Ngày 22-10 vừa qua, hãng hàng không Vietnam Airlines (VNA) đã chào đón chiếc máy bay thứ 100 trong đội bay của mình. Như vậy, đến thời điểm này, đội tàu bay của các hãng trong nước đã vượt con số 200 chiếc, tăng gần gấp hai lần so 5 năm trước. Năm nay, nét mới của thị trường hàng không là sự góp mặt của hãng Tre Việt (Bamboo Airways) và đăng ký tham gia gần như đồng thời của ba hãng mới gồm: Vietravel Airlines, Vinpearl Air và Kite Air (Cánh Diều).
Thị trường hàng không Việt Nam đang có sự cạnh tranh khốc liệt. Trong ảnh: Sân đỗ của sân bay Nội Bài.
Nở rộ mở hãng, thêm tàu
Cục Hàng không Việt Nam (HKVN) cho biết, thời gian gần đây, các hãng hàng không đều ráo riết lên kế hoạch tăng thêm máy bay để phục vụ nhu cầu phát triển nóng. Theo báo cáo của hãng Vietjet Air (VJA), từ nay đến năm 2023, hãng sẽ nhận bàn giao 100 tàu bay mới từ các hãng Boeing và Airbus, gồm cả dòng A320 và dòng B737 MAX. Tính bình quân trong giai đoạn này, mỗi năm VJA sẽ nhận khoảng 20 máy bay, chưa kể biến động trong việc thuê thêm và trả bớt máy bay hãng đang thuê. Trong giấy phép kinh doanh của hãng Bamboo Aiways (thuộc Tập đoàn FLC) khi thành lập, cơ quan quản lý cho phép hãng khai thác 10 tàu bay, hiện tại hãng đang đề xuất cấp mới giấy phép bay với số vốn đăng ký mới lên 1.300 tỷ đồng và nâng số lượng tàu bay lên 40 chiếc. VNA cũng có chủ trương đầu tư 50 tàu bay thân hẹp và 10 động cơ dự phòng giai đoạn 2021 - 2025. Trong hợp đồng, có điều khoản được mua thêm 50 chiếc nữa với giá hợp lý và đây sẽ là điều kiện thuận lợi để hãng tăng năng lực đội tàu cho Jetstar Pacific Airlines (JPA), cạnh tranh trong phân khúc giá rẻ.
Chưa dừng ở con số năm hãng hàng không (không tính hãng Hải Âu bay dịch vụ) hiện tại, mới đây, Tập đoàn Vingroup đã thành lập Công ty hàng không Vinpearl Air có vốn điều lệ 1.300 tỷ đồng, quy mô đầu tư gần 40 máy bay vào năm 2025, đặt sân bay căn cứ ở Nội Bài. Vinpearl Air đăng ký đầu tư dự án theo mô hình hỗn hợp, kết hợp giữa hàng không truyền thống và chi phí thấp, khai thác cả quốc tế và nội địa, dự kiến bắt đầu khai thác thương mại vào tháng 7-2020 với đội máy bay sáu chiếc. Trung bình hằng năm, Vinpearl Air sẽ đưa vào khai thác sáu máy bay, đến năm 2025 đạt 36 chiếc. Sau khi thẩm định, Cục HKVN đánh giá, dự án nằm trong quy hoạch phát triển doanh nghiệp vận chuyển hàng không mới và tạo điều kiện phát triển kinh tế tư nhân, phù hợp chính sách phát triển vận tải hàng không của Chính phủ, đủ điều kiện để Bộ Giao thông vận tải (GTVT) kiến nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét, chấp thuận chủ trương đầu tư. Chưa hết, Công ty cổ phần Du lịch và Tiếp thị GTVT Việt Nam (Vietravel) cũng đề xuất thành lập hãng Vietravel Airlines, hoạt động theo mô hình bay charter (bay thuê nguyên chuyến). Trong đề án thành lập hãng, Vietravel Airlines đề xuất chọn sân bay Phú Bài (Huế) làm sân bay căn cứ. Tiếp theo Vinpearl Air và Vietravel Airlines, Công ty Thiên Minh cũng xây dựng đề án thành lập hãng hàng không Cánh Diều (Kite Air), số vốn đăng ký 1.000 tỷ đồng, đặt căn cứ tại sân bay Chu Lai (Quảng Nam).
Theo đánh giá của các chuyên gia hàng không, việc thành lập các hãng hàng không mới sẽ khiến thị trường hàng không thêm sôi động, hành khách có nhiều sự chọn lựa, tuy nhiên việc ra đời dồn dập nhiều hãng hàng không cùng lúc và tăng nóng quy mô đội tàu bay trong bối cảnh hạ tầng sân bay đang quá tải cùng nguồn nhân lực chưa tự chủ về đào tạo hiện nay, sẽ là "bài toán" khá hóc búa đối với cơ quan quản lý.
Quá tải hạ tầng bay
Hội đồng Sân bay quốc tế (ACI) đánh giá, Việt Nam là thị trường tăng trưởng hành khách qua đường hàng không nhanh nhất thế giới trong nhóm thị trường hơn 50 triệu hành khách giai đoạn 2016 - 2040. Hiệp hội Vận tải hàng không quốc tế (IATA) cũng dự báo thị trường HKVN phát triển nhanh thứ 5 thế giới, đạt 150 triệu lượt hành khách vào năm 2035. Hiện tại, tổng công suất thiết kế của 21 sân bay thuộc Tổng công ty Cảng Hàng không Việt Nam (ACV) đạt khoảng 96 triệu khách/năm, tuy nhiên, lượng khách thực tế thông qua năm 2018 đã đạt 103,5 triệu lượt, dự kiến năm nay sẽ vượt con số 112 triệu. Lượng hành khách tập trung chính ở hai sân bay Nội Bài và Tân Sơn Nhất, vốn đang quá tải, ùn tắc nghiêm trọng. Tần suất khai thác thực tế đã vượt xa thiết kế, khiến các đường băng, đường lăn bị hư hỏng, xuống cấp, nhiều lần phải đóng cửa để sửa chữa và không đủ điều kiện cho phép cất/hạ cánh nhiều hơn trong giờ cao điểm.
Thị trường hàng không đang quá tải không chỉ ở hạ tầng "cứng" (sân bay, điểm đỗ,…) mà còn cả hạ tầng "mềm" (hệ thống nhân lực quản lý nhà nước, nhân lực của các hãng để duy trì tốc độ phát triển). Cục trưởng HKVN Ðinh Việt Thắng cho biết, hiện tại, Cục chỉ đủ khả năng quản lý, giám sát 256 máy bay đăng ký quốc tịch Việt Nam. Theo kế hoạch, đến cuối năm nay, quy mô đội bay của các hãng sẽ lên tới 277 chiếc, vượt quá 21 chiếc so năng lực của Cục. Các chuyên gia nhận định, một số hãng thời gian qua có biểu hiện phát triển nóng, mở rộng đội tàu và mạng bay khi chưa chuẩn bị đầy đủ nguồn nhân lực kỹ thuật cao như phi công, thợ máy,… Từ khi thị trường có sự tham gia của nhiều hãng, hiện tượng chèo kéo, giành giật nguồn nhân lực phi công, thợ máy theo kiểu "hớt ngọn" đã xuất hiện. Việc này, xét cho cùng, là quy luật tất yếu của thị trường, tuy nhiên, cần bảo đảm cạnh tranh lành mạnh, bởi nguồn nhân lực ngành hàng không là tài nguyên, nguồn lực của quốc gia. Thị trường hàng không có tính chất quan trọng đặc biệt, liên quan nhiều vấn đề về an ninh, an toàn. Chủ tịch Hội Khoa học và Công nghệ hàng không Việt Nam Trần Quang Châu cho rằng, cơ quan quản lý cần có kế hoạch đào tạo phi công phù hợp, đồng bộ với quy hoạch, tốc độ phát triển hạ tầng, kỹ thuật của đất nước. Nhà nước có thể đầu tư vốn ban đầu cho một đơn vị đào tạo phi công và có quy định để các hãng hàng không góp vốn đào tạo, tránh tình trạng lôi kéo phi công của nhau như đã từng xảy ra thời gian qua.
Tại cuộc họp xử lý các vấn đề bất cập của ngành hàng không vừa qua, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã giao Bộ trưởng GTVT rà soát, đánh giá năng lực ngành hàng không và có biện pháp quản lý để phát triển tốt, phù hợp quy hoạch, năng lực hạ tầng và nguồn nhân lực; không để ùn tắc, quá tải tại một số sân bay và bảo đảm tuyệt đối về an ninh, an toàn hàng không. Việc thành lập mới hoặc tăng quy mô của các hãng phải bảo đảm yêu cầu duy trì và nâng cao năng lực khai thác an toàn bay của các hãng, năng lực giám sát an toàn của nhà chức trách, khả năng cung ứng năng lực đặc thù và khả năng đáp ứng của hạ tầng hàng không. Phát triển ngành hàng không cần hướng đến cạnh tranh lành mạnh, giúp tăng năng lực, vị thế quốc gia, phát triển đúng chiến lược về nguồn nhân lực cũng như quy mô đội tàu bay, tránh mặt trái của kinh tế thị trường.
Giai đoạn 2014 - 2018, thị trường vận tải HKVN tăng trưởng cao, liên tục với tốc độ trung bình 20,5% về hành khách và 13,2% về hàng hóa. Thị trường đang được 5 hãng hàng không trong nước và hơn 70 hãng nước ngoài từ 24 quốc gia/vùng lãnh thổ trên thế giới khai thác. Hiện tại, Vietnam Airlines Group (gồm VNA, JPA và VASCO) chiếm khoảng 51% thị phần trong nước; VJA khoảng 41,3%; Bamboo Airways khoảng 7% và có xu hướng biến động mạnh, cho thấy cuộc đua giành thị phần giữa các hãng đang ngày càng khốc liệt.
Theo báo Nhân Dân