(HBĐT) - Để chủ động tránh tình trạng "được mùa, mất giá”, vụ bí xanh năm 2018, người dân xã Bảo Hiệu (Yên Thủy) đã xuống giống vào thời điểm khác nhau để cả xã không dồn dập thu hoạch vào cùng một thời điểm. Tuy nhiên, người tính không bằng thời tiết và thị trường "tính”, do từ đầu năm đến nay trời mưa nhiều, rồi nắng gắt nên nhiều hộ trắng tay vì gặp mưa to, bí không đậu quả. Hộ thì được mùa nhưng khổ sở khi giá bí xuống quá thấp. Những ngày này, bí xanh đang là câu chuyện buồn ở Bảo Hiệu.


Bí xanh Bảo Hiệu (Yên Thủy) hiện được thu mua với mức giá dao động từ 1.500 - 2.500 đồng/kg.

Khẩn trương dọn đất để chuẩn bị xuống giống vụ bí mới, chị Nguyễn Thị Nguyệt (xóm Bảo Yên, xã Bảo Hiệu) xót xa: Vụ này gia đình tôi trồng 2.000 gốc bí nhưng bí ra hoa đúng vào thời điểm mưa to, mưa xong thì nắng to, bí không đậu quả, bị "chết rù”. Cả vườn tôi bán được 250.000 đồng. Toàn bộ tiền giống, tiền phân, tiền nứa cắm giàn… và công lao động suốt 4 tháng trời coi như mất trắng. Nhiều hộ do mưa to quá, nước không thoát được, gốc bí bị ngâm nước trong thời tiết nắng nóng nên cũng chết khá nhiều.

Tại các điểm thu mua bí rải rác trên địa bàn xã, chúng tôi gặp nhiều gia đình trồng bí xanh đang thu hoạch bí mang về đây bán và họ đều có chung nhận định: Vì xuống giống vào các thời điểm khác nhau nên có hộ được mùa nhưng cũng nhiều hộ mất mùa. Câu chuyện buồn về bí xanh ở Bảo Hiệu hiện nay không hoàn toàn là "được mùa, mất giá”.

Anh Vũ Anh Tuấn, chủ điểm thu mua bí xanh ở xóm Bảo Yên, xã Bảo Hiệu cho biết: Năm nay, các hộ trồng bí rải rác, không cùng một thời điểm nên thời gian thu hoạch kéo dài. Có hộ thu ngay từ đầu tháng 3 và xe bí đầu tiên này bán được giá 9.000 đồng/kg. Tuy nhiên, ngay sau đó giá sụt giảm chỉ còn 4.500 đồng/kg và hiện nay dao động từ 1.500 - 2.500 kg. Vấn đề giá bí sụt giảm theo đánh giá của tôi là do nguồn cung giảm. Năm 2017, gia đình tôi có khách đặt hàng mua 1 xe bí khoảng 4 - 5 tấn, tuy nhiên, năm nay phải từ 3 - 4 ngày họ mới lấy một xe. Theo tôi được biết, đó là do các tỉnh như Hà Nam, Ninh Bình, Hưng Yên… cũng trồng bí xanh nhiều nên giá bí năm nay mới xuống thấp vậy. Đặc biệt, mọi năm, bí đẹp có giá 4.000 - 5.000 đồng/kg, bí xấu cũng được 1.500 - 2.000 đồng/kg nhưng năm nay thương lái tuyệt đối không mua bí xấu.

Trở ra từ điểm thu mua bí xanh, chúng tôi đã khảo sát một vòng các ruộng bí trên địa bàn xã Bảo Hiệu, nhận thấy rất nhiều ruộng bí đã thu hoạch xong, làm đất để chuẩn bị vụ mới, nhiều ruộng đã thu chọn hết quả đẹp, trên giàn chỉ còn lại quả xấu và xác định là bỏ nhưng cũng có nhiều ruộng bắt đầu cho thu hoặc sắp thu.

Trò chuyện với chúng tôi, chị Quách Thị Hồng (xóm Khuyển, xã Bảo Hiệu) cho biết: Gia đình tôi trồng 9.000 gốc bí. Chi phí cho mỗi gốc ngoài tiền giống, phân, thuốc BVTV thì "nặng” nhất là nứa cắm giàn với giá khoảng 1.000 đồng/cây. Từ đầu năm đến nay, giá bí xuống quá thấp, nhà tôi mới bán "vo” khoảng 8 tạ được có hơn 1,2 triệu đồng. Chấp nhận lỗ nhưng phải bán vì bí đã đến kỳ thu hoạch, nếu tiếp tục để ngoài ruộng sẽ bị cháy nắng, hỏng quả hoặc lên phấn thì không bán được. Bí phải được giá khoảng trên 2.000 đồng/kg thì may ra mới hòa vốn, chưa kể công. Giá bí xuống thấp như thế này, người nông dân sẽ lỗ nặng.

Đánh giá sơ bộ về vụ bí xanh năm nay ở Bảo Hiệu, đồng chí Bùi Hồng Thái, Phó Bí thư TT Đảng ủy xã cho biết: Bí xanh là cây trồng chủ lực của xã Bảo Hiệu. Do bà con tích cực thực hiện việc thâm canh, gối vụ nên tổng diện tích trồng bí xanh toàn xã từ đầu năm 2018 đến nay lên đến 70 ha với năng suất đạt khoảng 21 tấn/ha. Ngoài ra, do vụ bí xanh trái mùa cuối năm 2017 rất được giá nên năm nay, bà con đã mở rộng diện tích. Để tránh việc thu hoạch dồn vào cùng thời điểm, bà con đã tính toán về thời gian xuống giống. Tuy nhiên, do nhu cầu thị trường giảm đã kéo sụt giá bí. Một số điểm thu mua thì thông tin rằng thị trường năm nay ưa chuộng bí quả thon dài, nhỏ đều. Tuy nhiên, do bà con tích cực chăm sóc nên bí xanh Bảo Hiệu quả mỡ, đẹp, đuôi quả to nên khó bán, không được giá cao. Hiện nay, giá bí xuống quá thấp, người trồng bí xanh có nguy cơ lỗ cao. Do đó, xã sẽ tuyên truyền, vận động người dân mở rộng diện tích phù hợp, tích cực tìm hiểu thị trường để chủ động về chất lượng sản phẩm cũng như đầu ra, nâng cao giá trị hiệu quả cây bí xanh.


                                                                                         Dương Liễu

Các tin khác


Huyện Tân Lạc: Tỷ lệ tưới, tiêu chủ động đạt 80% diện tích canh tác

Theo báo cáo của UBND huyện Tân Lạc, trong giai đoạn 2021 - 2023, huyện đã ưu tiên đầu tư, nâng cấp sửa chữa, xây dựng mới nhiều công trình hạ tầng thủy lợi, giao thông nội đồng.

Huyện Lạc Sơn: Tổng đàn vật nuôi có trên 1,3 triệu con

Theo báo cáo của UBND huyện Lạc Sơn, hiện nay, tổng đàn gia súc, gia cầm trên địa bàn huyện đạt trên 1,3 triệu con.

Đánh giá tiến độ thực hiện các tiêu chuẩn thành lập thị xã Lương Sơn

Ngày 26/4, Ban chỉ đạo hoàn thiện các tiêu chuẩn để thành lập thị xã Lương Sơn của tỉnh tổ chức hội nghị đánh giá tiến độ thực hiện các tiêu chuẩn để thành lập thị xã Lương Sơn. Đồng chí Nguyễn Văn Toàn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban chỉ đạo chủ trì hội nghị.

Cựu chiến binh huyện Lạc Thủy thi đua làm kinh tế giỏi

Những năm qua, phong trào "Cựu chiến binh (CCB) thi đua làm kinh tế giỏi" trên địa bàn xã Hưng Thi (Lạc Thủy) có sức lan tỏa sâu rộng, được các hội viên nhiệt tình hưởng ứng. Từ phong trào xuất hiện nhiều CCB điển hình, gương mẫu trong phát triển kinh tế, trở thành tấm gương trong lao động sản xuất, đóng góp vào công cuộc xây dựng, phát triển quê hương ngày càng giàu đẹp.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục