Không khí se lạnh, xen lẫn những vạt nắng nhẹ báo hiệu đất nước đã vào Xuân. Năm mới 2024 tới, mang mùa Xuân của đất trời đến với mọi người dân trên khắp dải đất hình chữ S.
Sôi động các hoạt động chào năm mới
Giây phút bước sang năm mới 2024 tại Quảng trường Đông Kinh Nghĩa Thục. Ảnh: Tuấn Đức/TTXVN
Chào đón năm mới 2024, nhiều hoạt động văn hóa, nghệ thuật đặc sắc được tổ chức trên khắp mọi miền đất nước.
Tại Thủ đô Hà Nội, tâm điểm của các hoạt động văn hóa, nghệ thuật là chương trình đếm ngược "Chào năm mới 2024” đã diễn ra từ tối 31/12/2023 đến 1 giờ ngày 1/1/2024 với nhiều chương trình, tiết mục âm nhạc, nghệ thuật mang phong cách tươi trẻ, sôi động, đáp ứng nhu cầu của giới trẻ tại Quảng trường Đông Kinh Nghĩa Thục và khu vực đường đôi Đinh Tiên Hoàng, trong không gian đi bộ hồ Hoàn Kiếm. Chương trình thể hiện nét văn hóa hội nhập, tạo giá trị riêng, góp phần phát triển thương hiệu của Hà Nội - Thành phố Vì hòa bình.
Bên cạnh đó, chương trình đếm ngược Countdown Party tại Quảng trường Cách mạng tháng Tám tạo nên một bức tranh âm nhạc đa dạng, đưa khán giả qua nhiều cung bậc từ những bản hít sôi động đến những tác phẩm giao hưởng tinh tế...
TP Hồ Chí Minh đón năm 2024 bằng chương trình bắn pháo hoa tại khu vực đường hầm sông Sài Gòn, thành phố Thủ Đức và Công viên Văn hóa Đầm Sen; chương trình nghệ thuật Countdown đêm 31/12 tại Công viên Tượng đài Chủ tịch Hồ Chí Minh và đường Nguyễn Huệ (Quận 1) cùng nhiều chương trình biểu diễn nghệ thuật tại các quận, huyện.
Hàng ngàn người tập trung trên tuyến phố đi bộ Nguyễn Huệ chờ đón năm mới 2024. Ảnh: Quang Châu/TTXVN
Đặc biệt, UBND thành phố Thủ Đức tổ chức khánh thành Công viên bờ sông Sài Gòn và khai mạc Tuần lễ hoạt động chào đón năm mới 2024 với chủ đề "Hội tụ Thủ Đức”. Tuần lễ có nhiều hoạt động giải trí và kết nối cộng đồng đặc sắc như: Sự kiện chào đón năm mới Countdown Fest; bay dù lượn và khinh khí cầu; trải nghiệm chuỗi gian hàng mua sắm, ẩm thực; hoạt động biểu diễn văn hóa nghệ thuật dân tộc, biểu diễn đường phố và các hoạt động thể thao cộng đồng.
Chuỗi sự kiện Lễ hội mùa Đông "Sa Pa - Thiên đường tuyết rơi năm 2023 - Chào Xuân Giáp Thìn 2024" đã diễn ra từ ngày 20/12/2023 đến ngày 1/1/2024 tạo ấn tượng với du khách trong kỳ nghỉ lễ đón năm mới 2024 tại thị xã Sa Pa, tỉnh Lào Cai. Chương trình năm nay có nhiều hoạt động mới như: Talk show truyền hình về giá trị nghệ thuật trang trí trên trang phục dân tộc Mông; Lễ đón nhận bằng Di sản Văn hóa phi vật thể cấp Quốc gia về Tri thức dân gian nghệ thuật trang trí trên trang phục dân tộc Mông (nhóm ngành Mông đen) trên địa bàn thị xã Sa Pa. Địa phương tổ chức khánh thành không gian "Sa Pa - Tinh hoa hội tụ chào năm mới 2024 - Xuân Giáp Thìn; ra mắt con đường hoa, không gian văn hóa dân tộc Dao đỏ xã Tả Phìn… Từ tối 31/12/2023 đến 0 giờ ngày 1/1/2024, tại sân quần thị xã Sa Pa, hoạt động trình diễn bộ sưu tập trang phục truyền thống và phát triển của nghệ thuật trang trí, trang phục dân tộc Mông; chương trình nghệ thuật đặc sắc về văn hóa con người và cảnh quan thiên nhiên Sa Pa.. đã được tổ chức
Đến với Lễ hội Văn hóa Ẩm thực chủ đề "Món ngon xứ Quảng” lần đầu tiên được tổ chức tại thành phố Hội An (tỉnh Quảng Nam), từ ngày 30/12/2023 đến 1/1/2024, mọi người đã được hòa mình vào không gian lễ hội với nhiều sự kiện nổi bật, đặc sắc; chiêm ngưỡng nhiều sản phẩm thủ công mỹ nghệ tinh xảo, thưởng thức các tiết mục văn hóa, nghệ thuật truyền thống, hiện đại. Người dân được giao lưu, chia sẻ những kiến thức, bí quyết ẩm thực của các nghệ nhân, đầu bếp nổi tiếng và tham gia các hoạt động biểu diễn, quảng diễn ẩm thực, tour dạy nấu Mỳ Quảng và bình chọn các gian hàng được yêu thích... Lễ hội giới thiệu những sản phẩm văn hóa ẩm thực mang đậm bản sắc như: Mỳ Quảng, cao lầu, bánh tráng đập, bánh xèo, bánh bèo… và các sản phẩm OCOP hấp dẫn của các tỉnh, thành phố Đà Nẵng, Huế, Bình Định, Khánh Hòa và các tỉnh Tây Nguyên.
Tại Cần Thơ, Tết Dương lịch 2024 với các hoạt động lễ hội được tổ chức, gắn với chuỗi sự kiện kỷ niệm 20 năm thành phố trực thuộc Trung ương. Điểm nhấn là chương trình nghệ thuật đặc biệt "Hương sắc Tây Đô” với sự tham gia của nhiều nghệ sỹ nổi tiếng, mang đến cho người xem một "món ăn tinh thần” đa dạng và đầy sắc màu trong thời khắc đón năm mới.
Tạo không khí vui tươi, phấn khởi bước vào năm mới 2024, UBND tỉnh Ninh Thuận đã tổ chức "Lễ hội Ẩm thực Ninh Thuận - Chào đón năm mới 2024” từ ngày 27-31/12. Lễ hội có nhiều hoạt động mới, lạ, hấp dẫn và đặc sắc như diễu hành cừu; múa lân sư rồng, nghệ thuật đường phố; các hoạt động trò chơi, ẩm thực; cuộc thi đầu bếp ngôi sao tài năng về cừu và hàu Ninh Thuận...
Vào thời khắc chuyển giao giữa năm mới và năm cũ, nhiều địa phương trên cả nước tổ chức bắn pháo hoa phục vụ nhân dân thưởng lãm. Thành phố Hải Phòng lần đầu tiên tổ chức bắn pháo hoa dịp Tết Dương lịch trong chương trình biểu diễn nghệ thuật "Hải Phòng - Chào Năm mới 2024" . Tại Hà Tĩnh, người dân đã được mãn nhãn với màn bắn pháo hoa chào năm mới kéo dài 15 phút. Đây là năm đầu tiên, tỉnh tổ chức bắn pháo hoa tầm cao phục vụ nhu cầu thưởng lãm của người dân.
Trải nghiệm mùa Xuân
Người dân xin chữ trong thời khắc chuẩn bị đón Tết dương lịch 2024. Ảnh: Hoàng Hiếu/TTXVN
Với số ngày nghỉ không quá nhiều, tình hình kinh tế đang trên đà phục hồi song vẫn còn nhiều khó khăn, dịp đầu năm mới 2024, nhiều người dân ưu tiên lựa chọn các tour du lịch ngắn ngày, những điểm đến không quá xa, chi phí hợp lý.
Các điểm du lịch tâm linh, sinh thái ở phía Bắc như Hà Nội, Hải Phòng, Hòa Bình, Ninh Bình, Sa Pa, Mộc Châu... trở nên hấp dẫn hơn trong hành trình tham quan dịp này. Hành trình du lịch này phù hợp với người có xu hướng khám phá các vùng đất đặc trưng, với đặc điểm văn hóa độc đáo và đa dạng, cảnh quan thiên nhiên hùng vĩ, nên thơ. Khách có nhu cầu nghỉ dưỡng, điểm lựa chọn là Nha Trang, Quy Nhơn, Đà Nẵng, Hội An với những bãi biển trong vắt, hoang sơ và cảnh sắc tươi đẹp, hấp dẫn.
Dịp này, nhiều điểm di sản lớn tại Hà Nội tập trung trang trí, tổ chức các hoạt động để thu hút khách. Không gian Di sản Hoàng thành Thăng Long có một diện mạo mới phục vụ du khách trải nghiệm, tìm hiểu về văn hóa Thăng Long - Hà Nội. Trong những ngày nghỉ Tết dương lịch, các tour đêm khám phá Hoàng thành Thăng Long luôn kín chỗ.
Tại Làng cổ Đường Lâm, Ban Quản lý di tích tổ chức nhiều hoạt động văn hóa hấp dẫn như: Chợ đêm du lịch phục vụ du khách lưu trú qua đêm, với các mặt hàng là những sản vật do chính người dân làm và bày bán, tạo điểm nhấn cho du lịch làng cổ; triển lãm tranh nghệ thuật về Làng cổ Đường Lâm, giới thiệu trang phục truyền thống tại không gian trà Vân...
Để đón đầu nhu cầu đi du lịch, nghỉ dưỡng của người dân, dịp Tết Dương lịch 2024, Khu Du lịch sinh thái cộng đồng Pù Luông (huyện Bá Thước) - một trong những điểm đến hấp dẫn ở Thanh Hóa, xây dựng các sản phẩm du lịch mới và tung ra nhiều chương trình hấp dẫn như: Tổ chức hoạt động giao lưu văn hóa, văn nghệ, ẩm thực và countdown chào đón năm mới giữa núi rừng với nhiều hoạt động hấp dẫn.
Trung tâm Bảo tồn Di sản Thành nhà Hồ (huyện Vĩnh Lộc) có nhiều sản phẩm du lịch hấp dẫn: Trưng bày "Không gian văn hóa nông nghiệp vùng Tây Đô", tham quan Di sản và làng cổ, tham quan tâm linh vùng đệm Di sản Thành Nhà Hồ, tuyến du lịch Thành Nhà Hồ - về miền di sản, Thành Nhà Hồ - các làng truyền thống…, giúp du khách khám phá về vùng đất, con người Tây Đô.
Những ngày này, các cung đường trung tâm thành phố Đà Lạt (Lâm Đồng) trở nên rực rỡ màu sắc. Đà Lạt trang hoàng các tuyến phố bằng nhiều loại hoa đặc trưng để tiếp đón du khách nhân dịp kỷ niệm 130 năm hình thành, phát triển (1893 - 2023) và Đà Lạt trở thành Thành phố Sáng tạo âm nhạc của UNESCO.
Tối 29/12, Khu ẩm thực đêm tại Vườn hoa thành phố Đà Lạt (Lâm Đồng) đã mở cửa đón khách tham quan, trải nghiệm ẩm thực. Khu ẩm thực mở cửa xuyên đêm tất cả ngày trong tuần (từ 17 giờ hôm trước đến 5 giờ hôm sau) đầu tiên của Đà Lạt.
Đầu tháng 12/2023, TP Hồ Chí Minh giới thiệu đến du khách 17 sản phẩm du lịch đường thủy mới, hấp dẫn tại Tuần lễ du lịch Thành phố với chủ đề ”Xanh trên mỗi hành trình”. Nổi bật là: Tuyến du lịch đường thủy tầm trung từ bến ga tàu thủy Bạch Đằng đến huyện Củ Chi hoặc huyện Cần Giờ và ngược lại; tuyến du lịch đường thủy tầm ngắn - "Khám phá vẻ đẹp trên sông Sài Gòn”, "Hoàng hôn trên sông Sài Gòn”... Nhiều chương trình trải nghiệm một ngày dành cho du khách được triển khai: Quận 1 - Sắc màu đêm; Nhà Bè - Ngàn lẻ một đêm; Theo dấu chân biệt động Sài Gòn; Huyền thoại một dòng kênh… Một số dịch vụ mới được đưa vào phục vụ khách du lịch như bus 2 tầng xuyên đêm, water bus 2 tầng...
Tại khu vực phía Nam, du khách có thể lựa chọn đến Vũng Tàu vui chơi ở những phố hoa, tắm biển và thưởng thức hải sản hay thăm các cơ sở thờ tự; tới đảo ngọc Phú Quốc để hòa mình vào làn nước trong vắt, với những bãi biển đẹp, hoang sơ. Du khách yêu thích vẻ đẹp truyền thống, mộc mạc có thể đến Tây Ninh hoặc tới Cần Thơ tham quan Chợ nổi Cái Răng. Những người yêu thích cảnh sắc thiên nhiên, hoa cảnh có thể lựa chọn đến thành phố Sa Đéc, Đồng Tháp tham gia Festival Hoa - Kiểng Sa Đéc, diễn ra từ ngày 30/12/2023 đến 5/1/2024.
Chào đón năm mới 2024, nhiều dự án cao tốc quan trọng đồng loạt được khánh thành và khởi công ở nhiều địa phương như: Cảng Hàng không Điện Biên; các tuyến đường bộ cao tốc Tuyên Quang - Phú Thọ, Mỹ Thuận - Cầu Thơ; cầu Mỹ Thuận 2; Đồng Đăng (Lạng Sơn) - Trà Lĩnh (Cao Bằng)… Các dự án giao thông trọng điểm hoàn thành đi vào hoạt động sẽ kết nối các vùng miền, mở ra không gian phát triển mới, góp phần đảm bảo quốc phòng - an ninh quốc gia, mang lại hiệu quả rõ nét về kinh tế - xã hội địa phương và khu vực, trong đó có du lịch. Qua đó, tạo tiền đề quan trọng để đất nước có thể đạt và vượt mục tiêu mà Đại hội XIII của Đảng đã đề ra phấn đấu đến năm 2025 có khoảng 3.000 km đường cao tốc và đến năm 2030 có 5.000 km đường cao tốc.
Theo Baotintuc.vn
Lễ kỷ niệm 60 năm Bác Hồ về thăm tỉnh Thái Nguyên (1/1/1964 - 1/1/2024) đã được tổ chức trọng thể, tối 28/12.
Ngày 28/12, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính dự Hội nghị tổng kết công tác năm 2023, triển khai kế hoạch năm 2024 của ngành Giao thông vận tải, do Bộ Giao thông vận tải tổ chức theo hình thức trực tuyến tại đầu cầu thành phố Hà Nội, kết nối với điểm cầu tại 62 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
Chiều 27/12, tại Nhà Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ chủ trì cuộc gặp mặt các cơ quan thông tấn, báo chí năm 2023; góp ý, đề xuất và bình chọn 10 sự kiện tiêu biểu của Quốc hội trong năm 2023.
Ngày 27/12, Ủy ban Kiểm tra (UBKT) T.Ư tổ chức hội nghị trực tuyến toàn quốc tổng kết công tác kiểm tra, giám sát (KTGS) của Đảng năm 2023, triển khai nhiệm vụ năm 2024. Đồng chí Trương Thị Mai, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư T.Ư Đảng, Trưởng Ban Tổ chức T.Ư dự và phát biểu chỉ đạo.
Sáng 27/12, Đại hội Đại biểu toàn quốc Hội Nông dân Việt Nam lần thứ VIII, nhiệm kỳ 2023 - 2028 đã tiến hành phiên bế mạc.
Tại Đại hội đại biểu toàn quốc Hội Nông dân Việt Nam lần thứ VIII, Tổng Bí thư đề nghị Đại hội tập trung thảo luận, đánh giá đúng tình hình, tổng kết sâu sắc thực tiễn, thống nhất các phương hướng, nhiệm vụ, giải pháp thực hiện thiết thực, có hiệu quả cao cho hoạt động của Hội Nông dân Việt Nam nhiệm kỳ tới. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nêu 7 vấn đề để Đại hội thảo luận, xem xét, quyết định.