(HBĐT) - Hai năm trước, cây gai xanh lần đầu tiên được trồng thử nghiệm ở huyện Đà Bắc với gần 20 hộ tham gia trồng, diện tích khoảng 8 ha. Đến nay, mô hình trồng gai xanh đem lại hiệu quả kinh tế khá, là hướng đi triển vọng trong chuyển đổi cơ cấu kinh tế ở huyện vùng cao này.


Sau hơn 2 năm đưa vào trồng, hiện cây gai xanh phát triển tốt tại xã Trung Thành (Đà Bắc).

Cây gai xanh được triển khai trồng trên địa bàn huyện    Đà Bắc từ năm 2021, đến nay đã phát triển tại các xã: Trung Thành, Mường Chiềng, Đồng Chum, Yên Hòa, Cao Sơn, Đoàn Kết và Tú Lý, tổng diện tích trên 100 ha. Các hộ trồng gai xanh ký hợp đồng trực tiếp với HTX Dịch   vụ nông nghiệp Hoà Bình (TP     Hòa Bình), Công ty TNHH Gai xanh Hòa Bình (đơn vị đối tác của Công ty CP An Phước) để liên kết, tổ chức sản xuất, tiêu thụ, hỗ trợ kỹ thuật và giám sát chất lượng sản phẩm. Sau 2 năm, cây gai xanh đã và đang đem lại hiệu quả kinh tế thiết thực, cao hơn so với trồng ngô, sắn. 

Trung Thành là xã đầu tiên của huyện Đà Bắc đưa cây gai xanh vào trồng thử nghiệm. Đồng chí Lường Thị Thơ, quyền Chủ tịch UBND xã cho biết: Hiện nay, cây gai xanh phát triển rất tốt, phù hợp với đồng đất. Toàn xã hiện có hơn 50 ha trồng gai xanh, tập trung ở các xóm: Trung Tằm, Bay và Búa. So với các cây trồng truyền thống thì cây gai xanh có nhiều ưu điểm, như chỉ trồng một lần, cây gai xanh cho thu hoạch liên tục trong 10 năm, hiệu quả kinh tế đem lại cao gấp nhiều lần so với trồng ngô. Ngoài ra, trồng gai xanh góp phần bảo vệ môi trường vì hạn chế sử dụng thuốc trừ cỏ. 

Chúng tôi đến thăm vùng trồng gai xanh của xóm Trung Tằm với diện tích cả chục ha. Thời điểm này, khi thời tiết ấm dần, cây gai xanh phát triển tốt. Theo chia sẻ của người dân, sau 2 năm được trồng tại đất Trung Thành, cây gai xanh trở thành niềm hy vọng không chỉ giúp bà con xóa đói, giảm nghèo mà còn có thể làm giàu.

Gia đình chị Xa Thị Quý là một trong những hộ mới chuyển sang trồng cây gai xanh ở xóm Trung Tằm. Trước đây, gia đình chị Quý chỉ trồng ngô, hiệu quả kinh tế không cao. Nhận thấy một số hộ  trong xóm trồng cây gai xanh có thu nhập khá ổn định, gia đình chị đã chuyển hơn 1.000 m2 đất trồng ngô sang trồng cây gai xanh. Chị Quý chia sẻ: "Trồng cây gai xanh đỡ vất vả hơn, đầu ra đã có doanh nghiệp tiêu thụ. Chúng tôi hy vọng mô hình này sẽ phát triển bền vững để người dân có thu nhập ổn định, không còn phải đi làm ăn xa nữa”. 

Đồng chí Bùi Khắc Vinh, Trưởng phòng NN&PTNT huyện Đà Bắc cho biết: Phát triển cây gai xanh là giải pháp phù hợp cho người dân trong chuyển đổi cơ cấu cây trồng. Loài cây này phù hợp với thời tiết, khí hậu, thổ nhưỡng của huyện. Bước đầu, việc liên kết sản xuất, tiêu thụ cây gai xanh ở huyện Đà Bắc đúng hướng. Tuy nhiên, đây là cây trồng mới nên người dân còn tâm lý e ngại để mở rộng diện tích trồng. Chưa có cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển cho cây gai xanh, phần lớn nguồn lực do người dân và đối tác của công ty tự đầu tư nên việc đầu tư phân bón, máy móc phục vụ sản xuất còn hạn chế. Huyện sẽ tiếp tục tuyên truyền rộng rãi để người dân nắm được về lợi ích, hiệu quả kinh tế phát triển cây gai xanh. Phối hợp với công ty, HTX tập huấn kỹ thuật và hỗ trợ người dân trong phát triển, mở rộng mô hình cây gai xanh.

Để phát triển cây gai xanh bền vững ở đất Đà Bắc, chính quyền và người dân nơi đây mong muốn nhận được sự hỗ trợ xây dựng các mô hình sản xuất, thực hiện các chính sách khuyến khích, hỗ trợ đầu tư phát triển sản xuất. Đẩy mạnh chuyển giao và áp dụng tiến bộ khoa học vào sản xuất, nâng cao năng suất và chất lượng. Có cơ chế, chính sách phát triển thị trường, tổ chức tốt hệ thống dịch vụ liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm cho người dân. Tạo điều kiện thuận lợi để khuyến khích các thành phần kinh tế, tổ chức, cá nhân trong và ngoài huyện hợp tác, đầu tư phát triển trồng cây gai xanh.

Viết Đào


Các tin khác


UBND huyện Lương Sơn xử phạt chủ đầu tư, yêu cầu dừng thi công dự án khu đô thị Đông Trường Sơn 

(HBĐT) - Ngày 26/5, UBND huyện Lương Sơn ban hành Quyết định số 904 xử phạt hành chính 40 triệu đồng đối với Công TNHH Legacy Riverside, số nhà 01, ngõ 21, đường Phạm Văn Đồng, tiểu khu 13, thị trấn Lương Sơn, huyện Lương Sơn vì đã thực hiện hành vi vi phạm hành chính: Khởi công xây dựng công trình chưa có mặt bằng được bàn giao, thiếu mặt bằng xây dựng theo tiến độ dự án khu đô thị sinh thái nghỉ dưỡng cao cấp Đông Trường Sơn tại huyện Lương Sơn.

Thông báo kết thúc niên vụ Cam Cao Phong 2022 – 2023

(HBĐT) - UBND huyện Cao Phong vừa ban hành Công văn số 1120 gửi các cơ quan thông tấn báo chí T.Ư và địa phương, các sở, ngành trong tỉnh thông báo kết thúc niên vụ Cam Cao Phong 2022 – 2023.

Thúc đẩy công nghiệp chế biến sâu thủy sản

Trong tháng 5/2023, kim ngạch xuất khẩu thủy sản đạt 900 triệu USD, giảm 14,4% so với cùng kỳ năm 2022 và các mặt hàng chủ lực đều giảm sâu từ tháng 4, như cá tra giảm 52%, tôm sụt giảm 35%, cá ngừ giảm 38% và mực bạch tuộc giảm 11%...

Bàn giao cơ quan có thẩm quyền dự án đầu tư xây dựng và cải tạo đường giao thông

(HBĐT) - Ngày 30/5, Bộ GTVT và UBND tỉnh tổ chức bàn giao cơ quan có thẩm quyền Dự án đầu tư xây dựng  đường Hòa Lạc - Hòa Bình và cải tạo, nâng cấp Quốc lộ (QL) 6 đoạn Xuân Mai - Hòa Bình theo hình thức BOT. Các đồng chí: Lê Đình Thọ, Thứ trưởng Bộ GTVT; Quách Tất Liêm, Phó Chủ tịch UBND tỉnh đồng chủ trì hội nghị.

Triển vọng phát triển cây nha đam tại xã Nhân Mỹ

(HBĐT) - Với kinh nghiệm nhiều năm xây dựng và phát triển mô hình vườn ao chuồng, bà Bùi Thị Lý ở xóm Ào U, xã Nhân Mỹ (Tân Lạc) đã chuyển đổi nhiều giống cây trồng, từ lúa nước đến các loại rau, củ, quả. Nhận thấy tiềm năng của cây nha đam có thể đem lại hiệu quả kinh tế cao, bà Lý mạnh dạn đầu tư phát triển giống cây này tại địa phương.

Khơi thông nguồn vốn tín dụng, tháo gỡ khó khăn cho khách hàng

(HBĐT) - Xác định nguồn vốn tín dụng có vai trò quan trọng đối với phát triển KT-XH địa phương, thời gian qua, ngành ngân hàng tỉnh đã quyết liệt thực hiện đồng bộ các giải pháp về tiền tệ, tín dụng góp phần tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ phục hồi và tăng trưởng KT-XH ở mức hợp lý.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục