Trong bối cảnh chịu ảnh hưởng bất lợi từ dịch Covid-19, người lao động tại Công ty TNHH GGS Việt Nam (khu công nghiệp bờ trái sông Đà - TP Hòa Bình) vẫn được tạo điều kiện làm việc, đảm bảo ổn định đời sống.
Thời gian qua, xuất nhập khẩu là một trong những hoạt động chịu ảnh hưởng nhiều và trực tiếp nhất từ dịch bệnh Covid-19. Theo Sở Công Thương, trên địa tỉnh hiện có 24 doanh nghiệp xuất nhập khẩu (chiếm 53%) có giao thương với thị trường Trung Quốc nên hoạt động sản xuất chịu nhiều bất lợi, nguồn nguyên phụ liệu và tiến độ giao nhận hàng bị chậm so với kế hoạch đề ra.
Thống kê trong quý I, giá trị xuất khẩu đã giảm 1,41% so với cùng kỳ, thực hiện 15,73% kế hoạch năm, riêng tháng 3 đã giảm 4,8% so với tháng trước; trong đó, xuất khẩu hàng hóa giảm 1,77% so với cùng kỳ, thực hiện 15,42% kế hoạch năm. Mặt khác, giá trị nhập khẩu tháng 3 giảm 42,6% so với tháng trước, lũy kế 3 tháng đầu năm ước đạt 118,4 triệu USD, giảm 10,43% so với cùng kỳ, thực hiện 13,53% kế hoạch năm. Với kết quả này, hoạt động xuất nhập khẩu thời gian tới sẽ phải vượt qua nhiều thách thức để có thể hoàn thành mục tiêu năm 2020.
Đồng chí Phạm Tiến Dũng, Giám đốc Sở Công Thương cho biết: Trong quý I, dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp đã ảnh hưởng bất lợi đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp thuộc lĩnh vực công thương. Có thể kể đến như, nguồn nguyên phụ liệu dùng cho sản xuất chủ yếu được nhập khẩu, nguồn hàng hóa phụ trợ nội địa khan hiếm, không đáp ứng được nhu cầu của doanh nghiệp; tiến độ nhận hàng, thông quan bị ảnh hưởng bởi công tác kiểm dịch y tế nghiêm ngặt ở cả hai đầu xuất khẩu và nhập khẩu; tổng mức lưu chuyển hàng hóa và doanh thu dịch vụ cũng chịu không ít tác động…
Xác định rõ thách thức, Sở Công Thương đã đề xuất 11 giải pháp để tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh, đảm bảo đời sống xã hội và phát triển kinh tế trong bối cảnh tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động phòng, chống dịch Covid-19. Mục tiêu quan trọng trong năm 2020, ngành Công Thương phấn đấu hoàn thành các chỉ tiêu phát triển về sản xuất công nghiệp và thương mại - xuất nhập khẩu. Cụ thể, phấn đấu kim ngạch xuất khẩu đạt khoảng 1.032 triệu USD, kim ngạch nhập khẩu đạt khoảng 875 triệu USD, đảm bảo kim ngạch xuất nhập khẩu giai đoạn 2016 – 2020 tăng bình quân 28,55%/năm, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu đến năm 2020 tăng gấp 3,5 lần so với năm 2015, đạt mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI, nhiệm kỳ 2015 – 2020.
Cũng như ngành Công Thương, các lĩnh vực quan trọng khác của nền kinh tế đang tìm kiếm giải pháp phù hợp, bám sát chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về thực hiện "mục tiêu kép”: Vừa quyết liệt phòng, chống, khống chế dịch Covid-19 vừa tập trung tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất kinh doanh, bảo đảm an sinh xã hội và đời sống người dân, nỗ lực phấn đấu cao nhất thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển KT-XH đã đề ra.
Theo thống kê của UBND tỉnh: Trong quý I, tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) của toàn tỉnh đạt 6,62%; trong đó, nông, lâm nghiệp, thủy sản tăng 2,65%; công nghiệp – xây dựng tăng 9,99%; dịch vụ tăng 4,78%; thuế sản phẩm tăng 3,34%. Về cơ cấu các ngành kinh tế trong GRDP, ngành công nghiệp – xây dựng chiếm tỷ trọng cao nhất với 47,09%. Trong số các lĩnh vực chịu ảnh hưởng nghiêm trọng từ dịch Covid-19, du lịch là cái tên được nhắc đến đầu tiên. Với tổng số 560 nghìn lượt khách du lịch trong 3 tháng, ngành du lịch chỉ đạt doanh thu khoảng 380 tỷ đồng, giảm 26,5% so với cùng kỳ năm trước, thực hiện 15,2% kế hoạch năm. Dự kiến trong thời gian tới, ngành tiếp tục phải đối mặt với nhiều áp lực, Sở VH-TT&DL đang tích cực thực hiện các giải pháp nhằm khắc phục khó khăn, quản lý tốt hoạt động du lịch, tiếp tục nâng cao hiệu quả phối hợp thực hiện tốt công tác phòng, chống dịch Covid-19.
Hiện nay, các cấp, ngành, địa phương trong tỉnh tích cực triển khai các giải pháp hướng tới "mục tiêu kép”. Trước mắt, trong quý II/2020, UBND tỉnh hoạch định 18 nhóm giải pháp trọng tâm. Nhằm kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, UBND tỉnh chỉ đạo các cấp, ngành liên quan chủ động nắm bắt tình hình, khẩn trương triển khai các biện pháp phù hợp để "tăng sức đề kháng" cho doanh nghiệp, thiết thực hỗ trợ thúc đẩy sản xuất, kinh doanh. Trong tình hình hiện nay, tỉnh tiếp tục theo dõi, đôn đốc các nhà đầu tư triển khai thực hiện các dự án đã được cấp giấy chứng nhận đầu tư; quyết liệt thực hiện các giải pháp nhằm cải thiện môi trường đầu tư, tăng cường xúc tiến đầu tư và nâng cao năng lực cạnh tranh của tỉnh. UBND tỉnh đề nghị các cấp, ngành, địa phương, đơn vị cần có quyết tâm chính trị để nâng cao hiệu lực hoạt động, tăng cường sự phối hợp trong triển khai thực hiện nhiệm vụ, góp phần nâng cao hiệu quả trong công tác chỉ đạo, điều hành của tỉnh. Với quyết tâm chính trị cao và những giải pháp quyết liệt, đồng bộ, UBND tỉnh xác định nhiệm vụ quan trọng hàng đầu trong những tháng tiếp theo của năm 2020 chính là đẩy mạnh thực hiện 5 chỉ tiêu (dự báo khó đạt) Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI, nhiệm kỳ 2015 - 2020. Cùng với đó, các giải pháp về đảm bảo an sinh xã hội, chăm lo cho đời sống của Nhân dân sẽ tiếp tục được triển khai với tinh thần trách nhiệm cao nhất của cả hệ thống chính trị.
Liên quan đến công tác phòng, chống dịch Covid-19, UBND tỉnh chỉ đạo: Toàn tỉnh tiếp tục bám sát diễn biến dịch bệnh để có các biện pháp ứng phó kịp thời. Cùng với đó, cần tăng cường các biện pháp giám sát, phòng, chống dịch bệnh nguy hiểm, giám sát, kiểm tra đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm; đẩy mạnh truyền thông, giáo dục sức khỏe trong cộng đồng; chú trọng công tác chăm sóc sức khỏe Nhân dân; tiếp tục thực hiện các giải pháp nâng cao chất lượng hoạt động y tế cơ sở, khám chữa bệnh ở các bệnh viện… Đặc biệt, theo chỉ đạo của UBND tỉnh, trong thời gian tới, ngành Y tế tiếp tục thực hiện tốt hoạt động khám, chữa bệnh và chăm sóc sức khỏe Nhân dân, thực hiện tốt chế độ thường trực 24/24h, phát huy vai trò nòng cốt trong thực hiện công tác phòng, chống các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm, trong đó ưu tiên hàng đầu là kiểm soát dịch Covid-19.
Khánh An