Nhân kỷ niệm 76 năm Ngày truyền thống lực lượng Tham mưu Công an nhân dân (18/4/1946 - 18/4/2022), Thượng tướng, Phó Giáo sư, Tiến sỹ Trần Quốc Tỏ, Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Công an có bài viết: "Đổi mới toàn diện công tác tham mưu Công an nhân dân đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới".
Thượng tướng, Thứ trưởng Bộ Công an Trần Quốc Tỏ. Ảnh: Thống Nhất/TTXVN
TTXVN trân trọng giới thiệu bài viết:
1. Bảo vệ vững chắc an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội phục vụ phát triển kinh tế - xã hội và đối ngoại của đất nước, "vì cuộc sống bình yên, hạnh phúc của nhân dân” là mục tiêu xuyên suốt, nhiệm vụ đặc biệt quan trọng của lực lượng Công an nhân dân. Đây cũng là mục tiêu, nhiệm vụ của lực lượng Tham mưu Công an nhân dân.
Suốt chặng đường 76 năm xây dựng, chiến đấu và trưởng thành, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng ủy Công an Trung ương, lãnh đạo Bộ Công an, lực lượng Tham mưu Công an nhân dân không ngừng lớn mạnh, trưởng thành về mọi mặt, luôn phát huy truyền thống, bản chất "Trung thành – Tận tụy; Mưu trí – Sáng tạo; Đoàn kết – Lập công”, thực hiện tốt chức năng tham mưu với Đảng ủy Công an Trung ương, lãnh đạo Bộ Công an đề xuất với Đảng, Nhà nước chỉ đạo thực hiện thắng lợi nhiệm vụ được giao, đóng góp quan trọng, to lớn vào thành tựu chung của lực lượng Công an nhân dân, của đất nước, nổi bật như:
(1) Lực lượng Tham mưu Công an nhân dân đã đánh giá, dự báo sát tình hình, chủ động tham mưu xây dựng hệ thống quan điểm, chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về bảo đảm an ninh quốc gia; xây dựng nền an ninh nhân dân gắn với thế trận an ninh nhân dân, thế trận quốc phòng toàn dân và thế trận "lòng dân” vững chắc; đề xuất các giải pháp cơ bản, chiến lược cả trước mắt và lâu dài về bảo đảm an ninh, lợi ích quốc gia, dân tộc; phối hợp với các lực lượng tham mưu chỉ đạo đấu tranh làm thất bại mọi âm mưu, hoạt động xâm hại đến an ninh quốc gia của các thế lực thù địch, tội phạm; tham mưu gắn an ninh với quốc phòng, kết hợp chặt chẽ nhiệm vụ bảo đảm an ninh, trật tự với phát triển kinh tế - xã hội, đối ngoại của đất nước.
(2) Lực lượng đã tham mưu ban hành Nghị quyết số 51-NQ/TW ngày 5/9/2019 của Bộ Chính trị về Chiến lược bảo vệ an ninh quốc gia, Kết luận số 13-KL/TW ngày 16/8/2021 của Bộ Chính trị về việc tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 48-CT/TW ngày 22/10/2010 của Bộ Chính trị khóa X về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng, chống tội phạm trong tình hình mới, Kết luận số 15-KL/TW ngày 30/9/2021 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 46-CT/TW ngày 22/6/2015 của Bộ Chính trị về "công tác đảm bảo an ninh, trật tự trong tình hình mới” và nhiều nghị quyết, kết luận của Bộ Chính trị, Ban Bí thư về công tác bảo đảm an ninh, trật tự và xây dựng lực lượng Công an nhân dân; đề xuất nhiều chủ trương, giải pháp, chương trình, kế hoạch, phương án quyết liệt để phòng ngừa, tấn công, trấn áp tội phạm, hoàn thành các mục tiêu, nhiệm vụ đề ra, góp phần giảm số vụ phạm tội về trật tự, xã hội.
(3) Lực lượng Tham mưu Công an nhân dân đã tham mưu đề xuất nhiều giải pháp mang tính lịch sử trên lĩnh vực quản lý nhà nước về an ninh, trật tự; nổi bật là xây dựng, triển khai thành công Dự án xây dựng Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và Dự án Sản xuất, cấp và quản lý Căn cước công dân; phối hợp Văn phòng Chính phủ tham mưu Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030, tạo bước đột phá trong đổi mới về quản trị xã hội và chuyển đổi số quốc gia. Đặc biệt, trong thời gian dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, đã chủ động tham mưu lãnh đạo Bộ chỉ đạo Công an các đơn vị, địa phương thực hiện tốt nhiệm vụ bảo đảm an ninh, trật tự, góp phần quan trọng thực hiện mục tiêu kép vừa phòng, chống dịch COVID-19, vừa phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội.
(4) Lực lượng tham mưu Công an nhân dân đã chủ động đề xuất nhiều giải pháp tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo, tạo chuyển biến tích cực trong công tác xây dựng Đảng, xây dựng lực lượng Công an nhân dân; đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy Bộ Công an tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Tham mưu thực hiện nhiệm vụ công tác trọng tâm, "đột phá” hướng về cơ sở, xây dựng Công an xã, thị trấn chính quy; nhiều giải pháp căn cơ nhằm tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng, phòng chống tiêu cực, suy thoái, "tự diễn biến, tự chuyển hóa” trong nội bộ, được cán bộ, chiến sĩ, Nhân dân đồng tình, ủng hộ, Đảng, Nhà nước ghi nhận, đánh giá cao.
(5) Việc tổ chức thực hiện chức năng, nhiệm vụ tham mưu trong Công an nhân dân từng bước được đổi mới, ngày càng bảo đảm tính khoa học, gắn với thực tiễn. Việc sơ kết, tổng kết các chuyên đề, lĩnh vực công tác, bổ sung, hoàn thiện lý luận Công an nhân dân được chú trọng. Qua đó, giúp lãnh đạo, chỉ huy Công an các cấp ban hành các chủ trương, chương trình, kế hoạch, mệnh lệnh công tác sát với thực tiễn yêu cầu công tác; đồng thời, tham mưu tổ chức thực hiện, kiểm tra, hướng dẫn, đánh giá sát hiệu quả các chủ trương, chương trình, kế hoạch, mệnh lệnh công tác đã đề ra.
(6) Tổ chức bộ máy cơ quan tham mưu trong Công an nhân dân được kiện toàn, có sự thống nhất, chuyên sâu từ Bộ đến Công an các địa phương. Đội ngũ cán bộ làm công tác tham mưu được tăng cường cả về số lượng và chất lượng, luôn tận tâm, tận tụy với công việc, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.
2. Thời gian tới, tình hình thế giới, khu vực còn diễn biến nhanh chóng, phức tạp; những điểm nóng trên thế giới đang có chiều hướng gia tăng. Âm mưu, hoạt động chống phá, gây bạo loạn, lật đổ của các thế lực thù địch, phản động ngày càng thâm độc, nguy hiểm hơn; tình hình tội phạm còn diễn biến phức tạp, hoạt động manh động với nhiều thủ đoạn tinh vi. Những nguy cơ, mối đe dọa an ninh truyền thống, an ninh phi truyền thống, nhất là biến đổi khí hậu, thiên tai, dịch bệnh sẽ tiếp tục có những tác động mạnh mẽ tới mọi mặt của đời sống xã hội, trong đó có công tác bảo đảm an ninh, trật tự.
Trước tình hình đó, để thực hiện mục tiêu mà Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng đề ra: "…giữ vững môi trường hòa bình, ổn định chính trị, an ninh quốc gia, an ninh con người; xây dựng xã hội trật tự, kỷ cương, an toàn, lành mạnh để phát triển đất nước theo định hướng xã hội chủ nghĩa”, lực lượng Công an nhân dân nói chung, lực lượng Tham mưu Công an nhân dân nói riêng tiếp tục xác định công tác tham mưu có vị trí, vai trò quan trọng trong bảo đảm an ninh, trật tự và xây dựng lực lượng Công an nhân dân, gắn liền với công tác lãnh đạo, chỉ huy ở tất cả các cấp công an, luôn nêu cao tinh thần trách nhiệm, luôn chủ động, nhạy bén, "đi trước đón đầu”, đổi mới toàn diện các mặt công tác, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ đặt ra ngày càng nặng nề. Trước mắt, cần tập trung thực hiện một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm sau:
Một là, chú trọng đổi mới trong tham mưu quán triệt, triển khai thực hiện có hiệu quả các nghị quyết, chỉ thị, kết luận, quy định của Đảng, Nhà nước, Đảng ủy Công an Trung ương, Bộ Công an và cấp ủy, chính quyền địa phương về công tác bảo đảm an ninh, trật tự và xây dựng lực lượng Công an nhân dân, nhất là cụ thể hóa Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ Công an Trung ương lần thứ VII, nhiệm kỳ 2020 – 2025, Nghị quyết số 12-NQ/TW ngày 16/3/2022 của Bộ Chính trị về đẩy mạnh xây dựng lực lượng Công an nhân dân thật sự trong sạch, vững mạnh, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới; cụ thể hóa thành các chương trình, kế hoạch công tác, bám sát và thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị ở từng giai đoạn, từng đơn vị, địa phương.
Hai là, tiếp tục quán triệt và triển khai thực hiện chỉ đạo của Đảng ủy Công an Trung ương và Bộ Công an về nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác tham mưu Công an nhân dân trong tình hình mới. Cần xác định "thông tin” có vai trò hết sức quan trọng, yếu tố quyết định đến chất lượng, hiệu quả của công tác tham mưu trong Công an nhân dân. Muốn tham mưu tốt phải có "thông tin” tốt - đủ - đúng - kịp thời. Do đó, phải thường xuyên đổi mới, tổ chức tốt công tác thông tin phục vụ lãnh đạo, chỉ huy; đổi mới công tác nghiên cứu, tổng hợp, phân tích, đánh giá, dự báo tình hình; nâng cao chất lượng công tác dự báo chiến lược, tham mưu chiến lược, nhất là trong đề xuất các chủ trương, cơ chế, chính sách, pháp luật, các đề án về công tác bảo đảm an ninh, trật tự và xây dựng lực lượng Công an nhân dân. Chủ động, kịp thời tham mưu, đề xuất các chủ trương, giải pháp để bảo đảm lợi ích quốc gia, dân tộc; các giải pháp kịp thời xử lý những vấn đề phức tạp, nổi lên về bảo đảm an ninh, trật tự ngay từ đầu, ngay tại cơ sở. Qua đó, góp phần từng bước xây dựng xã hội trật tự, kỷ cương, an toàn, lành mạnh, thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội.
Ba là, chú trọng sơ kết, tổng kết các chuyên đề nghiệp vụ, đề xuất các giải pháp tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc từ thực tiễn; tăng cường nghiên cứu, tham mưu, đề xuất phát triển lý luận Công an nhân dân trên cơ sở tư duy mới, theo tinh thần Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng. Từ đó, rút ra những vấn đề có tính quy luật để cung cấp luận cứ khoa học hoàn thiện đường lối, chính sách, pháp luật về an ninh, trật tự.
Bốn là, tăng cường phối hợp, trao đổi thông tin thường xuyên giữa các cơ quan tham mưu trong Công an nhân dân và giữa cơ quan tham mưu Công an nhân dân với cơ quan tham mưu của các ban, bộ, ngành, cấp ủy, chính quyền địa phương; giữa cơ quan tham mưu với các đơn vị chiến đấu, Công an địa phương để dự báo tình hình, kịp thời tham mưu, đề xuất chỉ đạo thực hiện tốt nhiệm vụ bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội và xây dựng lực lượng Công an nhân dân. Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, hiện đại hóa phương tiện, trang thiết bị để nâng cao chất lượng, hiệu quả các mặt công tác tham mưu; từng bước chuyển đổi môi trường làm việc truyền thống sang môi trường làm việc số, sử dụng dữ liệu số; nâng cao năng lực, khả năng sử dụng công nghệ thông tin, tận dụng những lợi ích của cuộc Cách mạng khoa học công nghệ lần thứ tư và chuyển đổi số mang lại.
Các lực lượng cảnh sát ra quân thực hiện phương án bảo đảm an ninh, trật tự Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng. Ảnh tư liệu: Doãn Tấn/TTXVN
Năm là, xây dựng lực lượng Tham mưu Công an nhân dân thật sự trong sạch, vững mạnh, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới theo tinh thần Nghị quyết số 12-NQ/TW ngày 16/3/2022 của Bộ Chính trị. Quán triệt sâu sắc và thực hiện nghiêm túc quan điểm: "Mọi cán bộ Công an đều phải thực hiện chức năng tham mưu”; tiếp tục kiện toàn tổ chức, củng cố vị trí, chức năng tham mưu của lực lượng Công an nhân dân từ Bộ đến Công an cấp xã. Đội ngũ cán bộ tham mưu phải vững về chính trị, tinh thông về nghiệp vụ, giỏi về pháp luật, có kiến thức cần thiết về văn hóa, xã hội, ngoại ngữ, am hiểu thực tiễn công tác, chiến đấu, nhạy bén, sắc sảo trong thu thập thông tin, phân tích, đánh giá tình hình, tận tụy, say mê, tâm huyết với công việc. Đặc biệt quan tâm chăm lo, tạo điều kiện về cơ chế, chính sách đối với đội ngũ cán bộ làm công tác tham mưu chuyên trách, nhất là tham mưu chiến lược.
Phát huy bản chất tốt đẹp, truyền thống 76 năm xây dựng, chiến đấu và trưởng thành, lực lượng Tham mưu Công an nhân dân nhất định sẽ vượt qua mọi khó khăn, thử thách, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được Đảng, Nhà nước và Nhân dân giao phó.
Theo TTXVN
(HBĐT) - Được đánh giá là địa phương thực hiện hiệu quả công tác dân vận chính quyền, huyện Lạc Thủy đã cho thấy nhiều đổi mới với những hoạt động cụ thể. Đặc biệt, nâng cao nhận thức về vai trò công tác dân vận và trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền, cán bộ tiếp dân trong phục vụ Nhân dân.
(HBĐT) - Đồng chí Bùi Văn Vượng, Chủ tịch UBND xã Gia Mô (Tân Lạc) cho rằng: Kiểm soát hành chính đóng vai trò quan trọng trong việc thực hiện cải cách thủ tục hành chính (TTHC). Chính quyền địa phương đã và đang đẩy mạnh hoạt động này nhằm góp phần nâng cao chất lượng phục vụ người dân.
Nhà báo Lê Quốc Minh cho rằng, để thực hiện chuyển đổi số, trước hết phải nghĩ đến yếu tố con người. Sự đổi mới sẽ không có ý nghĩa gì nếu chúng ta không có kỹ năng để sử dụng nó, do vậy cần đầu tư một cách có chọn lọc những người có khả năng thích nghi với những kỹ năng, ham học hỏi và linh hoạt.
(HBĐT) - Ngày 14/4, Văn phòng Tỉnh ủy tổ chức hội nghị tập huấn công tác lễ tân hành chính cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức làm công tác lễ tân, hành chính văn phòng cấp ủy. Hội nghị được tổ chức bằng hình thức trực tuyến, kết nối từ điểm cầu Văn phòng Tỉnh ủy đến điểm cầu các Huyện ủy, Thành ủy, Đảng ủy trực thuộc.
(HBĐT) - Thời gian qua, Đảng bộ huyện Tân Lạc đã thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị cơ sở, góp phần quan trọng thực hiện các nhiệm vụ chính trị, được cấp uỷ cấp trên ghi nhận.
(HBĐT) - Xác định việc cung cấp và sử dụng dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 mang lại nhiều lợi ích thiết thực, giúp người dân, doanh nghiệp thuận tiện giải quyết thủ tục hành chính (TTHC) trên nhiều lĩnh vực, từ tháng 9/2021, thị trấn Ba Hàng Đồi (Lạc Thủy) thực hiện thí điểm "Điểm hỗ trợ người dân thực hiện TTHC qua dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, mức độ 4”. Theo đó, thị trấn đã đề ra các giải pháp đồng bộ nhằm nâng cao chất lượng cung cấp, đồng thời khuyến khích, hỗ trợ người dân thực hiện TTHC trực tuyến.