(HBĐT) - Sáng 7/12, tại Hội trường Tỉnh uỷ, Bộ Quốc phòng phối hợp Tỉnh uỷ Hoà Bình tổ chức hội thảo khoa học cấp Bộ Quốc phòng với chủ đề "Chiến thắng Hoà Bình - Thành công xuất sắc về chỉ đạo chiến lược của Đảng và bài học lịch sử”. Hội thảo được tổ chức bằng hình thức trực tuyến tới 13 điểm cầu với hơn 400 đại biểu tham dự. 

Tại điểm cầu chính ở tỉnh Hoà Bình, tham dự hội thảo, về phía Bộ Quốc phòng có các đồng chí Uỷ viên BCH T.Ư Đảng: Thượng tướng, TS Lê Huy Vịnh, Ủy viên Quân uỷ T.Ư, Thứ Trưởng Bộ Quốc phòng, Trưởng Ban Chỉ đạo (BCĐ) hội thảo; Trung tướng Trịnh Văn Quyết, Ủy viên Quân uỷ T.Ư, Phó Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân (QĐND) Việt Nam, Phó trưởng BCĐ hội thảo; Thiếu tướng, TS Nguyễn Hoàng Nhiên, Viện trưởng Viện Lịch sử Quân sự Việt Nam, Phó trưởng BCĐ hội thảo. Về phía Quân khu 3 có các đồng chí: Trung tướng Nguyễn Quang Ngọc, UV BCH T.Ư Đảng, Ủy viên Quân uỷ T.Ư, Tư lệnh Quân khu 3; Thiếu tướng Hà Tất Đạt, Phó Tư lệnh Quân khu 3. Cùng dự có các đồng chí nguyên lãnh đạo Bộ Quốc phòng, Bộ Công an; lãnh đạo các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ Quốc phòng.

Về phía tỉnh Hoà Bình, tham dự có các đồng chí: Ngô Văn Tuấn, UV BCH T.Ư Đảng, Bí thư Tỉnh uỷ, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh, đồng Trưởng BCĐ hội thảo; Bùi Đức Hinh, Phó Bí thư TT Tỉnh uỷ, Chủ tịch HĐND tỉnh; Bùi Văn Khánh, Phó Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch UBND tỉnh; Nguyễn Văn Toàn, Phó Chủ tịch TT UBND tỉnh; các đồng chí trong Ban Thường vụ Tỉnh uỷ, đại diện các cơ quan, đơn vị trong tỉnh.


Thượng tướng, TS Lê Huy Vịnh, Uỷ viên BCH T.Ư Đảng, Uỷ viên Quân uỷ T.Ư, Thứ Trưởng Bộ Quốc phòng, Trưởng Ban Chỉ đạo hội thảo phát biểu khai mạc hội thảo.

Phát biểu khai mạc hội thảo, Thượng tướng Lê Huy Vịnh, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, Trưởng BCĐ hội thảo khẳng định: 70 năm trước đây, dưới sự lãnh đạo của T.Ư Đảng, đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh, trực tiếp là Tổng Quân ủy và Bộ Tổng Tư lệnh, quân và dân ta đã mở Chiến dịch Hòa Bình (10/12/1951 - 25/2/1952) và giành thắng lợi. Chiến thắng Hòa Bình là một sự kiện quan trọng trong tiến trình cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, thể hiện tầm nhìn chiến lược, sự linh hoạt, sáng tạo của Bộ Chính trị, BCH T.Ư Đảng, Tổng Quân ủy và Bộ Tổng Tư lệnh. Thắng lợi của Chiến dịch Hòa Bình (CDHB) đánh dấu bước phát triển của quân đội ta về trình độ chiến thuật, kỹ thuật, về khả năng chiến đấu liên tục, dài ngày trên cả hai mặt trận chính diện và mặt trận rộng lớn sau lưng địch; đồng thời ghi nhận bước tiến mới về nghệ thuật chiến dịch Việt Nam trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp. Đây là lần đầu tiên Quân đội ta huy động một lực lượng lớn bộ đội chủ lực tác chiến trên cả hai mặt trận chính diện và mặt trận sau lưng địch; cũng là lần đầu tiên tiến công quân địch phòng ngự theo kiểu tập đoàn cứ điểm và giành thắng lợi.

Thứ Trưởng Bộ Quốc phòng Lê Huy Vịnh nhấn mạnh: Hội thảo khoa học lần này là hoạt động thiết thực kỷ niệm 70 năm CDHB, là dịp để toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ôn lại truyền thống đấu tranh anh dũng của các thế hệ cha anh, tưởng nhớ đến các đồng bào, đồng chí đã chiến đấu, hy sinh trong cuộc kháng chiến trường kỳ bảo vệ độc lập, tự do của dân tộc, trong đó có CDHB. Kết quả của hội thảo sẽ góp phần hun đúc tinh thần yêu nước, lòng tự hào, tự tôn dân tộc, ý chí độc lập, tự chủ và khát vọng hòa bình, củng cố niềm tin và quyết tâm chính trị của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta cùng đoàn kết một lòng vượt qua mọi gian lao, thử thách, đặc biệt khống chế và đẩy lùi đại dịch Covid-19 để trở lại trạng thái bình thường mới; đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, phủ nhận giá trị lịch sử và hiện thực của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp nói chung, CDHB nói riêng. Đồng thời, giúp chúng ta nhận thức sâu sắc, đầy đủ hơn tầm vóc, ý nghĩa lịch sử cũng như những bài học kinh nghiệm có giá trị thực tiễn đối với sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc trong giai đoạn hiện nay.


Đồng chí Ngô Văn Tuấn, Uỷ viên BCH T.Ư Đảng, Bí thư Tỉnh uỷ, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh, đồng Trưởng Ban Chỉ đạo hội thảo phát biểu chào mừng hội thảo.

Phát biểu chào mừng hội thảo, đồng chí Ngô Văn Tuấn, Ủy viên BCH T.Ư Đảng, Bí thư Tỉnh uỷ, đồng Trưởng BCĐ hội thảo khẳng định: Từ lịch sử đến hiện tại là một dòng chảy liên tục. Những giá trị lịch sử cần được tiếp nối, phát huy, trong đó có Chiến thắng Hòa Bình (1951 - 1952). Trong thời gian tới, Đảng bộ, chính quyền, quân và dân các dân tộc tỉnh Hòa Bình tiếp tục đoàn kết, nỗ lực, quyết tâm cao hơn nữa, nắm bắt các cơ hội, phấn đấu xây dựng tỉnh trở thành khu vực phòng thủ vững chắc, vùng chiến lược quân sự quan trọng của đất nước, đồng thời là vùng kinh tế động lực của khu vực. Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy mong muốn thời gian tới tiếp tục nhận được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo nhiều hơn nữa của các đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước; lãnh đạo các ban, bộ, ngành T.Ư; sự ủng hộ, sẻ chia, giúp đỡ của các tỉnh, thành phố trong cả nước để tỉnh Hòa Bình hoàn thành các mục tiêu, kế hoạch đã đề ra.

Tại hội thảo, Trung tướng Trịnh Văn Quyết, Phó Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị QĐND Việt Nam đã báo cáo đề dẫn, trong đó nêu bật quá trình diễn ra CDHB cũng như những kết quả đạt được sau hơn 2 tháng chiến đấu của quân và dân ta tại mặt trận Hoà Bình và mặt trận địch hậu.

Trong quá trình hội thảo, các đại biểu tập trung thảo luận những nội dung: Chiến thắng tiêu diệt cụm cứ điểm trên đỉnh núi 600 Ba Vì; Chiến thắng Hoà Bình - mốc son trong quá trình xây dựng, chiến đấu và trưởng thành của Đại đoàn 308 - Quân Tiên Phong; Đại đoàn 320 đẩy mạnh tác chiến ở đồng bằng Liên khu 3 phối hợp với CDHB; lực lượng pháo binh trong CDHB; nghệ thuật tổ chức và sử dụng lực lượng trong CDHB; lực lượng vũ trang Liên khu 3 "chia lửa” với CDHB; Đồng bào các dân tộc tỉnh Hoà Bình góp phần vào thắng lợi của CDHB; Quân và dân trên địa bàn Quân khu 2 trong CDHB; công tác Đảng, công tác chính trị trong CDHB - bài học trong huấn luyện, đào tạo tại Trường Sỹ quan Chính trị hiện nay.

Theo Thiếu tướng, TS Nguyễn Hoàng Nhiên, Viện trưởng Viện Lịch sử Quân sự Việt Nam, Phó trưởng BCĐ hội thảo: Ban tổ chức hội thảo đã nhận được gần 90 báo cáo, tham luận góp phần làm sáng tỏ nhiều vấn đề lý luận và thực tiễn về thành công xuất sắc trong lãnh đạo, chỉ đạo chiến lược của Đảng và những bài học lịch sử được rút ra qua thắng lợi của chiến dịch. Cụ thể, một là, Chiến thắng Hoà Bình khẳng định tầm nhìn chiến lược, sự lãnh đạo, chỉ đạo tài tình, sáng suốt của T.Ư Đảng, Chủ tịch Hồ Chí Minh, Tổng Quân uỷ và Bộ Tổng Tư lệnh. Hai là, Chiến thắng Hoà Bình khẳng định sự phát triển vượt bậc của QĐND Việt Nam và nghệ thuật quân sự Việt Nam. Ba là, Chiến thắng Hoà Bình thể hiện bản lĩnh, ý chí, quyết tâm giành thắng lợi của quân và dân ta. Bốn là, CDHB là kết quả của sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, của nghệ thuật chiến tranh nhân dân đặc sắc Việt Nam. Năm là, Chiến thắng Hoà Bình có tầm vóc và ý nghĩa to lớn trong tiến trình cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, để lại nhiều kinh nghiệm và bài học lịch sử có giá trị lịch sự và hiện thực sâu sắc.


Các đại biểu tại hội thảo khoa học cấp Bộ Quốc phòng với chủ đề "Chiến thắng Hoà Bình - Thành công xuất sắc về chỉ đạo chiến lược của Đảng và bài học lịch sử”.

Phát biểu kết luận tại hội thảo, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Lê Huy Vịnh đề nghị: Cần tiếp tục khẳng định giá trị to lớn về tầm vóc và ý nghĩa lịch sử, bài học kinh nghiệm của CDHB. Tiếp tục nghiên cứu, sưu tầm thêm các tư liệu lịch sử để quân và dân ta hiểu thêm về CDHB. Các tham luận đã được tổng hợp in thành sách, do đó, các đơn vị trong Quân đội cần lấy đây làm tài liệu học tập, giáo dục truyền thống lịch sử đưa vào giáo dục chính trị tư tưởng cho cán bộ, chiến sỹ toàn quân. Các cơ quan báo chí T.Ư và địa phương tiếp tục tuyên truyền về CDHB nhằm khơi dậy tinh thần yêu nước, nhất là đối với thế hệ trẻ, góp sức xây dựng quê hương, đất nước ngày càng giàu đẹp.

Thanh Sơn

Các tin khác


Thông tin về kết quả Chiến dịch Hoà Bình

(HBĐT) - Sau hơn 100 ngày diễn ra chiến dịch, ta đã phá kế hoạch chiếm đóng Hoà Bình của địch, giải phóng khu vực Hoà Bình, sông Đà với diện tích trên 1.000 km2 và 20.000 dân. Tại mặt trận Hoà Bình, ta diệt 6.012 tên địch, thu 24 khẩu pháo các loại, 788 súng, 98 máy vô tuyến điện, phá huỷ 12 khẩu pháo, bắn rơi 9 máy bay, bắn chìm và bắn cháy 17 ca nô, tàu, xuồng, phá huỷ 246 xe quân sự.

Lực lượng vũ trang tỉnh: Không ngừng lớn mạnh đáp ứng yêu cầu bảo vệ Tổ quốc

(HBĐT) - Chiến thắng của Chiến dịch Hoà Bình diễn ra từ ngày 10/12/1951 - 25/2/1952 như ngọn lửa cách mạng tiếp thêm động lực cho cán bộ, chiến sỹ (CB, CS) lực lượng vũ trang (LLVT) tỉnh tiếp bước thế hệ cha anh. Do đó, xây dựng LLVT tỉnh vững mạnh toàn diện được Bộ CHQS tỉnh xác định là nhiệm vụ thường xuyên, góp phần hoàn thành tốt nhiệm vụ quốc phòng, quân sự địa phương (QP-QSĐP) của tỉnh. Với mục tiêu đó, thời gian qua, CB, CS đã tích cực rèn luyện, nâng cao bản lĩnh chính trị, khả năng sẵn sàng chiến đấu (SSCĐ), đáp ứng tốt yêu cầu bảo vệ Tổ quốc.

Phát huy truyền thống vẻ vang “Bộ đội Cụ Hồ”

(HBĐT) - Ngày 6/12/1989, Bộ Chính trị, Ban Chấp hành T.Ư Đảng (khoá VI) đã quyết định cho thành lập Hội Cựu chiến binh (CCB) Việt Nam. Từ đó, ngày 6/12 hằng năm được lấy làm Ngày truyền thống của Hội. Sự ra đời của Hội CCB Việt Nam là dấu mốc lịch sử quan trọng trong đời sống chính trị, tinh thần, phù hợp với nguyện vọng chính đáng của lực lượng CCB để tiếp tục cống hiến xây dựng quê hương, phát huy phẩm chất, truyền thống "Bộ đội Cụ Hồ” phục vụ sự nghiệp bảo vệ, xây dựng đất nước trong thời bình, giúp đỡ nhau trong cuộc sống, gắn bó tình đồng đội khi xưa.

Lực lượng du kích Hòa Bình - nghệ thuật công tác binh vận

(HBĐT) - Trong chiến thắng quan trọng của Chiến dịch Hòa Bình, nghệ thuật chiến tranh du kích được áp dụng hiệu quả suốt thời gian diễn ra chiến dịch. Điều đó được khẳng định qua từng trận đánh trong các đợt chiến đấu của quân và dân ta.

Chiến thắng Tu Vũ - mở đầu thắng lợi Chiến dịch Hòa Bình

(HBĐT) - Sau thất bại ở mặt trận biên giới Thu Đông 1950 và bị đánh liên tiếp ở trung du và một số tỉnh đồng bằng Bắc Bộ, thực dân Pháp lâm vào thế bị động, phải phòng ngự. Để giành lại quyền chủ động trên chiến trường, mùa đông năm 1951, Pháp mở cuộc tiến công lên Hòa Bình với âm mưu xây dựng "Xứ Mường tự trị”. Bên cạnh đó, chúng mở rộng khu chiếm đóng, tăng cường phòng ngự phía Tây Nam đồng bằng Bắc Bộ, ngăn chặn đường tiếp tế và liên lạc của ta từ Việt Bắc với Liên khu III và Liên khu IV.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục