(HBĐT) - Bên cạnh dôi dư cán bộ, dư thừa, lãng phí về cơ sở vật chất, việc sắp xếp đơn vị hành chính đã có những tác động trực tiếp đến người dân, gây ra không ít khó khăn cho công tác chỉ đạo, điều hành của chính quyền đơn vị hành chính (ĐVHC) mới. Những vướng mắc này cần được cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp, ngành lắng nghe, thấu hiểu và kịp thời có sự chỉ đạo, điều hành hợp lý. Có như vậy, việc sáp nhập ĐVHC mới thực sự "gọn” và "tinh”.
Bài 4 - Để bộ máy thực sự "gọn” và "tinh” sau sáp nhập
Cán bộ xã Đồng Tân (Mai Châu) đến từng nhà tìm hiểu, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng người dân sau sáp nhập đơn vị hành chính.
Lắng nghe nguyện vọng của người dân
"Trước đây, đi xuống xã chỉ hết 15, 20 phút, giờ thì mất cả buổi. Nhà tôi có xe máy còn đỡ, mấy nhà khó khăn trong xóm trước trụ sở xã ở gần toàn đi bộ, giờ xa quá không đi bộ được, có việc gì phải nhờ người chở xuống, cũng bất tiện lắm!” - ông Bùi Văn Hoan, xóm Ngòi, xã Suối Hoa (Tân Lạc) cho biết. Sau sắp xếp, người dân xóm Ngòi có công việc cấn đến UBND xã sẽ phải đi gần 20 km. Đường xa, dân nghèo nên từ sau sắp xếp đến nay đã gần 1 năm, nhưng nhiều hộ xóm Ngòi chưa một lần đến trụ sở xã mới. Vậy nên, chứng minh nhân dân (CMND), sổ hộ khẩu chưa thay đổi theo địa danh mới, có công việc gì dùng đến lại gặp không ít khó khăn!
Cùng với Tân Lạc, tại huyện Mai Châu, người dân cũng đang gặp phải nhiều khó khăn trong việc di chuyển đến trụ sở UBND xã mới. Như trên địa bàn huyện đã sắp xếp xã Tân Dân và xã Tân Mai thành xã Tân Thành; xã Noong Luông, Pù Bin, Thung Khe thành xã Thành Sơn… Sau sắp xếp, nhiều hộ phải đi khoảng 20 km mới đến được trụ sở UBND xã. Cán bộ xóm cũng phải vượt quãng đường đó để đến nơi làm việc, nên vấn đề nắm bắt, xử lý, triển khai công việc từ xã xuống xóm đôi khi chưa kịp thời.
Theo tìm hiểu, ngoài TP Hòa Bình thì các huyện khác chưa thực hiện được đồng loạt việc cấp đổi CMND, sổ hộ khẩu cho người dân tại các xã sau sắp xếp. Vấn đề này đã gây ra rất nhiều khó khăn cho người dân khi thực hiện các thủ tục hành chính. Gần đây nhất, chuẩn bị cho Kỳ thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh cao đẳng, đại học năm 2020, học sinh lớp 12 trên địa bàn toàn tỉnh thuộc các xã sau sắp xếp đã phải nháo nhào đi điều chỉnh sổ hộ khẩu, làm lại CMND để hoàn thiện hồ sơ. Anh Bùi Quang Hiếu, phường Kỳ Sơn (TP Hòa Bình) băn khoăn: Vướng mắc lớn nhất đối với người dân chúng tôi hiện nay sau sắp xếp ĐVHC là thay đổi thông tin trên giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCNQSDĐ). Các thủ tục hiện nay liên quan đến GCNQSDĐ khá lằng nhằng, phức tạp, người dân phải đi lại nhiều lần. Do đó, chúng tôi đề nghị cần thu hồi GCNQSDĐ để cấp đổi lại tập trung. Những trường hợp nào chưa có GCNQSDĐ hoặc đang thế chấp, cầm cố sẽ phải tự đi làm thủ tục sau. Không nên để vì một chủ trương đúng đắn của Nhà nước mà lại gây phiền hà, rắc rối, khó khăn cho người dân.
Ngoài ra, việc thay đổi địa giới hành chính cũng gây ra nhiều khó khăn cho người dân trong quá trình khám, chữa bệnh (KCB). Ông Nguyễn Hoàng Tùng, xã Hùng Sơn (Kim Bôi) cho biết: Người dân nếu đã thay đổi CMND theo tên ĐVHC xã mới, nhưng chưa cấp đổi thẻ BHYT thì sẽ gặp rất nhiều khó khăn trong việc làm thủ tục để được hưởng chế độ KCB theo BHYT. Nếu ở cấp huyện, làm thủ tục cấp đổi CMND ở Công an huyện mất 45 ngày, Công an tỉnh là 15 ngày. Chưa kể cần phải lấy giấy giới thiệu của Công an xã, phường trong trường hợp địa chỉ nơi cư trú trên CMND cũ và sổ hộ khẩu không trùng khớp. Cấp đổi CMND xong mới tiếp tục làm được thủ tục cấp đổi thẻ BHYT. Với những trường hợp người bệnh cần KCB cấp cứu thì sẽ khó khăn, bất tiện vô cùng cho người dân.
Để bộ máy sau sắp xếp vận hành hiệu quả
Sau sắp xếp, địa giới hành chính mỗi xã rộng gấp đôi, gấp ba, thậm chí gấp bốn lần so với xã cũ. Đồng nghĩa với lượng công việc của cán bộ xã tăng lên tương ứng. Vấn đề này sẽ ảnh hưởng như thế nào đến công tác quản lý, điều hành, chỉ đạo toàn diện phát triển KT - XH ở các địa phương? Đồng chí Hà Đức Chung, Chủ tịch UBND xã Đồng Tân (Mai Châu) chia sẻ: Sau sắp xếp, diện tích xã mới khá rộng. Hai xã cũ lại có sự chênh lệch về điều kiện phát triển KT-XH. Năm 2019, thu nhập bình quân đầu người của xã Đồng Bảng đạt 17 triệu đồng, xã Tân Sơn chỉ đạt 11 triệu đồng. Xã Đồng Bảng đã đạt 13 tiêu chí NTM, nhưng xã Tân Sơn chỉ đạt 11 tiêu chí. Xã Đồng Bảng sản xuất nông nghiệp lúa 2 vụ, xã Tân Sơn chỉ sản xuất lúa 1 vụ... Sự chênh lệch, khác biệt đó gây không ít khó khăn trong công tác lập kế hoạch, quản lý, chỉ đạo, điều hành.
Đây cũng là thực tế chung diễn ra tại các xã sau sắp xếp trên địa bàn tỉnh. Trong xây dựng NTM, mỗi xã trước khi sáp nhập có quy hoạch riêng, khi nhập thành một thì không thể sử dụng quy hoạch trước đây. Hoặc, hai xã sáp nhập có một xã đã đạt chuẩn NTM, một xã chưa đạt chuẩn NTM... Hiện, các xã sau sắp xếp đều chưa làm được quy hoạch tổng thể của ĐVHC mới.
Ngoài ra, tìm hiểu thực tế ở cơ sở cho thấy, việc xây dựng vị trí việc làm là căn cứ khoa học quan trọng giúp bộ máy vận hành trơn tru sau sắp xếp. Tuy nhiên, do chưa có sự điều chỉnh, phê duyệt điều chỉnh vị trí việc làm sau sắp xếp nên có câu chuyện người làm việc "dẫm chân” nhau, hoạt động cầm chừng vì chưa biết mình sẽ được phân công làm gì, "đi” hay "ở”. Bởi mỗi vị trí công chức xã sau sắp xếp hiện có phổ biến từ 2 - 4 cán bộ. Bên cạnh đó, việc thực hiện Nghị định số 92/2009/NĐ-CP và Nghị định số 29/2013/NĐ-CP về thực hiện sắp xếp, cơ cấu lại đội ngũ công chức xã, thị trấn, qua thực tiễn hiện không còn phù hợp, như: số lượng biên chế văn phòng - thống kế, địa chính, xây dựng - môi trường, tài chính - kế toán, tư pháp - hộ tịch… nhiều, trong khi một số chức danh quan trọng lại không được cơ cấu công chức, chuyên trách như: văn phòng đảng ủy, chủ nhiệm (hoặc phó chủ nhiệm) ủy ban kiểm tra đảng ủy.
Trước những vướng mắc phát sinh sau sắp xếp, đồng chí Bùi Văn Khánh, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh nhấn mạnh: Một nội dung quan trọng, phát sinh sau khi sắp xếp ĐVHC cấp huyện, xã là việc chuyển đổi giấy tờ cho cơ quan, tổ chức và công dân. Trên cơ sở quy định của pháp luật và văn bản hướng dẫn của các cơ quan, tổ chức, đơn vị cấp tỉnh, UBND các huyện chủ động có kế hoạch, chỉ đạo UBND cấp xã phối hợp cơ quan, đơn vị liên quan triển khai, tạo điều kiện thuận lợi cho tổ chức, cá nhân thực hiện chuyển đổi các loại giấy tờ. Ưu tiên việc chuyển đổi CMND, sổ hộ khẩu sớm nhất, để tạo điều kiện thuận lợi cho người dân khi thực hiện các giao dịch khác có liên quan. Đối với các loại giấy tờ còn lại, UBND cấp xã có trách nhiệm thông báo, hướng dẫn để người dân chuyển đổi theo quy định.
Ngoài ra, cần quan tâm thực hiện nghiêm túc, kịp thời chính sách hỗ trợ đối với cán bộ, công chức, viên chức, lao động hợp đồng theo Nghị định số 68/2000/NĐ-CP ở cấp huyện; cán bộ, công chức và những người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã dôi dư do sắp xếp lại đơn vị hành chính theo đúng quy định pháp luật và Nghị quyết số 173/2019/NQ-HĐND, ngày 14/8/2019 của HĐND tỉnh, Hướng dẫn liên ngành số 3170, ngày 25/11/2019 của Sở Nội vụ, Sở Tài chính, Ban Tổ chức Tỉnh ủy, BHXH tỉnh.
Cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương, các sở, ngành cần tiếp thu, lắng nghe ý kiến, kiến nghị của người dân, cán bộ để có sự tham mưu kịp thời cho cấp trên, hoặc có sự điều chỉnh phù hợp trong công tác quản lý, chỉ đạo, điều hành. Cả hệ thống chính trị và người dân cùng chung tay để phát huy hiệu quả hệ thống chính trị đã được tinh gọn sau sắp xếp, đồng lòng quyết tâm phấn đấu thực hiện đạt và vượt các chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Hòa Bình lần thứ XVII đề ra, nhằm tạo đột phá để KT - XH tỉnh phát triển nhanh, bền vững; nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của Nhân dân.
Nhóm P.V Phòng Văn hóa - Xã hội
(HBĐT) - Trong những năm qua, phong trào thi đua "Cựu chiến binh (CCB) gương mẫu” đã tạo sức lan tỏa trong cán bộ, hội viên CCB. Nhiều mô hình hay, cách làm sáng tạo đã được triển khai nhằm khơi dậy lòng yêu nước, ý chí phấn đấu, tinh thần vượt khó của các thế hệ CCB. Qua đó, góp phần xây dựng tổ chức Hội trong sạch vững mạnh, cải thiện đời sống, vật chất tinh thần của hội viên.
(HBĐT) - "Công tác dân vận của cả hệ thống chính trị đã đạt được những kết quả tích cực, hướng mạnh về cuộc sống, tâm tư, nguyện vọng chính đáng, hợp pháp của Nhân dân; nâng cao trách nhiệm, gương mẫu của cán bộ, đảng viên, nhất là của người đứng đầu trước Nhân dân. MTTQ, các tổ chức CT-XH tiếp tục đổi mới nội dung, phương thức hoạt động, sâu sát cơ sở, làm cầu nối quan trọng giữa Đảng với Nhân dân. Động viên Nhân dân tham gia các phong trào thi đua yêu nước, phát triển KT-XH, bảo đảm QP-AN, củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI, tăng cường niềm tin của Nhân dân đối với sự lãnh đạo của Đảng” - đồng chí Nguyễn Quang Minh, Phó Trưởng Ban Dân vận Tỉnh ủy cho biết.
(HBĐT) - Nhiệm kỳ 2015 - 2020, các cấp ủy Đảng huyện Lạc Sơn đã chú trọng công tác lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện nhiệm vụ kiểm tra, giám sát (KTGS), trọng tâm là bám sát quy định tại Điều 30, Điều lệ Đảng. Dưới sự lãnh đạo của BTV Tỉnh ủy, chỉ đạo, hướng dẫn của Ủy ban Kiểm tra (UBKT) Tỉnh ủy, sự phối kết hợp đồng bộ, chặt chẽ, hiệu quả giữa cấp ủy, UBKT các cấp với các tổ chức liên quan, công tác KTGS của Đảng bộ huyện đã có nhiều chuyển biến tích cực.
(HBĐT) - Tại xã Vĩnh Tiến, UB MTTQ huyện Kim Bôi vừa tổ chức giao lưu văn nghệ, gặp mặt kỷ niệm 90 năm ngày thành lập Mặt trận dân tộc thống nhất Việt Nam (18/11/1930 - 18/11/2020) và phát động Tháng cao điểm vì người nghèo năm 2020.
(HBĐT) - Tối 15/10, Hội LHPN huyện Lạc Thủy phối hợp Hội LHTN huyện tổ chức chương trình giao lưu văn nghệ chào mừng thành công Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII và tuyên dương 40 cán bộ, đoàn viên hội viên phụ nữ, thanh niên tiêu biểu.
(HBĐT) - Sáng 16/10, đồng chí Bùi Văn Khánh, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh đã có buổi làm việc với Hội Nhà báo tỉnh về tình hình triển khai thực hiện chương trình công tác nhiệm kỳ 2020 - 2025. Cùng tham dự có đồng chí Nguyễn Văn Chương, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; lãnh đạo một số sở, ngành; đại diện các cơ quan báo chí tại địa phương.