(HBĐT) - Việt Nam và Lào là hai nước láng giềng gần gũi, có mối quan hệ truyền thống, gắn bó từ lâu đời. Mối quan hệ đó đã được dày công vun đắp, tôi luyện trong thực tế và hun đúc bằng công sức, xương máu của biết bao anh hùng liệt sĩ, bằng sự hy sinh, phấn đấu của nhiều thế hệ người Việt Nam và nước Cộng hòa dân chủ nhân dân Lào. Quan hệ giữa hai nước đã trở thành tài sản vô giá của 2 dân tộc.

Khi nói về mối quan hệ nghĩa tình giữa hai Đảng, hai nước, hai dân tộc Việt Nam và Lào, Bác Hồ nhấn mạnh, đó là mối "quan hệ đặc biệt”. Cái nghĩa, cái tình và tấm lòng thủy chung, son sắt, sát cánh bên nhau của hai Đảng, hai dân tộc Việt - Lào trong cuộc đấu tranh chống kẻ thù chung, giành độc lập cho dân tộc và cùng nhau xây dựng hòa bình, hướng tới tương lai hạnh phúc.

Nền tảng của quan hệ Việt - Lào xuất phát từ quan hệ truyền thống lâu đời giữa hai nước láng giềng gần gũi, cùng chung sống trên bán đảo Đông Dương. Mối quan hệ truyền thống ấy trở nên "đặc biệt” từ khi Đảng Cộng sản Đông Dương do Chủ tịch Hồ Chí Minh sáng lập và rèn luyện (sau này là Đảng Cộng sản Việt Nam và Đảng Nhân dân Cách mạng Lào) trở thành lực lượng lãnh đạo cách mạng của hai dân tộc Việt Nam và Lào, cùng sát cánh bên nhau chiến đấu chống kẻ thù chung, xây đắp nên tình đoàn kết keo sơn, thuỷ chung, son sắt Việt - Lào.

Trong những năm đầu thành lập Đảng và trong suốt cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc của cách mạng hai nước Việt - Lào, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn coi mối quan hệ đoàn kết Việt - Làovừa là nghĩa vụ quốc tế, vừa là lợi ích sống còn của mỗi nước. Tại Hội nghị Trung ương tháng 10 năm 1930, Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng Cộng sản Đông Dương đã xác định đường lối cách mạng của ba nước Đông Dương và khẳng định: Ba nước Đông Dương cần phải đoàn kết chống ách thống trị của bọn thực dân Pháp, giành độc lập dân tộc... Sau hội nghị, thực hiện tư tưởng chỉ đạo của Chủ tịch Hồ Chí Minh, một số đảng viên của Đảng từ Việt Nam và Thái Lan đã sang hoạt động xây dựng cơ sở cách mạng ở Lào, các Chi bộ cộng sản sau đó đã được thành lập ở Sa-va-na-khet, Tha-khek và Viêng Chăn. Tháng 9 năm 1934, Đảng bộ Đảng Cộng sản Đông Dương đã được thành lập tại Lào, chịu trách nhiệm lãnh đạo phong trào cách mạng Lào. Kể từ đó, cuộc đấu tranh cách mạng của Nhân dân hai nước ngày càng phát triển trong tình đoàn kết chiến đấu, tạo nên sức mạnh chung để cùng tiến hành thắng lợi trong Cách mạng Tháng Tám (Cách mạng Lào cũng đồng thời thắng lợi vào tháng 8 năm 1945), giành độc lập cho Nhân dân.

Hiểu rõ về tầm quan trọng của mối quan hệ Việt - Lào trong sự nghiệp cách mạng của hai nước, Chủ tịch Hồ Chí Minh thường xuyên căn dặn: "Cách mạng Lào không thể thiếu sự giúp đỡ của cách mạng Việt Nam và cách mạng Việt Nam cũng không thể thiếu sự giúp đỡ của cách mạng Lào” và "Ta phải nhận thức rõ rằng, hai dân tộc anh em Miên, Lào được giải phóng, thì nước ta mới được giải phóng thực sự và hoàn toàn”. Để từ đó, với tinh thần "giúp bạn là tự giúp mình”, Đảng, Chính phủ và Nhân dân Việt Nam đã cử hàng chục vạn con em yêu quý của mình sang công tác và phối hợp với quân và dân Lào chiến đấu tại các chiến trường của Lào, máu của biết bao anh hùng, liệt sỹ Việt Nam hòa quyện với máu của quân và dân Lào để đem lại thắng lợi vẻ vang cho hai dân tộc.

Theo thời gian, mối "quan hệ đặc biệt” Việt - Lào được Chủ tịch Hồ Chí Minh xây dựng và dày công vun đắp ngày càng được tăng cường và phát triển, trở thành động lực thúc đẩy quan hệ hợp tác toàn diện giữa hai nước. Đó cũng là thành quả được kết tinh từ lịch sử, từ sứ mệnh mà hai Đảng, hai dân tộc đã chung sức, chung lòng, chung vai gánh vác qua những chặng đường đầy khó khăn, gian khổ của cuộc đấu tranh giành độc lập và giải phóng đất nước.

Mối quan hệ hữu nghị truyền thống, đoàn kết đặc biệt và hợp tác toàn diện giữa hai nước Việt Nam và Lào là mối quan hệ thủy chung, trong sáng, hiếm có trên thế giới, là tài sản vô giá, nhân tố quan trọng trong sự phát triển của hai nước Việt Nam và Lào.

Mối quan hệ đó thể hiện rõ trong vần thơ của Chủ tịch Hồ Chí Minh: "Việt - Lào hai nước chúng ta - Tình sâu hơn nước Hồng Hà, Cửu Long”.

Chủ tịch Kaysone Phomvihane cũng từng nói về mối "quan hệ đặc biệt” Viêt Nam - Lào: "Trong lịch sử cách mạng thế giới đã có nhiều tấm gương sáng chói về tinh thần quốc tế vô sản, nhưng chưa ở đâu và chưa bao giờ có sự đoàn kết liên minh chiến đấu đặc biệt lâu dài và toàn diện như vậy”.

Mối tình hữu nghị vĩ đại, tình đoàn kết đặc biệt Việt Nam - Lào do Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại và Chủ tịch Kaysone Phomvihane kính yêu gây dựng đã và đang được các thế hệ lãnh đạo và nhân dân hai nước dày công vun đắp, ngày càng củng cố và phát triển mạnh mẽ. Ngày càng được Đảng, Nhà nước và Nhân dân ta trân trọng, gìn giữ và xây đắp cho muôn đời.

Nhân dân Việt Nam và Nhân dân các bộ tộc Lào luôn trân trọng, gìn giữ và xây đắp cho mối quan hệ đoàn kết đặc biệt, giúp đỡ lẫn nhau giữa hai nước từ bao đời nay.

Được biết, trong khoảng những năm 1928 - 1929, Nguyễn Ái Quốc đã từng đếnlàng Xiêng Vang, huyện Noỏng Buốc tỉnh Khăm Muồn của nước bạn Lào để nghiên cứu tình hình và tuyên truyền cách mạng. Kể từ đó, làng Xiêng Vang đã trở thành một trong những cái nôi của cách mạng Lào. Với ý nghĩa như vậy, Bộ Chính trị Trung ương Đảng Nhân dân cách mạng Lào đã quyết định xây dựng Khu Lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh tại chính ngôi làng này. Ngay khi biết chủ trương, 13 hộ dân của bản Xiêng Vang đã tự nguyện hiến mảnh đất của gia đình mình để xây dựng công trình vô cùng có ý nghĩa này.

Khu Lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh tại làng Xiêng Vang có tổng diện tích là 1,5 héc ta. Khu lưu niệm được xây dựng với sự kết hợp cả 2 kiến trúc Lào và Việt. Toàn bộ công trình bao gồm 15 hạng mục, trong đó các bạn Lào đảm nhận 12 hạng mục và Việt Nam đảm nhận 3 hạng mục. Không gian bên ngoài sẽ có ao cá, vườn cây, giống cá, giống cây được mang từ Khu Di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh ở Hà Nội sang, trồng xen kẽ với một số giống cây tiêu biểu ở các địa phương của Lào.

KhuLưu niệm hoàn thành là nơi để mọi người tìm hiểu về thân thế sự nghiệp củaChủ tịch Hồ Chí Minh, cũng như tình cảm của Bác đối với cách mạng Lào và nhân dân các dân tộc Lào và ngược lại là tình cảm của Nhân dân các dân tộc Lào đối với Bác Hồ kính yêu. Đặc biệt đây cũng là nơi để lưu giữ tuyên truyền giáo dục truyền thống về mối quan hệ hữu nghị, đoàn kết đặc biệt Việt Nam - Lào mà Chủ tịch Hồ Chí Minh và Chủ tịch Kay-sỏm Phôm-vi-hẳn, Chủ tịch Xuphanuvông đặt nền móng, củng cố và phát triển ngày càng đơm hoa kết trái.

Trong suốt thời kỳ kháng chiến cũng như trong công cuộc xây dựng và bảo vệ đất nước hiện nay, Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân các dân tộc tỉnh luôn dành cho nước bạn Lào sự ủng hộ to lớn và quý báu.

Theo chủ trương chiến lược của hai nước Việt Nam - Lào, đội vũ trang tuyên truyền Pathét Lào do đồng chí Thai Ma chỉ huy vượt biên giới Việt - Lào sang Mai Châu để thành lập đội vũ trang tuyên truyền liên quân Việt - Lào. Trung tuần tháng 2/1947, hai đội vũ trang của hai nước đã hội tụ tại phố Vãng - Mai Châu. Quân dân Mai Châu đã ủng hộ mặt trận Tây Tiến 18 tấn gạo, 5 tấn thực phẩm. Được tiếp thêm sức mạnh, liên quân Việt Nam - Lào thần tốc vượt qua Mường Láp tiêu diệt địch ở Shốp Hào tiến đến giải phóng Sầm Nưa, góp phần mở rộng vùng giải phóng cho nước bạn Lào anh em…

Bị thất bại nặng nề trong cuộc tổng tiến công nổi dậy Tết Mậu Thân (năm 1968), chiến lược "chiến tranh cục bộ” bị phá sản hoàn toàn, đế quốc Mỹ buộc phải tiến hành chiến lược "Việt Nam hóa chiến tranh" và đã gây nhiều khó khăn cho cách mạng miền Nam cũng như cách mạng nước bạn Lào. Trong bối cảnh đó, cuối năm 1969, Đài Phát thanh Pathét Lào đã sơ tán sang Việt Nam về xóm Đồng Bầu, xã An Bình (Lạc Thủy) xây dựng căn cứ. Được sự chỉ đạo của Tỉnh ủy mà trực tiếp là Huyện ủy Lạc Thủy, Đảng bộ và Nhân dân các dân tộc xã An Bình đã làm hết sức mình dành 3 hang động lớn trong núi, tránh được bom Mỹ, một số diện tích rừng và đất canh tác với tổng diện tích hơn 30 ha để Đài Phát thanh Pathét Lào xây công trình chính và các công trình phụ trợ phục vụ cho việc chuẩn bị thực hiện các chương trình phát sóng bằng tiếng Việt Nam, tiếng Lào, tiếng Thái. Đến cuối năm 1973, Đài Phát thanh Pathet Lào rút khỏi địa bàn. Trong gần 4 năm đứng chân tại xã An Bình, cán bộ, chuyên gia của Đài đã nhận được sự ủng hộ về tinh thần, vật chất của Nhân dân địa phương với tấm lòng "hạt gạo chia đôi, bát cơm sẻ nửa”. Đặc biệt là cán bộ, đảng viên, Nhân dân xã An Bình đã làm tốt công tác giữ gìn an ninh chính trị, giữ gìn bí mật ngay từ vòng ngoài để che mắt gián điệp biệt kích Mỹ, góp phần bảo vệ an toàn cho Đài tiếng nói của Đảng và Nhân dân các bộ tộc Lào được phát đi hàng ngày, liên tục, chính xác, kịp thời định hướng và chỉ đạo phong trào cách mạng Lào.

Thực hiện chương trình phối hợp giữa T.Ư Đảng Lao động Việt Nam và T.Ư Đảng Nhân dân Cách mạng (NDCM) Lào, trong bối cảnh cục diện cách mạng Lào có sự thay đổi, từ giữa năm 1971, nhiều đoàn cán bộ, đảng viên ưu tú nước bạn Lào của 15 tỉnh ở khắp các chiến trường Thượng, Trung và Hạ Lào đã về trường của Ban thống nhất đào tạo cán bộ miền Nam tập kết (Phân hiệu CP40) ở khu vực Chăm Mát của tỉnh (nay là khu vực hội trường Ban CHQS tỉnh) để học tập công tác Đảng, công tác chính trị, công tác vận động Nhân dân…

Một vinh dự cho Đảng bộ và Nhân dân các dân tộc tỉnh, tại cơ sở CP40 của Trường đào tạo cán bộ miền Nam tập kết tại khu vực Chăm Mát vào cuối năm 1971, Đại hội trù bị Đảng NDCM Lào lần thứ II đã diễn ra trong 1 tuần và thành công tốt đẹp. Dưới sự chỉ đạo của Ban Bí thư T.Ư Đảng, Tỉnh ủy Hòa Bình đã giao trách nhiệm cho Văn phòng Tỉnh ủy, Tỉnh Đoàn, Tỉnh Đội, Ty Công an cùng một số ban, ngành giữ bí mật, bảo vệ an toàn cho đại hội, chuẩn bị đầy đủ, toàn diện cơ sở vật chất phục vụ đại hội. Sau 3 tháng chuẩn bị, từ việc sửa chữa hội trường, nhà ở cho cán bộ, đảng viên nước bạn đến các cơ sở vật chất khác, công tác chuẩn bị phục vụ đại hội trù bị rất tận tình, chu đáo, đảm bảo tốt chương trình làm việc, góp phần vào thành công của đại hội. Dự đại hội trù bị có đồng chí Cayxỏn Phômvihản, Chủ tịch Đảng NDCM Lào, các đồng chí trong Bộ Chính trị và 300 đại biểu đại diện cho toàn thể đảng viên của Đảng NDCM Lào. Sau khi đại hội trù bị thành công tốt đẹp, đoàn đại biểu của Đảng ta do đồng chí Lê Duẩn cùng các đồng chí Lê Văn Lương, Nguyễn Duy Trinh lên chúc mừng. Đoàn đại biểu của tỉnh Hòa Bình có đồng chí Bùi Văn Kín, Bí thư Tỉnh ủy; đồng chí Nguyễn Văn Hậu, Chủ tịch Uỷ ban Hành chính tỉnh cùng nhiều đồng chí lãnh đạo các ban, ngành của tỉnh tặng bức trướng chúc mừng và trao tặng huy hiệu Cù Chính Lan cho các đồng chí Bộ Chính trị Đảng NDCM Lào. Sự thành công của Đại hội trù bị Đảng NDCM Lào có sự đóng góp to lớn của Đảng bộ và Nhân dân các dân tộc tỉnh. Đây là sự kiện lịch sử đặc biệt của Đảng NDCM Lào anh em diễn ra ở Hòa Bình và cũng là một bằng chứng lịch sử khẳng định sự đóng góp của Đảng bộ, Nhân dân các dân tộc tỉnh vào mối quan hệ tốt đẹp giữa hai Đảng, hai dân tộc Việt - Lào.

Truyền thống "hạt gạo chia đôi, bát cơm sẻ nửa” của hai Đảng, hai dân tộc Việt Nam - Lào đã được khẳng định trong chiến đấu chống quân xâm lược thì nay trong hòa bình được tiếp tục phát huy mạnh mẽ. Vào những năm cuối thập kỷ 70 của thế kỷ trước, thực hiện chủ trương hợp tác toàn diện giữa hai Đảng, hai nhà nước Việt - Lào, theo chỉ đạo của T.Ư Đảng, tỉnh Hà Sơn Bình đã kết nghĩa với tỉnh Luông Prabăng của nước bạn Lào. Đại hội Đảng bộ tỉnh Hà Sơn Bình lần thứ II (tháng 10/1979) và lần thứ III (năm 1983) đã xác định chi viện cho tỉnh Luông Prabăng là một nhiệm vụ của tỉnh. Vì vậy, từ năm 1980 trở đi, hàng chục đoàn cán bộ kỹ thuật và cán bộ quản lý trên các lĩnh vực nông nghiệp, lâm nghiệp, chăn nuôi, thủy lợi, giao thông, xây dựng… được cử sang tỉnh Luông Prabăng làm nhiệm vụ hướng dẫn giúp đỡ các địa phương của nước bạn xây dựng, phát triển kinh tế. Hàng chục đoàn xe vận tải chở vật tư, giống, vốn, xi măng, sắt thép của Hòa Bình chi viện cho bạn chuyển bánh lên đường đi Luông Prabăng. Thời kỳ này, Đảng bộ và Nhân dân Hà Sơn Bình nói chung, cán bộ, đảng viên và Nhân dân các dân tộc Hòa Bình nói riêng còn rất nhiều khó khăn, nhưng vẫn thủy chung chia sẻ, sát cánh cùng quân dân tỉnh Luông Prabăng vững bước đi lên, cùng xây dựng cuộc sống ấm no, hạnh phúc.

Hiện nay, tỉnh Hòa Bình và tỉnh Hủa Phăn (Lào) tăng cường hợp tác về trao đổi thông tin, khuyến khích đầu tư, kinh doanh thương mai… Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân các dân tộc tỉnh luôn coi trọng và không ngừng thắt chặt mối quan hệ truyền thống để góp phần cùng cả nước mở rộng, thắt chặt mối quan hệ gắn bó, keo sơn, tô thắm thêm tình hữu nghị Việt Nam - Lào mãi mãi xanh tươi, đời đời bền vững.


TS Bùi Ỉnh, 
nguyên Ủy viên BTV, nguyên Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy 

Các tin khác


Không lạc lối trong không gian mạng

Giờ đây, trên tay ai hầu như cũng đều có điện thoại thông minh (smartphone). Cũng chỉ cần có vậy là bất cứ ai, khi nào, ở đâu đều có thể truy cập internet, "sống” trong không gian mạng. Thời đại công nghệ phát triển và chuyển đổi số, việc tiếp cận thông tin chưa bao giờ dễ dàng như hiện nay. 

Vạch trần các hoạt động lợi dụng quyền khiếu nại, tố cáo gây mất an ninh trật tự ở nước ta

Khiếu nại, tố cáo là một trong những quyền cơ bản của công dân, được quy định cụ thể trong Hiến pháp và hệ thống pháp luật nước ta.

Phản bác luận điệu xuyên tạc, phủ nhận giá trị cuốn sách của Tổng Bí thư

Ngay khi cuốn sách "Kiên quyết, kiên trì đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, góp phần xây dựng Đảng và Nhà nước ta ngày càng trong sạch, vững mạnh” của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng ra mắt bạn đọc, thông qua mạng Internet, các nền tảng mạng xã hội như Facebook, zalo, blog, telegram, twitter…, các thế lực thù địch, phần tử cơ hội chính trị đã cố tình xuyên tạc, phủ nhận ý nghĩa và giá trị của cuốn sách nhằm phủ nhận những kết quả phòng, chống tham nhũng, tiêu cực của Việt Nam.

Đừng để văn hóa nước nhà lâm nguy trước làn sóng sùng ngoại, lai căng

Một trong những nguy cơ lớn nhất đối với các quốc gia trong thời đại toàn cầu hóa, trong đó có Việt Nam, là nguy cơ mai một, mất bản sắc văn hóa dân tộc. Trong bối cảnh hiện nay, một bộ phận người dân, nhất là giới trẻ dễ bị choáng ngợp, thậm chí bị "mù màu” trước các làn sóng văn hóa ngoại lai xâm nhập, từ đó thiếu tỉnh táo suy xét, nhận biết, phân biệt đúng-sai, hay-dở, tốt-xấu, cao thượng-thấp hèn và bị hòa lẫn vào cái ma trận văn hóa mà người ta gọi là sùng ngoại, lai căng.

Phát biểu của Tổng Bí thư về công tác nhân sự có ý nghĩa chiến lược, gắn liền với sự phát triển của đất nước

Tại Phiên họp đầu tiên của Tiểu ban Nhân sự Đại hội XIV của Đảng, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Trưởng Tiểu ban đã phát biểu: "Một số vấn đề cần được đặc biệt quan tâm trong công tác chuẩn bị nhân sự Đại hội XIV của Đảng".

Kiên quyết đấu tranh với các quan điểm sai trái, thù địch

Nhằm bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, chúng ta kiên quyết đấu tranh với các tổ chức, cá nhân có hành vi lan truyền, tiếp tay, cổ súy những quan điểm sai trái, thù địch, chống phá Đảng, Nhà nước, chống phá chế độ. Đồng thời, những biểu hiện thờ ơ, vô cảm, né tránh không dám đấu tranh với các quan điểm xấu, độc cũng cần được nhận diện và lên án vì những tác động tiêu cực đến đời sống xã hội.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục