Tại cửa hàng giới thiệu sản phẩm của HTX Hà Phong, khu I, thị trấn Cao Phong (Cao Phong), các sản phẩm OCOP của HTX được trưng bày khoa học, bắt mắt để thu hút khách hàng.
Nếu như một số địa phương khác gặp khó khăn về nguồn nguyên liệu để nâng hạng sản phẩm OCOP thì sản phẩm OCOP của huyện Cao Phong có lợi thế là nguồn nguyên liệu dồi dào. Xác định cây cam là cây thế mạnh, những năm qua, cấp ủy, chính quyền huyện Cao Phong và người dân đã chung sức đồng lòng xây dựng Chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm cam của huyện. Năm 2014, chính quyền và người dân Cao Phong hân hoan, vui mừng đón nhận Chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm cam Cao Phong. Từ đó đến nay, thương hiệu cam Cao Phong khẳng định được vị trí của người tiêu dùng trong nước. Hiện nay, huyện chủ trương phát triển và trồng cam theo tiêu chuẩn VietGAP, hữu cơ, đảm bảo ATTP vì sức khỏe của người tiêu dùng; phát triển mô hình liên kết theo chuỗi, liên kết vùng để đảm bảo đầu ra cho sản phẩm. Hiện, toàn huyện phát triển trên 3.000 ha cam, quýt các loại với sản lượng trên 40.000 tấn. Sản lượng cam ổn định, chất lượng đảm bảo là nguồn nguyên liệu dồi dào phục vụ các chủ thể phát triển sản phẩm OCOP, đặc biệt là sản phẩm chế biến từ cam đang là mặt hàng được thị trường ưa chuộng.
Đồng chí Bùi Đăng Khoa, Trưởng Phòng NN&PTNT huyện cho biết: Để đạt được mục tiêu nâng hạng cho sản phẩm OCOP, ngay từ đầu năm, huyện triển khai kế hoạch thực hiện Chương trình OCOP đến các chủ thể kinh tế; hỗ trợ các chủ thể xây dựng kế hoạch kinh doanh. Định hướng nâng cao chất lượng sản phẩm nông sản, sản phẩm chế biến từ cam đáp ứng tiêu chuẩn ở nhiều thị trường khác nhau. Huyện chủ trương phát triển sản phẩm, dịch vụ phải đi liền với phát triển các hình thức tổ chức sản xuất phù hợp như HTX, tổ hợp tác để kích thích quá trình liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm. Tăng cường công tác quảng bá, mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm. Đặc biệt, để có sản phẩm OCOP đạt 5 sao, các tổ chức kinh tế phải chú trọng thúc đẩy chuỗi giá trị, đầu tư nguồn lực và cần sự tham gia của cả cộng đồng. Tổ chức đào tạo chuyên sâu cho đội ngũ cán bộ quản lý Chương trình OCOP, chủ doanh nghiệp, HTX, tổ hợp tác, chủ thể tham gia chương trình để có kiến thức về quản trị sản xuất, kiến thức marketing…
Năm 2019, HTX Hà Phong là chủ thể có tới 4 sản phẩm đạt tiêu chuẩn OCOP cấp tỉnh. Năm nay, mục tiêu của HTX Hà Phong được công nhận thêm 2 sản phẩm gồm: Rượu cam và Trà chanh mật ong. Bên cạnh đó, phấn đấu nâng sao cho các sản phẩm đã được công nhận. Theo chia sẻ của anh Đặng Văn Ghi - thành viên HTX, ngay từ đầu năm, HTX Hà Phong đã tập trung nguồn lực đầu tư chăm sóc cam theo hướng hữu cơ nhằm nâng cao chất lượng cam quả. Nguồn nguyên liệu cam quả đạt chất lượng là tiền đề quan trọng cho HTX phát triển, nâng cao chất lượng các sản phẩm OCOP chế biến từ cam như rượu men cam, nước cốt cam, mứt ruột cam… Đặc biệt, HTX quan tâm tới công tác giới thiệu sản phẩm bằng việc phối hợp với công ty truyền thông, báo chí tuyên truyền viết bài, làm phóng sự về quy trình sản xuất các sản phẩm của HTX. HTX tiếp tục mở thêm văn phòng giới thiệu sản phẩm tại nhiều tỉnh, thành phố lớn; tiếp tục đưa sản phẩm vào hệ thống siêu thị; mở thêm thị trường tại các trạm dừng nghỉ, điểm thăm quan để thu hút khách hàng. Năm nay, HTX phấn đấu hoàn thành việc xây dựng nhà máy chế biến hoa quả trên diện tích gần 3 ha, sử dụng dây chuyền công nghệ, hệ thống máy móc hiện đại với vốn tự có của doanh nghiệp khoảng 26 tỷ đồng.
Thu Thủy