(HBĐT) - Huyện Kim Bôi có nhiều thuận lợi cho việc giao thương với các thị trường trong và ngoài tỉnh, có diện tích đất nông nghiệp lớn, có tiểu vùng khí hậu thích nghi với nhiều chủng loại rau như rau ăn lá, rau ăn quả, rau ăn củ theo các mùa trong năm.

 

  Xã Hạ Bì (Kim Bôi) mở rộng diện tích trồng dưa chuột Nhật có hiệu quả kinh tế cao.  

Với những lợi thế đó, huyện Kim Bôi đã xây dựng đề án sản xuất rau an toàn giai đoạn 2016 - 2020 nhằm tạo ra những sản phẩm rau an toàn, gắn sản xuất với công nghiệp chế biến và tiêu thụ sản phẩm đủ sức cạnh tranh trên thị trường trong và ngoài tỉnh, đáp ứng nhu cầu sử dụng thực phẩm an toàn của người tiêu dùng, khai thác có hiệu quả tài nguyên đất đai, lao động, mang lại thu nhập cao cho người sản xuất nông nghiệp.

 

Theo thống kê năm 2015, diện tích trồng rau của huyện có 2.552 ha, phân bố ở 27 xã của huyện. Năng suất rau trung bình toàn huyện đạt 174,1 tạ/ha, sản lượng đạt 44.454,6 tấn. Trên thực tế, rau lấy quả được trồng với diện tích lớn nhất, chiếm 44,6% gồm các loại chính như dưa chuột, bí xanh, bí đỏ; các loại rau ăn lá chiếm 43,5% gồm rau muống, cải các loại và một số loại rau khác; còn lại là các loại rau lấy củ, rễ hoặc thân chiếm 11,9%. Do các loại rau được trồng với diện tích manh mún, nhỏ lẻ ở các điểm và chưa có sự quản lý về chất lượng nên việc tiêu thụ chủ yếu là bán ở các chợ trong huyện. Tại một số xã: Hạ Bì, Vĩnh Đồng, Vĩnh Tiến, Tú Sơn, rau được tiêu thụ ở các điểm du lịch trên địa bàn xã. Đây cũng là lợi thế về mặt thị trường trong sản xuất rau tập trung trong giai đoạn tới.

 

Mục tiêu của đề án là hình thành được các vùng sản xuất rau an toàn với quy mô ngày càng lớn, đảm bảo cơ cấu, chủng loại theo nhu cầu thị trường gắn với phát triển rau bản địa để nâng cao giá trị kinh tế, tạo thêm việc làm và thu nhập cho người lao động góp phần bảo vệ sức khỏe cho người sản xuất, người tiêu dùng và môi trường sinh thái. Đồng thời, nâng cao trình độ, nhận thức và trách nhiệm của nông dân trong việc sử dụng hóa chất, phân bón trong sản xuất và bảo quản rau. Xây dựng chuỗi liên kết sản xuất từ khâu đầu vào đến sản xuất và tiêu thụ sản phẩm. Theo quyết định quy hoạch vùng đủ điều kiện sản xuất rau an toàn tỉnh đến năm 2020 có 25/27 xã nằm trong vùng quy hoạch với diện tích 1.522 ha. Trên cơ sở phân loại đất, nước và điều kiện canh tác, đề án đề xuất trong giai đoạn đầu chỉ phát triển sản xuất rau an toàn tại 2 xã Hạ Bì và Sào Báy với diện tích 10 ha (năm 2017) và đến năm 2020 thực hiện thêm ở 2 xã Trung Bì và Nam Thượng sẽ có 50 ha được chứng nhận an toàn, sản lượng thu được ước đạt 750 tấn/vụ. Theo tính toán, hiệu quả phát triển rau an toàn cao hơn hẳn so với các cây trồng khác. Bình quân giá trị thu nhập trên 1 ha rau an toàn đạt từ 120-140% so với trồng rau thông thường. Kinh phí thực hiện đề án dự kiến trên 6 tỷ đồng, trong đó, ngân sách tỉnh 550 triệu đồng, ngân sách huyện trên 2,3 tỷ đồng, người dân đóng góp trên 1,8 tỷ đồng, vốn khác trên 1,2 tỷ đồng.

 

Đồng chí Lê Đức Hùng, Phó Chủ tịch UBND huyện Kim Bôi cho biết: Thực hiện quy hoạch phát triển rau an toàn là góp phần phá thế độc canh cây lúa, làm thay đổi tỷ trọng cơ cấu kinh tế nông nghiệp, nông thôn. Để phát triển sản xuất rau an toàn đạt hiệu quả và có tính bền vững cao, huyện tổ chức khảo nghiệm, tuyển chọn bổ sung các giống thời vụ thu hoạch khác nhau, thu trái vụ để đa dạng hóa sản phẩm, tránh áp lực trong thu hoạch và có sản phẩm thường xuyên cung cấp ra thị trường. Bên cạnh đó, tăng cường mở các lớp tập huấn để có đội ngũ kỹ thuật viên giỏi, chuyên sâu về rau an toàn, thường xuyên chỉ dẫn cho người nông dân trong quá trình thực hiện các khâu kỹ thuật, tạo thói quen để người dân có thể tự thực hiện được. Đồng thời, tập huấn kỹ thuật và dạy nghề về sản xuất rau an toàn cho nông dân dưới nhiều hình thức. Xây dựng các nhóm nông dân sản xuất rau an toàn tự quản để nâng cao tính tự chủ, tăng cường liên kết hợp tác và ý thức, trách nhiệm của nông dân. Phát triển sản xuất rau an toàn sẽ dần hình thành nền sản xuất nông nghiệp vừa có tính hiện đại, vừa có tính sinh thái, tạo tiền đề hình thành những khu du lịch sinh thái hấp dẫn.

 

 

                                                                          Đinh Thắng

 

Các tin khác


Huyện Tân Lạc: Tỷ lệ tưới, tiêu chủ động đạt 80% diện tích canh tác

Theo báo cáo của UBND huyện Tân Lạc, trong giai đoạn 2021 - 2023, huyện đã ưu tiên đầu tư, nâng cấp sửa chữa, xây dựng mới nhiều công trình hạ tầng thủy lợi, giao thông nội đồng.

Huyện Lạc Sơn: Tổng đàn vật nuôi có trên 1,3 triệu con

Theo báo cáo của UBND huyện Lạc Sơn, hiện nay, tổng đàn gia súc, gia cầm trên địa bàn huyện đạt trên 1,3 triệu con.

Đánh giá tiến độ thực hiện các tiêu chuẩn thành lập thị xã Lương Sơn

Ngày 26/4, Ban chỉ đạo hoàn thiện các tiêu chuẩn để thành lập thị xã Lương Sơn của tỉnh tổ chức hội nghị đánh giá tiến độ thực hiện các tiêu chuẩn để thành lập thị xã Lương Sơn. Đồng chí Nguyễn Văn Toàn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban chỉ đạo chủ trì hội nghị.

Cựu chiến binh huyện Lạc Thủy thi đua làm kinh tế giỏi

Những năm qua, phong trào "Cựu chiến binh (CCB) thi đua làm kinh tế giỏi" trên địa bàn xã Hưng Thi (Lạc Thủy) có sức lan tỏa sâu rộng, được các hội viên nhiệt tình hưởng ứng. Từ phong trào xuất hiện nhiều CCB điển hình, gương mẫu trong phát triển kinh tế, trở thành tấm gương trong lao động sản xuất, đóng góp vào công cuộc xây dựng, phát triển quê hương ngày càng giàu đẹp.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục