(HBĐT) - Nhằm góp phần nâng cao giá trị trên một diện tích canh tác, vụ xuân năm nay, huyện Cao Phong chỉ đạo các xã, thị trấn đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng với đa dạng các loại cây cho năng suất, chất lượng cao. Bên cạnh đó, chú trọng việc xây dựng các mối liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm. Thời điểm này, các địa phương trong huyện tiếp tục gieo trồng một số loại cây màu và tập trung chăm sóc các diện tích lúa, cây màu đã gieo trồng đúng khung thời vụ.
Những ngày này, gia đình ông Cao Xuân Quân, xóm Nam Thành, xã Nam Phong tất bật với việc cắt hoa để bán cho tiểu thương. Gần như từ địa bàn trong xã tới thị trấn và một số xã lân cận đều tìm đến mua hoa của gia đình ông với số lượng lớn rồi mang ra chợ bán lẻ. Hiện, gia đình là hộ duy nhất trong vùng chuyển đổi các diện tích trồng cây kém hiệu quả sang trồng hoa với đa dạng các chủng loại như: hồng, cúc, đồng tiền… Nguồn cung không đủ cầu nên việc tiêu thụ rất thuận lợi, giá cả khá ổn định. Ông Quân cho biết: Được sự ủng hộ, khuyến khích của địa phương, gia đình đã chuyển đổi những diện tích lúa, trồng cây kém hiệu quả sang trồng các loại hoa. Với tổng diện tích vườn hoa trên 1.000 m2 thu hoạch đều quanh năm, thu nhập của gia đình luôn ổn định trên 100 triệu đồng/năm. Bởi, so với việc trồng lúa, thu nhập từ trồng hoa cao hơn tới gần 10 lần.
Vụ xuân này, xã Nam Phong có kế hoạch gieo trồng 477,71 ha, trong đó diện tích lúa trên 16,3 ha, ngô các loại gần 15 ha, rau màu các loại trên 18 ha. Đồng chí Bùi Xuân Tươi, Chủ tịch UBND xã Nam Phong cho biết: Với mục tiêu "không để đất thừa”, cùng với việc đẩy mạnh công tác tuyên truyền, chỉ đạo cán bộ KN-KL xã hướng dẫn nông dân áp dụng KHKT vào sản xuất, tích cực chuyển đổi cơ cấu, đa dạng cây trồng, góp phần nâng cao thu nhập hộ gia đình đạt trên 120 triệu đồng/ha canh tác như ở thời điểm hiện tại. Năm nay, ngoài việc duy trì diện tích những cây trồng chủ lực, xã chỉ đạo người dân tập trung chuyển đổi 16,2ha diện tích lúa không đảm bảo nước tưới, kém hiệu quả, không chắc ăn sang trồng các loại cây có giá trị cao, cây ngắn ngày như rau các loại, đỗ, lạc...
Theo kế hoạch, vụ xuân năm nay, toàn huyện Cao Phong gieo trồng 450ha lúa, 800 ha ngô và trên 300 ha cây trồng ngắn ngày với các loại rau, cây màu, diện tích cây mía tím nuôi cấy mô được trồng mới là 45,67 ha. Bên cạnh đó, huyện chủ động chuyển đổi khoảng 140 ha đất cấy lúa kém hiệu quả, không đảm bảo nước tưới sang trồng các loại cây trồng khác có giá trị kinh tế cao hơn.
Đồng chí Bùi Đăng Khoa, Trưởng Phòng NN&PTNT huyện Cao Phong cho biết: Để nâng cao giá trị kinh tế trong sản xuất nông nghiệp, góp phần đạt kết quả cao trong vụ xuân năm 2020. Ngay từ đầu vụ, các chủ trương của Đảng, Nhà nước về chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất lúa đã được huyện tổ chức triển khai thực hiện lồng ghép trong các hội nghị, cuộc họp của huyện, các địa phương. Bên cạnh đó, UBND huyện chỉ đạo ngành Nông nghiệp và chính quyền các địa phương tổ chức tốt công tác phục vụ sản xuất, triển khai đúng kế hoạch và khung thời vụ. Chủ động đảm bảo cung ứng giống, phân bón cho nông dân, cung cấp vật tư và dịch vụ cho sản xuất kịp thời, đúng chủng loại, đảm bảo số lượng. Căn cứ kế hoạch sản xuất của từng địa phương, chỉ đạo dự trữ và điều tiết nguồn nước đảm bảo cho hầu hết diện tích gieo trồng. Năm nay, huyện không chỉ đạo tăng mạnh về diện tích mà tập trung tăng giá trị trên một diện tích canh tác, đa dạng hóa cây trồng, ưu tiên các loại cây trồng có giá trị kinh tế cao.
Hiện, huyện tiếp tục chỉ đạo các địa phương đẩy nhanh tiến độ các loại cây trồng màu theo khung thời vụ, chăm sóc và bảo vệ các loại cây đã gieo trồng. Đồng thời, đôn đốc các xã tranh thủ thu hoạch sản phẩm cam quả, mía tím thương phẩm và các cây trồng khác trong khung thời vụ. Rà soát các diện tích đất trồng lúa, cây màu dự báo thiếu nước tưới để chủ động chuyển sang trồng các loại cây phù hợp, cho năng suất và chất lượng tốt.
Thu Hằng