Trước đây, nguồn thu nhập của người dân chủ yếu phụ thuộc vào nông nghiệp. Thực hiện Quyết định số 86/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt danh sách các xã vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, 40% số người có thẻ bảo hiểm y tế (BHYT) của xã không được Nhà nước hỗ trợ. Tỷ lệ bao phủ thẻ BHYT còn khoảng 60%. Xã có địa bàn rộng, dân cư sống thưa thớt nên việc huy động làm đường giao thông nông thôn xóm, liên thôn, nội đồng theo tỷ lệ 50 - 50 nhân dân phải đóng góp nhiều. Có xóm phải đóng góp đến 800 triệu đồng, có hộ đóng vài triệu đồng. Việc vận động nhân dân đóng góp tham gia làm đường gặp nhiều khó khăn.
Đồng chí Bùi Văn Thông, Phó Chủ tịch UBND xã Yên Trị cho biết: Đứng trước khó khăn đó, Đảng bộ xã ra các nghị quyết chuyên đề, phổ biến đến từng chi bộ, đảng viên. Tuyên truyền, vận động, huy động nguồn lực hỗ trợ nhân dân tham gia BHYT. Với những hộ khó khăn vận động mua theo hình thức 3 - 6 tháng… Đối với đường giao thông, cấp ủy, chính quyền chỉ đạo thực hiện đồng bộ các tiêu chí, vận dụng lồng ghép các chương trình, dự án cũng như thực hiện tốt các cuộc vận động, phong trào theo phương châm dựa vào nội lực của cộng đồng dân cư là chính, có sự hỗ trợ một phần từ ngân sách nhà nước, đồng thời khuyến khích các thành phần kinh tế cùng tham gia.
Thực hiện tốt công tác tuyên truyền, vận động để người dân hiểu rõ về xây dựng NTM, từ đó nhân dân tự nguyện hiến đất ở, đất nông nghiệp để mở rộng đường giao thông nông thôn, giao thông nội đồng và các công trình phúc lợi của xã; đóng góp tiền của, công lao động, chỉnh trang nhà ở khu dân cư, cải tạo vườn tạp, thực hiện tường rào xanh, ngõ xóm sạch đẹp, văn minh… Vì vậy bộ mặt nông thôn thay đổi rõ rệt, đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân ngày càng được nâng lên. Năm 2021 xã được công nhận đạt chuẩn NTM kiểu mẫu.
Với phương châm xây dựng NTM dựa trên nội lực và tiềm năng của địa phương, xã nhân rộng, phát triển mô hình sản xuất chuyên canh phù hợp, đưa các loại cây trồng có giá trị, năng suất cao vào sản xuất. Hiện xã duy trì ổn định 100 ha chuyên canh cây lạc, xây dựng nhãn hiệu lạc Yên Thuỷ, từng bước xây dựng mã số vùng trồng với 20 ha làm cơ sở để xuất khẩu; vùng chuyên canh cây khoai sọ 20 ha; vùng chuyên canh sản xuất rau xanh 10 ha; duy trì ổn định 20 ha vùng trồng cây có múi đạt tiêu chuẩn VietGAP; ứng dụng một số giống mới thâm canh sản xuất lúa năng suất cao 80 ha và vùng sản xuất cây dược liệu 30 ha.
Năm 2023, thu nhập bình quân của xã đạt 64 triệu đồng/người, hộ nghèo còn 31 hộ, chiếm 1,58%. Chia sẻ những kinh nghiệm trong xây dựng NTM kiểu mẫu, đồng chí Bùi Văn Thông cho biết thêm: Trước hết tăng cường sự lãnh đạo của cấp uỷ Đảng, chính quyền, sự phối hợp chặt chẽ giữa Mặt trận Tổ quốc với các đoàn thể từ xã đến xóm, tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện chủ trương của Đảng, Nhà nước về xây dựng NTM, phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị. Nêu cao tinh thần trách nhiệm người đảng viên, người đứng đầu. Tạo điều kiện để các tổ hợp tác, hợp tác xã hoạt động, tạo liên kết bền vững, ổn định đầu ra cho sản phẩm.
Đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với xây dựng NTM. Khai thác tối đa và sử dụng có hiệu quả các nguồn vốn. Đối với nguồn vốn hỗ trợ trực tiếp từ chương trình NTM thực hiện theo cơ chế trao quyền chủ động cho cộng đồng dân cư, tự bàn bạc, quyết định theo quy định mức hỗ trợ; tăng cường chính sách hỗ trợ kinh phí qua hình thức hỗ trợ vật tư như: hỗ trợ xi măng trong xây dựng đường giao thông, thủy lợi nội đồng, đầu tư phát triển, tạo điều kiện phát huy tính chủ động, tự chủ của cộng đồng dân cư nhằm giảm chi phí, nâng cao hiệu quả sử dụng vốn...
Việt Lâm