Theo Ngân hàng Nhà nước (NHNN) tỉnh, xác định DNNVV là 1 trong 5 lĩnh vực ngành ngân hàng cần ưu tiên đầu tư tín dụng theo chủ trương của Đảng và Nhà nước, trong thời gian qua, hệ thống các ngân hàng trên địa bàn tỉnh đã triển khai nhiều giải pháp, chính sách nhằm hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho DNNVV trong việc tiếp cận nguồn vốn tín dụng ngân hàng.
Tuy nhiên, với mức dư nợ tính cho đến nay chỉ đạt khoảng trên 20% tổng dư nợ khiến nhiều doanh nghiệp vẫn gặp khó khăn trong tiếp cận nguồn vốn ngân hàng phục vụ SX-KD.
Cụ thể, theo thống kê của NHNN tỉnh, tổng nguồn vốn đến ngày 31/8/2019 của các tổ chức tín dụng (TCTD) trên địa bàn đạt trên 25.000 tỷ đồng, tăng trên dưới 7% so với cuối năm 2018. Trong đó, vốn huy động từ các tổ chức kinh tế và dân cư ước đạt 16.797 tỷ đồng, đáp ứng 76,4% tỷ trọng vốn đầu tư cho vay.
Các ngân hàng tạo điều kiện cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa trên địa bàn tỉnh vay vốn sản xuất, kinh doanh. Ảnh: Khách hàng giao dịch vay vốn tại BIDV Chi nhánh Hòa Bình.
Tổng dư nợ toàn địa bàn đến ngày 31/8/2019 đạt 21.976 tỷ đồng, tăng trên 6% so với cuối năm 2018. Trong đó, dư nợ cho vay các lĩnh vực ưu tiên: dư nợ cho vay khu vực nông nghiệp, nông thôn đạt 13.405 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 61% tổng dư nợ; dư nợ cho vay DNNVV đạt 4.395 tỷ đồng, bằng 20% tổng dư nợ; dư nợ cho vay xuất khẩu 23 tỷ đồng; dư nợ cho vay công nghiệp hỗ trợ 22 tỷ đồng; dư nợ cho vay nông nghiệp sạch, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao 2 tỷ đồng...
Lãi suất cho vay SX-KD thông thường được các ngân hàng thương mại cho vay ngắn hạn từ 7,5 - 10%/năm, phổ biến 8,5 - 9%/năm; trung và dài hạn từ 10,5 - 11,5%/năm.
Theo một doanh nghiệp xây lắp trên địa bàn TP Hòa Bình, hầu hết các doanh nghiệp tư nhân trên địa bàn có quy mô nhỏ và vừa rất cần vốn để đầu tư SX-KD, nhưng khả năng tài chính của các doanh nghiệp này bị hạn chế.
Qua tìm hiểu, trên thực tế, đa phần do DNNVV không có tài sản đảm bảo. Chính điều này đã gây khó khăn cho các ngân hàng trong xác định tài sản thế chấp nhằm xem xét cho vay. Được biết thời gian qua, các ngân hàng trên địa bàn đều đã có các gói sản phẩm hỗ trợ về vốn cho DNNVV, nhưng đôi khi sản phẩm, dịch vụ ngân hàng chưa được chú trọng thiết kế để phù hợp với đặc điểm SX-KD của các doanh nghiệp.
Trên địa bàn tỉnh có khoảng 3.200 doanh nghiệp, trong đó, đa phần là DNNVV, nhu cầu vay phục vụ SX-KD có thể thấy còn rất lớn, nhất là trong xu thế hội nhập hiện nay. Chính vì vậy, theo một số doanh nghiệp trên địa bàn, các ngân hàng thương mại cũng cần có chính sách cụ thể hơn để nguồn vốn đến gần hơn với các DNNVV và cần chọn lọc những doanh nghiệp có tiềm năng để thiết kế lại điều kiện cho vay, đồng thời, cũng phải chấp nhận một phần rủi ro với doanh nghiệp. Thực tế, theo báo cáo của NHNN tỉnh, tính đến tháng 9/2019, tỷ lệ nợ xấu/tổng dư nợ toàn ngành ngân hàng mới chỉ ở mức 2,36%.
Theo đồng chí Vũ Thị Song Nguyệt, Phó Giám đốc NHNN tỉnh, trong thời gian tới, NHNN tỉnh tiếp tục chỉ đạo các TCTD, ngân hàng đẩy mạnh triển khai chương trình kết nối ngân hàng - doanh nghiệp nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp, nhất là DNNVV trong quan hệ tín dụng ngân hàng. Qua đó, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp có triển vọng phát triển, có sản phẩm đáp ứng yêu cầu của thị trường nhưng đang gặp khó khăn về tài chính vay được vốn ngân hàng để phục vụ SX-KD.
Bên cạnh đó, ngành Ngân hàng tiếp tục triển khai quyết liệt các nhiệm vụ và giải pháp tại kế hoạch hành động của ngành, góp phần cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh, hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp, đặc biệt là DNNVV trong tỉnh tiếp cận vốn tín dụng nhưng vẫn đảm bảo an toàn vốn vay.
Hồng Trung
(HBĐT) - Theo Sở KH&ĐT, 9 tháng năm 2019, tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) ước đạt 8,12%; trong đó, nông, lâm nghiệp, thủy sản tăng 3,75%; công nghiệp - xây dựng tăng 11,48% (trong đó, công nghiệp tăng 12,67%); dịch vụ tăng 7,02%.