Tỉnh Lâm Đồng thu hút nhiều doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao. Trong ảnh: Sản xuất hoa công nghệ cao tại Công ty Dalat Hasfarm, TP Đà Lạt. Ảnh: MAI VĂN BẢO
Bài 1: Trách nhiệm và quyết tâm từ cấp ủy
Qua thực tiễn triển khai Nghị quyết số 26 NQ/TW ngày 5-8-2008 (sau đây gọi là Nghị quyết) của Trung ương và nghị quyết của cấp ủy các cấp về "tam nông” đã cho thấy sự kết tinh trí tuệ, tâm huyết của nhiều thế hệ lãnh đạo, cán bộ, đảng viên và nhân dân. Nghị quyết đã được các cấp ủy và người đứng đầu cấp ủy triển khai với tinh thần trách nhiệm cao.
Tâm huyết với nông nghiệp, nông thôn
Với dân số đứng thứ 15 thế giới, phần đông sinh sống ở vùng nông thôn, mỗi tác động của quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đều ảnh hưởng sâu sắc đến nông nghiệp, nông thôn và người nông dân nước ta. Nông thôn là cái nôi nuôi dưỡng phong trào cách mạng, là địa bàn quan trọng để đồng chí, đồng bào tham gia kháng chiến, bảo vệ Tổ quốc. Hầu hết cán bộ, chiến sĩ đều từ nông dân mà ra. Chính vì vậy, Nghị quyết về "tam nông” nhận được sự quan tâm đặc biệt của các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước. "Ngay từ khi soạn thảo, các đồng chí lãnh đạo, cán bộ, chuyên gia ở Trung ương, các bộ, ngành đều tham gia với tình cảm, tâm huyết và trách nhiệm với quê hương” - ông Hồ Xuân Hùng, nguyên Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn khẳng định như vậy. Đồng chí Nguyễn Sinh Hùng, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội, năm 2007 là Phó Thủ tướng Thường trực được phân công làm Trưởng Ban Chỉ đạo xây dựng Ðề án. Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Cao Ðức Phát làm Tổ trưởng Tổ biên tập. Ông Hồ Xuân Hùng được giao làm Tổ trưởng Tổ thư ký, giúp việc cho Tổ biên tập xây dựng Ðề án trình Trung ương. Một trong những vấn đề rất lớn của Đề án, không chỉ liên quan đến kinh tế mà cả chính trị, xã hội và văn hóa, mục tiêu đặt ra ở tầm chiến lược là phải giải quyết tốt vấn đề nông nghiệp - nông dân - nông thôn trong một chỉnh thể, không chỉ đến năm 2020 mà còn tạo ra cơ sở bền vững cho suốt chặng đường xây dựng và phát triển đất nước. Tầm nhìn đó đã được các nhà quản lý, chuyên gia cấp chiến lược dày công nghiên cứu, thể hiện trong Đề án trình Bộ Chính trị.
Vì thế, Nghị quyết về "tam nông” có thể xem là bước phát triển mới của Nghị quyết Trung ương 5 khóa IX về Đẩy nhanh công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn thời kỳ 2001 - 2010 (Nghị quyết số 15-NQ/TW ngày 18-3-2002). Trong bối cảnh mới, Nghị quyết về "tam nông” bổ sung người nông dân, chủ thể của quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn. Đồng chí Nguyễn Văn Tiến, Vụ trưởng Vụ Nông nghiệp - Nông thôn, Ban Kinh tế Trung ương phân tích: Cốt lõi của Nghị quyết về "tam nông” và điều khiến cho Nghị quyết nhanh chóng đi vào cuộc sống là Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2010-2020 (Chương trình NTM). Thực chất, Bộ tiêu chí quốc gia về xã NTM là một công cụ định lượng, đo đếm được, dễ hiểu, dễ nhớ, do đó đã được các cấp ủy đảng và người nông dân nắm bắt nhanh, triển khai thuận lợi. Nghị quyết cũng xác định được cơ chế huy động nguồn lực có tính khả thi cao (40% từ ngân sách các cấp, 10% do người dân đóng góp, 30% vay ngân hàng, 20% do doanh nghiệp đầu tư).
Việc triển khai Chương trình NTM được tổ chức bài bản, khẩn trương từ lúc chọn 11 xã làm điểm, rút kinh nghiệm đến khi thống nhất 19 tiêu chí. Để Nghị quyết được vận hành tốt, hàng loạt cơ chế, chính sách, pháp luật được ban hành. Với những cách làm sáng tạo, các địa phương đã thu hút nguồn lực đa dạng, xây dựng phong trào thi đua rộng khắp, tạo nên sức sống, sự lan tỏa mạnh mẽ của Nghị quyết.
Lâm Đồng là địa phương đi đầu ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp. Đồng chí Nguyễn Xuân Tiến, Ủy viên T.Ư Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Lâm Đồng khẳng định: Nghị quyết được các cấp ủy đảng, chính quyền từ tỉnh đến cơ sở thực hiện với quyết tâm rất cao, nhanh chóng đi vào cuộc sống và tạo nên một phong trào sâu rộng trong toàn Đảng bộ, nhận được sự đồng thuận rất lớn của người dân. Tỉnh Lâm Đồng đã đạt được kết quả khá toàn diện, nổi bật là kinh tế nông nghiệp - nông thôn phát triển nhanh, trình độ sản xuất của nông dân tăng lên đáng kể; tỷ lệ hộ nghèo giảm, đời sống người dân được nâng cao, tỷ lệ thuận với niềm tin của nhân dân dành cho Đảng, Nhà nước. Nông dân thế hệ mới đã ứng dụng, làm chủ công nghệ hiện đại và làm giàu trên chính mảnh đất của mình. Diện tích sản xuất nông nghiệp công nghệ cao toàn tỉnh hơn 56.400 ha, giá trị sản xuất bình quân hơn 400 triệu đồng/ha. Nhiều mô hình có giá trị sản xuất hơn một tỷ đồng/ha và tiệm cận nền nông nghiệp 4.0.
Trách nhiệm "đứng mũi chịu sào” của cấp ủy
Từ các tỉnh ủy, thành ủy cho đến các chi bộ nông thôn đều thấy rõ trách nhiệm của mình trong thực hiện Nghị quyết. Mỗi nơi một cách làm. Có nơi xây dựng nghị quyết chuyên đề, có nơi xây dựng chương trình hành động, có nơi xây dựng kế hoạch thực hiện, song đều quán triệt vai trò lãnh đạo của bí thư cấp ủy, trách nhiệm tiên phong, gương mẫu của đảng viên. Một trong những điều ràng buộc trách nhiệm cấp ủy và người đứng đầu tổ chức đảng địa phương là do Bộ tiêu chí quốc gia về xã NTM bao quát toàn diện mọi mặt đời sống kinh tế - xã hội nông thôn. Các tiêu chí về chính trị như tiêu chí 18.3: Đảng bộ, chính quyền xã đạt tiêu chuẩn "trong sạch, vững mạnh”; tiêu chí 18.4: Tổ chức chính trị - xã hội của xã đạt loại khá trở lên, đã thay đổi thói trì trệ, làm việc qua loa, đại khái trước đây. Đối với những cán bộ nhiệt huyết, dám nghĩ, dám làm thì nghị quyết chính là cơ hội để chứng minh năng lực lãnh đạo, vận động quần chúng. Xây dựng NTM trở thành môi trường rèn luyện, thử thách và chọn lọc cán bộ xã, thôn. Các phẩm chất tốt cũng như những hạn chế, yếu kém của từng cán bộ được thể hiện rõ qua công tác lãnh đạo, vận động nhân dân, qua sự gương mẫu trong công việc và lối sống.
Sau khi quán triệt Nghị quyết đến chi bộ, Tỉnh ủy Đồng Nai sớm ban hành kế hoạch thực hiện Nghị quyết và tập trung chỉ đạo cấp ủy các cấp thực hiện. Nhờ đó, ngay từ năm 2014, huyện Xuân Lộc trở thành địa phương cấp huyện đầu tiên của cả nước được công nhận đạt chuẩn NTM. Qua thực tiễn điều hành, đồng chí Nguyễn Văn Linh, Phó Chủ tịch UBND huyện Xuân Lộc rút ra kinh nghiệm: "Nơi nào cấp ủy, chính quyền và các tổ chức đoàn thể, cán bộ tâm huyết, gương mẫu thì nơi đó phát huy hiệu quả cao. Do vậy, phải xây dựng đội ngũ cán bộ, nhất là người đứng đầu có tâm huyết, năng lực và trách nhiệm. Đồng thời, thường xuyên rà soát, thay thế những cán bộ không đạt yêu cầu. Thực tiễn, địa phương đã chủ động thay thế nhiều đồng chí lãnh đạo xã không đạt yêu cầu ở các xã Xuân Phú, Xuân Hưng, Bảo Hòa, Lang Minh, Xuân Định”. Đến nay, toàn bộ các huyện và các xã của tỉnh Đồng Nai đã đạt chuẩn NTM.
Thái Bình là địa phương có phong trào thi đua xây dựng NTM sôi nổi. Là tỉnh thuần nông, nhiều vùng còn khó khăn, nhưng toàn bộ 263 xã trong tỉnh cùng với bốn huyện Hưng Hà, Thái Thụy, Tiền Hải, Quỳnh Phụ đã đạt chuẩn quốc gia NTM. Để có kết quả này, theo Chủ tịch UBND tỉnh Đặng Trọng Thăng, Tỉnh ủy Thái Bình đã xây dựng Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết, xác định những nhiệm vụ trọng tâm, có bước đi, lộ trình thích hợp, từ chỉ đạo điểm đến triển khai diện rộng, đồng bộ từ chủ trương của cấp ủy đến thể chế hóa thành đề án cụ thể, có cơ chế chính sách để hỗ trợ nhân dân thực hiện. Kinh nghiệm quý mà tỉnh rút ra sau 10 năm thực hiện Nghị quyết là phải làm tốt công tác tư tưởng nhằm nâng cao nhận thức cho cán bộ đảng viên và nhân dân, tạo sự đồng thuận thống nhất cao; vai trò lãnh đạo điều hành của cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền có ý nghĩa quyết định; xây dựng các đề án tái cơ cấu nông nghiệp toàn diện theo hướng hiện đại; thực hiện cơ chế chính sách hỗ trợ về xây dựng NTM và tái cơ cấu nền nông nghiệp; đổi mới cơ chế quản lý nông nghiệp, nông thôn; thực hiện tốt Quy chế dân chủ ở cơ sở.
Góp phần củng cố tổ chức đảng, đoàn thể cơ sở
Thực tế cho thấy, đối với xây dựng NTM, các nghị quyết chuyên đề của cấp ủy cấp huyện hết sức quan trọng vì đề cập từng lĩnh vực cụ thể, tháo gỡ nhiều khó khăn cho cơ sở. Bên cạnh đó, cấp huyện trực tiếp phụ trách công tác cán bộ xã, việc điều động, bổ nhiệm, luân chuyển cán bộ chủ chốt các xã đã tạo ra cú huých mạnh mẽ, làm thay đổi phương pháp, lề lối công tác. Nhiều cấp ủy cấp huyện mạnh dạn thay thế những cán bộ xã trì trệ, ỷ lại, dựa dẫm. Cũng qua xây dựng NTM, nhiều cán bộ xã, thôn bị phát hiện có sai phạm trong quản lý đất đai, tài chính, bị xử lý kỷ luật và một số người bị xử lý hình sự.
Thông qua thực hiện Nghị quyết, năng lực lãnh đạo của nhiều tổ chức cơ sở đảng ở nông thôn được nâng cao về chất lượng, có nhiều đổi mới về nội dung, phương thức hoạt động. Nhiều nơi người đứng đầu cấp ủy trực tiếp làm trưởng ban chỉ đạo xây dựng NTM; nhiều tổ chức đảng phát huy phương châm "đảng viên đi trước, làng nước theo sau”. Huyện ủy Cần Giuộc (tỉnh Long An) đặt mục tiêu phát triển thành huyện công nghiệp, vì địa bàn giáp ranh TP Hồ Chí Minh, có nhiều khu công nghiệp xen lẫn vùng nông thôn. Trên địa bàn huyện có tới gần 30.000 công nhân sinh sống, vì thế, cán bộ xã không thể quản lý theo kiểu cũ mà phải có phong cách làm việc công nghiệp. Nhiệm kỳ này, Huyện ủy đã luân chuyển nhiều cán bộ huyện về làm cán bộ xã, làm chuyển biến tình hình cơ sở. Tương tự, Huyện ủy Hoằng Hóa (tỉnh Thanh Hóa) luân chuyển gần 50 cán bộ từ huyện xuống và từ xã này sang xã khác để chống tư tưởng "an phận thủ thường” của cán bộ xã. Đến nay, huyện Hoằng Hóa có 40 trong số 42 xã đạt chuẩn NTM.
Nghị quyết đem lại luồng sinh khí mới cho hoạt động sinh hoạt chi bộ. Chi ủy của các chi bộ có trách nhiệm nặng nề hơn, song nhiệm vụ cũng rõ hơn. Đảng viên trong chi bộ được giao nhiệm vụ gương mẫu đi đầu và vận động quần chúng tham gia công việc của khu dân cư. Các chi bộ thuộc xã Đông An (huyện Văn Yên, tỉnh Yên Bái) xây dựng các nghị quyết chuyên đề phát huy thế mạnh của mỗi thôn. Như Chi bộ thôn Chèm có nghị quyết về đồi rừng, Chi bộ thôn Đức An có nghị quyết về trồng trọt, Chi bộ thôn An Khang ban hành nghị quyết về cây ăn quả. Bí thư Đảng ủy xã Trần Xuân Ngọc cho biết, mấy năm qua, toàn Đảng bộ tập trung xóa nghèo, giảm nghèo, giao chỉ tiêu giảm nghèo cho các đoàn thể, nhờ đó, số hộ nghèo trong xã giảm đáng kể...
Với các biện pháp chỉ đạo quyết liệt, cách thức tổ chức đa dạng, linh hoạt, hệ thống chính trị cơ sở vùng nông thôn được củng cố một bước. Chất lượng cán bộ xã, thôn được nâng lên, công tác chuyển biến tích cực. Đến nay, cả nước có 4.665 xã, 109 đơn vị cấp huyện được công nhận đạt chuẩn NTM. Đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân được cải thiện. Xuất hiện nhiều cách làm mới, mô hình hay trong hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn.
TheoNhanDan
(HBĐT) - Theo thông tin từ Chi cục Chăn nuôi và Thú y, kể từ trung tuần tháng 11 đến nay, trên địa bàn 2 xã Hợp Hòa và Tân Vinh (Lương Sơn) có hiện tượng gia súc nghi mắc lở mồm long móng (LMLM) với các biểu hiện triệu chứng: chảy nhiều nước bọt, chân đau, mụn nước xuất hiện ở lợi, lưỡi, vành mũi, vành móng, kẽ móng...