Xác định phát triển kinh tế là nhiệm vụ trọng tâm, thời gian qua, Đảng bộ xã Xuân Thủy (Kim Bôi) đã lãnh đạo, chỉ đạo Nhân dân tập trung thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế. Nhờ đó, diện mạo nông thôn Xuân Thủy ngày càng khởi sắc, đời sống vật chất, tinh thần của người dân được nâng cao.
Nhãn là cây trồng chủ lực, song năm 2023 nhãn mất mùa, rớt giá đã đặt ra "bài toán" về nâng cao hiệu suất cây trồng và liên kết tiêu thụ sản phẩm cho xã Xuân Thủy (Kim Bôi).
Xã Xuân Thủy có trên 1.200 ha đất sản xuất nông nghiệp. Tuy nhiên, ruộng đất manh mún, nhiều nơi còn phân tán, xen kẽ trong khu dân cư, do vậy hiệu quả sản xuất không cao. Khắc phục tình trạng trên, nhằm tạo điều kiện thực hiện quy hoạch vùng sản xuất nông nghiệp tập trung, xây dựng cánh đồng mẫu lớn, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ xã đã đề cập đến nhiệm vụ dồn điền đổi thửa (DĐĐT), phục vụ tái cơ cấu ngành nông nghiệp trên địa bàn.
Ngay sau khi nghị quyết ban hành, UBND xã xây dựng kế hoạch thực hiện, xem đây là "đòn bẩy” tạo đà cho các ngành nghề cùng phát triển, làm cơ sở xây dựng nông thôn mới (NTM). Theo đó, xã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo công tác DĐĐT, huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, có sự tham gia ý kiến và quyết định của Nhân dân, tạo đồng thuận cao.
Đồng chí Chủ tịch UBND xã Bùi Văn Tú cho biết: Xác định DĐĐT là vấn đề nhạy cảm, do đó công tác tuyên truyền, vận động được tiến hành tập trung, bảo đảm đến được mọi đối tượng để người dân hiểu, tự giác thực hiện. Một nguyên tắc quan trọng được xã đề cao trong quá trình thực hiện DĐĐT là việc bàn bạc, thảo luận dân chủ, công khai nhằm tạo đồng thuận, ủng hộ từ chính những người trực tiếp được lợi từ việc DĐĐT. Quá trình thực hiện DĐĐT phải đồng thời đo đạc, chỉnh lý hồ sơ địa chính, đảm bảo chính xác với thực tế để làm cơ sở cấp đổi giấy chứng nhận quyền sử dụng đất sau DĐĐT. Chính vì vậy, công tác DĐĐT thực sự đi vào lòng dân, trở thành việc chung của mọi gia đình, qua đó giúp cho quá trình tổ chức triển khai thực hiện đảm bảo đúng tiến độ.
Với cách làm đó, từ đầu nhiệm kỳ đến nay, xã Xuân Thủy đã hoàn thành DĐĐT tại 1 trong 4 xóm cần thực hiện, với tổng diện tích 8ha. 3 xóm còn lại dự kiến hoàn thành trong quý I/2024. Hiện nay, trên địa bàn bước đầu hình thành các vùng sản xuất tập trung với những mô hình chủ yếu: trồng nhãn và cây có múi, trồng bí lấy hạt, nuôi ong lấy mật… Hàng năm, diện tích gieo trồng toàn xã đạt trên 1.400 ha, đạt 116,28% chỉ tiêu nghị quyết đề ra.
Song song với sản xuất nông nghiệp, công tác quản lý, bảo vệ rừng được cấp ủy, chính quyền xã quan tâm. Nhân dân tích cực tham gia xây dựng NTM. Xã tập trung tuyên truyền, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân phát triển đa dạng ngành nghề sản xuất tiểu thủ công nghiệp, chủ động tìm đầu ra cho sản phẩm… Trong 3 năm qua xã đã mở hàng chục lớp học nghề như: may túi sách siêu thị, mây tre đan… tạo việc làm, tăng thu nhập cho Nhân dân.
Theo đồng chí Chủ tịch UBND xã, từ đầu nhiệm kỳ đến nay, tỷ lệ hộ nghèo của xã giảm 2%/năm, đạt chỉ tiêu nghị quyết đại hội; thu nhập bình quân tính đến giữa nhiệm kỳ đạt 34,4 triệu đồng/người/năm, bằng 66,2% chỉ tiêu nghị quyết. Tuy nhiên phải thẳng thắn nhìn nhận, việc thực hiện các chỉ tiêu phát triển kinh tế còn những hạn chế như: Giá trị sản xuất tiểu thủ công nghiệp thấp, chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế của xã; cải cách hành chính chưa đáp ứng được yêu cầu. Xã mới đạt 14/19 tiêu chí xây dựng NTM, tuy đã đạt chỉ tiêu nghị quyết đại hội, song so với mặt bằng chung của huyện còn ở mức thấp. Năm 2023, vùng nhãn Sơn Thủy mất mùa, rớt giá, trong khi đây được xem là cây trồng chủ lực của địa phương. Thời gian tới, xã mong muốn chính quyền các cấp quan tâm, hỗ trợ thực hiện các giải pháp để duy trì, phát triển cây trồng. Tạo mối liên kết tiêu thụ sản phẩm, mở rộng thị trường trong nước và tiếp tục xuất khẩu. Khuyến khích hộ dân trồng nhãn tích cực học hỏi kinh nghiệm của những vườn mẫu, ứng dụng hiệu quả khoa học kỹ thuật vào sản xuất, nâng cao thu nhập, hoàn thành các nhiệm vụ phát triển KT-XH địa phương.
Minh Vũ
Giá dầu tăng trong phiên giao dịch 6/11 sau khi các nước xuất khẩu dầu hàng đầu Saudi Arabia và Nga tái khẳng định cam kết cắt giảm nguồn cung cho đến cuối năm nay.
Trả lời câu hỏi chất vấn sáng 6/11 của đại biểu Quốc hội Trần Thị Vân (Bắc Ninh) về tăng trưởng tín dụng vẫn thấp, đồng thời đề nghị Thống đốc Ngân hàng Nhà nước cho biết giải pháp đạt mục tiêu tăng trưởng 14% năm 2023, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cho biết: Tín dụng tăng thấp là do cầu tín dụng.
(HBĐT) - Những năm gần đây, mặt hàng lưu niệm, quà tặng có sức tiêu thụ cao, trong đó có mặt hàng thú nhồi bông. Nhận thấy điều đó, anh Quách Văn Bắc, hội viên nông dân xóm Cuốc, xã Bình Hẻm (Lạc Sơn) đã mạnh dạn tìm tòi, học hỏi xây dựng mô hình sản xuất thú nhồi bông đem lại hiệu quả kinh tế cao.
(HBĐT) - Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã xác định những giải pháp cần thực hiện ngay để thích ứng với quy định không gây mất rừng EU, tránh ảnh hưởng tới xuất khẩu các ngành hàng gỗ, cà phê, cao su sang thị trường EU.
(HBĐT) - Quy hoạch tỉnh Hòa Bình thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 có vai trò quan trọng định hướng không gian phát triển của tỉnh; là cơ sở để quản lý, phân bổ nguồn lực đầu tư, khai thác tốt tiềm năng, lợi thế nhằm thực hiện mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII, phấn đấu đến năm 2030, kinh tế của tỉnh thuộc nhóm dẫn đầu trong vùng trung du và miền núi phía Bắc; đến năm 2050, Hòa Bình trở thành tỉnh phát triển của cả nước.
(HBĐT) - Cách đây 20 năm, Sở Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) tỉnh Hòa Bình được thành lập theo Quyết định số 31/2003/QĐ-UB của UBND tỉnh Hòa Bình trên cơ sở kiện toàn bộ máy tổ chức Sở Địa chính và tiếp nhận bàn giao chức năng quản lý nhà nước về tài nguyên nước, tài nguyên khoáng sản, môi trường từ Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Công nghiệp, Sở Khoa học - Công nghệ và Môi trường.