(HBĐT) - Chăn nuôi bò sinh sản và nuôi lấy thịt là cách làm truyền thống của người dân huyện Kim Bôi. Tuy nhiên, quy mô chăn nuôi còn nhỏ lẻ, người chăn nuôi ít áp dụng tiến bộ KHKT về giống, các quy trình kỹ thuật chăn nuôi, tận dụng thức ăn sẵn có trong tự nhiên là chính nên việc vỗ béo bò thịt hầu như không có.
Xã Tú Sơn(Kim Bôi) mở rộng diện tích trồng cỏ voi làm thức ăn cho trâu bò
Do vậy, chăn nuôi bò phát triển chưa tương xứng với tiềm năng của huyện và sản phẩm chưa đủ khả năng cạnh tranh trên thị trường. Trước nhu cầu về thịt bò ngày càng tăng, UBND huyện Kim Bôi đã xây dựng đề án trồng cỏ vỗ béo đàn bò nhằm chuyển từ nuôi bò chăn thả, phân tán sang nuôi bán chăn thả tạo hàng hoá, tăng năng suất và chất lượng, nâng cao hiệu quả kinh tế góp phần ổn định KT-XH.
Theo thống kê, từ năm 2011 – 2015, tổng đàn bò trong huyện có xu hướng giảm, sản lượng thịt hơi xuất chuồng cũng giảm. Năm 2011, tổng đàn bò có 7.101 con, sản lượng thịt hơi 136,4 tấn, đến năm 2015, tổng đàn giảm còn 6.285 con, sản lượng thịt hơi 116,6 tấn, tổng đàn giảm 11,5% sau 5 năm. Đàn bò được nuôi nhiều nhất ở các xã: Cuối Hạ 805 con, Kim Tiến 510 con, Mỵ Hoà 506 con, Đú Sáng 402 con, Kim Truy 330 con...Trên địa bàn huyện có 1 hộ chăn nuôi bò tập trung quy mô khoảng 48 con ở xã Nam Thượng, 15-20 hộ nuôi từ 6-10 con, còn lại nuôi từ 1-5 con là phổ biến. Khoảng 98% tổng đàn bò được chăn nuôi theo phương thức chăn thả tận dụng thức ăn tự nhiên kết hợp thức ăn bổ sung. Chỉ có 2% đàn bò được nuôi theo phương thức bán chăn thả là nhốt hoàn toàn và cung cấp thức ăn tại chuồng.
Hiện, thức ăn cho bò chủ yếu từ các sản phẩm phụ của nông nghiệp như rơm, rạ, thân cây ngô, lá mía... Mặt khác, diện tích chăn thả ngày càng bị thu hẹp, diện tích trồng cỏ phục vụ chăn nuôi còn hạn chế. Do đó, nguồn thức ăn thô, xanh chủ động cho đại gia súc vẫn thiếu, nhất là vào mùa đông làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến số lượng, chất lượng của đại gia súc nói chung và của đàn bò nói riêng.
Theo thống kê, tổng diện tích trồng cây làm thức ăn cho gia súc khoảng 70 ha, trong đó có khoảng 95% diện tích cỏ mọc tự nhiên, bãi cỏ chăn thả và 5% diện tích cỏ trồng cao sản như cỏ voi năng suất từ 250 - 300 tấn/ha/năm, cỏ VA06 năng suất 400-500 tấn/ha/năm. Các giống cỏ này đã được trồng thử nghiệm tại một số xã cho giá trị dinh dưỡng, năng suất cao, song đòi hỏi điều kiện kỹ thuật canh tác và chi phí để duy trì sản xuất cũng khá cao. Hiện tại, trên địa bàn huyện vẫn chưa có cơ sở sản xuất thức ăn quy mô công nghiệp. Mới chỉ có một số hộ tự chế biến thức ăn nhưng mang tính tự phát, quy mô nhỏ. Chưa có cơ sở cung cấp bò giống, người chăn nuôi chủ yếu tự nhân giống hoặc mua giống trôi nổi trên thị trường, có chất lượng kém, dễ phát sinh dịch bệnh làm ảnh hưởng đến hiệu quả chăn nuôi. Chuồng trại nông hộ xây dựng chắp vá, cơi nới, chưa đảm bảo yêu cầu kỹ thuật, nhất là về mùa mưa rét nên bò hay bị bệnh, ốm chết...
Đồng chí Vũ Thị Ngọc, Trưởng phòng NN&PTNT huyện Kim Bôi cho biết: Đề án trồng cỏ vỗ béo đàn bò giai đoạn 2016 - 2020 với mục tiêu khuyến khích hỗ trợ đầu tư phát triển trồng cỏ vỗ béo đàn bò có quy mô vừa và lớn theo hướng trang trại, gia trại, chăn nuôi theo vùng và xã trọng điểm. Phát triển chăn nuôi bò theo phương thức bán thâm canh nhằm tạo ra sản phẩm thịt bò với số lượng và chất lượng cao, đảm bảo vệ sinh thú y, an toàn thực phẩm và bảo vệ môi trường. ổn định và phát triển đàn bò từ 6.285 con (năm 2015) lên 6.800 con vào năm 2020, tăng diện tích cỏ từ 70 ha lên 78 ha. Quy hoạch đến năm 2020 xây dựng 1 cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm tập trung, có 30% số bò được giết mổ tại cơ sở giết mổ tập trung, 80% thịt bò tiêu thụ trên địa bàn được kiểm soát giết mổ, kiểm tra vệ sinh thú y. Đề án được triển khai thực hiện ở 12 xã có số lượng đàn bò lớn và diện tích đất trồng ngô, mía nhiều là Cuối Hạ, Mỵ Hoà, Nam Thượng, Kim Truy, Kim Bình, Kim Tiến, Hạ Bì, Thượng Bì, Vĩnh Đồng, Hợp Đồng, Tú Sơn, Đú Sáng. Tổng kinh phí thực hiện đề án trên 40 tỷ đồng, trong đó, hộ dân tham gia trên 38 tỷ đồng, ngân sách huyện gần 2 tỷ đồng và nguồn lồng ghép trên 200 triệu đồng. Đề án thực hiện thành công sẽ góp phần chuyển dịch cơ cấu trong sản xuất nông nghiệp, tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân. Từng bước thay đổi tập quán sản xuất nhỏ sang sản xuất bán thâm canh. Theo tính toán, hiệu quả khi trồng 2 ha cỏ sẽ vỗ béo khoảng 240 con bò/năm, bình quân nuôi vỗ béo 3 tháng lãi khoảng 2,3 triệu đồng/con.
Đinh Thắng
(HBĐT) - Đoàn công tác của Sở NN&PTNT vừa đi kiểm tra tình hình thực hiện các tiêu chí xây dựng NTM tại xã Yên Trị, Yên Thuỷ.
(HBĐT) - Ngày 20/12, đoàn công tác Sở Nông nghiệp & PTNT đã tổ chức đợt kiểm tra công tác phát triển chăn nuôi và phòng chống đói, rét cho đàn gia súc trên địa bàn.
(HBĐT) - Theo báo cáo của Sở Tài chính, năm 2016, thu NSNN trên địa bàn tỉnh ước đạt 2.940 tỷ đồng, bằng 115% dự toán Thủ tướng Chính phủ giao và bằng 102% chỉ tiêu Nghị quyết HĐND tỉnh. Trong đó, thu cân đối ước đạt 2.790 tỷ đồng, bằng 111% dự toán Thủ tướng Chính phủ giao, bằng 100% chỉ tiêu Nghị quyết HĐND tỉnh; thu quản lý qua NSNN ước đạt 100 tỷ đồng, bằng 100% chỉ tiêu Nghị quyết HĐND tỉnh; thu xuất - nhập khẩu ước thực hiện đạt 50 tỷ đồng.
(HBĐT) - Hiền Lương (Đà Bắc) là xã vùng hồ, hàng chục năm trước, người dân nơi đây vén nhà theo con nước phục vụ đắp đập xây dựng nhà máy thủy điện Hòa Bình. Vì vậy, địa hình của xã chia cắt và độ dốc lớn. Xã có tổng diện tích tự nhiên trên 4.045 ha, thế nhưng lại thiếu đất sản xuất bởi diện tích đất nông nghiệp chỉ có 360 ha, còn lại là diện tích đất lâm nghiệp nhưng chủ yếu là rừng phòng hộ.
(HBĐT) - Năm 2016, theo kế hoạch, Chương trình 135 được giao 142.298 triệu đồng đầu tư cơ sở hạ tầng các xã, thôn, bản đặc biệt khó khăn; hỗ trợ phát triển sản xuất; duy tu, bảo dưỡng các công trình sau đầu tư; nâng cao năng lực cho cộng đồng và cán bộ cơ sở. Trong đó, toàn tỉnh đầu tư 105.120 triệu đồng xây dựng 232 công trình, bao gồm: 122 công trình giao thông; 1 công trình điện; 50 công trình nhà văn hóa, nhà sinh hoạt cộng đồng; 22 công trình trường học và hạng mục phụ trợ; 31 công trình thủy lợi; 3 công trình nước sinh hoạt; 3 công trình khác.
(HBĐT) - Trong những năm qua, được sự quan tâm của các cấp ủy, chính quyền, các ngành và sự nỗ lực phấn đấu của nhân dân các dân tộc trong tỉnh, công tác giảm nghèo đã đạt được những kết quả quan trọng. Nhận thức của các tầng lớp nhân dân về công tác giảm nghèo có những chuyển biến rõ rệt. Nhiều gia đình, thôn, xóm, xã đã vươn lên thoát nghèo. Những điển hình về XĐ-GN ngày càng được nhân rộng. Kết quả giảm nghèo đã góp phần ổn định xã hội, thúc đẩy kinh tế tăng trưởng và đảm bảo an sinh xã hội. Giai đoạn 2011- 2015, toàn tỉnh có 34.655 hộ thoát nghèo, tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 31,51% (năm 2010) xuống còn 12,26% (năm 2015), vượt chỉ tiêu HĐND tỉnh đề ra mỗi năm giảm 3% hộ nghèo trong toàn tỉnh.