Bài 2 - Thúc đẩy sản xuất mía tím chất lượng cao gắn với liên kết đầu ra bền vững
(HBĐT) - Ở các niên vụ gần đây, giá trị thu nhập bình quân đối với cây mía tím vẫn giữ trong khoảng 120 - 160 triệu đồng/ha, có vườn đạt 200 - 250 triệu đồng/ha. So với một số cây lương thực như lúa, ngô đạt giá trị thu nhập khoảng 65 triệu đồng/ha, trồng mía tím vẫn cho hiệu quả kinh tế cao hơn 2-3 lần. Bên cạnh đó, mía tím Hòa Bình đang vấp phải những khó khăn, thách thức trong việc giữ thương hiệu, đó là chất lượng giống bị thoái hóa, sức mua trên thị trường giảm.



Với chất lượng, phẩm cấp tốt, mía tím trồng trên đồng đất xã Hợp Phong (Cao Phong) tiêu thụ tốt, giá cả ổn định.

Cần thay đổi tư duy sản xuất, kinh doanh mía thương phẩm

Vào thời điểm này của niên vụ trước, diện tích mía tím của tỉnh đã cơ bản hoàn thành việc tiêu thụ. Diện tích mía có mẫu mã, chất lượng cao đã bán xong từ tháng 11, 12 của năm ngoái. Phần lớn diện tích mía thu mua chậm, giá thấp hơn giá bình quân là mía kém phẩm cấp. Thời tiết có xu hướng ấm lên dự báo việc tiêu thụ được thúc đẩy. Tuy nhiên, càng về những tháng 4, 5, chất lượng mía sẽ giảm đi do bị rỗng ruột (bấc). Việc tiêu thụ chậm cũng tác động đến sản xuất vụ sau.

Có nhiều tỉnh cùng trồng mía tím với sản lượng thu hoạch lớn, nhu cầu thị trường giảm đang là thách thức đặt ra, đòi hỏi người sản xuất, kinh doanh mía thương phẩm cần phải thay đổi tư duy. Anh Trần Tiến Xuân, tư thương thu mua mía ở các tỉnh phía Bắc phân tích: Mía tím thu hoạch vào vụ đông - xuân, cùng thời vụ thu hoạch của nhiều loại hoa quả khác như cam, bưởi, táo, lê. Bởi vậy, người tiêu dùng có nhiều sự lựa chọn, dẫn đến sức mua trên thị trường đối với mía tím giảm. Căn cứ vào nhu cầu thị trường, các vùng trồng mía cần điều chỉnh quy mô diện tích cho phù hợp, tránh nguy cơ sản phẩm dư thừa.

Theo đồng chí Nguyễn Hồng Yến, Chi cục Trưởng Chi cục TT&BVTV, do thói quen, thị hiếu của người tiêu dùng thay đổi nên đã đến lúc người trồng mía cũng cần phải thay đổi tư duy sản xuất, kinh doanh. Cụ thể là nên có cách tiếp cận khác, hiệu quả hơn trong việc phân phối sản phẩm hàng hóa đến khách hàng. Nông dân không chỉ giữ tư duy cũ, chọn bán cả ruộng giúp giải quyết nhanh gọn về sản lượng, nhưng có thể sẽ phải chịu giá cả bấp bênh do tư thương ép giá và tình hình thực tế giá cả thị trường lên, xuống. Tỉnh đã triển khai một số chính sách hỗ trợ tiêu thụ nông sản hàng hóa, trong đó có chính sách hỗ trợ tiêu thụ đối với mía tím. Bắt đầu có sự xuất hiện mô hình hộ cá thể, doanh nghiệp thực hiện liên kết tiêu thụ sản phẩm mía tím với các doanh nghiệp nhằm đưa sản phẩm đi sâu hơn vào các cửa hàng, siêu thị mini trong nước và hướng ra xuất khẩu. Để tiếp cận được thị trường này, mía tím phải được sơ chế và bảo quản làm mát, đựng trong túi thực phẩm hút chân không. Việc sơ chế, bảo quản giúp mía tím giữ được chất lượng trong ít nhất khoảng 2 tuần. Đồng thời, đây là một trong những giải pháp để người sản xuất, kinh doanh có thể lựa chọn để thích ứng, nâng cao khả năng phục vụ, kích cầu tiêu dùng. Cũng đã đến lúc cần huy động sự vào cuộc, thể hiện vai trò cầu nối của các doanh nghiệp, HTX của tỉnh trong liên kết tiêu thụ, thúc đẩy tiêu thụ sản lượng mía tím cho nông dân, tăng sức cạnh tranh của mía tím Hòa Bình tại các thị trường trong và ngoài nước.

Sớm đưa mía nuôi cấy mô vào sản xuất đại trà

Năm 2016, trước thực trạng mía tím bị thoái hóa về phẩm cấp, tỉnh đã triển khai, thực hiện đề án thay thế giống mía tím bằng phương pháp nuôi cấy mô (mía mô), với mục tiêu từng bước đưa mía mô vào sản xuất đại trà. Tuy nhiên, tổng diện tích mía mô hiện mới nhân lên được khoảng 150 ha, tập trung tại 3 huyện: Cao Phong, Yên Thủy, Tân Lạc, trong đó, diện tích tại huyện Tân Lạc chiếm một nửa. Điều này cho thấy trên thực tế, mặc dù mía mô đang dần cải thiện thực trạng khó khăn trong sản xuất và tiêu thụ mía tím, cho kết quả tốt về chất lượng, sản lượng mía thương phẩm, nhưng cần thiết phải tính toán lại hệ số sử dụng và làm giống, đồng thời phải có những giải pháp thúc đẩy.

Mía mô thương phẩm có ưu điểm vượt trội là dóng dài, màu tím bắt mắt, giữ độ ngọt, thịt mềm của mía, kiểm soát tốt sâu bệnh hại trên cây mía. Tuy nhiên, nếu để nhân giống thì dóng dài lại trở thành nhược điểm dẫn đến hệ số nhân giống thấp do mắt mía (mầm) thưa. Mặt khác, do chất lượng đẹp, giá cao nên trồng theo thời vụ chính, nhiều hộ sẽ bán mía mô thương phẩm, ít giữ lại làm giống.

Đồng chí Nguyễn Văn Dũng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh cho biết: UBND tỉnh vừa giao Sở NN&PTNT xúc tiến việc đưa mía mô vào nhân giống trên diện tích tập trung. Nguồn lực hỗ trợ thực hiện từ vốn Chương trình MTQG xây dựng NTM năm 2020 và các năm tiếp theo. Theo đó, Sở NN&PTNT chủ động đặt hàng giống mía nuôi cấy mô của Sở KH&CN để trồng thành vườn giống, với mục tiêu tăng nhanh số lượng giống mía. Như vậy, chỉ trong một thời gian ngắn, 1 cây mía mô có thể nhân thành 10 cây giống gốc, số lượng hom mía lớn hơn, giá thành giống cũng rẻ hơn nhiều lần so với mía mô trước khi mang ra cấp cho dân. Trên đà nhân giống bằng cách này, dự kiến trong khoảng 2 - 3 năm tới, toàn bộ diện tích mía tím của tỉnh sẽ được thay thế bằng giống mía mô và xu hướng sẽ cấp giống cho dân không phải mất chi phí. Việc tăng nguồn lực đầu tư hỗ trợ của Nhà nước thông qua chương trình cũng sẽ khuyến khích người dân yên tâm đưa mía mô vào sản xuất đại trà. Việc sử dụng rộng rãi nguồn giống mía mô ưu việt giúp giải quyết tận gốc vấn đề chất lượng cây mía tím, gắn với tiêu thụ tốt sản phẩm trên thị trường trong nước và xuất khẩu.


Bùi Minh

 
 

Các tin khác


Phòng, chống dịch Covid-19 trong đầu tư xây dựng

(HBĐT) - Ngày 1/4, Sở Xây dựng ban hành Văn bản số 839/SXD-QLXD về việc phòng, chống dịch Covid-19 trong đầu tư xây dựng.

Dịch COVID-19: Bộ Công Thương đề xuất giảm 10% giá điện hỗ trợ người dân và doanh nghiệp

Bộ Công Thương đề xuất giảm 10% giá điện trong 3 tháng để hỗ trợ doanh nghiệp và người dân do ảnh hưởng của dịch COVID-19.

Kho bạc Nhà nước Hòa Bình nêu cao vai trò, trách nhiệm quản lý quỹ ngân sách Nhà nước hiệu quả, tiết kiệm, chống lãng phí

(HBĐT) - LTS: Ngày 4/1/1990, Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng ký Quyết định số 07/HĐBT thành lập hệ thống Kho bạc Nhà nước (KBNN) trực thuộc Bộ Tài chính, với chức năng quan trọng là giúp Bộ trưởng Bộ Tài chính thực hiện nhiệm vụ quản lý Nhà nước về quỹ ngân sách Nhà nước (NSNN) và chính thức đi vào hoạt động từ ngày 1/4/1990. Trải qua 30 năm xây dựng và trưởng thành, cùng với hệ thống KBNN trong cả nước, KBNN Hòa Bình đã có sự phát triển vững mạnh, ngày càng hiện đại, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ. Nhân dịp này, phóng viên Báo Hòa Bình đã trao đổi với đồng chí Lê Hoài Thanh, Giám đốc KBNN Hòa Bình về thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ tài chính - ngân sách.

Nỗ lực quản lý chặt chẽ các khoản chi ngân sách Nhà nước

(HBĐT) - Với tinh thần vượt qua mọi khó khăn, Phòng Kiểm soát chi luôn đoàn kết, thống nhất, bám sát các chủ trương, giải pháp điều hành của Chính phủ, chỉ đạo, hướng dẫn của Bộ Tài chính, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh, Kho bạc Nhà nước (KBNN) và Ban lãnh đạo KBNN Hòa Bình.

Hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chuyên môn

(HBĐT) - Tháng 4/1990, KBNN huyện Yên Thủy được thành lập cùng sự ra đời của hệ thống KBNN với biên chế 12 công chức, quản lý hơn 70 tài khoản giao dịch. Thời điểm hiện tại, đơn vị có 9 công chức, quản lý gần 400 tài khoản giao dịch. Những năm qua, KBNN huyện Yên Thuỷ không ngừng nỗ lực nâng cao chất lượng, hiệu quả công việc, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chuyên môn.

Danh mục các ngành hàng lĩnh vực công thương được phép mở cửa hoạt động

(HBĐT) - Sở Công Thương vừa ban hành Công văn số 425/SCT-QLTM ngày 31/3/2020 về việc thông báo danh mục ngành hàng thuộc lĩnh vực công thương được phép mở cửa hoạt động.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục