có vị trí trung tâm và là đảo lớn nhất với 133 ha. Đáng chú ý, Công ty CP du lịch Hòa Bình đang đầu tư xây dựng dự án khu du lịch (KDL) thiên nhiên Robinson. Dự án có quy mô lớn, chất lượng cao, không chỉ thỏa mãn nhu cầu vui chơi, giải trí mà còn đáp ứng nhu cầu nghỉ dưỡng cao cấp của khách trong nước, quốc tế.
(HBĐT) - Khu du lịch (KDL) hồ Hòa Bình là tài nguyên du lịch cấp quốc gia, có ranh giới xác định trên bản đồ địa hình. Đồng thời, có trong danh mục các khu vực tiềm năng phát triển KDL quốc gia được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Tỉnh phấn đấu đến năm 2025, KDL cơ bản đạt các điều kiện trở thành KDL quốc gia.
(HBĐT) - Đảng bộ và Nhân dân huyện vùng cao Đà Bắc đang bắt tay vào thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XXV, đổi mới tư duy, cách làm, tập trung phát triển nông nghiệp, thủy sản, chú trọng phát triển chăn nuôi đại gia súc ở những khu vực có điều kiện. Bên cạnh đó, phát triển du lịch hồ Hòa Bình gắn với bảo tồn các giá trị văn hóa tốt đẹp của Nhân dân các dân tộc, phấn đấu đưa Đà Bắc thoát khỏi huyện nghèo.