(HBĐT) - Địa hình núi đá và điều kiện khí hậu tự nhiên là lợi thế để các xã có diện tích chăn thả trên địa bàn huyện Lương Sơn phát triển đàn dê theo hướng chăn nuôi tập trung. Ước tính tổng đàn dê của huyện khoảng 8.000 con, chiếm 15,7% tổng đàn dê toàn tỉnh. Năm 2019, huyện đã xây dựng thành công nhãn hiệu tập thể "Dê núi Lương Sơn". Cuối tháng 8 vừa qua, sản phẩm dê núi của thôn Yên Lịch, xã Long Sơn là sản phẩm dê thịt đầu tiên của tỉnh được chứng nhận VietGAP sau khi tham gia chuỗi liên kết sản xuất, cung cấp thịt dê đảm bảo an toàn thực phẩm (ATTP) năm 2019.


Sản phẩm dê núi đảm bảo an toàn thực phẩm của HTX nông nghiệp Hòa Bình, xã Long Sơn (Lương Sơn) được thị trường Hà Nội ưa chuộng. 

Nghề nuôi dê ở thôn Yên Lịch, xã Long Sơn đã có từ lâu, nguồn thức ăn cho đàn dê dựa vào thiên nhiên. Tuy nhiên, trước đây, việc chăn nuôi mang tính chất manh mún và chưa trở thành hàng hóa. Kể từ năm 2017, một số hộ trong thôn bắt đầu nghĩ đến việc phát triển đàn dê qua nắm bắt nhu cầu thị trường. Đã có những nông dân trẻ mạnh dạn mở rộng quy mô đàn dê của gia đình. Đồng thời tiếp cận, tranh thủ các chính sách hỗ trợ của Nhà nước thông qua các chương trình, dự án để khởi nghiệp và quy tụ những nông hộ chung ước mơ làm giàu, tăng thu nhập cải thiện cuộc sống từ chăn nuôi dê.

Trong số những nông dân đó, anh Nguyễn Mạnh Linh là người tiên phong, góp phần quan trọng thúc đẩy sự ra đời của HTX nông nghiệp Hòa Bình. HTX chuyên sản xuất và cung cấp thịt dê có trụ sở tại đội 4, thôn Yên Lịch và anh Linh giữ vai trò giám đốc. HTX hiện có 6 hộ thành viên, quy mô sản xuất trên 1.000 con dê. Sản phẩm dê thịt chủ yếu cung cấp cho thị trường Hà Nội. Tình hình tiêu thụ và giá cả ổn định là động lực giúp các hộ phấn khởi, yên tâm mở rộng sản xuất.

Cũng như các hộ thành viên khác, hộ thành viên Đinh Thị Khoa vừa chuyển từ nuôi dê nhỏ lẻ sang quy mô hàng hóa với tổng đàn 40 con. Bà Khoa cho biết: Khi tham gia vào HTX, tôi hiểu được muốn kinh tế hộ đi lên, đời sống khấm khá thì trước tiên phải thay đổi về nhận thức sản xuất. Chất lượng thịt dê có thơm ngon đến mấy nhưng không được kiểm chứng, chứng nhận, quy mô nhỏ lẻ thì không thể nhận sự tin tưởng của thị trường. Với việc tham gia mô hình chuỗi liên kết sản xuất, cung cấp thịt dê đảm bảo ATTP, tôi cùng các hộ thành viên được đào tạo kiến thức chung về ATTP và thực hành chăn nuôi tốt, hướng dẫn thực hiện các giải pháp cải tạo, nâng cấp chuồng trại, khu vực chăn nuôi đáp ứng tiêu chí theo quy định.

Bên cạnh việc áp dụng quy trình VietGAP trong chăn nuôi dê, vấn đề quảng bá, truy xuất nguồn gốc sản phẩm, thông tin đến khách hàng về sản phẩm có chất lượng và rõ nguồn gốc xuất xứ hết sức quan trọng. HTX đã được hỗ trợ tem truy xuất nguồn gốc sản phẩm khi lưu thông trên thị trường. Quá trình sản xuất và sản phẩm dê thịt của HTX cũng được giới thiệu thông tin trên chuyên mục Nông nghiệp sạch của VTV 1 Đài Truyền hình Việt Nam. Qua các chương trình xúc tiến thương mại, sản phẩm của HTX được tiêu thụ tại chuỗi cửa hàng thực phẩm sạch Eco Food, HG Hifood, thực phẩm sạch Hương Rừng và một số nhà hàng tại thành phố Hà Nội... Tới đây, sản phẩm sẽ được đưa lên hệ thống truy xuất nguồn gốc nông sản của tỉnh tại địa chỉ http://hb.check.net.vn và tiếp tục  phối hợp với các đơn vị có liên quan đưa sản phẩm tiếp cận các hệ thống siêu thị, điểm bán thực phẩm an toàn tại Hà Nội và một số thành phố có lượng tiêu thụ lớn khác. Theo anh Nguyễn Mạnh Linh, Giám đốc HTX Nông nghiệp Hòa Bình, từ liên kết chuỗi giữa các hộ với nhau giúp giảm bớt khâu trung gian. Giá trị sản phẩm từ khi tham gia chuỗi tăng 10-15% so với thời điểm trước. Mặt khác, sản phẩm có đầu ra ổn định giúp đem lại lợi ích thiết thực cho các hộ thành viên.

Đồng chí Nguyễn Hữu Tài, Chi cục trưởng Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản đánh giá: Mô hình đã khai thác được lợi thế địa phương có diện tích chăn thả lớn, gần thị trường tiêu thụ Hà Nội và các tỉnh, người dân có truyền thống chăn nuôi dê lâu đời, tạo việc làm thường xuyên và giúp ổn định, phát triển kinh tế hộ. Chuỗi liên kết sản xuất, cung cấp thịt dê đảm bảo ATTP cũng góp phần thay đổi nhận thức, tập quán chăn nuôi của các hộ thành viên HTX và người dân trong khu vực, cụ thể sản xuất phải đảm bảo an toàn thì mới bán được giá cao và dễ tiêu thụ. Cung cấp sản phẩm sạch, an toàn, có thể truy xuất nguồn gốc, nâng cao khả năng cạnh tranh đối với sản phẩm cùng loại trên thị trường, đặc biệt là thị trường Hà Nội. 

                                                                         Bùi Minh

Các tin khác


Thành phố Hòa Bình: Giá trị sản xuất CN- TTCN ước đạt 372,67 tỷ đồng

(HBĐT) - Trong tháng 8, giá trị sản xuất CN- TTCN của thành phố Hòa Bình (giá thực tế) ước đạt 372,67 tỷ đồng, so với cùng kỳ năm 2018 tăng 15,2%. Trong đó, giá trị sản xuất của các doanh nghiệp đóng trên địa bàn ước 145,06 tỷ đồng, so với cùng kỳ năm 2018 tăng 16,7%; giá trị sản xuất của các cơ sở sản xuất - kinh doanh cá thể đạt 69,05 tỷ đồng, so với cùng kỳ tăng 12,2%; giá trị sản xuất của doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đạt 158,56 tỷ đồng, so với cùng kỳ tăng 14,4%.

Hướng dẫn sử dụng thông tin đảm bảo truy xuất nguồn gốc nông lâm thủy sản ứng dụng

(HBĐT) - Ngày 4/9, Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản phối hợp với Trung tâm Doanh nghiệp hội nhập và phát triển tổ chức Hội thảo hướng dẫn sử dụng thông tin đảm bảo truy xuất nguồn gốc nông, lâm, thủy sản ứng dụng mã hình Qr-code. Tham dự có đại diện Sở NN&PTNT, Hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa tỉnh, các sở sở sản xuất, kinh doanh tham gia hệ thống Qr-code.

Giải ngân vốn đầu tư công được trên 819 tỷ đồng

(HBĐT) - Theo số liệu báo cáo của UBND tỉnh, kế hoạch vốn đầu tư nguồn NSNN năm nay của tỉnh là 2.470,619 tỷ đồng; đã phân bổ và thông báo chi tiết đến từng dự án số vốn 2.445,6 tỷ đồng. Số vốn chưa phân bổ và giao chi tiết là 24,98 tỷ đồng thuộc nguồn vốn Chương trình 30a - Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững.

Xã Yên Bồng phát triển nuôi gà thả đồi

(HBĐT) - Phát huy tiềm năng, thế mạnh của địa phương trong sản xuất nông nghiệp, những năm qua, xã Yên Bồng (Lạc Thủy) đã phát triển mạnh mô hình nuôi gà thả đồi theo hình thức bán chăn thả, nông, lâm kết hợp. Sản phẩm gà đồi của địa phương có chất lượng cao, hương vị thơm ngon, được ưa chuộng trên thị trường, qua đó tạo nguồn thu nhập đáng kể cho các hộ dân.

Gần 3 tỷ đồng thực hiện dự án liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm rau an toàn theo chuỗi giá trị

(HBĐT) -Theo quyết định đã được UBND tỉnh phê duyệt, dự án Liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm rau an toàn theo chuỗi giá trị tỉnh Hòa Bình giai đoạn 2018 - 2020 do Sở NN&PTNT làm chủ đầu tư sẽ có tổng kinh phí thực hiện khoảng 2.988 triệu đồng, bao gồm ngân sách thuộc Chương trình MTQG xây dựng NTM và nguồn vốn đối ứng của các HTX tham gia dự án.

Trồng rừng mới đạt trên 96% kế hoạch

(HBĐT) - Thực hiện kế hoạch trồng rừng năm 2019, các địa phương trong tỉnh đang đẩy nhanh tiến độ trồng rừng, tăng cường công tác quản lý bảo vệ, chăm sóc rừng trồng. Đến cuối tháng 8, toàn tỉnh đã trồng mới gần 5.600 ha rừng, đạt trên 96% kế hoạch. Các huyện có diện tích trồng rừng lớn như: Đà Bắc đã trồng 900 ha, Lạc Thủy 850 ha, Kim Bôi 800 ha, Lạc Sơn trên 790 ha, Yên Thủy 500 ha…

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục