(HBĐT) - Trong khuôn khổ chương trình làm việc, Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2020 - 2025 đã ghi nhận 105 lượt ý kiến phát biểu tại tổ và tham luận tại hội trường. Các ý kiến tham luận tập trung vào những vấn đề quan trọng, nổi bật nhất, góp phần làm rõ kết quả thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI và kiến nghị nhiều giải pháp trọng tâm cần thực hiện trong nhiệm kỳ tới. Báo Hòa Bình trích đăng nội dung tóm tắt một số tham luận.
* Tiếp tục đổi mới công tác tuyên giáo, góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển KT-XH
Quách Thế Ngọc
Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy
Qua 5 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI, nhiệm kỳ 2015 - 2020, Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân các dân tộc tỉnh Hòa Bình đã phát huy tinh thần đoàn kết, nắm bắt thời cơ, thuận lợi, vượt qua thách thức, khó khăn, huy động mọi nguồn lực thực hiện hiệu quả Nghị quyết Đại hội XII của Đảng, Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI, giành được nhiều kết quả quan trọng, tạo nền tảng để tỉnh Hòa Bình phát triển nhanh, bền vững trong những năm tiếp theo.
Góp phần vào những kết quả nêu trên, ngành Tuyên giáo đã chủ động triển khai, nghiên cứu, tham mưu cấp ủy chỉ đạo thực hiện tốt các nhiệm vụ trong lĩnh vực tuyên giáo, như đổi mới nội dung, phương pháp quán triệt, tuyên truyền các đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; đưa việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh trở thành nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên, góp phần khắc phục tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống trong Đảng và trong xã hội; tích cực tham gia công tác giới thiệu tiềm năng, thế mạnh, cơ hội thu hút đầu tư của tỉnh; bám sát thực tiễn, nắm chắc tình hình, chủ động, xung kích trên nhiều mặt trận để giải quyết nhiều vấn đề mới, nảy sinh trong thực tiễn, đấu tranh phản bác các quan điểm, luận điệu sai trái, góp phần giữ vững ổn định chính trị trên địa bàn tỉnh.
Trước tình hình thế giới, trong nước có nhiều phức tạp, cần phải tiếp tục đổi mới công tác tuyên giáo, góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển KT-XH của tỉnh. Theo tôi, cần tập trung vào 4 nhiệm vụ trọng tâm sau:
Thứ nhất, đổi mới công tác quán triệt, tuyên truyền các nghị quyết, chỉ thị của Đảng, của cấp ủy theo tinh thần đúng người, đúng việc, coi trọng việc xây dựng chương trình, kế hoạch thực hiện có tính khả thi.
Thứ hai, phải gắn kết thường xuyên, chặt chẽ công tác tuyên giáo với thực tiễn phát triển KT-XH, giải quyết từ sớm, từ gốc những vấn đề có thể dẫn đến nảy sinh những bức xúc về tư tưởng.
Thứ ba, công tác tuyên giáo phải tập trung góp phần quảng bá tỉnh Hoà Bình để đẩy mạnh thu hút đầu tư, phát triển du lịch, tiêu thụ sản phẩm.
Thứ tư, tiếp tục đổi mới việc giáo dục truyền thống lịch sử, việc tổ chức thực hiện Chỉ thị số 05 của Bộ Chính trị gắn với thực hiện NQT.Ư 4 (khóa XI, XII) về xây dựng Đảng, góp phần xây dựng nguồn nhân lực của tỉnh, đạo đức công vụ đội ngũ cán bộ.
* Một số giải pháp nhằm thúc đẩy phát triển công nghiệp, thương mại giai đoạn 2020 – 2025
Phạm Tiến Dũng
Giám đốc Sở Công Thương
Dự thảo báo cáo chính trị trình Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII đã xác định "Phát triển công nghiệp thực sự trở thành động lực của nền kinh tế với tốc độ tăng trưởng cao, bền vững và hiệu quả". Trong đó, đặt ra các mục tiêu phấn đấu: Đến năm 2025, tỷ trọng CN-XD chiếm 54% cơ cấu kinh tế của tỉnh. Giá trị sản xuất công nghiệp tăng bình quân 10%/năm, tỷ lệ lấp đầy các cụm công nghiệp đạt trên 50%... Để phấn đấu đạt được các mục tiêu trên, ngành Công Thương chủ động phối hợp chặt chẽ với các ban, ngành, địa phương tích cực tham mưu tập trung vào một số giải pháp sau:
Thứ nhất, về phát triển công nghiệp, triển khai có hiệu quả quy hoạch phát triển CN-TTCN của tỉnh đã được phê duyệt, tập trung phát triển CN-TTCN theo hướng hiện đại. Chủ động xây dựng chương trình, định hướng, chiến lược phát triển các ngành công nghiệp phù hợp với các lợi thế cạnh tranh của tỉnh. Tăng cường thu hút đầu tư các dự án công nghiệp lớn nhằm thay đổi cơ cấu kinh tế, giải quyết việc làm. Tập trung hỗ trợ có trọng tâm các doanh nghiệp có tiềm năng, xây dựng và phát triển thương hiệu của địa phương. Chú trọng phát triển công nghiệp có hàm lượng công nghệ cao, thực hiện đổi mới, khuyến khích phát triển công nghiệp phục vụ nông nghiệp, nông thôn, công nghiệp chế biến nông sản và công nghiệp hỗ trợ. Quan tâm đầu tư nâng cấp hệ thống lưới điện đảm bảo cho SX-KD và sinh hoạt của Nhân dân...
Thứ hai, về phát triển thương mại, quản lý tốt các quy hoạch về thương mại, xây dựng cơ chế, chính sách thu hút đầu tư và chính sách hỗ trợ phát triển hạ tầng thương mại; tăng cường công tác xúc tiến đầu tư gắn với xã hội hóa các hoạt động đầu tư hạ tầng thương mại, kết hợp hài hòa giữa thương mại truyền thống và thương mại hiện đại. Phát triển nhanh thương mại điện tử, tận dụng nhanh những cơ hội, thành tựu của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 để phát triển thương mại nội địa.
Tăng cường các hoạt động xúc tiến thương mại. Tham mưu thực hiện các biện pháp về điều tiết cung - cầu, bình ổn thị trường, không để đứt gãy cung cầu hàng hóa trong mọi tình huống. Xây dựng thương hiệu sản phẩm đặc trưng của tỉnh. Tham gia các chuỗi liên kết từ sản xuất, chế biến đến tiêu thụ sản phẩm nhằm tìm kiếm cơ hội hợp tác, mở rộng SX-KD, tìm đầu ra ổn định cho các sản phẩm nông sản của tỉnh đến với các địa phương trong khu vực, đặc biệt là thị trường TP Hà Nội.
Tham mưu triển khai có hiệu quả Đề án nâng cao năng lực cạnh tranh các mặt hàng xuất khẩu của tỉnh giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030. Tăng cường tuyên truyền và tranh thủ các cơ hội từ các Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới mà Việt Nam là thành viên và vận dụng phù hợp với điều kiện của tỉnh, đặc biệt là Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu có hiệu lực từ ngày 1/8/2020, nhằm tạo bước đột phá trong hoạt động xúc tiến thương mại, xuất nhập khẩu của tỉnh trong nhiệm kỳ mới.
* Xây dựng huyện Lương Sơn cơ bản đạt tiêu chí thị xã
Bùi Quang Toàn
Bí thư Huyện ủy Lương Sơn
Dự thảo báo cáo chính trị của BCH Đảng bộ tỉnh khóa XVI trình tại đại hội đã đề ra mục tiêu: "Nâng cao chất lượng xây dựng và thực hiện quy hoạch phát triển kết cấu hạ tầng các đô thị, phát triển nhanh vùng động lực. Tiếp tục triển khai thực hiện Chương trình phát triển đô thị định hướng đến năm 2030...”.
Để thực hiện thắng lợi NQ Đại hội Đảng bộ huyện Lương Sơn lần thứ XXVI và NQ Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII, huyện Lương Sơn đề xuất một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm như sau:
Một là, xây dựng, củng cố hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh. Xây dựng chính quyền kiến tạo, phục vụ, hướng tới sự hài lòng của người dân, giải quyết kịp thời bức xúc ngay từ cơ sở. Phát huy sức mạnh đoàn kết toàn dân tộc và trong hệ thống chính trị, thực hiện tốt quy chế dân chủ ở cơ sở, tạo điều kiện để Nhân dân phát huy quyền làm chủ trong việc tham gia các hoạt động kinh tế và xây dựng Đảng, chính quyền…
Hai là, làm tốt công tác lập quy hoạch đô thị, quy hoạch sử dụng đất đai. Nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác quy hoạch, gắn quy hoạch với tái cơ cấu kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng. Sớm hoàn thiện quy hoạch chung toàn huyện, gắn kết chặt chẽ với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất giai đoạn 2021 - 2030. Định hướng mô hình không gian huyện Lương Sơn chuyển từ cấu trúc huyện miền núi sang cấu trúc đô thị trực thuộc tỉnh, là vùng động lực phát triển của tỉnh, hướng tới tiêu chí đô thị thông minh, đô thị sinh thái, nghỉ dưỡng kết hợp với hành lang xanh.
Ba là, tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý, điều hành của chính quyền các cấp, nâng cao năng lực chuyên môn, tinh thần trách nhiệm của cán bộ. Tăng cường phối hợp các sở, ban, ngành để hỗ trợ doanh nghiệp, nhà đầu tư tiếp cận các nguồn lực...
Bốn là, xây dựng chương trình thu hút đầu tư của huyện cho giai đoạn 2020-2025, tầm nhìn đến năm 2030, theo hướng: chất lượng, hiệu quả, phát triển bền vững, có sự cam kết chuyển giao công nghệ và lao động có kỹ năng cao. Ưu tiên tập trung cho các công trình cơ sở hạ tầng đô thị trọng điểm; dự án sản xuất, kinh doanh các ngành nghề thế mạnh của huyện...
Năm là, khai thác tối đa lợi thế và mọi nguồn lực, hướng tới sự phát triển bền vững, trong đó có nét riêng, có điểm nhấn của đô thị vùng Tây Bắc, bảo vệ, phát huy bản sắc văn hóa truyền thống.
Sáu là, đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức về đô thị, tăng cường phổ biến quán triệt về quản lý, xây dựng phát triển đô thị. Công khai các đồ án quy hoạch, thiết kế đô thị bằng nhiều hình thức, tổ chức cắm mốc giới để người dân thực hiện đúng quy hoạch...
* Chú trọng các giải pháp nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo
Bùi Thị Kim Tuyến
Giám đốc Sở Giáo dục và đào tạo
Thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Hòa Bình lần thứ XVI, nhiệm kỳ 2015 - 2020, 5 năm qua, sự nghiệp GD&ĐT đạt những kết quả khá nổi bật. Chúng tôi luôn nhận thức sâu sắc rằng, GD&ĐT là một quá trình, là sự tích lũy, tiếp nối, kế thừa những kết quả đạt được. Vì thế, để tiếp tục nâng cao chất lượng GD&ĐT trong thời gian tới, ngành chú trọng thực hiện đồng bộ các nhóm giải pháp. Trong đó, nhiệm vụ hàng đầu là tập trung chỉ đạo nâng cao chất lượng giáo dục và hiệu quả đào tạo. Cụ thể, duy trì, nâng cao chất lượng phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em 5 tuổi; phổ cập giáo dục tiểu học, THCS đạt mức độ 3; chỉ đạo việc tổ chức dạy và học từng bước nâng cao kết quả thi THPT quốc gia… Cùng với đó, tích cực truyền thông nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của sự nghiệp GD&ĐT; nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý; xây dựng cơ chế gắn trách nhiệm của người đứng đầu với chất lượng giáo dục của đơn vị; tăng cường giáo viên giỏi đến hỗ trợ giảng dạy ở những vùng khó khăn; đổi mới căn bản hình thức, phương pháp thi, kiểm tra và đánh giá kết quả giáo dục phổ thông; đổi mới công tác quản lý giáo dục… Trên cơ sở mục tiêu đổi mới GD&ĐT, chúng tôi sẽ tổ chức các hình thức đánh giá chất lượng giáo dục toàn tỉnh, từng địa phương, từng cơ sở giáo dục; thực hiện các kỳ đánh giá quốc gia chất lượng giáo dục phổ thông và tham gia đánh giá quốc tế, để làm căn cứ đề xuất chính sách, giải pháp nâng cao chất lượng giáo dục.
Trong nhiệm kỳ mới, ngành GD&ĐT sẽ tích cực tham mưu với Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh ban hành các cơ chế, chính sách phát triển GD&ĐT; đẩy mạnh công tác xã hội hóa giáo dục để nâng cao hiệu quả đầu tư phát triển giáo dục; tăng cường hội nhập quốc tế, triển khai các dự án, chương trình hợp tác quốc tế về giáo dục ở các địa phương và các cơ sở giáo dục. Rất mong tiếp tục nhận được sự quan tâm đặc biệt của các cấp ủy Đảng, chính quyền, sự phối kết hợp hiệu quả của các ban, ngành, đoàn thể, UBND các huyện, thành phố, để sự nghiệp GD&ĐT Hòa Bình tiếp tục có những bước phát triển mạnh mẽ, toàn diện.
* Nâng cao chất lượng tham mưu lãnh đạo công tác đấu tranh phòng ngừa tội phạm, vi phạm pháp luật
Lại Anh Tuấn
Viện trưởng Viện KSND tỉnh
Công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật là một trong những nhiệm vụ trọng yếu, thường xuyên, lâu dài của cả hệ thống chính trị và của toàn dân, đặt dưới sự lãnh đạo trực tiếp, toàn diện về mọi mặt của Đảng, sự quản lý, điều hành thống nhất của Nhà nước, do các cơ quan bảo vệ pháp luật và lực lượng chuyên trách làm nòng cốt.
Với chức năng thực hành quyền công tố và kiểm sát hoạt động tư pháp được Đảng, Nhà nước giao phó, Viện KSND đã góp phần bảo đảm cho pháp luật được chấp hành nghiêm chỉnh và thống nhất. Những năm qua, công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật là một trong những nhiệm vụ quan trọng luôn được ngành KSND nỗ lực phấn đấu thực hiện tốt, góp phần giữ gìn ANTT và an toàn xã hội, bảo vệ quyền con người, quyền công dân, góp phần thực hiện thắng lợi sự nghiệp phát triển KT-XH trên địa bàn tỉnh.
Nhiệm kỳ 2015 - 2020, tỉnh Hòa Bình đã đạt được những kết quả quan trọng. Tuy nhiên, bên cạnh những thành tựu phát triển mạnh mẽ, nhanh chóng về kinh tế thì mặt trái của nền kinh tế thị trường vẫn còn những tiêu cực, hạn chế, bất cập diễn ra khá phức tạp. Trước yêu cầu mới, để thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ theo yêu cầu cải cách tư pháp, nhất là trong công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm ở địa phương, Ban Cán sự Đảng Viện KSND tỉnh đặc biệt chú trọng công tác tham mưu cho Thường trực Tỉnh ủy, UBND tỉnh trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo đấu tranh phòng ngừa tội phạm và vi phạm pháp luật, góp phần hoàn thành mục tiêu nhiệm vụ Nghị quyết đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI đề ra.
Thời gian tới, Ban Cán sự Đảng Viện KSND tỉnh tiếp tục thực hiện tốt 6 nhóm giải pháp trọng tâm để tăng cường chất lượng công tác tham mưu với Thường trực Tỉnh ủy. Trong đó, xác định rõ: Công tác phòng, chống tội phạm phải đặt dưới sự lãnh đạo trực tiếp, thường xuyên của các cấp ủy Đảng, sự quản lý, điều hành chặt chẽ, quyết liệt của chính quyền các cấp. Phải quán triệt sâu sắc quan điểm của Đảng về công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm là nhiệm vụ trọng tâm, lâu dài, gắn liền với thực hiện các nhiệm vụ chính trị, phát triển KT-XH địa phương.
* Tham mưu, lãnh đạo thực hiện hiệu quả Nghị quyết xây dựng huyện Mai Châu thành điểm du lịch quốc gia
Hà Văn Di
Bí thư Huyện ủy Mai Châu
5 năm qua, huyện Mai Châu đã tổ chức triển khai thực hiện Nghị quyết số 06-NQ/TU với nhiều giải pháp đồng bộ, quyết liệt. Trong quá trình thực hiện, Đảng bộ huyện cũng gặp không ít khó khăn, vướng mắc, nhưng với quyết tâm chính trị cao, đặc biệt có sự lãnh đạo, chỉ đạo hiệu quả của các cấp ủy Đảng nên kết quả đạt được khá toàn diện. Nhìn chung, những khởi sắc của du lịch Mai Châu đã góp phần quan trọng thúc đẩy phát triển KT-XH địa phương.
Đến nay, đối chiếu với 4 tiêu chí để được công nhận là điểm du lịch quốc gia (quy định tại Điều 7, Nghị định số 92/2007/NĐ-CP, ngày 1/6/ 2007 của Chính Phủ), du lịch huyện Mai Châu đã đạt 2 tiêu chí là: Có tài nguyên du lịch hấp dẫn; có khả năng đáp ứng phục vụ 100 nghìn lượt khách một năm. Đối với 2 tiêu chí chưa đạt, huyện xác định trong nhiệm kỳ 2020 - 2025 sẽ tập trung thực hiện các nhóm giải pháp để hiện thực hóa. Đồng thời, tiếp tục thực hiện hiệu quả Nghị quyết số 06-NQ/TU, cũng như thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ huyện lần thứ XXVI, nhiệm kỳ 2020 - 2025.
Cụ thể, huyện tập trung thực hiện các giải pháp: Tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo, ban hành các nghị quyết, chỉ thị chuyên đề về du lịch. Tập trung phát triển cơ sở lưu trú du lịch đạt chuẩn từ 3 sao trở lên; đầu tư phát triển các khu du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, phát triển du lịch cộng đồng. Phát triển nguồn nhân lực. Tăng cường thu hút, lồng ghép các nguồn vốn đầu tư, ưu tiên bố trí từ nguồn ngân sách Nhà nước để hoàn thiện cơ sở hạ tầng phục vụ du lịch. Phát triển đa dạng sản phẩm du lịch. Tăng cường thông tin, xúc tiến quảng bá về hình ảnh, sản phẩm du lịch. Nâng cao ý thức của người dân và cộng đồng về việc bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc… Phấn đấu đến năm 2025, xây dựng huyện Mai Châu thành khu du lịch trọng điểm của tỉnh, là điểm đến du lịch hấp dẫn, thân thiện, an toàn theo tinh thần Nghị quyết số 06-NQ/TU và Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ huyện lần thứ XXVI.