Ông Nguyễn Đắc Hùng (trái), hội viên cựu chiến binh xóm Cột Bài, xã Trường Sơn (Lương Sơn) chia sẻ kinh nghiệm, kỹ thuật chăm sóc cây có múi.
Hội CCB xã Trường Sơn có 196 hội viên, sinh hoạt tại 5 chi hội. Trong những năm qua, cán bộ, hội viên CCB đã tận dụng tiềm năng, lợi thế sẵn có của địa phương. Năng động, sáng tạo phát triển các mô hình kinh tế, tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi.
Theo thống kê, hội viên CCB trong toàn xã đã phát triển trên 200 ha rừng sản xuất; mở rộng diện tích 10 ha cây có múi, trong đó có 5 ha trong thời kỳ kinh doanh; duy trì, phát triển tổng đàn gia cầm ước đạt 7.000 con. Bên cạnh đó, 10 hội viên chuyển dịch cơ cấu phát triển dịch vụ vận tải. Trên địa bàn có 4 trang trại chăn nuôi kết hợp trồng trọt. Nhiều tấm gương làm kinh tế giỏi thu về lợi nhuận hàng trăm triệu đồng mỗi năm. Tiêu biểu như CCB Nguyễn Đắc Hùng (xóm Cột Bài), Bùi Thanh Hải (xóm Chanh), Đinh Công Lực (xóm Suối Bu)…
Ông Nguyễn Đắc Hùng ở xóm Cột Bài là một trong những hội viên CCB năng động, dám nghĩ, dám làm trong lĩnh vực kinh tế. Hiện nay, ông Hùng đã mở rộng quy mô vườn cây có múi trên diện tích khoảng 1 ha với 200 gốc các giống bưởi Diễn, Phúc Trạch, da xanh..., có 70 gốc trong thời kỳ kinh doanh. Trong những năm trở lại đây, trung bình mỗi năm, gia đình ông xuất ra thị trường 5.000 quả, giá bình quân đạt 20.000 đồng/quả, riêng bưởi da xanh có giá 30.000 đồng/kg, lợi nhuận xấp xỉ 100 triệu đồng. Tư thương thu mua chủ yếu ở Hà Nội và các tỉnh lân cận. Nhạy bén trước nhu cầu của thị trường, ông Hùng đầu tư phát triển thêm dịch vụ vận tải hàng hóa, đáp ứng nhu cầu của người dân trên địa bàn. Ông Hùng cho biết: "Yếu tố quan trọng nhất để thành công khi phát triển mô hình trồng cây có múi đó là nắm chắc kỹ thuật, áp dụng hiệu quả KHKT vào sản xuất để nâng cao chất lượng sản phẩm. Bản thân tôi đặc biệt quan tâm, theo dõi quá trình sinh trưởng của cây trồng, kịp thời phòng ngừa, xử lý các dịch bệnh như đốm lá, sâu đục thân. Bên cạnh việc phát triển hiệu quả mô hình trồng cây có múi, tôi phát triển thêm dịch vụ vận tải do nhu cầu của thị trường, phòng trừ lúc cây ăn quả mất mùa vẫn có thu nhập ổn định. Từ đó, chất lượng cuộc sống gia đình luôn được cải thiện, có điều kiện hỗ trợ cho con cái học hành, phát triển kinh tế”.
Đồng hành cùng hội viên CCB trong phát triển kinh tế, Hội CCB xã chủ động phối hợp với Ngân hàng CSXH tạo điều kiện cho các hộ hội viên, nhất là hộ nghèo, đối tượng chính sách được vay vốn với tổng dư nợ 3,2 tỷ đồng. Hàng năm, phối hợp với Trung tâm Học tập cộng đồng xã duy trì tổ chức từ 2 – 3 lớp tập huấn, chuyển giao KH-KT về trồng trọt, chăn nuôi. Thường xuyên tổ chức các buổi giao lưu, chia sẻ kinh nghiệm phát triển kinh tế giữa các hội viên trong toàn xã. Qua đó, tạo sân chơi bổ ích, tương trợ, giúp đỡ nhau nâng cao thu nhập, cải thiện chất lượng cuộc sống. Năm 2018, thu nhập bình quân cán bộ, hội viên CCB đạt 34 triệu đồng/năm, tỷ lệ hộ khá, giàu chiếm trên 50%, hộ nghèo, cận nghèo còn khoảng 4%.
Đức Anh
(HBĐT) - Đến nay, huyện Kim Bôi đã hoàn thành kế hoạch trồng rừng năm 2019 với tổng diện tích rừng trồng tập trung của toàn huyện khoảng 800 ha, đạt 100% kế hoạch. So với các địa phương trong tỉnh, huyện Kim Bôi có diện tích rừng trồng mới năm 2019 cao thứ 4, sau các huyện Lạc Sơn (905 ha), Đà Bắc (900 ha), Lạc Thủy (850 ha).