(HBĐT) - Những năm gần đây, mặt hàng lưu niệm, quà tặng có sức tiêu thụ cao, trong đó có mặt hàng thú nhồi bông. Nhận thấy điều đó, anh Quách Văn Bắc, hội viên nông dân xóm Cuốc, xã Bình Hẻm (Lạc Sơn) đã mạnh dạn tìm tòi, học hỏi xây dựng mô hình sản xuất thú nhồi bông đem lại hiệu quả kinh tế cao.
Hợp tác xã may Lộc Phát Bình Hẻm, xã Bình Hẻm (Lạc Sơn) giải quyết việc làm cho gần 60 lao động với mức thu nhập từ 5 - 7,5 triệu đồng/người/tháng.
Từ cuối năm 2021, sau khi đi tham khảo, học hỏi các mô hình sản xuất thú nhồi bông đã làm trước đó ở huyện Yên Thủy, Lạc Thủy, nhận thấy đây là mô hình hay, độc đáo, chưa có nhiều người làm lại đem lại hiệu quả cao, anh Bắc quyết tâm đầu tư trang thiết bị máy móc, nhà xưởng... để sản xuất thú nhồi bông. Thời gian đầu anh đầu tư 20 máy may, mỗi máy trị giá 8,7 triệu đồng. Vừa học vừa làm, tay nghề kỹ thuật của công nhân được nâng cao, xưởng may của anh dần hoạt động ổn định.
Tháng 8/2022, anh Bắc thành lập Hợp tác xã (HTX) may Lộc Phát Bình Hẻm với ngành nghề chính là may gia công thành phẩm thú nhồi bông xuất khẩu. Sau hơn 2 năm phát triển, đến nay HTX xây dựng được 2 xưởng sản xuất tại xóm Khướng và xóm Cuốc với hơn 50 máy may. Xưởng may tạo việc làm cho gần 60 người trên địa bàn xã và các xã lân cận. Đa số công nhân là phụ nữ, độ tuổi trung bình từ 25 - 40 tuổi. Thu nhập bình quân của công nhân từ 5 - 7,5 triệu đồng/người/tháng. Ngoài phần lương cố định hàng tháng, công nhân may của HTX sẽ được hưởng lương thêm theo sản phẩm, ai có tay nghề tốt, đảm bảo chất lượng, số lượng được hưởng lương cao hơn. Nhờ vậy khuyến khích chị em hăng hái, nhiệt tình hơn trong công việc.
Anh Quách Văn Bắc, Giám đốc HTX may Lộc Phát Bình Hẻm cho biết: HTX liên kết với Công ty TNHH sản xuất, thương mại và dịch vụ Tây Bắc. Công ty lo phần nguyên vật liệu đầu vào và bao tiêu sản phẩm đầu ra, hướng dẫn tiêu chuẩn kỹ thuật cho công nhân may. Các loại mẫu mã sản phẩm rất đa dạng, được công ty thay đổi liên tục để phù hợp với thị trường.
Mỗi tháng HTX cung cấp ra thị trường khoảng 25 - 28 nghìn sản phẩm, từ khoảng tháng 9 trở đi nhu cầu cần nhiều hơn, đặc biệt vào dịp gần Tết. Thông thường 20 công nhân 1 ngày có thể làm từ 800 - 1.000 sản phẩm loại bé, 700 - 800 sản phẩm loại to. Sau khi hoàn thiện các công đoạn, sản phẩm được công ty kiểm tra và thu mua bán ra thị trường cả trong nước và quốc tế, giá thu mua trung bình khoảng 5.000 - 6.000 đồng/sản phẩm loại bé, từ 9.000 - 10.000 đồng/sản phẩm loại to. Năm 2022, doanh thu của HTX đạt 1,8 tỷ đồng.
Anh Bắc chia sẻ: Từ khi thành lập HTX và đi vào hoạt động đã giúp chị em ở xã có thêm nguồn thu nhập, bớt đi phần nào sự vất vả từ công việc đồng áng. Thời gian tới, HTX mong muốn phối hợp Hội Phụ nữ và Trung tâm học tập cộng đồng xã mở các lớp tập huấn kỹ thuật, đào tạo, nâng cao tay nghề cho công nhân để có thể đáp ứng nhu cầu ngày càng cao về chất lượng sản phẩm. Từ đó giúp tăng thêm nhân công đã qua đào tạo để HTX tiếp tục phát triển, mở rộng quy mô sản xuất.
Đồng chí Bùi Văn Kiệm, Chủ tịch Hội Nông dân xã Bình Hẻm cho biết: Mô hình sản xuất thú nhồi bông của HTX may Lộc Phát Bình Hẻm là một trong những điển hình sản xuất - kinh doanh giỏi, được UBND huyện công nhận là điển hình tiên tiến cấp huyện. Mặc dù địa bàn xã còn nhiều khó khăn, sản xuất nông nghiệp là chính, nhưng những nghề phụ như sản xuất thú nhồi bông của HTX may Lộc Phát Bình Hẻm đã giúp giải quyết phần nào vấn đề việc làm tại địa phương, mang lại thu nhập ổn định, cải thiện, nâng cao đời sống cho người dân.
Hoàng Dương
(HBĐT) - Nhằm đáp ứng yêu cầu học nghề, tạo việc làm ổn định, nâng cao thu nhập cho nông dân, thời gian qua, các cấp Hội Nông dân (HND) trong tỉnh tích cực phối hợp đẩy mạnh hoạt động hỗ trợ, tư vấn, dạy nghề cho hội viên nông dân (HVND). Qua đó giúp nông dân có thêm kiến thức, kỹ năng ứng dụng khoa học kỹ thuật (KHKT) vào sản xuất, từng bước vươn lên thoát nghèo và làm giàu chính đáng.
(HBĐT) - Tính từ tháng 10/2017 - 10/2023 vừa tròn 6 năm, xã Yên Hòa (Đà Bắc) hồi sinh mạnh mẽ sau trận lũ lịch sử. Kinh tế ở xã có bước phát triển khá, hệ thống giao thông được tu sửa, công trình hạ tầng thiết yếu được quan tâm đầu tư xây dựng. Đời sống người dân dần ổn định, thu nhập cải thiện, góp phần thúc đẩy phát triển KT-XH địa phương.
(HBĐT) - Đảm bảo an toàn thực phẩm (ATTP) và nâng cao chất lượng các loại nông sản là nền tảng để gia tăng giá trị, niềm tin của người tiêu dùng vào sản phẩm, góp phần đảm bảo sức khỏe cho cộng đồng, thúc đẩy mở rộng thị trường tiêu thụ, đặc biệt là mở rộng xuất khẩu. Vì vậy, thời gian qua, ngành Nông nghiệp tỉnh tiếp tục triển khai nhiều giải pháp đồng bộ để cải thiện chất lượng nông, lâm, thủy sản.
(HBĐT) - Thời gian qua, mặc dù tỉnh và các sở, ngành, huyện, thành phố quyết liệt chỉ đạo, tìm cách tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản (BĐS), nhưng nhìn chung tình hình vẫn chưa có tín hiệu cải thiện.
(HBĐT) - Từ năm 2020 đến nay, trên địa bàn tỉnh xây dựng 66 công trình điện, tổng mức đầu tư 1.394 tỷ đồng. Hòa Bình hiện được cấp điện từ 2 nguồn chính: hệ thống điện lưới quốc gia và các nhà máy thủy điện nhỏ, hệ thống năng lượng mặt trời. Ngoài ra, còn một số đường dây liên kết với tỉnh Sơn La, Ninh Bình. Điện lưới quốc gia đã đến các xã vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn của tỉnh.