Những năm qua, Huyện Đoàn Đà Bắc đã phối hợp triển khai nhiều hoạt động để khuyến khích, vận động thanh niên chủ động khởi nghiệp. Qua đó, xuất nhiều tấm gương thanh niên tiêu biểu, nổi bật như anh Bùi Văn Thương, xã Yên Hoà. Với sự định hướng của Huyện Đoàn, Đoàn Thanh niên xã,chính quyền địa phương tạo điều kiện được tiếp cận với nguồn vốn vay, anh Thương nuôi quyết tâm vươn lên thoát nghèo và làm giàu chính đáng từ việc xây dựng mô hình kinh tế. Anh chia sẻ: "Nhận thấy tiềm năng kinh tế trong phát triển nghề nuôi cá lồng tại địa phương, từ năm 2016, tôi bàn với gia đình mạnh dạn đầu tư lồng nuôi cá. Xác định "muốn biết phải hỏi, muốn giỏi phải học”, tôi đã tham khảo nhiều tài liệu và tham gia các lớp tập huấn KHKT nuôi trồng thuỷ sản. Trực tiếp tìm hiểu từ mô hình nuôi cá lồng của các vùng lân cận để áp dụng một cách phù hợp với điều kiện của mô hình nhà mình". Từ hai bàn tay trắng, đến nay, anh đã gây dựng nên mô hình nuôi cá lồng với 7 lồng cá, cho thu nhập trên 110 triệu đồng mỗi năm. Huyện Đà Bắc hiện có trên 7.000 ĐVTN, sinh hoạt tại 179 chi đoàn. Đây là lực lượng trẻ, nhiệt huyết, sáng tạo, tự tin, dám nghĩ, dám làm, có ý chí khắc phục khó khăn vươn lên lập thân, lập nghiệp. Tuy nhiên, nhiều ĐVTN còn hạn chế về kỹ năng, kiến thức, vốn SX-KD. Vì vậy, để đồng hành cùng thanh niên trong lập thân, lập nghiệp, các cấp bộ Đoàn đã triển khai nhiều hoạt động thiết thực, gắn với tình hình thực tế của từng địa phương, đơn vị. Hàng năm, các cơ sở Đoàn trong toàn huyện chủ động khảo sát, nắm bắt nhu cầu về học tập, nghề nghiệp và việc làm của thanh niên. Từ đó, Huyện Đoàn phối hợp với các ban, ngành liên quan tổ chức các buổi chuyển giao KHKT trong chăn nuôi, sản xuất, trồng trọt; làm tốt công tác tư vấn, giới thiệu việc làm, xuất khẩu lao động cho thanh niên; tổ chức tư vấn, hướng nghiệp cho học sinh các trường THCS, THPT, trung tâm GDNN - GDTX... Công tác hỗ trợ vốn phát triển SX-KD cho ĐVTN được quan tâm và tích cực triển khai. Hiện nay, các cơ sở Đoàn trên toàn huyện đang quản lý 60 tổ tiết kiệm và vay vốn, với tổng dư nợ gần 90 tỷ đồng, cho 2.475 hộ vay. Từ nguồn vốn vay ưu đãi tạo cơ hội giúp ĐVTN phát triển sản xuất, phát huy nội lực, khai thác thế mạnh của địa phương để vươn lên thoát nghèo, làm giàu chính đáng. Ngoài ra, các phong trào "Thanh niên làm kinh tế giỏi”, "Thanh niên giúp nhau phát triển kinh tế” tiếp tục được triển khai sâu rộng. Nhiều chi đoàn vận động đoàn viên gây quỹ để hỗ trợ ĐVTN khó khăn, tổ chức trao đổi kinh nghiệm làm kinh tế giữa các đoàn viên, phát động phong trào giúp nhau ngày công lao động, vật tư, con giống để phát triển sản xuất, chăn nuôi. Huyện hiện có 2 câu lạc bộ thanh niên giúp nhau phát triển kinh tế, hơn 10 mô hình phát triển kinh tế của thanh niên có thu nhập trên 50 triệu đồng/năm trở lên. Đồng chí Nguyễn Trọng Tùng, Phó Bí thư Huyện Đoàn cho biết: Để phong trào đồng hành cùng thanh niên lập thân, lập nghiệp triển khai sâu rộng, Huyện Đoàn thường xuyên chỉ đạo Đoàn cơ sở chủ động khảo sát, nắm bắt nhu cầu về học tập, nghề nghiệp và việc làm của thanh niên. Từ nhu cầu thực tiễn, nhiều giải pháp thiết thực được xây dựng, triển khai tới các cơ sở Đoàn, thu hút đông đảo ĐVTN tham gia. Thời gian tới, Huyện Đoàn tiếp tục tập trung triển khai nhiều giải pháp, nhằm nâng cao chất lượng công tác Đoàn, trong đó chú trọng giúp thanh niên về vốn, tiến bộ KHKT và xây dựng các mô hình về phát triển kinh tế. Qua đó, khẳng định vai trò của tổ chức Đoàn trong đồng hành với thanh niên trên con đường lập thân, lập nghiệp, góp phần hoàn thành các mục tiêu phát triển KT-XH của địa phương. |