(HBĐT) - Đến với vùng hồ Hòa Bình, du khách được thưởng ngoạn không gian mây nước, không khí trong lành, tìm hiểu văn hóa, lịch sử tâm linh huyền thoại về Bà Chúa Thác Bờ giúp vua Lê đánh giặc. Du xuân vãn cảnh đền Bờ, khám phá vùng hồ Hòa Bình từ lâu đã thu hút được đông đảo du khách trong và ngoài tỉnh.


Đền Bờ với cảnh đẹp sơn thủy hữu tình, thu hút du khách dịp đầu xuân.

Đền Bờ - đền Chúa Thác Bờ là địa điểm du lịch tâm linh không thể bỏ qua khi đến thăm quan, vãn cảnh hồ Hòa Bình. Lễ hội đền Bờ mở từ ngày mùng 2 Tết đến hết tháng 4 Âm lịch. Du khách có thể đến đền Bờ từ bến cảng Thung Nai (Cao Phong). Mấy năm nay, con đường này được nâng cấp, cải tạo rất thuận tiện cho việc di chuyển bằng ô tô, qua các bản làng dân tộc, khung cảnh lòng hồ ẩn hiện. Đến bến cảng Thung Nai rồi đi bằng đường thủy chỉ mất hơn 30 phút là có thể đến với đền Bờ.

Du khách cũng có thể đi bằng tàu du lịch từ cảng Bích Hạ (TP Hòa Bình), mất khoảng 1 tiếng rưỡi. Chị Hoàng Thị Hương, du khách Hà Nội chia sẻ: Hàng năm, vào dịp đầu xuân, nhóm bạn cấp III chúng tôi tổ chức du xuân, vãn cảnh, cầu lộc, cầu tài tại đền Bờ - Hòa Bình. Đến đây, ngoài thỏa mãn vấn đề tâm linh, đi trên tàu du lịch, trước khi đến với đền Bờ, chúng tôi còn được đắm mình tận hưởng không khí trong lành, chiêm ngưỡng những ngọn núi xếp lô nhô, thấm đẫm màu xanh đại ngàn, làn nước trong xanh... như lạc vào chốn bồng lai, tiên cảnh của hồ Hòa Bình được ví như Vịnh Hạ Long trên cạn. 

Trước đây, đền Thác Bờ thuộc xã Hào Tráng, sau nhiều lần thay đổi về địa giới hành chính, hiện đền tọa lạc tại xã Thung Nai (Cao Phong) và xã Vầy Nưa (Đà Bắc). Đền Bờ gồm có đền Trình (đền Chúa) và đền Chầu (đền ông Chẩu). Trên đền thờ hội đồng các quan, thờ Đức Đại Vương Trần Triều, thờ Chúa Thác Bờ và thờ Sơn Trang, nhưng chủ yếu vẫn là thờ hai bà Chúa Thác người Mường và người Dao. Theo truyền thuyết, đền thờ bà chúa Thác Bờ là Đinh Thị Vân – người Mường và một bà người Dao ở Vầy Nưa, có công giúp vua Lê Lợi về quân lương, thuyền mảng vượt thác Bờ tiến quân lên Mường Lễ, Sơn La dẹp loạn đảng Đèo Cát Hãn. Sau khi mất, hai bà thường hiển linh giúp dân vượt thác an toàn, phù hộ cho trăm dân trong vùng mưa thuận, gió hòa. Bởi vậy, nhân dân trong vùng phong cả hai là Bà Chúa Thác Bờ và lập đền thờ phụng.

Khi thủy điện Hòa Bình hoàn thành, đền thờ cũ chìm dưới hàng chục mét nước của thủy điện Hòa Bình. Đền thờ Bà Chúa Thác Bờ ngày nay được lập bên trên nền của đền thờ cũ. Hàng năm, nhất là vào dịp đầu xuân năm mới, rất nhiều du khách khi đi du lịch Hòa Bình đều vào đền Bà Chúa Thác Bờ cầu tài, cầu lộc, cầu bình an cho người thân. Đền Thác Bờ phía tả ngạn thuộc huyện Đà Bắc nằm trên đỉnh đồi Hang Thần ở xóm Phố Bờ. Từ dưới bến thuyền du khách phải leo hơn 100 bậc, sau đó theo một triền dốc thoai thoải mới đến nơi. Đền gồm 3 gian, mái đền bằng bê tông cốt thép, được thiết kế theo kiểu vòm cuốn và kiến trúc mặt bằng hình chữ đinh gồm: Nhà đại bái và nhà hậu cung, phía trước đền gồm 5 cửa (ngũ quan). Hiện nay, tại di tích này còn lưu giữ được một quả chuông đồng được đúc vào tháng 2, năm Thành Thái thứ 6.

Đền Thác Bờ phía hữu ngạn huyện Cao Phong tọa lạc trên sườn đồi Sầm Lông, thuộc xóm Đền. Trước đây, đền Thác Bờ chủ yếu được dựng lên từ tranh, tre, nứa, lá ngay dưới chân Thác Bờ. Sau này, nước dâng cao do Nhà máy thủy điện Hòa Bình trên sông Đà khởi công xây dựng nên ngôi đền phải di dời lên sườn núi ngay cạnh bờ sông. Vào mùa khô, muốn thăm đền, du khách phải leo bộ hết 108 bậc. Mùa mưa, nước dâng lên sát nền móng đền, du khách có thể lên thẳng khi thuyền bè cập bến. Đền có nhiều tượng với 38 pho lớn nhỏ. Trong đó có hai pho tượng đồng là tượng thờ chính… Năm 2009, động Thác Bờ được Bộ VH-TT&DL công nhận là di tích danh thắng quốc gia. Ngày nay, thác Bờ và đền Bờ đã trở thành điểm du lịch văn hóa tâm linh nổi tiếng. Từ trên đền Bờ có thể phóng tầm mắt ôm trọn lòng hồ mênh mang với phong cảnh thật nên thơ, hữu tình, đem lại cảm giác thư thái, nhẹ nhàng, tâm hồn thanh tịnh, an nhiên như rũ bỏ mọi mệt mỏi của cuộc sống bộn bề lo toan.

Trong hành trình thăm quan, chiêm bái đền Chúa Thác Bờ, du khách sẽ được khám phá động Thác Bờ - một sản phẩm thiên nhiên ban tặng với cấu tạo đẹp đến mê hoặc được tạo bởi những khối thạch nhũ ngàn năm muôn hình vạn trạng. Năm nay, nước dâng cao nên du khách không phải leo nhiều bậc đã lên tới cửa động. Đến thăm đền Bờ, động Thác Bờ, du khách có thể tìm hiểu văn hóa, sinh hoạt, sản xuất, cuộc sống người dân địa phương, tận hưởng, thưởng thức hương vị thơm ngon đặc biệt của các món cá sông Đà; thưởng thức các đặc sản núi rừng như thịt gà hấp lá chanh, thịt lợn bản địa nướng mật ong bày trên lá chuối, măng luộc, cơm nếp nương, rượu táo mèo, rau rừng đồ chấm lòng cá… mang lại ấn tượng không thể quên sau hành trình khám phá hồ sông Đà.

Hương Lan

Các tin khác


Khám phá vẻ đẹp động Thác Bờ

(HBĐT) - Không chỉ là điểm du lịch tâm linh thu hút khách trong mùa lễ hội, di tích danh thắng quốc gia động Thác Bờ còn là điểm thăm quan chính của tuyến du lịch lòng hồ sông Đà.

Du xuân hồ Hòa Bình, đền Bờ - một lần đã đến không quên

(HBĐT) - Hàng năm, mỗi dịp đầu xuân, du khách muôn phương lại nô nức trẩy hội đền Bờ trên khu vực hồ Hòa Bình. Để đến đền Bờ có hai cách, đi từ cảng Bích Hạ thuộc xã Hòa Bình (TP Hòa Bình) hoặc cảng Thung Nai thuộc xã Thung Nai (Cao Phong). Tuyến đường Bình Thanh - Thung Nai hoàn thành, đưa vào sử dụng thuận lợi cho các đoàn khách di chuyển. Năm nay, trước tình hình dịch Covid-19, bên cạnh công tác đảm bảo an ninh trật tự, an toàn giao thông đường thủy, an toàn thực phẩm, công tác phòng, chống dịch bệnh tại tuyến du lịch này được quan tâm.

Sẵn sàng cho mùa lễ hội khu vực hồ Hoà Bình năm 2022

(HBĐT) - Trong suốt 2 năm qua, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, số lượng khách du lịch hồ Hoà Bình giảm mạnh, kéo theo doanh thu và lợi nhuận của các đơn vị kinh doanh vận tải trong khu vực ảnh hưởng nặng nề.

Những điểm đến hấp dẫn trên khu du lịch hồ Hòa Bình

(HBĐT) - Trải dài hơn 200 km từ Hoà Bình đến Sơn La, với diện tích mặt nước khoảng 9.000 ha, dung tích 9,45 tỷ m3, khu du lịch (KDL) hồ Hoà Bình có cảnh quan thiên nhiên hùng vĩ, vẻ đẹp sơn thuỷ hữu tình được tạo nên bởi thế núi, thế sông, hàng trăm đảo lớn nhỏ cùng hệ thống hang động với vô vàn khối nhũ màu sắc. Đây chính là điều kiện để phát triển nhiều loại hình du lịch. Hành trình trải nghiệm các điểm đến trên KDL sẽ mang đến những cảm xúc khó quên.

Trải nghiệm không gian văn hóa Mường và khám phá hồ Hòa Bình

(HBĐT) - Đó là tour du lịch khám phá được Công ty CP du lịch Hòa Bình triển khai, áp dụng từ ngày 1/10 - 31/12/2021, nhằm hưởng ứng hoạt động kích cầu du lịch trong tình hình mới. Theo đó, doanh nghiệp cam kết giảm giá (20 - 50%) cho tất cả các sản phẩm, dịch vụ, từ phòng nghỉ, ăn uống, tàu du lịch cao cấp, hội trường, tổ chức sự kiện ngoài trời, văn nghệ, lửa trại, hướng dẫn viên bản địa, ngủ homestay tại điểm du lịch cộng đồng bản Ngòi, tour trải nghiệm không gian văn hóa Mường và khám phá hồ Hòa Bình, tour khám phá bản Mường cổ Ngòi Hoa và lòng hồ Hòa Bình.

Dự án khu du lịch nghỉ dưỡng Robinson - điểm nhấn trên hồ Hòa Bình

(HBĐT) - Trong 47 đảo lớn, nhỏ trên mênh mông lòng hồ Hòa Bình, đảo Sung, thuộc địa phận xã Tiền Phong (Đà Bắc) có vị trí trung tâm và là đảo lớn nhất với 133 ha. Đáng chú ý, Công ty CP du lịch Hòa Bình đang đầu tư xây dựng dự án khu du lịch (KDL) thiên nhiên Robinson. Dự án có quy mô lớn, chất lượng cao, không chỉ thỏa mãn nhu cầu vui chơi, giải trí mà còn đáp ứng nhu cầu nghỉ dưỡng cao cấp của khách trong nước, quốc tế.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục