(HBĐT) - Những năm gần đây, bám sát định hướng xây dựng một nền sản xuất nông nghiệp hàng hóa có giá trị gia tăng cao, ngành NN&PTNT cũng như các địa phương trong tỉnh đã tích cực triển khai nhiều giải pháp. Trong đó, ưu tiên hàng đầu là khai thác các nông sản chủ lực có lợi thế cạnh tranh cao và tiềm năng tạo thành vùng sản xuất hàng hóa tập trung mang lại hiệu quả kinh tế bền vững.
Hiện, tỉnh xác định 3 nhóm sản phẩm nông nghiệp lợi thế cần rà soát, điều chỉnh quy mô và cơ cấu sản xuất để nâng cao hiệu quả đầu tư, bao gồm nhóm tham gia vào sản phẩm chủ lực quốc gia, nhóm sản phẩm chủ lực cấp tỉnh và nhóm sản phẩm là đặc sản của địa phương được hỗ trợ phát triển theo Chương trình OCOP. Với quyết tâm đầu tư cho nông sản chủ lực, ngành NN&PTNT cũng như các địa phương tiếp tục đẩy mạnh tổ chức sản xuất tập trung theo chuỗi giá trị gắn với ứng dụng công nghệ, áp dụng hệ thống quản lý chất lượng tiên tiến (GAP, HACCP, ISO 22000...) nhằm nâng cao chất lượng, bảo đảm ATTP cho tiêu dùng trong nước và hướng tới xuất khẩu.
Đồng chí Vương Đắc Hùng, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT cho biết: Điều đáng ghi nhận là các địa phương đều xác định được các loại nông sản chủ lực có lợi thế cạnh tranh cao để đầu tư phát triển theo hướng bền vững, từng bước hình thành các vùng sản xuất nông nghiệp hàng hóa. Đến nay, một số huyện đã bước đầu hình thành các vùng sản xuất tập trung nông sản chủ lực như cam Cao Phong, bưởi đỏ Tân Lạc, nhãn Sơn Thủy, rau su su Quyết Chiến, rau hữu cơ Lương Sơn, hạt dổi Lạc Sơn, cá, tôm vùng lòng hồ sông Đà... Sau khi xác định trọng điểm cần đầu tư, các địa phương đã đồng bộ áp dụng các quy trình sản xuất tiên tiến nên năng suất bình quân chung toàn vùng và chất lượng sản phẩm tăng lên đáng kể.
Theo đánh giá của Sở NN&PTNT: Đến năm 2018, giá trị thu nhập trung bình trên 1 ha canh tác trồng trọt là 130 triệu đồng, dự kiến năm 2019 sẽ tăng lên 135 triệu đồng/ha, phấn đấu đến năm 2020 đạt mức 145 triệu đồng/ha. Như vậy, trong cả giai đoạn 2016-2020, giá trị thu nhập trung bình đạt 126 triệu đồng/ha. Trong khi đó, giá trị thu nhập trung bình trên 1 ha mặt nước nuôi trồng thủy sản năm 2018 đạt 141 triệu đồng, dự kiến năm 2019 đạt 160 triệu đồng/ha, phấn đấu năm 2020 đạt 180 triệu đồng/ha, trung bình giai đoạn 2016-2020 đạt trên 150 triệu đồng/ha. Đặc biệt, nhờ khai thác đúng hướng lợi thế của các nông sản chủ lực, các địa phương đã bước đầu tạo ra các vùng sản xuất hàng hóa tập trung có giá trị kinh tế cao. Vùng trồng cam tại các huyện Cao Phong, Kim Bôi, Lạc Thủy hàng năm cho thu nhập trên 500 triệu đồng/ha/vụ. Vùng trồng bưởi tại các huyện Tân Lạc, Lương Sơn, Yên Thủy cho thu nhập trên 350 triệu đồng/ha/vụ. Vùng trồng nhãn Hương Chi tại các xã Sơn Thủy, Kim Bôi (huyện Kim Bôi) cho thu nhập trên 250 triệu đồng/ha/vụ. Vùng trồng su su, tỏi tía tại các xã vùng cao huyện Tân Lạc, Mai Châu cho thu nhập trên 200 triệu đồng/ha/vụ…
Không chỉ riêng lĩnh vực trồng trọt, các lĩnh vực chăn nuôi, thủy sản cũng có sự phát triển ngày càng mạnh của loại hình kinh tế trang trại, gia trại. Đó chính là những thành tựu tiêu biểu nhất của ngành NN&PTNT những năm gần đây, góp phần tiếp thêm động lực để toàn tỉnh hướng tới xây dựng thành công một nền nông nghiệp sản xuất hàng hóa có giá trị gia tăng cao và phát triển bền vững.
Khánh An