Ngày 3-12-2012, Chủ tịch nước TRƯƠNG TẤN SANG đã ký Lệnh số 30/2012/L-CTN công bố Nghị quyết về việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội, Hội đồng nhân dân bầu hoặc phê chuẩn đã được Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa XIII, kỳ họp thứ tư thông qua ngày 21-11-2012. Dưới đây là toàn văn nghị quyết này.
QUỐC HỘI
NƯỚC CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA
VIỆT NAM
Căn cứ Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 1992 đã được sửa đổi, bổ sung một số điều theo Nghị quyết số 51/2001/QH10;
Căn cứ Luật Tổ chức Quốc hội số 30/2001/QH10 đã được sửa đổi, bổ sung một số điều theo Luật số 83/2007/QH11;
Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân số 11/2003/QH11;
QUYẾT NGHỊ:
Ðiều 1. Phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng
1. Nghị quyết này quy định việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với những người giữ chức vụ do Quốc hội, Hội đồng nhân dân bầu hoặc phê chuẩn quy định tại khoản 2 và khoản 3 Ðiều này.
2. Quốc hội lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với những người giữ các chức vụ sau đây:
a) Chủ tịch nước, Phó Chủ tịch nước;
b) Chủ tịch Quốc hội, Phó Chủ tịch Quốc hội, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc, Chủ nhiệm Ủy ban của Quốc hội, các thành viên khác của Ủy ban Thường vụ Quốc hội;
c) Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng, các thành viên khác của Chính phủ;
d) Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Tổng kiểm toán nhà nước.
3. Hội đồng nhân dân lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với những người giữ các chức vụ sau đây:
a) Chủ tịch Hội đồng nhân dân, Phó Chủ tịch Hội đồng nhân dân, Ủy viên Thường trực Hội đồng nhân dân, Trưởng Ban của Hội đồng nhân dân;
b) Chủ tịch Ủy ban nhân dân, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân, các thành viên khác của Ủy ban nhân dân.
Ðiều 2. Giải thích từ ngữ
Trong Nghị quyết này, các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:
1. Lấy phiếu tín nhiệm là việc Quốc hội, Hội đồng nhân dân thăm dò mức độ tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội, Hội đồng nhân dân bầu hoặc phê chuẩn để làm cơ sở cho việc xem xét đánh giá, bố trí, sử dụng cán bộ của cơ quan, tổ chức có thẩm quyền.
2. Bỏ phiếu tín nhiệm là việc Quốc hội, Hội đồng nhân dân thể hiện sự tín nhiệm hoặc không tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội, Hội đồng nhân dân bầu hoặc phê chuẩn để làm cơ sở cho việc miễn nhiệm, bãi nhiệm hoặc phê chuẩn việc miễn nhiệm, cách chức người không được Quốc hội, Hội đồng nhân dân tín nhiệm.
Ðiều 3. Mục đích lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm
Việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động giám sát của Quốc hội, Hội đồng nhân dân; giúp người được lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm thấy được mức độ tín nhiệm của mình để phấn đấu, rèn luyện, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động; làm cơ sở để cơ quan, tổ chức có thẩm quyền xem xét đánh giá, bố trí, sử dụng cán bộ.
Ðiều 4. Nguyên tắc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm
1. Bảo đảm quyền của đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân trong việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm; tôn trọng quyền báo cáo, giải trình của người được lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm.
2. Công khai, công bằng, dân chủ, khách quan; bảo đảm đánh giá đúng thực chất kết quả thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn và phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống của người được lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm.
3. Ðề cao trách nhiệm của đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân; bảo đảm tiêu chuẩn của người giữ chức vụ do Quốc hội, Hội đồng nhân dân bầu hoặc phê chuẩn; bảo đảm sự ổn định và hiệu quả hoạt động của bộ máy nhà nước, sự lãnh đạo của Ðảng trong công tác cán bộ.
Ðiều 5. Căn cứ đánh giá mức độ tín nhiệm
Căn cứ đánh giá mức độ tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội, Hội đồng nhân dân bầu hoặc phê chuẩn gồm:
1. Kết quả thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn;
2. Phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống.
Ðiều 6. Trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm
1. Quốc hội, Hội đồng nhân dân định kỳ tổ chức lấy phiếu tín nhiệm đối với những người giữ chức vụ do Quốc hội, Hội đồng nhân dân bầu hoặc phê chuẩn, bảo đảm đúng đối tượng, nguyên tắc, thời hạn và quy trình theo quy định của Nghị quyết này.
2. Ðại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân có trách nhiệm tham gia lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm tại kỳ họp Quốc hội, Hội đồng nhân dân; cân nhắc thận trọng, khách quan, công tâm, công bằng khi thể hiện tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội, Hội đồng nhân dân bầu hoặc phê chuẩn.
3. Người được lấy phiếu tín nhiệm phải báo cáo trung thực kết quả thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn được giao, phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống và giải trình đầy đủ các nội dung mà đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân yêu cầu.
4. Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc các cấp tập hợp, tổng hợp đầy đủ, kịp thời ý kiến, kiến nghị của cử tri liên quan đến người giữ chức vụ do Quốc hội, Hội đồng nhân dân bầu hoặc phê chuẩn (nếu có) gửi đến Quốc hội, Hội đồng nhân dân tại kỳ họp.
5. Cơ quan, tổ chức, cá nhân không được lợi dụng việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm để vận động hoặc có hành vi trái pháp luật tác động đến đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân.
Ðiều 7. Thời hạn và thời điểm tổ chức lấy phiếu tín nhiệm
Quốc hội, Hội đồng nhân dân tổ chức lấy phiếu tín nhiệm định kỳ hằng năm kể từ năm thứ hai của nhiệm kỳ; riêng đối với nhiệm kỳ 2011-2016 thì việc lấy phiếu tín nhiệm lần đầu tiến hành tại kỳ họp đầu năm 2013.
Ðiều 8. Quy trình lấy phiếu tín nhiệm tại kỳ họp Quốc hội
Quy trình lấy phiếu tín nhiệm tại kỳ họp Quốc hội được quy định như sau:
1. Người được lấy phiếu tín nhiệm quy định tại khoản 2 Ðiều 1 của Nghị quyết này có báo cáo bằng văn bản về việc thực hiện các nội dung quy định tại Ðiều 5 của Nghị quyết này trong năm trước đó. Báo cáo được gửi đến Ủy ban Thường vụ Quốc hội chậm nhất là 30 ngày trước ngày khai mạc kỳ họp Quốc hội.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội gửi báo cáo của người được lấy phiếu tín nhiệm và báo cáo tập hợp, tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri liên quan đến người được lấy phiếu tín nhiệm của Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (nếu có) đến đại biểu Quốc hội chậm nhất là 20 ngày trước ngày khai mạc kỳ họp Quốc hội;
2. Chậm nhất là 10 ngày trước ngày Quốc hội tiến hành lấy phiếu tín nhiệm, đại biểu Quốc hội có thể gửi văn bản đến người được lấy phiếu tín nhiệm yêu cầu làm rõ hơn những nội dung thuộc căn cứ đánh giá mức độ tín nhiệm quy định tại Ðiều 5 của Nghị quyết này. Người được lấy phiếu tín nhiệm có trách nhiệm trả lời bằng văn bản yêu cầu mà đại biểu đã nêu trước ngày lấy phiếu tín nhiệm;
3. Quốc hội thành lập Ban kiểm phiếu. Việc thành lập, nhiệm vụ, quyền hạn của Ban kiểm phiếu theo quy định tại Ðiều 31 của Nội quy kỳ họp Quốc hội;
4. Quốc hội lấy phiếu tín nhiệm bằng cách bỏ phiếu kín. Trên phiếu ghi rõ họ tên, chức vụ của những người được lấy phiếu tín nhiệm, các mức độ: "tín nhiệm cao", "tín nhiệm", "tín nhiệm thấp";
5. Ban kiểm phiếu công bố kết quả kiểm phiếu đối với người được lấy phiếu tín nhiệm;
6. Quốc hội xem xét, thông qua Nghị quyết về việc lấy phiếu tín nhiệm đối với những người giữ chức vụ do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn theo đề nghị của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Ðiều 9. Quy trình lấy phiếu tín nhiệm tại kỳ họp Hội đồng nhân dân
Quy trình lấy phiếu tín nhiệm tại kỳ họp Hội đồng nhân dân được quy định như sau:
1. Người được lấy phiếu tín nhiệm quy định tại khoản 3 Ðiều 1 của Nghị quyết này có báo cáo bằng văn bản về việc thực hiện các nội dung quy định tại Ðiều 5 của Nghị quyết này trong năm trước đó. Báo cáo được gửi đến Thường trực Hội đồng nhân dân chậm nhất là 20 ngày trước ngày khai mạc kỳ họp Hội đồng nhân dân.
Thường trực Hội đồng nhân dân gửi báo cáo của người được lấy phiếu tín nhiệm và báo cáo tập hợp, tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri liên quan đến người được lấy phiếu tín nhiệm của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cùng cấp (nếu có) đến đại biểu Hội đồng nhân dân chậm nhất là 10 ngày trước ngày khai mạc kỳ họp Hội đồng nhân dân;
2. Chậm nhất là 03 ngày trước ngày khai mạc kỳ họp Hội đồng nhân dân, đại biểu Hội đồng nhân dân có thể gửi văn bản đến người được lấy phiếu tín nhiệm yêu cầu làm rõ hơn những nội dung thuộc căn cứ đánh giá tín nhiệm quy định tại Ðiều 5 của Nghị quyết này. Người được lấy phiếu tín nhiệm có trách nhiệm trả lời bằng văn bản yêu cầu mà đại biểu đã nêu trước ngày lấy phiếu tín nhiệm;
3. Hội đồng nhân dân thành lập Ban kiểm phiếu. Việc thành lập, nhiệm vụ, quyền hạn của Ban kiểm phiếu theo quy định tại Ðiều 13 của Quy chế hoạt động của Hội đồng nhân dân;
4. Hội đồng nhân dân lấy phiếu tín nhiệm bằng cách bỏ phiếu kín. Trên phiếu ghi rõ họ tên, chức vụ của những người được lấy phiếu tín nhiệm, các mức độ: "tín nhiệm cao", "tín nhiệm", "tín nhiệm thấp";
5. Ban kiểm phiếu công bố kết quả kiểm phiếu đối với người được lấy phiếu tín nhiệm;
6. Hội đồng nhân dân xem xét, thông qua Nghị quyết về việc lấy phiếu tín nhiệm đối với những người giữ chức vụ do Hội đồng nhân dân bầu theo đề nghị của Thường trực Hội đồng nhân dân.
Ðiều 10. Hệ quả đối với người được Quốc hội, Hội đồng nhân dân đánh giá "tín nhiệm thấp"
Người được lấy phiếu tín nhiệm có quá nửa tổng số đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân đánh giá "tín nhiệm thấp" thì có thể xin từ chức. Người có trên hai phần ba tổng số đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân đánh giá "tín nhiệm thấp" hoặc 2 năm liên tiếp có quá nửa tổng số đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân đánh giá "tín nhiệm thấp" thì Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Thường trực Hội đồng nhân dân trình Quốc hội, Hội đồng nhân dân bỏ phiếu tín nhiệm theo quy định tại Ðiều 12 và Ðiều 13 của Nghị quyết này.
Ðiều 11. Các trường hợp bỏ phiếu tín nhiệm
1. Ủy ban Thường vụ Quốc hội trình Quốc hội bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn quy định tại khoản 2 Ðiều 1 của Nghị quyết này trong các trường hợp sau đây:
a) Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị;
b) Có kiến nghị bằng văn bản của ít nhất 20% tổng số đại biểu Quốc hội;
c) Có kiến nghị của Hội đồng Dân tộc hoặc Ủy ban của Quốc hội;
d) Người được lấy phiếu tín nhiệm có trên hai phần ba tổng số đại biểu Quốc hội đánh giá "tín nhiệm thấp";
đ) Người được lấy phiếu tín nhiệm có quá nửa tổng số đại biểu Quốc hội đánh giá "tín nhiệm thấp" trong 2 năm liên tiếp.
2. Thường trực Hội đồng nhân dân trình Hội đồng nhân dân bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Hội đồng nhân dân bầu quy định tại khoản 3 Ðiều 1 của Nghị quyết này trong các trường hợp sau đây:
a) Có kiến nghị bằng văn bản của ít nhất một phần ba tổng số đại biểu Hội đồng nhân dân;
b) Có kiến nghị của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cùng cấp;
c) Người được lấy phiếu tín nhiệm có trên hai phần ba tổng số đại biểu Hội đồng nhân dân đánh giá "tín nhiệm thấp";
d) Người được lấy phiếu tín nhiệm có quá nửa tổng số đại biểu Hội đồng nhân dân đánh giá "tín nhiệm thấp" trong 2 năm liên tiếp.
Ðiều 12. Quy trình bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn
Quy trình bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn được quy định như sau:
1. Ủy ban Thường vụ Quốc hội trình Quốc hội bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn tại kỳ họp Quốc hội;
2. Người được đưa ra bỏ phiếu tín nhiệm có quyền trình bày ý kiến của mình trước Quốc hội;
3. Quốc hội thảo luận tại Ðoàn đại biểu Quốc hội;
4. Trong trường hợp cần thiết, Chủ tịch Quốc hội họp với các Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội để trao đổi về các vấn đề có liên quan;
5. Ủy ban Thường vụ Quốc hội báo cáo trước Quốc hội kết quả thảo luận tại Ðoàn đại biểu Quốc hội;
6. Quốc hội thành lập Ban kiểm phiếu. Việc thành lập, nhiệm vụ, quyền hạn của Ban kiểm phiếu theo quy định tại Ðiều 31 của Nội quy kỳ họp Quốc hội;
7. Quốc hội bỏ phiếu tín nhiệm bằng cách bỏ phiếu kín. Trên phiếu ghi rõ họ tên, chức vụ của người được đưa ra bỏ phiếu tín nhiệm, các mức độ: "tín nhiệm", "không tín nhiệm";
8. Ban kiểm phiếu công bố kết quả kiểm phiếu đối với người được đưa ra bỏ phiếu tín nhiệm;
9. Quốc hội xem xét, thông qua Nghị quyết về việc bỏ phiếu tín nhiệm đối với người được Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn theo đề nghị của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Ðiều 13. Quy trình bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Hội đồng nhân dân bầu
Quy trình bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Hội đồng nhân dân bầu được quy định như sau:
1. Thường trực Hội đồng nhân dân trình Hội đồng nhân dân bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Hội đồng nhân dân bầu tại kỳ họp Hội đồng nhân dân;
2. Người được đưa ra bỏ phiếu tín nhiệm có quyền trình bày ý kiến của mình trước Hội đồng nhân dân;
3. Hội đồng nhân dân thảo luận;
4. Hội đồng nhân dân thành lập Ban kiểm phiếu. Việc thành lập, nhiệm vụ, quyền hạn của Ban kiểm phiếu theo quy định tại Ðiều 13 của Quy chế hoạt động của Hội đồng nhân dân;
5. Hội đồng nhân dân bỏ phiếu tín nhiệm bằng cách bỏ phiếu kín. Trên phiếu ghi rõ họ tên, chức vụ của người được đưa ra bỏ phiếu tín nhiệm, các mức độ: "tín nhiệm", "không tín nhiệm";
6. Ban kiểm phiếu công bố kết quả kiểm phiếu đối với người được đưa ra bỏ phiếu tín nhiệm;
7. Hội đồng nhân dân xem xét, thông qua Nghị quyết về việc bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Hội đồng nhân dân bầu theo đề nghị của Thường trực Hội đồng nhân dân.
Ðiều 14. Hệ quả đối với người không được Quốc hội, Hội đồng nhân dân tín nhiệm
Người được đưa ra bỏ phiếu tín nhiệm có quá nửa tổng số đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân bỏ phiếu "không tín nhiệm" thì cơ quan hoặc người có thẩm quyền đã giới thiệu người đó để Quốc hội, Hội đồng nhân dân bầu hoặc phê chuẩn có trách nhiệm trình Quốc hội, Hội đồng nhân dân xem xét, quyết định việc miễn nhiệm, bãi nhiệm hoặc phê chuẩn việc miễn nhiệm, cách chức đối với người không được Quốc hội, Hội đồng nhân dân tín nhiệm.
Ðiều 15. Hiệu lực thi hành
1. Nghị quyết này có hiệu lực thi hành từ ngày 1 tháng 2 năm 2013.
2. Bãi bỏ Ðiều 26 của Pháp lệnh thực hiện dân chủ ở xã, phường, thị trấn số 34/2007/PL-UBTVQH12.
3. Trường hợp luật, nghị quyết khác của Quốc hội ban hành trước khi Nghị quyết này có hiệu lực có quy định khác với quy định của Nghị quyết này thì áp dụng quy định của Nghị quyết này.
Ðiều 16. Hướng dẫn thi hành
Ủy ban Thường vụ Quốc hội hướng dẫn thi hành Nghị quyết này.
Nghị quyết này đã được Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa XIII, kỳ họp thứ tư thông qua ngày 21 tháng 11 năm 2012.
CHỦ TỊCH QUỐC HỘI
(đã ký)
NGUYỄN SINH HÙNG
(Theo Báo ND)
(HBĐT) - Đảng bộ Khối các cơ quan tỉnh là một Đảng bộ đặc thù, chủ yếu là các cơ quan, đơn vị trọng yếu của tỉnh, trong đó có 35 đảng bộ, 28 chi bộ với trên 3.200 đảng viên. Với vị trí quan trọng này, Đảng bộ Khối các cơ quan tỉnh xác định việc thực hiện tốt Nghị quyết T.ư 4 (khóa XI) “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay” là cơ sở để khắc phục những khuyết điểm, yếu kém nhằm xây dựng Đảng TS-VM, nâng cao năng lực, sức chiến đấu của Đảng củng cố niềm tin với cán bộ, đảng viên và nhân dân, đồng thời cũng là cơ hội giúp mỗi cán bộ, đảng viên nhìn nhận, soi xét lại bản thân để tự hoàn thiện mình.
(HBĐT) - Trong những năm qua, việc thực hiện quy chế dân chủ ở thành phố Hòa Bình luôn được gắn với công tác xây dựng, củng cố hệ thống chính trị TS-VM và phát triển KT-XH, phát huy quyền làm chủ của nhân dân, tạo sự đoàn kết thống nhất cao, thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị ở địa phương.
(HBĐT) - Năm 2012 qua đi với bao biến động toàn cầu và khu vực. Kinh tế suy thoái, chính trị nhiều nước không ổn định, vấn đề tranh chấp chủ quyền và quyền chủ quyền ở biển Đông ngày càng phức tạp… Nằm trong bối cảnh đó, nước ta cũng phải đương đầu với bao thách thức: lạm phát tăng cao, tốc độ tăng trưởng kinh tế chậm lại, đời sống của một bộ phận không nhỏ nhân dân gặp nhiều khó khăn, nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền lãnh thổ và biển đảo nặng nề hơn bao giờ hết… Nhưng, dưới sự lãnh đạo tuyệt đối và toàn diện của Đảng cộng sản Việt Nam, sự đoàn kết chặt chẽ của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân, đất nước ta đã vượt qua nhiều khó khăn, thách thức, phấn đấu đạt mức tăng trưởng kinh tế 5,2%. Cơ cấu kinh tế tiếp tục chuyển dịch theo hướng CNH - HĐH. Hoạt động văn hoá- xã hội - du lịch có bước tiến bộ đáng kể. Chính trị - xã hội ổn định; QP-AN được tăng cường và giữ vững.
Tiếp tục chương trình làm việc tại Bắc Kạn, sáng 30/12, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng đã tới thăm, tiếp xúc cử tri đồng bào dân tộc thiểu số tại xã Quang Thuận, huyện Bạch Thông – một huyện vùng cao đặc biệt khó khăn của tỉnh Bắc Kạn.
Ngày 29/12, tại Trung tâm Hội nghị quốc gia Hà Nội, Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam, Chủ tịch nước, Quốc hội, Chính phủ, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã tổ chức trọng thể Lễ kỷ niệm 40 năm Chiến thắng “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không” (12/1972-12/2012), sự kiện lịch sử trọng đại và kỳ tích có một không hai - biểu tượng chiến thắng của bản lĩnh, trí tuệ và chủ nghĩa anh hùng cách mạng Việt Nam.
Sáng 28/12, tại TP Tuy Hòa, Hội thảo báo Đảng các tỉnh, thành phố miền Trung - Tây Nguyên lần thứ I (vòng IV), do Báo Phú Yên đăng cai đã được tiến hành. Tham dự hội thảo, về phía các cơ quan Trung ương có nhà báo Phạm Quốc Toàn, Phó chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam; đồng chí Nguyễn Đức Hạnh, Phó vụ trưởng Cơ quan thường trực Ban Tuyên giáo Trung ương tại Đà Nẵng; về phía tỉnh Phú Yên có đồng chí Huỳnh Tấn Việt, Phó bí thư thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; lãnh đạo Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy và các sở, ban, ngành, địa phương trong tỉnh; hơn 120 nhà báo đến từ các báo Sài Gòn Giải Phóng, Kinh tế đô thị (Hà Nội); Hải Dương, Hòa Bình, Đồng Nai; 19 báo Đảng các tỉnh, thành phố miền Trung - Tây Nguyên.