(HBĐT) - LTS: Ngày 4/1/1990, Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng ký Quyết định số 07/HĐBT thành lập hệ thống Kho bạc Nhà nước (KBNN) trực thuộc Bộ Tài chính, với chức năng quan trọng là giúp Bộ trưởng Bộ Tài chính thực hiện nhiệm vụ quản lý Nhà nước về quỹ ngân sách Nhà nước (NSNN) và chính thức đi vào hoạt động từ ngày 1/4/1990. Trải qua 30 năm xây dựng và trưởng thành, cùng với hệ thống KBNN trong cả nước, KBNN Hòa Bình đã có sự phát triển vững mạnh, ngày càng hiện đại, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ. Nhân dịp này, phóng viên Báo Hòa Bình đã trao đổi với đồng chí Lê Hoài Thanh, Giám đốc KBNN Hòa Bình về thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ tài chính - ngân sách.



Đồng chí Lê Hoài Thanh, Giám đốc Kho bạc Nhà nước Hòa Bình triển khai nhiệm vụ công tác trọng tâm tới lãnh đạo đơn vị và các phòng chuyên môn. Ảnh: H.T

P.V: Thưa đồng chí, với truyền thống đoàn kết, tinh thần đổi mới, sáng tạo, những năm qua, KBNN Hòa Bình luôn nỗ lực phấn đấu hoàn thành xuất sắc các nhiệm vụ chính trị được giao. Xin đồng chí chia sẻ rõ hơn về kết quả này?

Đồng chí Lê Hoài Thanh: Từ khi thành lập đến nay, KBNN Hòa Bình luôn nhận được sự quan tâm, giúp đỡ kịp thời, chỉ đạo trực tiếp của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh và KBNN T.Ư để hoàn thành nhiệm vụ, trong đó, một trong những chức năng, nhiệm vụ chính là quản lý quỹ NSNN trên địa bàn. Đội ngũ cán bộ, công chức trong ngành không ngừng học tập, nghiên cứu để nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, cải tiến lề lối làm việc, lịch sự trong giao tiếp, giải quyết công việc công tâm, đúng pháp luật, từ đó thực hiện quản lý quỹ NSNN hiệu quả, tiết kiệm, chống lãng phí.

Bám sát dự toán thu NSNN được giao, các đơn vị KBNN trong tỉnh chủ động phối hợp chặt chẽ với cơ quan thu trên địa bàn thực hiện có hiệu quả các giải pháp, biện pháp theo chỉ đạo của KBNN T.Ư và địa phương trong tổ chức thu, tạo điều kiện thuận lợi cho đối tượng nộp thuế để tập trung nhanh, hoạch toán đầy đủ, kịp thời, chính xác các khoản thu cho các cấp ngân sách. Đồng thời, phối hợp với cơ quan thu, các ngân hàng thương mại đẩy mạnh công tác hiện đại hóa thu; khai thác có hiệu quả chương trình thu ngân sách tập trung; đôn đốc, xử lý các khoản tạm thu, tạm giữ kịp thời vào NSNN.

Ngoài ra, hàng năm, KBNN Hòa Bình phối hợp với các sở, ngành, địa phương và chủ đầu tư, ban quản lý tháo gỡ vướng mắc khi thực hiện dự toán NSNN; thực hiện giải pháp tích cực góp phần thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư, đáp ứng nhu cầu chi tiêu của các đơn vị sử dụng ngân sách, song vẫn đảm bảo quản lý chặt chẽ, đúng quy định các khoản chi NSNN.

Đặc biệt, thực hiện Chiến lược phát triển KBNN, một trong những nhiệm vụ trọng tâm của hệ thống là kiểm soát, thanh toán chi thường xuyên và chi đầu tư. Trong những năm gần đây, hướng tới xây dựng Chính phủ điện tử, hệ thống Kho bạc đã thực hiện kiểm soát thanh toán cho khách hàng nhanh chóng, thuận lợi, giảm thời gian thanh toán đầu tư xuống còn 1 - 3 ngày tùy theo từng loại hồ sơ, thanh toán chi thường xuyên từ 1 - 2 ngày. So với quy định của Chính phủ thì KBNN Hòa Bình đã giảm được hơn một nửa thời gian thanh toán.


Các phòng, ban, đơn vị trực thuộc Kho bạc Nhà nước tỉnh ký kết giao ước thi đua năm 2020.

Để tiến tới hình thành Kho bạc điện tử, KBNN Hòa Bình đã tích cực triển khai dịch vụ công (DVC) trực tuyến. Nhờ sự vào cuộc của các cấp, các ngành, đến nay đã triển khai được trên 95% đơn vị dự toán sử dụng ngân sách tham gia hệ thống DVC của Kho bạc. Phấn đấu đến ngày 30/6/2020, đơn vị sẽ hoàn thành kế hoạch triển khai DVC trực tuyến đối với tất cả các đơn vị sử dụng ngân sách trong tỉnh, sớm hơn 6 tháng so với quy định của Chính phủ. Đây là nỗ lực lớn của toàn ngành, góp phần tích cực vào chương trình cải cách hành chính, xây dựng Chính phủ điện tử, thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển KT-XH của địa phương.

P.V: Để thực hiện mục tiêu dài hạn của ngành là: "Duy trì ổn định, hoàn thiện chức năng, hiện đại hóa công nghệ và phát triển nguồn nhân lực”, trong giai đoạn tới, nhiệm vụ đặt ra đối với KBNN Hòa Bình là gì, thưa đồng chí?

Đồng chí Lê Hoài Thanh: Với phương châm hành động "Ổn định tổ chức, giữ vững đoàn kết, tập trung trí lực, thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ chính trị của toàn ngành”, trong thời gian tới, KBNN Hòa Bình quyết tâm phấn đấu hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao, đảm bảo an toàn tuyệt đối tiền và tài sản được giao trực tiếp quản lý; tiếp tục tập trung nguồn lực thực hiện thắng lợi Chiến lược phát triển KBNN đến năm 2020 và giai đoạn 2021 - 2030. Trong đó cùng với hệ thống KBNN thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm:

Tổ chức điều hành, quản lý quỹ NSNN đảm bảo chặt chẽ, an toàn, đúng luật; nâng cao vai trò, trách nhiệm của KBNN trong thực hiện nhiệm vụ tài chính - ngân sách, tăng cường quản lý chi tiêu công. Tổ chức tốt việc vận hành hệ thống thông tin quản lý ngân sách và kho bạc (TABMIS) với chế độ kế toán Nhà nước mới; khai thác, vận hành, duy trì tốt các chương trình ứng dụng phục vụ hoạt động nghiệp vụ KBNN được thông suốt, cung cấp thông tin đầy đủ, kịp thời, chính xác.

Bên cạnh đó, đơn vị tiếp tục chú trọng triển khai phương án sắp xếp, kiện toàn tổ chức bộ máy theo chỉ đạo của Bộ Tài chính, KBNN T.Ư, hướng tới mô hình tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Tăng cường đào tạo, bồi dưỡng để nâng cao trình độ, năng lực nhằm tạo nguồn nhân lực có trình độ chuyên môn thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm của ngành và Chiến lược phát triển KBNN giai đoạn 2021 - 2030. Đẩy mạnh cải cách hành chính nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động, tạo thuận lợi cho các tổ chức, cá nhân có giao dịch với KBNN. Đồng thời, chú trọng công tác kiểm tra, kiểm soát nội bộ trên tất cả các lĩnh vực hoạt động nghiệp vụ và quản lý nội bộ; kịp thời phát hiện, chấn chỉnh, cảnh báo các rủi ro có thể xảy ra...

Nhân dịp này, KBNN Hòa Bình xin trân trọng gửi lời cảm ơn sâu sắc tới Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh, KBNN T.Ư, các sở, ban, ngành, đoàn thể, các huyện, thành phố, đơn vị quân đội và doanh nghiệp của tỉnh Hòa Bình, các đơn vị trong hệ thống KBNN đã quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, phối hợp trên nhiều lĩnh vực, góp phần vào sự phát triển toàn diện của đơn vị. Trong thời gian tới, chúng tôi mong tiếp tục nhận được sự quan tâm chỉ đạo sát sao của các cấp lãnh đạo, sự phối hợp nhịp nhàng của các ngành, các đơn vị để KBNN Hoà Bình không ngừng phát triển và hoàn thành xuất sắc trọng trách được giao.

P.V: Xin trân trọng cảm ơn đồng chí!

 

Những thành tích nổi bật giai đoạn 2015 – 2019 

Những năm qua, từ phong trào thi đua yêu nước, KBNN tỉnh đã bồi dưỡng, nhân rộng các điển hình tiên tiến. Nhiều tập thể, cá nhân của KBNN tỉnh đã được tôn vinh, khen thưởng. Cụ thể: 

- Có 1 tập thể, 2 cá nhân vinh dự được đón nhận Huân chương Lao động hạng nhì; năm 2019 đề nghị 1 tập thể.

- 1 tập thể, 4 cá nhân được nhận Huân chương Lao động hạng ba; năm 2019 đề nghị 1 cá nhân.

- 6 cá nhân nhận bằng khen của Thủ tướng Chính phủ; năm 2019 đề nghị 4 cá nhân.

- 12 cá nhân đạt danh hiệu chiến sỹ thi đua ngành Tài chính và cấp tỉnh.

- 29 cá nhân nhận kỷ niệm chương Vì sự nghiệp tài chính Việt Nam; năm 2019 đề nghị 1 cá nhân.

- 3 tập thể được nhận cờ thi đua xuất sắc của Bộ Tài chính; 6 tập thể nhận cờ thi đua xuất sắc của tỉnh.

- 24 tập thể, 89 cá nhân nhận bằng khen của Bộ Tài chính; 18 tập thể, 30 cá nhân nhận bằng khen của UBND tỉnh.

- 63 lượt tập thể lao động xuất sắc; 5 tập thể, 208 lượt cá nhân được nhận giấy khen của Tổng Giám đốc KBNN.

- 125 lượt cá nhân đạt danh hiệu chiến sỹ thi đua cơ sở.

Ngoài ra, có nhiều tập thể, cá nhân đạt lao động giỏi, lao động tiên tiến và nhiều lượt tập thể, cá nhân được các cấp, các ngành, đoàn thể từ T.Ư đến địa phương tặng thưởng bằng khen, giấy khen và các hình thức khen thưởng khác.

   

H.N (thực hiện)

 


Các tin khác


Quý I, doanh thu du lịch giảm 48% so với cùng kỳ

(HBĐT) - Trước tình hình diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, huyện Cao Phong đã chủ động đẩy mạnh công tác tuyên truyền, triển khai phun khử khuẩn và các biện pháp phòng, chống dịch trên địa bàn huyện.

Tổng giá trị sản xuất ngành nông nghiệp đạt trên 2.200 tỷ đồng

(HBĐT) - Theo số liệu của Sở NN&PTNT, ước đến hết tháng 3, tổng giá trị sản xuất theo giá so sánh toàn ngành đạt trên 2.200 tỷ đồng, tăng 3,5% so với cùng kỳ (nông nghiệp 1.840 tỷ đồng, lâm nghiệp 304 tỷ đồng, thủy sản 64 tỷ đồng; tốc độ tăng tương ứng 3,3%, 4,5%, 6%).

Tìm giải pháp đạt “mục tiêu kép” phát triển KT-XH và phòng, chống dịch Covid-19

(HBĐT) - Đó là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu được các cấp, ngành, địa phương trong tỉnh quan tâm thực hiện nhằm giữ tăng trưởng kinh tế ổn định, bảo đảm đời sống Nhân dân trước tác động ngày càng gia tăng của dịch Covid-19.

Phòng trừ các đối tượng gây hại trên cây có múi

(HBĐT) - Tại một số địa phương ghi nhận các đối tượng đã phát sinh, đang bắt đầu gây hại trên cây ăn quả có múi như: rệp, bọ trĩ, nhện nhỏ, bệnh loét, sẹo, sâu vẽ bùa… Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật (TT&BVTV) đã ban hành các văn bản khuyến cáo, chỉ đạo Trạm TT&BVTV các huyện, thành phố kịp thời hướng dẫn nông dân biện pháp phòng trừ đối tượng gây hại cho cây trồng.

Giá trị sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp ước đạt trên 164 tỷ đồng

(HBĐT) - Theo báo cáo của UBND huyện Lạc Thủy, giá trị sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp quý I trên địa bàn huyện ước thực hiện 164,46 tỷ đồng (theo giá cố định 2010), đạt 24,6% kế hoạch năm.

Toàn tỉnh trồng được 597,98 ha rừng sản xuất

(HBĐT) - Tính đến giữa tháng 3, toàn tỉnh đã trồng được 597,98 ha rừng sản xuất trồng tập trung. Trong đó, trồng mới là 128,42 ha, rừng trồng lại sau khai thác là 469,56 ha. Trồng cây phân tán được 240.000 cây các loại.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục