Ngày 2/4, Văn phòng Chính phủ tổ chức hội nghị trực tuyến và trực tiếp của Thủ tướng Chính phủ với Trưởng các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài về đẩy mạnh công tác ngoại giao kinh tế phục vụ phát triển năm 2024. Đồng chí Phạm Minh Chính, Thủ tướng Chính phủ chủ trì hội nghị. Cùng dự có đồng chí Trần Lưu Quang, Phó Thủ tướng Chính phủ; lãnh đạo các bộ, ngành. Dự tại điểm cầu tỉnh có đồng chí Bùi Văn Khánh, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; lãnh đạo các sở, ngành.
Triển khai Nghị quyết số 21/NQ-CP, ngày 20/2/2023 của Chính phủ ban hành Chương trình hành động của Chính phủ giai đoạn 2022 - 2026 thực hiện Chỉ thị số 15-CT/TW, ngày 10/8/2022 của Ban Bí thư về công tác ngoại giao kinh tế phục vụ phát triển đất nước đến năm 2030, công tác ngoại giao kinh tế được Bộ Ngoại giao cùng các bộ, ngành, địa phương triển khai toàn diện, đi vào chiều sâu, thực chất, mở ra các hướng đi mới, mang tính đột phá đóng góp thiết thực vào phát triển KT-XH.
Trong gần 60 hoạt động đối ngoại cấp cao từ đầu năm 2023 đến nay, nội dung kinh tế trở thành trọng tâm, mang lại các kết quả cụ thể, thực chất và nhiều cam kết, thỏa thuận hợp tác kinh tế với các đối tác. Quan hệ đối ngoại tiếp tục được mở rộng, khuôn khổ quan hệ với 30 đối tác chiến lược, đối tác toàn diện được củng cố, nâng tầm, nâng cấp. Từ đầu năm 2023 đến nay, Việt Nam đã nâng cấp quan hệ đối tác chiến lược toàn diện với 4 đối tác chủ chốt, nâng tổng số đối tác chiến lược toàn diện lên 7 nước. Nội dung thúc đẩy, mở cửa thị trường xuất khẩu, tăng cường thu hút nguồn lực trong các lĩnh vực mới như: kinh tế xanh, chuyển đổi năng lượng, nông nghiệp công nghệ cao, du lịch, lao động... được lồng ghép trong mọi hoạt động đối ngoại cấp cao với các đối tác lớn tại Đông Bắc Á, châu Âu, Bắc Mỹ, các đối tác tiềm năng ở Nam Á, Đông Âu, Trung Đông, châu Phi, Mỹ Latinh.
Triển khai Chỉ thị của Ban Bí thư và Nghị quyết của Chính phủ, từ năm 2023 đến nay, UBND tỉnh tích cực phối hợp chặt chẽ với các Bộ, ngành Trung ương, cơ quan đại diện ngoại giao của Việt Nam ở nước ngoài và Chính quyền các địa phương nước ngoài để triển khai hiệu quả các Thỏa thuận quốc tế đã ký kết: Thỏa thuận với tỉnh Hủa Phăn, tỉnh Luông Pha Băng (Lào); Thỏa thuận hợp tác giữa HĐND tỉnh Hòa Bình với HĐND tỉnh Tuv (Mông Cổ); Thỏa thuận hợp tác với thành phố Gimje, tỉnh Jeollabuk (Hàn Quốc); Thỏa thuận hợp tác với quận Ulju, thành phố Ulsan (Hàn Quốc). Tham gia tích cực các hoạt động hợp tác trong khuôn khổ ASEAN và ASEAN với các đối tác, các nước trong khu vực và các định chế quốc tế khác…
Phát biểu kết luận tại hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh: Trong thời gian tới, kinh tế Việt Nam có 3 động lực truyền thống là: tiêu dùng, xuất khẩu và đầu tư. Ngoài ra còn thúc đẩy các động lực mới: kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế tri thức, kinh tế chia sẻ. Do vậy, chúng ta phát huy nội lực, thế và lực của đất nước. phát huy sức mạnh dân tộc đẩy mạnh ngoại giao kinh tế, văn hóa, giao lưu nhân dân phát triển du lịch, phát huy tính năng động, sáng tạo, đổi mới, khoa học công nghệ, đa dạng hóa thị trường chuỗi cung ứng… Trong hợp tác kinh tế với các nước cần phải lắng nghe và thấu hiểu những khó khăn, thuận lợi của đối tác, hài hòa lợi ích của người dân, doanh nghiệp. Tăng cường công tác phối hợp giữa trong nước với ngoài nước, giữa các bộ, ban ngành, doanh nghiệp với nhà nước, người dân trên tinh thần chia sẻ, bảo đảm hài hòa lợi ích giữa các bên.