Những năm qua, kinh tế tập thể (KTTT) mà nòng cốt là các hợp tác xã (HTX) đã từng bước khẳng định vị trí, vai trò quan trọng, tạo nền tảng thúc đẩy quá trình xây dựng nông thôn mới (NTM) trên địa bàn.
Hiệu quả kinh tế tập thể
Tại xã Quyết Chiến (Tân Lạc), từ các tổ hợp tác trồng su su, rau trái vụ bà con đã thành lập HTX Quyết Chiến. Anh Bùi Văn Hoàng, hộ trồng su su ở xã Quyết Chiến cho biết: Thời gian đầu ở xã có ít gia đình trồng su su và tham gia tổ hợp tác. Với khí hậu thuận lợi, bà con chỉ cần trồng 1 lần cho thu hoạch từ 2 - 3 năm, mỗi năm lợi nhuận thu về từ cây su su khoảng 80 - 120 triệu đồng/ha. Do đó ngày càng có nhiều người dân tham gia trồng, tạo tiền đề để tổ hợp tác lớn mạnh hơn và thành lập HTX với hơn 50 thành viên. Ngoài việc hướng tới trồng rau an toàn, HTX Quyết Chiến còn hỗ trợ người dân tiêu thụ sản phẩm, áp dụng khoa học kỹ thuật để trồng rau trái vụ, từ đó mang lại lợi nhuận cao hơn cho người dân.
Tốt nghiệp đại học và có công việc ổn định tại một doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực bảo vệ thực vật ở Hà Nội nhưng năm 2016, anh Nguyễn Trung Kiên, xã Độc Lập (TP Hòa Bình) quyết định trở về quê hương lập nghiệp. Sau 4 năm nghiên cứu thị trường, kết nối tiêu thụ, tháng 11/2020, với sự hỗ trợ của Liên minh HTX tỉnh và cấp ủy, chính quyền địa phương, anh đứng ra thành lập HTX Độc Lập với 10 thành viên. HTX thành lập 2 tổ nhóm nuôi dê, trồng bí xanh với 50 hộ tham gia; thực hiện ký kết bao tiêu bí xanh cho hàng chục hộ dân trên địa bàn, sản lượng 2.000 tấn/ năm. Từ các nguồn lực huy động được, Liên minh HTX tỉnh hỗ trợ tổ nhóm nuôi dê 250 con dê sinh sản.
Là một trong những hộ được nhận hỗ trợ, chị Nguyễn Thị Thu Phương, thôn Sòng, xã Độc Lập cho biết: "Ngay khi là thành viên HTX, gia đình tôi được hỗ trợ 5 con dê sinh sản, đồng thời được hướng dẫn cách chăm sóc, phòng bệnh cho vật nuôi. Mỗi năm 1 dê nái đẻ được 3 dê con. Với giá bán dao động từ 130 - 170 nghìn đồng/kg, việc nuôi dê đã giúp gia đình tôi ổn định cuộc sống”.
Kinh tế tập thể gắn liền với xây dựng nông thôn mới
Trong Bộ tiêu chí xã NTM giai đoạn 2017 - 2020, tiêu chí số 13 về tổ chức sản xuất yêu cầu: Xã có HTX hoạt động hiệu quả và theo đúng quy định của Luật HTX; có mô hình liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm chủ lực đảm bảo bền vững.
Bước sang giai đoạn 2021 - 2025, KTTT và HTX tiếp tục được xác định là yếu tố quan trọng khi tiêu chí số 13 được bổ sung thêm nhiều chỉ tiêu khác, cụ thể như: Thực hiện truy xuất nguồn gốc các sản phẩm chủ lực của xã gắn với xây dựng vùng nguyên liệu và được chứng nhận VietGAP hoặc tương đương; có kế hoạch và triển khai kế hoạch bảo tồn, phát triển làng nghề, làng nghề truyền thống (nếu có) gắn với hạ tầng về bảo vệ môi trường; có tổ khuyến nông cộng đồng hoạt động hiệu quả…
Xác định được tầm quan trọng của các tổ chức KTTT, thời gian qua, tỉnh luôn quan tâm thực hiện có hiệu quả các kế hoạch, chương trình, chính sách hỗ trợ phát triển KTTT. Theo thống kê của Ban Chỉ đạo phát triển KTTT tỉnh, toàn tỉnh hiện có 761 tổ chức KTTT, gồm 549 HTX, 3 quỹ tín dụng nhân dân và 209 tổ hợp tác; trong đó có 639 tổ chức KTTT đang hoạt động ổn định. Các tổ chức KTTT thu hút trên 16 nghìn thành viên. Năm 2023, bình quân doanh thu của 1 HTX ước đạt 1,54 tỷ đồng; 1 quỹ tín dụng nhân dân ước đạt 19,2 tỷ đồng; 1 tổ hợp tác ước đạt 201,5 triệu đồng.
Để KTTT, HTX tiếp tục phát huy vai trò làm điểm tựa, góp sức thực hiện chương trình xây dựng NTM, đồng chí Nguyễn An Định, Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh cho biết: Chúng tôi sẽ tăng cường phối hợp các sở, ngành, đơn vị, địa phương đẩy mạnh tuyên truyền, tư vấn, hỗ trợ để thành lập mới và nâng cao hiệu quả hoạt động của các HTX, đặc biệt là tại các xã chưa đạt chuẩn NTM và NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu. Cùng với đó, tiếp tục vận động, hướng dẫn các địa phương xây dựng mô hình HTX kiểu mới, liên kết sản xuất, kinh doanh, tiêu thụ sản phẩm; tạo điều kiện giúp các HTX tiếp cận được nhiều chính sách hỗ trợ phát triển...
Minh Vũ