Tuy nhiên, trong bối cảnh thị trường trong và ngoài nước có sự cạnh tranh mạnh mẽ, nhất là những yêu cầu về kiểm dịch thực vật và tiêu chuẩn khắt khe về an toàn thực phẩm (ATTP) đã đặt ra thách thức lớn đối với vấn đề sản xuất, tiêu thụ nông sản (TTNS). Từ thực tế này, việc xác lập, quản lý và khai thác các mã số vùng trồng (MSVT), mã số cơ sở đóng gói (MSCSĐG) là giải pháp tốt nhất, bởi giúp chứng minh cho sự quản lý chặt chẽ từ khâu tổ chức sản xuất, chứng nhận ATTP đến thu hoạch, sơ chế và đóng gói sản phẩm.
Tại Hòa Bình, hoạt động hỗ trợ cấp MSVT, MSCSĐG được thực hiện từ năm 2019. Đến tháng 4/2022, tỉnh đã cấp được 14 MSVT với 168,73 ha canh tác cho các loại cây trồng là chuối, thanh long, nhãn, bưởi và 10 MSCSĐG (tăng 5 MSVT với 92,43 ha và 4 MSCSĐG so với năm 2020). Các vùng trồng thường xuyên được theo dõi, giám sát về đối tượng sinh vật gây hại và việc tuân thủ các quy định đảm bảo ATTP, kiểm dịch thực vật, góp phần tích cực hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm, nhất là hàng xuất khẩu.
Ngoài những cây trồng đã được cấp MSVT, hiện trong tỉnh có các sản phẩm cam, quýt, bưởi, lúa chất lượng cao nằm trong danh mục sản phẩm chủ lực đã được UBND tỉnh phê duyệt. Trong tỉnh cũng có nhiều sản phẩm đã, đang phát triển sản xuất hàng hóa là nhãn, thanh long, chuối, bí xanh, bí đỏ. Đặc biệt, có nhiều sản phẩm lợi thế vùng miền như: Mía tím, mía trắng, chè, ngô nếp, quả ôn đới (hồng, mận, đào), cây gia vị và cây dược liệu (gừng, sả, ớt, tỏi, xạ đen, xạ vàng, giảo cổ lam, sâm cau...), trong đó nhiều sản phẩm đã được xuất khẩu. Từ phát triển các sản phẩm trồng trọt đặt ra yêu cầu đẩy mạnh hơn nữa việc cấp MSVT, MSCSĐG để thúc đẩy phát triển bền vững, mở rộng thị trường xuất khẩu.
Tuy nhiên, theo đánh giá của Sở NN& PTNT, đến nay, số lượng, quy mô mã số được cấp còn khiêm tốn, kém xa tiềm năng phát triển và yêu cầu thực tiễn đặt ra. Việc sơ chế, đóng gói sản phẩm đúng quy định mới thực hiện được ở ít doanh nghiệp (DN) cho một số sản phẩm rau, chuối, chè. Trong khi đó, công suất của các cơ sở đóng gói còn nhỏ, dây chuyền, thiết bị lạc hậu. Nhiều HTX, người sản xuất chưa hiểu rõ tầm quan trọng và lợi ích của việc thiết lập và cấp MSVT, MSCSĐG cho vùng sản xuất của mình, dẫn đến cản trở việc mở rộng quy mô vùng trồng được cấp mã số, bỏ lỡ những đơn hàng lớn phục vụ xuất khẩu...
Bên cạnh đó, qua tìm hiểu được biết, hiện nay, việc sơ chế, đóng gói sản phẩm trồng trọt của các hộ dân, HTX, DN diễn ra ngay trên đồng ruộng hay tại những cơ sở nhỏ hẹp, không được trang bị dụng cụ, thiết bị phù hợp. Do vậy, chất lượng, mẫu mã sản phẩm không đồng đều, chưa đi đúng tâm lý khách hàng. Hạn chế về năng lực sơ chế, đóng gói chính là rào cản lớn với sản phẩm trồng trọt của tỉnh để vươn mạnh ra thị trường thế giới.
Từ thực tế trên cho thấy, hoạt động cấp MSVT, MSCSĐG được triển khai đồng bộ, bài bản là đòi hỏi tất yếu, cũng là giải pháp hữu hiệu để mở rộng thị trường TTNS nói chung và xuất khẩu nói riêng, nhất là trong xu hướng phát triển của thương mại điện tử đòi hỏi thông tin minh bạch, rõ ràng, cụ thể của sản phẩm.
Xác định tầm quan trọng của vấn đề và nhằm đẩy mạnh hơn nữa hiệu quả tổ chức sản xuất các vùng nguyên liệu tập trung, ngày 13/5/2022, UBND tỉnh có Văn bản số 735/ UBND-KTN chỉ đạo việc tăng cường công tác cấp và quản lý MSVT, MSCSĐG đối với sản phẩm trồng trọt. Theo đó yêu cầu: UBND các huyện, thành phố rà soát các vùng sản xuất hàng hóa tập trung; nâng quy mô diện tích trồng tập trung, thuần loài của những sản phẩm có thế mạnh, tiềm năng xuất khẩu đạt yêu cầu về diện tích của MSVT. Áp dụng đồng bộ các yêu cầu kỹ thuật nhằm đảm bảo ATTP ngay tại vùng sản xuất. Hỗ trợ công tác chứng nhận ATTP/GAP cho các vùng trồng tập trung. Đầu tư, hỗ trợ xây dựng, hoàn thiện các cơ sở thu mua, tập kết nông sản đáp ứng quy mô công suất; các điều kiện, tiêu chuẩn về trang thiết bị, dụng cụ, nhân lực để được cấp MSCSĐG. Hàng năm chủ động xây dựng kế hoạch thực hiện để cụ thể hóa nhiệm vụ được giao về cấp và quản lý MSVT, MSCSĐG theo các đề án đã được tỉnh phê duyệt. Tiếp nhận các MSVT, MSCSĐG đã được cấp và chỉ đạo cơ quan chuyên môn kiểm tra, giám sát việc duy trì các điều kiện của mã số đã được cấp. Đặc biệt chú ý giám sát việc sử dụng mã số trong các lô hàng xuất khẩu, tránh tình trạng sử dụng lẫn lộn, trà trộn mã số làm ảnh hưởng đến xuất khẩu hàng hóa.
Bên cạnh đó, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đinh Công Sứ chỉ đạo Sở NN&PTNT chủ động phối hợp các đơn vị liên quan của Bộ NN&PTNT thiết lập, đảm bảo các điều kiện kỹ thuật cần thiết đối với các vùng trồng, cơ sở đóng gói tại địa phương; tăng cường áp dụng CNTT để quản lý vùng trồng và cơ sở đóng gói, xây dựng cơ sở dữ liệu đảm bảo truy xuất nguồn gốc nhanh chóng, hiệu quả. Thông tin rộng rãi về yêu cầu kỹ thuật của MSVT, MSCSĐG; trình tự, thủ tục thẩm định, cấp mã số đến các địa phương, DN, cơ sở sản xuất biết, áp dụng. Đồng thời, chủ trì việc thiết lập và giám sát các mã số theo hướng dẫn của Bộ NN&PTNT. Chú trọng tập huấn, tuyên truyền về thiết lập, giám sát MSVT, cơ sở đóng gói; hướng dẫn nông dân quy trình canh tác theo hướng sử dụng vật tư đầu vào tiết kiệm, an toàn hiệu quả, thu gom và xử lý bao gói thuốc BVTV, chất thải nhựa trong sản xuất trồng trọt theo đúng quy định.
Đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh cũng yêu cầu Sở NN&PTNT chủ động đề xuất với tỉnh xây dựng các chính sách khuyến khích, hỗ trợ phát triển các vùng trồng và cơ sở đóng gói theo quy mô sản xuất hàng hóa phục vụ TTNS trong nước và xuất khẩu. Tăng cường chỉ đạo kiểm tra việc quản lý, sử dụng MSVT, MSCSĐG, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.
Đối với Sở Công Thương, UBND tỉnh yêu cầu: Chủ trì, phối hợp các sở/ngành liên quan, nghiên cứu, rà soát, bổ sung các cơ chế, chính sách về thương mại một cách linh hoạt, hiệu quả, tạo thuận lợi thúc đẩy TTNS chủ lực và lợi thế của tỉnh; đẩy mạnh hoạt động xúc tiến thương mại, thu hút các DN ký kết hợp đồng thu mua nông sản tại các vùng trồng được cấp mã số, tạo thuận lợi cho TTNS trong nước và xuất khẩu. Thường xuyên cập nhật tình hình xuất khẩu nông sản, thông tin về những thuận lợi, khó khăn, vướng mắc, báo cáo kịp thời về UBND tỉnh để có biện pháp tháo gỡ, tạo điều kiện thuận lợi cho các DN tiêu thụ và xuất khẩu nông sản.
UBND tỉnh chỉ đạo Sở Tài chính chủ động tham mưu việc bố trí nguồn lực từ NSNN, các chương trình, dự án theo quy định của pháp luật, hướng dẫn lồng ghép các nguồn vốn đảm bảo thực hiện hiệu quả công tác cấp và quản lý, giám sát MSVT, cơ sở đóng gói...
Bình Giang