Nhằm khơi dậy ý chí tự lực, tự cường, phong trào thi đua "Vì người nghèo - không để ai bị bỏ lại phía sau” giai đoạn 2021 - 2025 trên địa bàn huyện Cao Phong đã, đang phát huy tinh thần đoàn kết, sức mạnh của cả hệ thống chính trị trong việc tuyên truyền, nâng cao nhận thức, sự chủ động, sáng tạo của mỗi cá nhân, tập thể và gia đình.
Với nguồn thu ổn định từ trồng trọt và chăn nuôi, năm 2022, gia đình bà Nguyễn Thị Chính, xã Bắc Phong (Cao Phong) đã vươn lên thoát nghèo.
Trước đây, gia đình bà Nguyễn Thị Chính là hộ nghèo của xã Bắc Phong. Với sự quan tâm của cấp ủy, chính quyền địa phương cùng nỗ lực của gia đình, năm 2022 gia đình bà thoát nghèo nhờ tích cực lao động sản xuất, phát triển kinh tế. Từ trồng cây ăn quả có múi và chăn nuôi, mỗi năm gia đình để ra được hơn 100 triệu đồng. Bà Chính chia sẻ: Tôi luôn động viên các con, cháu phải tích cực lao động, sản xuất. Gia đình tôi đã thoát nghèo và cũng không muốn rơi vào cảnh ăn bữa sáng lo bữa tối như trước đây.
Xã vùng cao Thạch Yên với xuất phát điểm thấp, trình độ dân trí không đồng đều, tỷ lệ hộ nghèo cao, địa hình chủ yếu là đồi núi, điều kiện tự nhiên khắc nghiệt, thiếu sự liên kết trong sản xuất… nên thiếu nguồn lực để đầu tư xây dựng nông thôn mới (NTM). Tuy nhiên, bằng nhiều giải pháp đồng bộ và quyết liệt, đến hết năm 2022, xã đã giảm từ 323 hộ nghèo còn 188 hộ; giảm từ 333 hộ cận nghèo còn 264 hộ. Tỷ lệ hộ nghèo còn 8,74%. Xã phấn đấu cán đích NTM vào năm 2024. Theo đồng chí Bùi Văn Hậu, Phó Chủ tịch UBND xã Thạch Yên, để hạn chế tái nghèo và phát sinh nghèo, địa phương đã vận động, tuyên truyền cán bộ, nhân dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi hợp lý; tham gia các lớp tập huấn, chuyển giao khoa học kỹ thuật; nhân rộng các mô hình, điển hình tiên tiến để bà con học tập, làm theo.
Huyện Cao Phong có 9 xã, 1 thị trấn, trong đó có 2 xã và 4 xóm đặc biệt khó khăn (ĐBKK). Với mục tiêu thực hiện tốt các chính sách giảm nghèo và an sinh xã hội, những năm qua, huyện tập trung đầu tư phát triển KT-XH; đẩy mạnh xây dựng cơ sở hạ tầng thiết yếu, nhất là đối với các xã, xóm ĐBKK; hỗ trợ nguồn lực cho hộ nghèo, cận nghèo phát triển kinh tế... Giai đoạn 2021 - 2023, huyện giải quyết cho 850 lượt hộ nghèo được vay tổng số vốn hơn 43 tỷ đồng; 788 lượt hộ cận nghèo vay gần 42 tỷ đồng; 510 hộ mới thoát nghèo được vay hơn 28,5 tỷ đồng; 1.320 người lao động được vay vốn Quỹ quốc gia về việc làm; 18 người vay vốn đi xuất khẩu lao động. Qua đó góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo của huyện còn 6,69% vào năm 2022. Năm 2023, huyện phấn đấu tỷ lệ hộ nghèo giảm thêm 1,7% (còn 4,99%).
Hiện, toàn huyện còn 784 hộ nghèo và 934 hộ cận nghèo, trong đó 77,04% hộ nghèo và 56,96% hộ cận nghèo thiếu hụt về nhà ở. Để giải quyết khó khăn này, với vai trò là lực lượng nòng cốt, MTTQ các cấp trong huyện luôn đồng hành giúp hộ nghèo, hộ cận nghèo nâng cao nhận thức, hành động để thoát nghèo; hỗ trợ người nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn những điều kiện căn bản như: nhà ở, việc làm, sinh kế… Từ năm 2021 đến nay, MTTQ các cấp, các tổ chức thành viên và doanh nghiệp đã bàn giao 195 ngôi nhà, tổng trị giá 4,8 tỷ đồng. Triển khai có hiệu quả tháng cao điểm "Vì người nghèo” hàng năm.
Bên cạnh đó, huyện thực hiện có hiệu quả các chính sách giảm nghèo với 100% hộ thuộc đối tượng người nghèo, cận nghèo được khám, chữa bệnh tại nơi đăng ký khám, chữa bệnh ban đầu. Cấp thẻ BHYT miễn phí cho 3.003 lượt người nghèo, 43.153 lượt người dân tộc thiểu số sinh sống tại vùng điều kiện KT-XH khó khăn và ĐBKK, 2.394 lượt người thuộc hộ cận nghèo và 420 lượt người Kinh sống ở vùng 135. Hỗ trợ hơn 1,3 tỷ đồng tiền điện cho 2.145 lượt hộ nghèo. Đào tạo nghề miễn phí cho 1.498 lao động nông thôn. Hỗ trợ hơn 4 tỷ đồng học phí, chi phí học tập, tiền ăn trưa cho trẻ em mầm non, học sinh ở xã, xóm ĐBKK…
Đồng chí Bùi Anh Tuấn, Phó Chủ tịch UBND huyện Cao Phong khẳng định: Phong trào thi đua "Vì người nghèo - không để ai bị bỏ lại phía sau” đã góp phần quan trọng trong mục tiêu giảm nghèo đa chiều, hạn chế tái nghèo và phát sinh nghèo; hỗ trợ người nghèo, hộ nghèo vượt lên mức sống tối thiểu, tiếp cận và thụ hưởng các dịch vụ xã hội cơ bản. Quá trình triển khai, thực hiện, địa phương đã lồng ghép với nhiều chương trình, dự án phát triển KT-XH. Việc thực hiện các chính sách, dự án hỗ trợ tại các xã ĐBKK luôn được các cấp ủy Đảng, chính quyền, đoàn thể trong huyện quan tâm chỉ đạo, được nhân dân đồng tình, ủng hộ. Qua đó, hộ nghèo, cận nghèo, hộ mới thoát nghèo được hỗ trợ, cải thiện về đời sống, tiếp cận tốt hơn các chính sách, nguồn lực giúp họ nỗ lực vươn lên, tạo cơ hội thoát nghèo, ổn định cuộc sống. Huyện phấn đấu giảm tỷ lệ hộ nghèo bình quân mỗi năm từ 1 - 1,5%.
Minh Tuấn
(Trung tâm VH-TT&TT huyện Cao Phong)
Trong điều kiện hàng hóa, sản phẩm nông nghiệp tiêu thụ chậm, xuống giá, nhưng với dê cỏ trên thị trường vẫn giữ giá và luôn trong tình trạng không có để bán. Đây là hướng phát triển kinh tế của những hộ nuôi dê cỏ ở xã Tú Lý (Đà Bắc).
Xác định phát triển kinh tế là nhiệm vụ trọng tâm, thời gian qua, Đảng bộ xã Xuân Thủy (Kim Bôi) đã lãnh đạo, chỉ đạo Nhân dân tập trung thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế. Nhờ đó, diện mạo nông thôn Xuân Thủy ngày càng khởi sắc, đời sống vật chất, tinh thần của người dân được nâng cao.
Điện là sản phẩm hàng hóa đặc thù, được coi như đầu vào của mọi đầu vào, đóng vai trò và vị trí hết sức quan trọng trong nền kinh tế, bảo đảm đời sống dân sinh, an ninh - quốc phòng của đất nước.
Cục Đăng kiểm Việt Nam cho biết đã xây dựng chương trình cảnh báo phương tiện để các trung tâm đăng kiểm xe cơ giới trên toàn quốc, Phòng Kiểm định xe cơ giới thực hiện cảnh báo các xe khiếm khuyết, xe vi phạm giao thông... và không thực hiện cấp giấy chứng nhận, tem kiểm định cho các phương tiện bị cảnh báo.
Thông tin từ Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội, Trung tâm Phát triển quỹ đất Hà Nội (đơn vị trực thuộc Sở) đã tổ chức thành công Phiên đấu giá quyền khai thác khoáng sản đối với 3 điểm mỏ cát (đợt 1) tại huyện Ba Vì và quận Bắc Từ Liêm.
Tham gia đấu giá có 41 tổ chức, cá nhân đủ điều kiện được Sở Tài nguyên và Môi trường xét chọn. Đáng chú ý, thời gian đấu giá kéo dài từ 9 giờ ngày 5/11 xuyên đêm đến khoảng 6 giờ ngày 6/11 với tổng số tiền trúng đấu giá thu về cho ngân sách thành phố lên đến gần 1.700 tỷ đồng, cao gấp nhiều lần giá khởi điểm.
Bước vào mùa đông cũng là thời điểm khoai sọ xã Sơn Thủy (Mai Châu) vào vụ thu hoạch. Những năm gần đây, sản phẩm khoai sọ được khách hàng trong và ngoài tỉnh tin tưởng lựa chọn bởi chất lượng thơm ngon. Năm 2020, khoai sọ xã Sơn Thủy được Cục Sở hữu trí tuệ cấp nhãn hiệu chứng nhận "Khoai sọ Phúc Sạn".