(HBĐT) - Từ đầu năm đến nay, huyện Mai Châu có trên 3.000 hộ nghèo và các đối tượng chính sách được vay vốn tín dụng chính sách để đầu tư phát triển kinh tế. Vốn tín dụng chính sách tiếp tục đóng vai trò là "bà đỡ” cho công cuộc xóa đói, giảm nghèo ở huyện vùng cao này.


Cán bộ Phòng giao dịch Ngân hàng CSXH huyện Mai Châu kiểm tra việc sử dụng vốn vay của hộ dân tại xóm Hịch 2, xã Mai Hịch.

Mai Châu còn nhiều xóm, xã thuộc vùng khó khăn nên nhu cầu được tiếp cận vốn tín dụng chính sách của người dân rất cao. Những năm qua, Phòng Giao dịch (PGD) Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) huyện đã sâu sát cơ sở, nắm bắt nhu cầu vay vốn, giải ngân kịp thời đến người dân trên địa bàn. Nhờ được tiếp cận vốn chính sách, nhiều hộ đã có những bước tiến vững chắc trong hành trình vượt lên đói, nghèo. Như gia đình ông Hà Công Sồng, xóm Hịch 2, xã Mai Hịch trước đây thuộc diện hộ nghèo, đời sống kinh tế rất khó khăn. Do không có vốn để đầu tư phát triển chăn nuôi nên thu nhập chỉ trông chờ vào trồng ngô, trồng lúa. Năm 2010, được tạo điều kiện vay vốn ưu đãi từ NHCSXH, ông Sồng xây chuồng trại để chăn nuôi trâu, bò sinh sản. Đến nay, gia đình ông đã có 2 con trâu, 5 con bò, thu nhập mỗi năm trên 50 triệu đồng và đã thoát nghèo.

Gia đình ông Sồng chỉ là một trong hàng nghìn hộ vượt lên đói nghèo nhờ điểm tựa vốn chính sách. Vốn chính sách đã góp phần quan trọng trong công cuộc giảm nghèo của huyện Mai Châu, với mức giảm tỷ lệ hộ nghèo bình quân gần 3%/năm. Đồng chí Vũ Hoài Nam, Giám đốc PGD NHCSXH huyện cho biết: Từ đầu năm đến nay, dịch Covid-19 diễn biến phức tạp đã ảnh hưởng lớn đến đời sống của người dân, trong đó có hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác. Đồng thời, cũng ảnh hưởng không nhỏ đến việc thực hiện các giao dịch tín dụng chính sách tại các xã, thị trấn. Tuy nhiên, nhờ sự chỉ đạo kịp thời của cấp trên, NHCSXH huyện đã nỗ lực hoàn thành cơ bản các nhiệm vụ, kế hoạch đề ra, truyền tải kịp thời nguồn vốn tín dụng chính sách đến các đối tượng thụ hưởng.

Theo đó, 10 tháng năm 2021, nguồn vốn huy động tại địa phương đạt hơn 30,5 tỷ đồng, đạt 108,2% kế hoạch. Nguồn vốn ủy thác của địa phương tăng 741 triệu đồng, đạt 100% kế hoạch. Dư nợ các chương trình tín dụng hoàn thành 99,9% kế hoạch, tăng 19,7 tỷ đồng đồng so với năm 2020. Đến nay, tổng dư nợ tín dụng chính sách trên địa bàn huyện đạt trên 311 tỷ đồng. Không chỉ là điểm tựa trong công cuộc xóa đói, giảm nghèo mà hiện nay, vốn chính sách cũng góp phần quan trọng trong thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới. Minh chứng là PGD NHCSXH huyện đã chú trọng rà soát nhu cầu vay vốn để thực hiện chương trình cho vay nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn. Đây là chương trình có dư nợ tăng trưởng 9,7 tỷ đồng so với năm 2020, cao thứ hai trong các chương trình tín dụng. Thông qua chương trình cho vay này, thời gian qua trên địa bàn huyện có thêm gần 1.000 công trình nước sạch và vệ sinh môi trường được cải tạo, xây mới.

Trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, có thể nói, vốn tín dụng chính sách đã góp phần giúp hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác trên địa bàn huyện giảm bớt khó khăn, có vốn để tiếp tục đầu tư khôi phục, phát triển kinh tế. Đồng chí Vũ Hoài Nam cho biết thêm: Trong thời gian tới, đơn vị tiếp tục rà soát, nắm bắt nhu cầu vay vốn để xây dựng kế hoạch nhằm đáp ứng đủ nhu cầu vốn của hộ nghèo và đối tượng chính sách khác. Triển khai các chương trình tín dụng hiệu quả, đúng đối tượng thụ hưởng. Đồng thời, thực hiện nhiều giải pháp để tiếp tục nâng cao chất lượng tín dụng trên địa bàn.


Viết Đào

 


Các tin khác


Tiếp tục giãn, hoãn nợ cho doanh nghiệp

Ngân hàng Nhà nước vừa trình Chính phủ đề xuất: gia hạn thêm thời gian thực hiện Thông tư 02, về việc cơ cấu lại thời gian trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ thêm 6 tháng.

Lạc quan về triển vọng kinh tế Việt Nam

Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) đánh giá Việt Nam là một trong những nền kinh tế đóng góp phần lớn vào mức tăng trưởng tích cực của khu vực.

Điều kiện để trái bưởi tươi Việt Nam xuất khẩu vào Australia

Quả bưởi tươi của Việt Nam có thể được phép nhập khẩu vào thị trường Australia nếu sản phẩm đáp ứng các điều kiện an toàn sinh học.

Quyết liệt các giải pháp tăng nguồn thu ngân sách

Hiện đã qua 1/3 chặng đường thực hiện nhiệm vụ phát triển KT-XH năm 2024. Bằng việc triển khai đồng bộ, quyết liệt, linh hoạt các giải pháp nuôi dưỡng, phát triển nguồn thu, quản lý thu, tỉnh Hòa Bình đã đạt kết quả tích cực trong thu ngân sách nhà nước (NSNN).

Huyện Tân Lạc phòng chống dịch bệnh cho vật nuôi thời điểm nắng nóng

Thời điểm giao mùa, thời tiết thay đổi thất thường là môi trường thuận lợi cho các dịch bệnh bùng phát, lây lan trên đàn vật nuôi. Do đó, huyện Tân Lạc đã chỉ đạo các ngành chức năng và các xã, thị trấn phối hợp, hướng dẫn người chăn nuôi phương pháp chăm sóc, phòng, chống dịch bệnh cho đàn vật nuôi.

Chọn vàng hay bất động sản?

Vàng và bất động sản là 2 danh mục đang được người dân quan tâm bởi nhu cầu thực, tích lũy hay đầu tư đều lớn.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục