Đa số cán bộ có lập trường tư tưởng và bản lĩnh chính trị vững vàng, đạo đức trong sáng, lối sống giản dị, gương mẫu; có ý thức rèn luyện, phấn đấu, hoàn thành tốt các nhiệm vụ được giao; nhiều cán bộ năng động, sáng tạo, thích ứng nhanh với nền kinh tế thị trường và xu thế hội nhập, có khả năng làm việc trong môi trường quốc tế.
Theo ông Nguyễn Túc, Ủy viên Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, muốn cách mạng thành công, đầu tiên phải có Đảng lãnh đạo với đường lối đúng, hợp lòng dân và yếu tố thứ hai là xây dựng đội ngũ cán bộ để thực hiện đường lối đó.
Từ thực tế này, Đảng ta luôn coi công tác đào tạo đội ngũ cán bộ là một trong những nhiệm vụ cực kỳ quan trọng mang tính quyết định đến sự thành công của cách mạng.
- Thưa ông, những yếu tố nào quyết định sự thành công trong công tác đào tạo cán bộ, nhất là cán bộ trẻ?
Ông Nguyễn Túc: Những nhiệm kỳ gần đây, công tác đào tạo cán bộ có nhiều đột phá, bài bản hơn. Song song với việc đào tạo tại các Học viện, Trung tâm đào tạo thì việc luân chuyển cũng được thực hiện mạnh mẽ nhằm trang bị các kinh nghiệm thực tiễn cho lực lượng cán bộ, cũng như giải quyết các công việc tương lai tốt hơn.
Với cách đào tạo như vậy, đến nay chúng ta đã có một đội ngũ cán bộ đa dạng về ngành nghề, đông đảo về số lượng; trong đó nhiều cán bộ được đánh giá cao và tầm cỡ không chỉ trong nước mà quốc tế.
- Theo ông, cách nào để nhận diện các cán bộ "chín ép”?
Ông Nguyễn Túc: Việc đánh giá cán bộ thì yếu tố đầu tiên là qua bằng cấp được đào tạo, song theo tôi bằng cấp phải đúng thực lực và có đáp ứng được yêu cầu hay không?
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã nhấn mạnh: "Đừng thấy đỏ tưởng là chín,” do vậy khi các cán bộ đã được đào tạo thì cần phải xem thực lực của cán bộ đó, trước hết là phải xem phẩm chất đạo đức để bố trí cán bộ cho phù hợp.ên thực tế, đã có trường hợp cán bộ được đề bạt song lại bị tác động từ nhiều phía, thậm chí có hiện tượng "chạy chức, chạy quyền” để lên được các vị trí cao hơn.
Vì vậy, để chọn được đội ngũ cán bộ trẻ, có năng lực, điều quan trọng khi đào tạo phải có thử thách, cụ thể là đưa các cán bộ vào tôi luyện trong những môi trường thực tiễn nhằm phát huy năng lực và kinh nghiệm bản thân, qua đó rèn luyện ý chí và bản lĩnh trong các hoàn cảnh khác nhau. Cùng với đó, cần có cơ chế để giám sát, tránh việc "một người làm quan cả họ được nhờ.”
Để có thể phát hiện những người giàu nhanh, bất thường, nhiều nhà, nhiều đất, không thể chỉ dựa vào bộ máy Đảng, Nhà nước, mà quan trọng nhất là phải dựa vào dân.
Bác Hồ đã từng nói: Có dân là có tất cả. Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng cũng khẳng định: "Dân biết cả đấy.” Vì vậy, muốn biết quan chức như thế nào chỉ cần hỏi dân.
Tuy vậy, cũng phải thẳng thắn đánh giá, một số người dân khi nhìn nhận và đánh giá cán bộ còn phiến diện, chưa thấy được hết năng lực của cán bộ. Do vậy, khi lấy ý kiến của dân về việc đề bạt cán bộ cần dựa vào dân, song là ý kiến của đại đa số, tức là thông qua Mặt trận, Công đoàn, Đoàn Thanh niên… để có cách nhận xét đa chiều, khách quan và dân chủ về cán bộ đó.
- Không ít cán bộ trẻ, thậm chí giữ các cương vị cao đã bị kỷ luật hoặc xử lý trách nhiệm hình sự, vậy theo ông cần có cơ chế như thế nào để giám sát chặt chẽ và có hiệu quả các cán bộ khi được bổ nhiệm chức vụ lãnh đạo, nhất là lãnh đạo cấp cao?
Ông Nguyễn Túc: Đúng vậy, thời gian qua, với sự chỉ đạo quyết liệt và mạnh mẽ của Người đứng đầu Đảng và Nhà nước, nhiều cán bộ kể cả cấp cao đã bị xử lý kỷ luật về các hành vi tham nhũng…
Hiện nay, đất nước đã phát triển với thế và lực mới, kéo theo sự đa dạng của các thành phần kinh tế. Do vậy, nếu vẫn nặng về quan điểm "khổ trước thiên hạ, sướng sau thiên hạ” thì không còn phù hợp nữa.
Ví dụ, một cán bộ giữ chức vụ Bí thư tỉnh ủy hay Bộ trưởng mà lương không tương xứng, thậm chí chỉ bằng một phần rất nhỏ mức lương của các chủ doanh nghiệp thì cần phải tính toán lại.
Điều đó có nghĩa là chúng ta phải có chính sách phù hợp để đội ngũ cán bộ yên tâm, có thể toàn tâm, toàn sức phấn đấu phục vụ nhân dân. Giữa "cái tôi và cái ta” mà giải quyết không khéo sẽ rất khó cho các lãnh đạo và đảng viên, nhất là người đứng đầu-đó cũng là nguyên nhân dẫn đến tiêu cực.
Nguyên tắc cao nhất trong Đảng là phê bình và tự phê bình, nhưng thời gian qua ở đâu đó việc phê và tự phê giảm ý nghĩa, không đạt hiệu quả như mong muốn. Có nơi còn hiện tượng "dĩ hòa vi quý” vì "đấu tranh thì tránh đâu”. Vì vậy, theo quan sát của tôi, các vụ án mà Ủy ban kiểm tra Trung ương công bố đều có điểm chung đó là không thực hiện nguyên tắc tập trung dân chủ, tức là dân chủ trong Đảng không được chấp hành nghiêm túc.
Do vậy, bên cạnh công tác phê và tự phê, cần phải làm tốt hơn nữa công tác tổ chức cán bộ và công tác giám sát.
- Ông đã nhấn mạnh về tầm quan trọng trong việc đào tạo bồi dưỡng cán bộ, vậy ông nhận xét thế nào về việc luân chuyển cán bộ, nhất là cán bộ trẻ thời gian qua?
Ông Nguyễn Túc: Bên cạnh việc đào tạo tại các trường thì việc đưa đi luân chuyển tại các vị trí khác nhau sẽ phát huy được rất tốt năng lực lãnh đạo của cán bộ đó, không chỉ ở kiến thức mà còn cả kinh nghiệm và chắc chắn họ ít bỡ ngỡ khi thay thế các "thế hệ đàn anh” đảm nhận những trọng trách cao hơn.
Thực tế, với quyết sách của Đảng như thời gian qua, chúng ta mới có một đội ngũ cán bộ đông và mạnh, bao phủ hầu hết các lĩnh vực như ngày hôm nay.
Tuy vậy, trong quá trình đi lên và đổi mới của đất nước, một sự nghiệp cách mạng chưa có tiền lệ, bên cạnh cái được cũng không tránh khỏi những vấp váp, vì "vừa đi vừa dò đường,” nên việc một số đồng chí cán bộ trẻ sa ngã như vừa qua là khó tránh khỏi. Dù vậy, chúng ta cũng đừng lấy những đồng chí trẻ cá biệt đó mà phủ nhận những thành tựu về đào tạo cán bộ của Đảng thời gian qua.
- Vậy cá nhân ông có gửi gắm gì cho các cán bộ trẻ trong nhiệm kỳ khóa tới?
Ông Nguyễn Túc: Phải nói một điều về mặt kiến thức, khoa học kỹ thuật thì lớp trẻ hiện nay được đào tạo hơn rất nhiều các thế hệ đi trước. Chính được đào tạo, bồi dưỡng và bản thân phấn đấu nên lớp trẻ sẽ hội nhập nhanh hơn so với "thế hệ đàn anh."
Điều kiện quốc tế hiện nay rất thích hợp để thực hiện những chính sách của Đảng về vấn đề đa phương hóa, đa dạng hóa công tác đối ngoại và hội nhập quốc tế, cũng là một trong những điều kiện để đất nước cất cánh theo đúng tinh thần Dự thảo báo cáo chính trị đưa ra Đại hội XIII và tôi rất tin các cán bộ trẻ sẽ thành công.
Song muốn cho thế hệ trẻ đi đúng hướng thì những thế hệ đi trước cũng cần giúp đỡ, uốn nắn nhiều hơn là phê phán, để thế hệ kế tiếp thực hiện sự nghiệp tốt hơn đồng thời họ cũng thấy được mặt mạnh, mặt yếu từ đó khiêm tốn học tập, có như vậy mới có thể tạo sự gắn kết giữa các thế hệ.
- Xin cảm ơn ông!